Đỗ Thị Minh Hạnh: Anh thư nước Việt. - Dân Làm Báo

Đỗ Thị Minh Hạnh: Anh thư nước Việt.

Nguyễn Bắc Truyển (Danlambao) - Thời thế tạo Anh hùng hay Anh hùng tạo thời thế.  

Khoảng giữa năm 2006, qua những người bạn có cùng sở thích đi du lịch, tôi được biết một bạn gái trẻ, phải nói là rất trẻ, cô gái này cũng thích được đi khắp nơi để chiêm ngưỡng non sơn gấm vóc vẽ đẹp hùng vỹ của Việt Nam. Cô là một sinh viên, tuổi còn ăn học nên khi thấy tôi và các bạn ngao du sơn thủy vào dịp cuối tuần, cô rất là hâm mộ, nhưng chuyện học hành đã không cho phép cô du hành cùng với chúng tôi.

Một ngày, cô đến thăm tôi tại văn phòng làm việc, tôi cho cô xem những hình ảnh mà tôi chụp được trong những chuyến đi, cô rất thích. Lần thứ hai, cô đến gặp tôi để hỏi kinh nghiệm về chuyện học trong nhà trường và thực tế trong cuộc sống. Trong lúc trò chuyện tôi cảm nhận cô gái này suy nghĩ già hơn cái tuổi đôi mươi của cô. Cô nói về ước mơ, về xã hội và cả lĩnh vực cấm kỵ lúc đó là chính trị. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của cô dành cho đất nước và người dân Việt, đặc biệt là người nông dân. Như có bạn đồng hành, tôi và cô nói chuyện từ trưa cho đến lúc chia tay cũng hơn 7 giờ tối, tôi mời cô đi ăn tối nhưng cô từ chối vì đã có hẹn với bạn. Từ đó, tôi không còn dịp gặp lại cô.

Tháng 5/2010, tôi rời phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc về nhà. Sau 3 năm 6 tháng tù, cái tin Chương Hùng Hạnh bị bắt lọt thỏm trong đống tin tức phải đọc. Như được sự sắp đặt, tôi chọn sự quan tâm đến các tù nhân chính trị vì một lý do đơn giản là vì mình đã từng ngồi tù. Tôi đọc lại các tin tức về tù nhân trên mạng truyền thông, tìm hiểu từng người xem mình có thể làm gì để giúp đỡ họ và gia đình. Và tôi đọc về Minh Hạnh, tôi không ngờ Minh Hạnh chính là cô gái trẻ năm xưa tôi đã từng biết. Tôi muốn bật ra khỏi ghế khi thấy hình Minh Hạnh trên Google. Bây giờ tôi mới hiểu: tại sao cô gái trẻ lại có suy nghĩ chính chắn và tâm hồn nhiệt huyết như vậy. Bằng tuổi như cô, tôi chỉ là một kẻ khù khờ, non nớt còn tin vào những điều hoang tưởng của một học thuyết mà ngày nay nhiều nước đã quăng vào sọt rác. Tôi đem chuyện này tâm sự với các bậc trượng thượng, có bậc chân tu nói: "cô ấy đã được chọn". Tôi nhớ lại, khi Mẹ tôi vào thăm, có nói một cô gái điện thoại đến nhà hỏi thăm, an ủi và động viên Mẹ tôi, tên là Hạnh, thật sự lúc đó tôi không nghĩ là Minh Hạnh.

Tôi muốn viết gì đó về Minh Hạnh, nhưng sợ rằng sẽ nguy hiểm cho Minh Hạnh vì còn đang trong giai đoạn điều tra. Sự liên quan đến tôi sẽ bất lợi cho Minh Hạnh, mặc dù tôi và Minh Hạnh biết nhau vì sở thích du lịch. Gần đây, một người tù đã liên hệ với tôi và cho tôi biết tin về Minh Hạnh. Người bạn tù cho biết, Minh Hạnh rất gầy, người đầy thương tích, lằn vết, chứng tích của sự ngược đãi. Nhưng tinh thần của Minh Hạnh thì rất tốt. Cô không hề nao núng trước những dọa nạt của bất kỳ thế lực nào, cô thương những bạn tù của mình, san sẻ tất cả những gì mình có cho bạn tù, ngay cả những người có trách nhiệm quan sát cô. Minh Hạnh đã lấy tình thương để cảm hóa con người. Tôi nhớ Minh Hạnh dáng người gầy, bây giờ chắc hẳn cô còn gầy hơn. Điều gì đã làm nên con người bản lĩnh từ một cô gái dịu dàng, nữ tính như Minh Hạnh?

Minh Hạnh chuyển đến phân trại 6 (phân trại này mới xây dựng và nằm sâu trong rừng) của trại giam Xuân Lộc vào tháng 5/2011, cô thường xuyên bị kêu đi làm việc. Những lời đối đáp của cô đã làm những người quản lý trại giam chắc phải khó xử lắm. Cô nói: :"Cán bộ không có người thân bị mất đất, nên cán bộ không hiểu được những nỗi lòng người dân oan bị mất đất", "Cán bộ không làm công nhân thì làm sao hiểu được nỗi khổ sở nhục nhã khi bị chửi mắng, đày đọa, bóc lột của người chủ", "Mất từng mãnh đất Việt Nam, tôi như mất từng miếng thịt da của mình"... Mẹ của Minh Hạnh cũng được trại giam mời đến để yêu cầu "hợp tác" trong việc "khuyên nhủ" Minh Hạnh chấp hành tốt để được khoan hồng. Nhưng cô nói thẳng: "tôi không xin khoan hồng". Kiểm điểm 3 tháng một lần, Minh Hạnh viết: "Tôi không có tội", ngắn gọn nhưng chắc có người "mệt" lắm, vì đối với họ: ai vào tù cũng là có tội.  

Có lẽ tôi phải gặp Mẹ của Minh Hạnh, để an ủi, động viên như Minh Hạnh đã từng làm với Mẹ tôi và tôi sẽ nói : "chị có người con gái rất đáng tự hào, một Anh thư nước Việt".  Minh Hạnh có thể chọn cho mình một cuộc sống nhẹ nhàng, an phận như bao người con gái khác, nhưng không chấp nhận sự ích kỷ đó, Minh Hạnh đã dấn thân vào con đường đầy chông gai để em ngày càng trưởng thành hơn, xác quyết hơn những gì em đã suy nghĩ, ưu tư và chọn lựa. Cô gái trẻ, 25 tuổi đã chấp nhận thanh thản với bản án 7 năm tù cho sự thể hiện lòng yêu nước của mình. Thời thế đã cho ta một anh hùng.

Có lẽ lâu lắm tôi mới có dịp gặp lại Minh Hạnh. Nhưng tôi tin rằng dù ở một góc tối nào đó, tôi thấy em nở nụ cười qua đôi mắt, em vẫn giữ niềm tin đất nước, dân tộc Việt Nam sẽ sáng lên trong một ngày gần đây. Niềm tin đó đã cho em một bản lĩnh phi thường, mạnh mẽ khi "dạo chơi" qua hàng loạt nhà tù. Tôi ước gì có thể tặng em một cành hoa lài, để hương thơm lan tỏa khắp nơi trong chốn ngục tù.

Sài gòn, 15/7/2011

Viết tặng Minh Hạnh nhân dịp Minh Hạnh được Tổ chức nhân quyền Việt Nam tại Oregon vinh danh (Đại hội liên mạng Kỳ 2, Vancouver, Canada). 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo