Liên quan đến chị Tạ Phong Tần : CA đã bắt người, khám nhà trái pháp luật - Dân Làm Báo

Liên quan đến chị Tạ Phong Tần : CA đã bắt người, khám nhà trái pháp luật

VRNs (10.09.2011) – Sài Gòn – Không chấp nhận sự hành sử ngang ngược thô bạo, xâm phạm tài sản cá nhân qua việc vị phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của cơ quan an ninh điều tra thành phố HCM, và các đơn vị công an thuộc cấp, tại nhà 84D, Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, Sài Gòn. Chị Dương thị Tân chủ nhà đã lên án như thế khi gặp Phóng viên VRNs.

Sáng ngày 05.09.2011 tại địa điểm này, nơi chị Tạ Phong Tần đã tạm trú nhiều năm qua, sau khi chị Tạ Phong Tần bị bắt giải đi, cơ quan an ninh và công an Phường 8 quận 3, đã lục tung mọi nơi trong căn nhà sau đó tự ý niêm phong toàn bộ căn nhà cho dù không có mặt chủ sở hữu hợp pháp của nhà là chị Tân.

Bức xúc và không đồng tình với cách hành sử trái pháp luật này. Ngày 08.10.2011 chị Tân và con trai Nguyễn Trí Dũng là vợ và con trai Blogger Điếu Cày đã quyết định tháo niêm phong căn phòng chị Tần để thu dọn sau 33 ngày kể từ ngày chị Tần bị bắt.

Gia đình chị Dương Thị Tân tháo niêm phong

Căn phòng rộng khoảng 16 mét vuông được mở cửa sau 33 ngày bị niêm phong trái phép, nhìn mọi thứ trong phòng bề bộn mọi thứ bị lục tung. Chị Tân cho biết: thảm trong phòng bị lật lên, tất cả mọi ngóc ngách từ kệ sách đến những thùng giấy, từ tủ quần áo đến ngăn kho chứa đồ không dùng đến. Cầm đến cuốn Kinh Thánh chị Tân nói tiếp: “Cô Tần có dặn khi có chuyện gì xảy ra với em, chị nhớ lật phía sau tấm bìa nhựa cuốn Kinh Thánh này thì sẽ thấy tiền em cất ở đó, nhưng có còn gì đâu vì họ đã lục mất rồi”.



Cũng theo chị Tân, hiện sức khỏe của chị Tần cũng rất kém hay đau bệnh, hai ngày trước khi bị bắt chị Tần phải đi khám bệnh nên trên bàn có toa thuốc cùng thuốc: “Không biết lúc này trong trại giam sức khỏe của cô ấy ra sao tôi rất lo lắng”.


Bộ luật hình sự của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định về việc khám xét nhà trong chương XII, điều 143, điều 145 như sau:

Điều 143, khoản 2 : Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

Điều 145 : Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét

Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.

Căn cứ vào các điều khoản trên việc cơ quan an ninh điều tra và công an phường 8, quận 3, Sài Gòn đã tự ý niêm phong toàn bộ nhà 84D, khi không có mặt của chị Dương Thị Tân, chủ sở hữu hợp pháp là hành vị phạm pháp đặc biệt nghiêm trọng.

Được biết trước khi chị Tạ Phong Tần bị bắt chị bị công an phường 8, quận 3, Sài Gòn sách nhiễu bắt bớ rất nhiều lần. Đỉnh điểm việc bắt bớ diễn ra trong thời gian các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam. Chi Tần bị công an bắt bớ ngăn không cho ra khỏi nhà khi đi tham dự Thánh lễ Chúa nhật hang tuần. Việc bị sách nhiễu, bắt bớ này đã được chính chị Tạ Phong Tần đã viết thư gửi đến các Toà đại sứ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu kêu cứu vì bị nhà chức trách Việt Nam sách nhiễu.


Ngày 14.09.2011 vừa qua, Human Rights Watch công bố chị Tạ Phong Tần là một trong tám người Việt Nam được tổ chức này trao giải thưởng uy tín, danh giá cho những người viết lách có lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị trên thế giới năm 2011.

Việc bắt người tùy tiện không tuân thủ trình tự pháp luật mà bằng hình thức “bắt nguội”. Cách hành sử như khủng bố của xã hội đen do cơ quan an công an thực hiện trong thời gian qua, rõ rang hơn là cách công an bắt 15 Thanh niên Công giáo đã dấy luồng dư luận lo ngại của mọi tầng lớp nhân dân lên cao. Nếu cứ để việc này xảy ra thì đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm, vì khi bị bắt như thế nhân dân sẽ không thể nhận ra đâu là xã hội đen, đâu là cơ quan công an.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo