Những người phụ nữ áo đen - Dân Làm Báo

Những người phụ nữ áo đen


Sáng đầu tuần, nhận được một lá thư chia sẻ của một chị bạn trên blog sau khi đọc bài Tâm sự của Trịnh Kim Tiến và Nguyễn Thị Thanh TuyềnEm Như Quỳnh quý mến. Chị gửi em bài viết đầy đủ (với footnotes ). Thăm em. Chúc em khoẻ. Chị lạ (nhưng không phải gốc Tàu đâu nhá).

Xin phép được chia sẻ bài viết với bạn bè mình dưới đây:

*

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ÁO ĐEN (*)

Như nhiều người bạn khác, khi chuyền nhau bài viết rất cảm động Hà Nội một sáng đầu đông của Trần Sơn (Danlambao) ngày 18/11//2011, chúng tôi rất xúc động và riêng tôi muốn bày tỏ cảm tình ngay đối với những người đàn bà ngoại hạng bà Lượm và các cô Kim Tiến, Thanh Tuyền, chị Nga; nhưng bị chậm trễ (vì phải theo dõi một vụ "quần chúng tự phát" xảy ra tại Paris mà nạn nhân là người quen )

Trần Sơn kêu lên trước khi kết luận "sao có những cảnh cùng cực đến thế.!"

Có lẽ những giọt nước mắt rưng rưng độc giả cũng đều nói như thế nhưng chỉ một vài giây sau là hy vọng và hãnh diện ngùn ngụt bốc lên trong tim tôi.

Thật vậy:

Quả là một cảnh cùng cực: giữa đường phố đông người qua lại, chỉ có ba phụ nữ đi tìm công lý, và một người mẹ trẻ đồng tình bồng con theo sau ủng hộ. Chỉ mang theo 3 bức ảnh người quá cố và bốn gương mặt nghiêm trang buồn bã .Không biểu ngữ, không loa. Cô đơn, lẻ loi đến thế là cùng khi tôi ngồi lại tính sổ, chỉ trong một năm 2010, những tình cảnh người bị bức hại oan ức như thế này không ít; vợ, chồng, con cái, anh chị em, thân nhân, bạn bè họ đang ở đâu, chưa nói đến những người con cháu Lục Vân Tiên, dọc đuờng thấy cảnh bất bình chẳng tha?

Quả là một cảnh cùng cực: công lý ở đâu mà đến nỗi phải đi tìm ? Cùng cực đến mức độ mỉa mai khi họ đứng dưới bảng hiệu quảng cáo có lẽ to nhất Việt Nam “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ,văn minh”(chép của TS). Và khi những cánh cửa đưa tới chỗ ở của công lý (bộ Công An, Toà Án nhân dân, phòng Tiếp dân của Viện Kiểm Sát nhân dân) lại đóng kín?!

Quả là một cảnh cùng cực khi người ta nhớ lại hình ảnh những người dân oan đứng ngồi la liệt trên lề đường hay vật vả kêu la, từ mấy chục năm nay, có kết quả nào không? Những người chết có được phục hồi danh dự ? Những đất đai, của cải đã về đâu? Cả những vị sư sãi, ngồi dàn giữa đường phố hay tự thiêu trong khuôn viên nhà chùa, những linh mục chết trong tù cải tạo, có khiến các ngài được tự do, và đất chùa chiền, đất giáo đường không bị lấn chiếm? Những kẻ bị tù đày vì bênh vực cho công nhân, vì đòi hỏi tự do, dân chủ?

Quả là một cảnh cùng cực, tuyệt vọng khi người ta nhớ lại rằng mình đã thấy đã đọc đã nghe từ những năm thời trước 1945 đến nay biết bao chuyện oan ức tày trời, biết bao thư kêu oan, biết bao quyển hồi ký... của dân đen, của đối thủ, địch thủ và của cả đồng chí? Người ta đã nghe thấy đủ mọi bất công và oan ức, như một chuyện dài vô tận mà công lý thì như một thứ báu vật không hề có thật. Như một thứ quà quý giá mang tính chọn lọc dành riêng cho những người may mắn hoặc "thức thời" hoặc theo cơ hội chủ nghĩa, như một thứ ân sủng huyền bí / lý tưởng cao ngạo ngông cuồng, ta càng tìm, nó càng xa chạy cao bay.

Nhưng xin được nhắc lại lần nữa: sau phút giây bàng hoàng thương cảm là sự thán phục, ngưỡng mộ, hy vọng và hãnh diện.

Không hy vọng và hãnh diện sao được khi trong cả đống Trần Ích Tắc khấu đầu/thờ giặc, những Lê Chiêu Thống rước voi/cõng rắn…(chép của blogger ĐTL) chúng ta vẫn còn những con cháu hai Bà Trưng can đảm, kiên trì.

Chúng ta có những người phụ nữ can đảm là mẹ, vợ, con dám đi (biểu tình) đòi hỏi công lý cho người thân. Đi (biểu tình) đòi hỏi quyền làm người là biểu hiện tính văn minh (vẫn chép của blogger ĐTL) chứ nghe lời xúi biểu hay theo hợp đồng (trả công bằng phong bì) để "tự phát" chống biểu tình thì đích thị là biểu hiện tính cách vô minh.

Không hãnh diện sao được, vì như nhiều người, tôi lập tức nghĩ đến những "Bà mẹ ở Quảng trường Tháng Năm" ở nước Á Căn Đình (Mothers of the May Square/ Las Madres de la plaza de Mayo, Argentina – Nam Mỹ).

Cách đây khoảng 34 năm, tại thủ đô Buenos Aires, vào ngày 30 tháng tư năm 1977, là lần đầu tiên 14 bà mẹ mất con hẹn nhau đến Quảng trường Tháng Năm. Họ quen nhau qua những ngày tháng hớt hãi, lo âu, tuyệt vọng tìm con mình khắp nơi mà vô vọng. Quảng trường Mayo nằm đối diện với dinh (tổng thống) màu hồng La Casa Rosada, các bà muốn vào dinh gặp nhà độc tài J.R Videla. để hỏi tin tức con mình. Con các bà bị mất tích từ ngày tướng Videla, tham mưu trưởng quân đội, lên nắm chính quyền tại Argentina sau khi đảo chánh Isabel Peron (tháng 3/1976).

Các bà mặc quần áo đen, đầu chít ô khăn trắng (là những mảnh tả quấn trẻ sơ sinh) trên khăn ghi tên con và theo (thiết quân) luật (chống biểu tình ?để tránh phá trật tự công cộng và không làm ồn đường phố?) họ im lặng nắm tay nhau đi từng đôi một. Bởi vì ngay lúc đó các bà ngỡ rằng Videla không hay biết chuyện các con họ bị mất tích Không được vào dinh, lại bị công an đuổi đi, họ đành lặng lẽ đi vòng vòng quảng trường.

Khi đó các bà chưa biết rằng chính nhóm lãnh đạo đã chủ trương bí mật bắt và thủ tiêu tất cả những người chống đối, tình nghi theo cộng sản (hay bị nghi ngờ là chống đối hoặc theo cộng sản). Ba người trong nhóm 14 bà thành lập Hội những bà mẹ quảng trường Tháng Năm này sẽ bị bắt và thủ tiêu ngay sau đó. Người ta tìm ra xác bà Azucena Villaflor De Vincenti năm 2006. Chính bà đã nói với các bạn "nếu cứ làm như thế chúng ta sẽ chẳng được gì. Ai cũng nói dối chúng ta. Mọi cánh cửa đều đóng lại. Chúng ta phải ra khỏi vòng địa ngục này, chúng ta cùng ra Quảng trường và cứ đi mãi cho đến khi nào có được câu trả lời. Cho đến khi chúng ta lên đến100, 200, đến con số 1000 bà mẹ, cho đến lúc không còn ai có thể giả vờ không biết chuyện.

Các bà tiếp tục đi biểu tình quanh Quảng trường đòi con. Chính quyền độc tài càng đàn áp, số ngượi bị mất tích càng đông thì số bà mẹ đòi con cũng tăng dần. Đến năm 1981, có khoảng 70 bà đòi chồng đòi con, giữa vài trăm công an sắc phục dùi cui. Từ năm này các bà đều đặn đi quanh Quảng trường mỗi ngày thứ năm nửa giờ và mỗi năm có một ngày đi suốt 24 giờ.

Mỗi lúc phong trào càng lớn mạnh, mỗi lần có bà bị công an bắt là những người còn lại chạy đi cầu cứu nơi sứ quán các nước ở gần đấy để được giúp đỡ và tiếp tế. Năm 1978, đài truyền hình Thụy Điển đã trực tiếp truyền hình cuộc biểu tình của các bà. Kể từ đó, các sứ quán, các đài truyền thanh truyền hình thế giới luôn luôn nhắc đến họ.

"Sự can thiệp bên ngoài vào nội bộ một nước có chủ quyền để làm thay đổi thể chế chính trị..;" quả là có hiệu quả đáng kể, có lẽ dân Argentina tiến bộ, có quá khứ dân chủ nên thể chế độc tài Videla chỉ kéo dài được 7 năm.

Khi chế độ độc tài bị lật đổ, cả nước Argentina cũng như thế giới khám phá ra rằng hơn 30 000 người bị mất tích trong khoảng thời gian 7 năm này (từ 1976 đến 1983). Ngoài ra có 15000 người bị xử bắn, 9000 tù nhân chính trị.

Nhóm quân nhân do Videla lãnh đạo lấy lý do vì "an ninh quốc gia" đã bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu những người bị tình nghi, đa số là thường dân, sinh viên, trí thức, linh mục hay đại diện công nhân trong các công đoàn.

Các bà mẹ Argentina vẫn tiếp tục đi vòng quanh Quảng trường Mayo cho đến năm 2006, 40 bà mẹ còn sống sót đã đi vòng 24 giờ cuối cùng, vì khi đó chính phủ Argentina của Kirchner không áp dụng "luật bỏ qua" (tạm dịch chữ prescription) cho các tội lỗi ngày xưa của đám tướng lãnh.

Thật vậy, từ 1983 tuy chế độ độc tài quân phiệt không còn nữa nhưng các vụ án cứ kéo dài. Năm 1985 Videla bị xử án chung thân như vài năm sau lại được (Carlos Menem) ân xá vì các luật đặc biệt khoan hồng vì các đương sự tuân "theo lệnh trên" và vì những lời kêu gọi "hãy quên đi và tha thứ" cho đất nước được hoà bình. Nhưng Các bà nói rằng "Hoà bình không thể tới khi chưa có Công Lý và Sự Thật".

Năm 2010 Videla bị y án tù chung thân nhưng còn rất nhiều người vẫn chưa bị pháp luật trừng trị. Nhờ thử nghiệm DNA, hơn 80 trong số mấy trăm đứa trẻ xưa kia là con của những người bị mất tích, được những tên sĩ quan quân nhân phạm, tòng phạm hay đồng loã gần xa bắt mang về nuôi hay giao cho người khác nuôi ! Cũng nhờ thử nghiệm này gia đình thân nhân kẻ mất tích tìm ra thân nhân, nhưng chỉ 800 xác được tìm thấy trong khi có 30 000 người mất tích.

Phải chăng vì là những người có đạo (Thiên chúa) thuần thành (?!), các quân nhân này đã không thủ tiêu các trẻ nhỏ ? Hay chỉ là một cách diệt trừ hậu hoạn quỷ quái/ mua chuộc tội lỗi một cách bệnh hoạn? Một chút an ủi cho một số nạn nhân hay một màn đầu để kéo dài thảm kịch: những đứa con xử sự ra sao khi biết cha mẹ ruột đã bị cha mẹ nuôi trực tiếp hay gián tiếp hãm hại ?

Tóm lại Argentina trở lại với truyền thống dân chủ nhờ hoạt động của các nhà trí thức và cơ quan truyền thông ngoại quốc khiến dân trong nước và thế giới xúc động và bất bình khi được thông tin về những hành động tàn ác của thể chế độc tài. Lương tâm con người khiến số đông ủng hộ mạnh mẽ và hết lòng giúp đỡ các bà mẹ trong việc đòi hỏi công lý, đưa đến sự sụp đổ thể chế độc tài.

Ngày nay Hội những bà mẹ Quảng trường Mayo vẫn còn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực giáo dục và nhân quyền và tinh thần Hội được tiếp tục tại nam Mỹ cũng như nơi khác trên thế giới qua vài tổ chức. Các tổ chức này tìm giúp nạn nhân, những bà mẹ bà vợ, những kẻ như các bà mẹ xứ Argentina ngày đó, đi tìm công lý, đòi hỏi quyền sống.

Các bà Mẹ Argentina bị kẻ đương thời gọi là "mấy bà điên" vì đã dám cả gan đòi hỏi công lý trong khi bạo lực khủng bố ngự trị trên đất nước Argentina.

Adolfo Perez Esquivel, giải Nobel hoà bình năm 1980 gọi là các bà mẹ can đảm, "vì nhờ vào lòng kiên quyết, nhờ sức mạnh tinh thần, các bà thành công, đạt được cái mục đích mà không đảng phái hay chính trị gia, phong trào nào làm được."

Sức mạnh tinh thần và lòng kiên quyết thật tuyệt vời khi chúng ta biết trong số các bà mẹ "điên" có người chưa học hết tiểu học, khi chúng ta biết về tình hình chính trị của nam Mỹ vào thời điểm đó: cả vùng là nạn nhân lớn của cuộc chiến tranh lạnh; như Việt Nam, Argentina có lẽ chỉ thua Việt Nam về con số nạn nhân và con số các bà mẹ anh hùng.

Hiện nay tại Argentina, mỗi thứ năm nơi quảng trường Mayo, vẫn có 30 phút tuần hành để tưởng nhớ và duy trì tinh thần các bà Mẹ cừ khôi này, tinh thần và quyết tâm bảo vệ các nguyên tắc đạo đức luân lý không ngừng bị chà đạp vì bọn tham nhũng và những kẻ khao khát quyền uy cho dù chúng theo cộng sản hay chống cộng sản.

Cám ơn những người can đảm "của sáng đầu đông Hà Nội" ảm đạm tang tóc, đã đem hãnh diện và hy vọng cho chúng tôi, cầu mong mẹ, các chị Những phụ nữ của Quảng trường Cung Hữu Nghị tìm ra công lý, để các oan hồn được siêu thăng và biết đâu có khi mẹ và các chị lại khởi đầu phong trào đem lại nụ cười/mùa xuân cho đất nước. 

(*) Tựa bài do mN đặt lại





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo