Một sự lộng quyền - Dân Làm Báo

Một sự lộng quyền

Văn Dũng (danlambao) Ngày 15-11-2011 báo SGGP, báo Tuổi Trẻ và nhiều báo khác đăng tin: “Nhiều lãnh đạo HDBank mất chức vì “vi phạm trần lãi suất, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà Nước, cụ thể như sau:

Tại hội sở HDBank 

- HDBank phải cách chức Phó Tổng Giám Đốc và buộc thôi việc đối với ông Đàm Thế Thái. 

- Cách chức và buộc thôi việc đối với bà Trần Thu Hương, Trưởng phòng khách hàng cá nhân. 

- Cách chức và buộc thôi việc bà Vũ Anh Thư, Trưởng bộ phận phi tín dụng thuộc Phòng Tiệp thị và phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân. 

Tại HDBank chi nhánh Tân Bình 

- Thống Đốc Ngân hàng Nhà Nước yêu cầu miễn nhiệm Giám Đốc đối với ông Tôn Cẩm Thành. 

- Cách chức và buộc thôi việc đối với ông Trần Văn Hiển. 

- Cách chức và buộc thôi việc bà Võ Thị Niêu, Phó phòng kế toán. 

- Buộc thôi việc đối với 5 cán bộ liên quan khác. 

Tại HDBank chi nhánh Vạn Hạnh 

- Yêu cầu miễn nhiệm Giám Đốc đối với ông Nguyễn Lôi Vũ. 

- Cách chức và buộc thôi việc đối với bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng giao dịch Lê Văn Sỹ. 

- Cách chức và buộc thôi việc bà Phạm Ngọc Hạnh, Kiểm soát viên phòng giao dịch Lê Văn Sỹ. 

Tại HDBank chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu 

- Yêu cầu cảnh cáo và chuyển công tác Giám Đốc Nguyễn Văn Hiệu. 

- Cách chức bà Lê Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kế toán. 

- Cách chức bà Huỳnh Kim Phụng, Kiểm soát viên. 

Tổng cộng 17 người. 

Ngoài ra Ngân hàng Nhà Nước còn yêu cầu HDBank ngừng mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc trong thời hạn một năm kể từ ngày 20-11-2011. Ngân hàng Nhà Nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của HDBank không quá 10%. 


Nhiều người băn khoăn, không biết HDBank phạm tội gì mà bị trừng phạt nặng nề đến thế? Xin thưa, tội nhỏ như con thỏ, đó là vi phạm vượt trần lãi suất bằng cách “chi hoa hồng cho người môi giới” để người này giới thiệu khách hàng đến gửi tiền vào Ngân hàng. 

Đọc tin này, chúng ta không khỏi thắc mắc, băn khoăn. 

1. Lỗi này trước hết là do Ngân hàng Nhà Nước gây ra. Ai cũng biết hiện nay lạm phát trên 20%, mà Ngân hàng Nhà Nước buộc giữ trần lãi suất 14%, như vậy người gửi tiền lỗ đến 6-7% nên ít người gửi, phần đông rút tiền ra mua vàng hay đô la để bảo toàn vốn. Các ngân hàng cổ phần phải vất vả xoay xở trăm chiều, chạy đôn chạy đáo để tìm người gửi tiền, nếu không, Ngân hàng sẽ lỗ và đi đến phá sản. Vậy mà Ngân hàng Nhà Nước cứ luôn luôn rêu rao rằng bao giờ cũng dành cho người gửi tiền lãi dương, chứ không phải âm. Vậy lỗ 6-7% là dương hay âm? Ngân hàng Nhà Nước chỉ thấy cái lỗi của người khác mà không thấy cái lỗi của mình. 

2. Sự vi phạm này xảy ra tại Hội sở và nhiều chi nhánh của HDBank, như vậy đây là chủ trương chung của Ban Tổng Giám Đốc chứ không phải do ý kiến riêng của một chi nhánh hay cá nhân nào. Như vậy chỉ cần phạt Ban Tổng Giám đốc là đủ, cấp dưới hoàn toàn vô can. Vậy sao Ngân hàng Nhà Nước không dám động đến Tổng Giám Đốc HDBank mà chỉ sờ đến từ Phó Tổng Giám Đốc đến nhân viên thường? 

3. Một cái lỗi nhẹ như vậy, lẽ ra chỉ cần nhắc nhở và yêu cầu chấm dứt là đủ, sao lại đòi cách chức một lúc đến 17 người, mà không phải lỗi của họ, họ chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên. Giả dụ Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước là nhân viên Ngân hàng cổ phần thì ông có dám cưỡng lại lệnh của Tổng Giám Đốc hay không? Điều sơ đẳng như vậy mà sao ông không thấy? Sao ông không nghĩ đến nỗi khó khăn của gia đình họ khi họ bị thất nghiệp bất thình lình? Thật là quá nhẫn tâm! 

4. Trong vụ này, có vẻ Thống Đốc Ngân hàng Nhà Nước đã lộng quyền. Cách chức 17 người! Ai cho ông cái quyền to như vậy? Ông nên nhớ rằng cơ quan nào tuyển dụng và trả lương cho nhân viên thì chỉ cơ quan ấy mới có quyền cách chức. Ông Thống Đốc có bỏ đồng xu nào góp vốn vào Ngân hàng HDBank không mà đòi cách chức người ta? 

Sau hết, chúng tôi muốn nói riêng với ngân hàng HDBank rằng chúng tôi đứng về phía quí ông. Chúng tôi rất thông cảm với nỗi khó khăn mà các ngân hàng cổ phần gặp phải trong lúc này. Việc quí ông làm là vạn bất đắc dĩ để ngân hàng có thể đứng vững trong khi nền kinh tế tài chính của nước ta ngày càng bết bát. 

Chúng tôi cũng muốn nhắc quí ông rằng đây chỉ là lời yêu cầu của Ngân hàng Nhà Nước thôi, chứ không phải là lệnh. Mà đã là yêu cầu thì quí ông có quyền nghe theo hoặc là không. Trong cái thế chẳng đặng đừng thì chúng tôi đề nghị quí ông thuyên chuyển những người có tên trên đây qua chi nhánh khác chứ đừng sa thải ai cả vì họ không có lỗi và cần phải nghĩ đến cuộc sống của gia đình họ. 

Chúc quí ông thành công trong sự nghiệp. 

Một nhà báo 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo