Do dân và vì dân: Câu chuyện bên Úc và bên nhà - Dân Làm Báo

Do dân và vì dân: Câu chuyện bên Úc và bên nhà

Gs Nguyễn Văn Tuấn Bà thủ tướng Úc bị một người dân chửi vào mặt là nói láo. Quan chức Bộ Ngoại giao VN không tiếp các nhân sĩ. Một chuyện bên Úc, một chuyện bên nhà. Cả hai câu chuyện đều diễn ra ngày hôm qua. Nhưng cái khác nhau thú vị là hai câu chuyện nói lên phong cách của người gọi là “đầy tớ” của dân.


Bà Julia Gillard là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử ~200 năm dựng nước của Úc. Bà mới 50 tuổi, không giàu có và có lẽ không xinh gái như bà tân thủ tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan, nhưng cả hai người cùng thế hệ và có ăn học đàng hoàng như nhau. Bà Gillard trở thành lãnh đạo Đảng Lao động sau một cuộc tranh giành ảnh hưởng với người tiền nhiệm là Kevin Rudd trong nội bộ đảng. Vài tháng sau trở thành lãnh đạo đảng, bà đắc cử thủ tướng Úc vào tháng 10 năm ngoái. Một yếu tố quyết định sự đắc cử là bà hứa sẽ không có thuế carbon nếu đắc cử.

Theo tôi hiểu (vì tôi cũng chẳng rành carbon tax), với chính sách thuế carbon chính phủ sẽ đánh thuế vào những doanh nghiệp dùng năng lượng chứa carbon vì gây ô nhiễm môi trường. Người ta tính rằng nếu chính sách này thành hiện thực thì mỗi người Úc phải chi ra trung bình 50-100 đôla cho chính phủ, vì giá hàng hóa sẽ tăng. Vì thế, chính sách thuế carbon không được lòng dân. Bà Julia Gillard đắc cử vì bà hứa là sẽ xóa bỏ thuế carbon (địa phương gọi là carbon tax) của người tiền nhiệm Kevin Rudd.

Nhưng khi đắc cử thì bà có vẻ muốn dựng lại chính sách thuế carbon. Mấy tháng nay, Quốc hội bàn cãi nhộn nhịp về chính sách này. Báo chí cũng có xu hướng ủng hộ và chống đối. Phe ủng hộ nói rằng Úc cần đi tiên phong trong việc làm sạch môi trường để đàn anh lớn như Mĩ và Âu châu làm theo. Phe chống thì nói rằng cái đám đàn anh (và cả anh chàng du côn với môi trường như Trung Quốc) nó giàu mà không làm thì hà cớ gì một nước nhỏ bé như Úc lại “làm tàng” chơi nổi? Khách quan mà nói, phe chống đối có vẻ nhiều hơn phe ủng hộ. Cho đến nay, vẫn chưa có gì chính thức, câu chuyện thuế carbon vẫn còn trong vòng tranh luận.

Thể chế dân chủ có cái hay là người dân có tiếng nói và có khi có quyền quyết định. Ngày hôm qua, bà Gillard “vi hành” thăm dân chúng, chắc có lẽ chuẩn bị cho tranh cử sắp tới. Bà chọn một siêu thị ở Brisbane (thành phố phía Bắc nước Úc) để gặp gỡ dân chúng. Bà vui vẻ bắt tay, hỏi han, và chụp hình với người đi chợ. Có một bà trung niên đi chợ đến hỏi bà thủ tướng, và bà này đã được “cận thần” của bà thủ tướng nhắc là nói gì cũng được nhưng đừng hỏi về thuế carbon. Nghe thế, bà trung niên nổi nóng hỏi chính câu đó! Chẳng những hỏi mà bà còn nói thẳng là bà thủ tướng đã nói láo. Nói láo (lie) là từ cực kì nặng nề đối với người Úc. Nói ngay trước mặt bà thủ tướng. Chẳng những nói một lần mà còn lặp lại nhiều lần.  Nguyên văn cuộc trao đổi ngắn như sau:

"Tại sao bà nói láo với chúng tôi?" Bà trung niên hỏi.

"Và tại sao bà tiếp tục nói láo, lại còn nói ‘Tôi đâu có cố tình nói láo’?”

Bà thủ tướng là người có bản lĩnh cao. Trước câu hỏi sốc, bà bình tĩnh, mỉm cười, nói chậm rằng “Tôi có thể giải thích”. Nhưng bà trung niên không thèm nghe giải thích, mà còn thêm một câu sốc khác: "Tôi đã nghe bà nói mấy tháng nay rồi, và tôi đã xem tranh luận trong Quốc hội – và bà vẫn nói láo." Trước khi bỏ đi, bà còn “bồi” thêm một câu: "Bà đâu có mandate!" Chữ mandate ở đây chắc có thể hiểu là chính danh, vì ý bà nói rằng bà Gillard đắc cử là nhờ hứa xóa bỏ thuế carbon, mà nay thì lại muốn quay 180 độ, tức là không có sự ủy nhiệm của người dân. Nhưng một số người khác nhảy vào ủng hộ bà thủ tướng và nói lớn: "Bà ấy có mandate, bà ấy có mandate của chúng tôi".

Cuộc “đụng độ” là một món ăn của giới báo chí Úc vốn đói tin giật gân. Các chuyên gia chính trị bình luận, khen, chê đủ thứ. Các chuyên gia tâm lí và truyền thông khen bà thủ tướng có bản lĩnh cao. Các chuyên gia ăn mặc cũng nhảy vào cho ý kiến. Các giáo sư xã hội học viết bình luận về tính dân chủ. Các bạn có thể xem đoạn video clip trên net để chứng kiến câu chuyện này.

Chuyện bên nhà cũng thú vị không kém, nhưng ở một góc độ khác. Tôi muốn nói đến thái độ của các quan chức ngoại giao dành cho các nhân sĩ yêu cầu Bộ Ngoại giao (BNG) công bố những gì đã được thỏa thuận với phía Trung Quốc qua chuyến đi của ông thứ trưởng Hồ Xuân Sơn. Sau gần 10 ngày im lặng [đáng sợ], BNG ra tín hiệu muốn gặp các nhân sĩ. Tưởng là một tin lành, ai ngờ “nói vậy mà không phải vậy”. Ngày hôm qua khi các nhân sĩ ra ngồi chờ thì quan chức BNG không chịu gặp. Sự việc còn rắc rối hơn khi BNG đề nghị một người trong ban biên giới (chứ không phải ông Hồ Xuân Sơn) ra gặp các nhân sĩ. Có lẽ cảm thấy bị xúc phạm nên các giáo sư như Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, các nhà trí thức Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Thạch, và cả Nguyễn Văn Phương (người đọc bản tuyên ngôn chống nhà cầm quyền Trung Quốc trước Nhà hát lớn hôm Chủ nhật vừa qua) bỏ ra về. Thế là cuộc gặp bất thành. Có thể xem bài tường thuật của GS Nguyễn Huệ Chi (một trong những người kí tên vào bản yêu cầu) để biết thêm chi tiết.

Vive la différence! Người Pháp vẫn nói thế. Không ai giống ai. Không có nước nào giống nước nào. Thái độ của các quan chức ngoại giao VN rất khác với thái độ của bà thủ tướng Úc. Nếu phân tích kĩ thì khác biệt nhiều lắm, nhưng ở đây tôi thấy 2 khác biệt nổi cộm.

Cái khác biệt giữa chính khách Úc và quan chức Việt Nam là khoảng cách giữa họ với người dân. Chính khách Úc rất gần với dân. Điển hình như chuyện bà thủ tướng tôi kể trên, bà ra thẳng chợ tiếp xúc dân, chẳng cần cảnh sát gì bảo vệ (chắc có, nhưng là cảnh sát chìm). Trong khi đó, ở nước ta, các quan chức ngoại giao (hình như bác Ba Sàm nói vui là “ngại giao” tiếp) thì quá xa dân. Từ building BNG đến quán cà phê cột cờ (tôi từng uống cà phê ở đây) thì có xa gì chứ, mà họ không vi hành một chuyến? Còn nói quán cà phê không tiện nói chuyện đại sự thì tôi thấy không thuyết phục mấy, vì bà thủ tướng nói chuyện đại sự trong siêu thị đó. Bác Hồ ngày xưa chẳng soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập trong cái nhà sàn ở Hà Nội là gì. Tại sao lại hình thức hóa như thế? Thật khó hiểu nổi!

Cái khác biệt thứ hai giữa bà thủ tướng và các quan chức ngoại giao VN là thái độ. Khi được hỏi một câu rất sốc, thậm chí còn bị chửi ngay trước mặt, bà thủ tướng vẫn bình tỉnh, điềm đạm, từ tốn trả lời. Bà không ra lệnh cho cảnh sát mời “bà xúc phạm” đó đi chỗ khác. Bà thủ tướng sẵn sàng đối thoại với một người vô danh, và đối thoại ngay tại siêu thị. Bà phân biệt được cảm tính và nội dung. Mặc cho bà xúc phạm bày tỏ cảm tính, bà thủ tướng vẫn ôn tồn trình bày quan điểm của mình. Còn các quan chức ngoại giao “phe ta” thì có vẻ thẹn thùng quá. Họ không thèm gặp các nhân sĩ trí thức lừng danh. Họ chẳng thèm có giấy mời. Với những người lừng danh như thế họ còn xem chẳng ra gì, thì xác suất đối thường dân được tiếp cận với các quan chức ngoại giao chắc gần bằng con số 0.

Có một khác biệt khác nữa mà tôi tạm gọi là tính quân tử. Chính khách Úc hay phương Tây nói chung không hành xử trẻ con kiểu như trả đũa, trả thù. Tôi từng chứng kiến một vài chuyện thú vị. Có lần ông cựu thủ tướng John Howard ghé thăm viện Garvan của tôi, trong số những giáo sư đón tiếp ông, có một ông giáo sư Úc 100% nhưng chống Howard đến cùng vì ông này nói rằng Howard là người kì thị chủng tộc. Howard đến bắt tay từng người, và dĩ nhiên là bắt tay ông giáo sư già khó tính kia. Bắt tay xong, ông giáo sư rút khăn trong túi ra lao tay! (Ý muốn nói rằng ông vì lịch sự phải bắt tay, chứ không muốn vướn bẩn từ một người ông khinh bỉ). Tôi và vài người đứng bên cạnh nên thấy hết. "Cận thần" của ông Howard cũng thấy. Chẳng có vấn đề gì. Viện trưởng tuy không hài lòng mấy, nhưng không dám trách ông giáo sư già. Một lần khác, nhật báo báo Sydney Morning Herald có đăng bài xã luận có tựa đề "Con chó xù của Mĩ" do một cây bỉnh bút số 1 của Úc viết; ông họa sĩ minh họa bài báo bằng một hí hoạ, trong đó ông vẽ thủ tướng Howard như là con chó xù, Tổng thống Bush mặc đồ cao bồi, cưỡi ngựa, mang súng, và có cọng dây kéo con chó xù Howard theo sau (ý nói Úc tham gia chiến tranh Iraq như là một kẻ đầy tớ). Sau này, có phóng viên hỏi Howard nghĩ gì về bức hí hoạ nổi tiếng đó; ông Howard cười tươi nói: Tôi dĩ nhiên là không thích bức hí hoạ đó và bài bình luận đó, nhưng họ làm việc của họ, tôi làm việc của tôi và tôi tin mình làm đúng. Không có chuyện trả thù như hay thấy ở Trung Quốc. Cũng không có chửi qua lại.  Không chê trách gì cả.  Thế mới là quân tử!

Chúng ta hay nghe nói rằng chính quyền Việt Nam là do dân và vì dân. Do dân bầu ra, và phục vụ vì lợi ích của dân. Câu đó hay tuyệt. Khác với Việt Nam, chính phủ của Úc không bao giờ nói ra câu đó. Có lẽ họ nghĩ chứng minh bằng hành động hơn là những lời nói hoa mĩ. Không nói ra, nhưng chính phủ Úc thì rõ ràng là do dân bầu ra. Và, trong thực tế họ rõ ràng là hành động vì lợi ích quốc gia. Tôi nghĩ nếu Nhà nước / chính phủ mình thực hành câu châm ngôn vì dân (chưa nói đến do dân) thì 90 triệu người Việt Nam sẽ hạnh phúc lắm, và Trung Quốc chắc gì dám bắt nạt chúng ta. Mà, muốn chứng minh tính vì dân thì trước hết hãy gần dân. Cụ thể hơn và thiết thực hơn là hãy trả lời những câu hỏi của các vị nhân sĩ.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo