Ùn tắc - Dân Làm Báo

Ùn tắc

Vũ Văn Thái (bạn đọc Danlambao) Muốn giải quyết triệt để ùn tắc trong giao thông trước hết phải giải quyết cho được sự ùn tắc trong tư duy của mỗi chúng ta.

"Tâm bão" giao thông đang đốt nóng nghị trường và dư luận. Trong 3 khoá Quốc hội gần đây đã có trên 150.000 người chết và mấy trăm nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông kéo theo những hệ lụy hết sức nặng nề cho toàn xã hội làm méo mó hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu đúng như nhận định của Phó chủ nhiệm uỷ ban tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga: "Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông đã trở nên quá nghiêm trọng, hậu quả đã tương đương với tiêu chí cần phải ban hành tình trạng khẩn cấp".

Ấy vậy mà đâu đó vẫn có những tiếng nói rất lạ như ý kiến của ông Chu Sơn Hà (ảnh trái) đại biểu QH thành phố Hà Nội trong bài: "Đừng biến người dân thành "chuột bạch" cho chính sách" (bài này chẳng hiểu sao vừa đăng 31/10/2011 trên Bee.net. Nay đã biến mất tiêu). Chắc là những con: "chuột bạch" ở đây đã đâm phải những biển phân làn cắm giữa đường (của sở GTVT Hà Nội) đến sứt đầu mẻ trán. Đặc biệt sau khi thay cột mới họ lại còn đặt những tảng bê tông to tổ bố với những góc cạnh rất sắc đằng trước nhằm bảo vệ những cái cột chứ người ta không hề nghĩ đến việc bảo vệ con người. 

Những "sáng kiến" kiểu này mới đích thực biến người dân thành "chuột bạch" cho những thí nghiệm tai hại. Còn việc điều chỉnh giờ làm, giờ học sao cho hợp lý khoa học là một trong những giải pháp tổng thể theo tinh thần nghị quyết 16 có từ 2008 về giảm thiểu ùn tắc giao thông. Những sáng kiến này nhằm giảm lưu lượng giao thông tăng đột biến trong giờ cao điểm, và đã được áp dụng có kết quả tại nhiều nơi trên thế giới. Chỉ tiếc rằng ở ta đến nay đã được 4 năm có lẻ kể từ khi có nghị quyết 16 nó vẫn chưa được triển khai. Phải chăng đó mới chính là những nút ùn tắc tư duy cần tháo gỡ?. Tất nhiên trước khi quyết định việc gì cũng cần suy xét sao cho thấu tình đạt lý nhằm hạn chế những sáo trộn không đáng có cho xã hội, nhưng một việc cỏn con như vậy mà để kéo dài đến thế là không thể chấp nhận.

Ông Sơn Hà còn khoe đã đi rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đều thấy ùn tắc kinh khủng và hồn nhiên kết luận đấy là căn bệnh của thế giới, hiện chưa có phương cứu chữa: "Không chỉ riêng thủ đô của Việt Nam mà tôi có đi đến một số nước thì thấy nhiều thành phố ùn tắc kinh khủng. Khắc phục ùn tắc không hề đơn giản. Cả thế giới cùng đi tìm giải pháp nhưng vẫn chưa có cách nào áp dụng cho tất cả các điểm ùn tắc khác nhau trên thế giới." Chỉ tiếc ông quên không hỏi họ xem có nơi nào tỷ lệ chết vì TNGT có thể sánh được với ở ta?!

Khi được hỏi tại sao ý thức chấp hành luật lệ giao thông ở Tp Hồ Chí Minh tốt hơn ở Hà Nội ông lắc đầu không biết vì ông chưa có dịp quan sát nghiên cứu tình trạng giao thông trong đó. (Chắc là ngôn ngữ Việt ông không rành hay là bay vào trong đó sóc hơn các chặng bay ngoài nước). Rồi ông tự sướng "hóm hỉnh" mà rằng ông không muốn nói xấu bên thứ 3. 

Ông còn lớn tiếng đòi những giải pháp tổng thể "Cần phải có một giải pháp tổng thể chứ không thể hôm nay nghĩ ra cái gì thì làm cái đó, ngày mai nghĩ ra cái khác thì lại làm tiếp, sẽ không hiệu quả". Vậy thì đây ông có thể tham khảo ý kiến này: "Bà Nga thẳng thắn chỉ ra sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Theo Bà Nga, pháp luật về giao thông được QH xây dựng khá đồng bộ. Chính phủ cũng liên tục có các nghị quyết chuyên đề số 13,32,16,88 với những giải pháp đúng và đồng bộ. Thế nhưng trong ba khoá gần đây có khoảng 150.000 người chết vì TNGT nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn....." (trích từ:TNGT đã ở mức tình trạng khẩn cấp, trên báo Pháp Luật 28/10/2011)

Giá như ông đại biểu Sơn Hà đặt mình vào chỗ của những nạn nhân bị thương tật suốt đời, vào chỗ những người mẹ, người vợ bị mất con mất chồng do TNGT, để cảm nhận được nỗi đau của họ thì chắc ông đã không lãnh cảm và vô tâm đến thế. 

Rất đáng mừng là bên cạnh những lời nói và những việc làm vô cảm đó còn có rất nhiều những lời nói và việc làm rất quyết liệt của các tân bộ trưởng của các đại biểu QH như: Lê Thị Nga, Nguyễn Anh Sơn, Đỗ Văn Đương, Ngô Đức Mạnh, Dương Trung Quốc v.v...

Những lời nói và việc làm này đã nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số đồng bào trong và ngoài nước, bởi nó phù hợp với sự phát triển tất yếu của xã hội đúng như nhận định của thiếu tướng Lê Văn Cương nguyên viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược bộ công an: 

"Không phải bây giờ, mà đã hàng chục năm nay, xã hội đã tích dồn rất nhiều vấn đề bức xúc đến độ sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện những nhân tố mới, tích cực hơn nhằm tích cực tháo gỡ.

Về mặt khoa học, sự tích dồn khi đến một độ nào đó sẽ chuyển sang một trạng thái khác thì dù là một cá nhân đơn lẻ, vẫn có thể phản ánh xu hướng mới của một xã hội, cụ thể đây là Nhà nước Việt Nam, là nhận thức mới của Đảng. Điều này thể hiện rõ tại Hội nghị Trung ương Đảng III vừa rồi, đã thẳng thắn hơn trước và tiếp cận gần tới tinh thần của Đại hội 6 là nhìn thẳng vào sự thật; và lần đầu tiên tại Hội nghị TW Tổng bí thư phê phán lối 'tư duy nhiệm kỳ' và tệ 'lợi ích nhóm' trong bộ máy công quyền".

Và ông tiếp tục cổ vũ họ: "Đúng là khi nhiệm kỳ này bắt đầu, ngoài hai ông Thăng - Huệ còn có một số bộ trưởng khác cũng được dư luận cho là có những dấu hiệu tích cực.

Cuộc sống luôn có những lối đi riêng không có lực lượng nào cản trở được. Những người này là những nhân tố mới, xu hướng mới, tư tưởng mới. Ở chừng mực nào đó có thể nói đây là những nhân cách mới. Nó báo hiệu rằng đã có sự chuyển mình sau Đại hội 11, rải rác từ những cá nhân, quá trình này sớm muộn cũng sẽ lan tỏa và trở thành phổ biến.

Trở lại những năm 1980s, trong bối cảnh bao cấp nặng nề, những đốm lửa như Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của ông ấy. Không có quá trình 'đau đẻ' nào không đau đớn.

Tôi không dám so sánh ông Thăng - Huệ với những người như ông Kim Ngọc, nhưng dù sao họ cũng là những đốm lửa. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới với cái cũ, và sẽ còn kéo dài, theo tôi cũng phải mất 1 - 2 kỳ Đại hội Đảng chứ không thể diễn ra đơn giản trong 1 nhiệm kỳ."

Tôi rất tâm đắc với những ý kiến của ông Lê Văn Cương và hy vọng những chuyển biến tích cực này sẽ diễn ra nhanh hơn chứ không phải đợi đến 1-2 kỳ đại hội Đảng.

Bởi lẽ thời điểm bây giờ đã khác xa thời điểm ông Kim Ngọc đưa ra sáng kiến (1966) thời đó đến cái máy thu sóng Radio tự lắp bằng các bóng bán dẫn lấy được từ xác những chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi cũng là mơ ước của mọi người và những thông tin nhạy cảm như vậy vẫn là những điều cấm kỵ ngay cả trong phạm vi hẹp của Đảng. Lúc đó ông Kim Ngọc luôn cảm thấy đơn độc. Còn bây giờ mặt bằng dân trí đã được cải thiện đáng kể. Thời đại Internet đã giúp chúng ta có thể tiếp cận các thông tin đa chiều. Mọi người đã có thể trao đổi bàn luận cởi mở hơn và những mảng tối cấm kỵ đang ngày càng bị thu hẹp.

Những nhân tố mới tích cực đã và đang nhận được sự đồng thuận của tuyệt đại đa số dân chúng đang khao khát cháy bỏng vào sự đổi mới tiến bộ của đất nước. Tất nhiên chúng ta cũng ý thức được rằng hiện tại cái đại đa số ấy có lúc có nơi còn chưa có điều kiện để thực hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Nhưng sức mạnh của quần chúng sẽ là bệ phóng cho những nhân tố mới thăng hoa toả sáng để từng bước đầy lùi những bảo thủ trì trệ vốn đã ăn sâu bám rễ khá nặng vào một bộ phận không nhỏ của xã hội và cả trong lối tư duy mòn cũ của mỗi chúng ta.


*

Bài viết đã biến mất trên Bee nhưng vẫn còn ở 1 vài nơi khác đã đăng lại:

"Đừng biến người dân thành "chuột bạch" cho chính sách"

Ngày 28/10, đề án thay đổi giờ học, giờ làm để tránh ùn tắc giao thông được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội thứ hai khóa XIII, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Chu Sơn Hà, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phản biện và tư vấn các công trình giao thông về vấn đề này.

Không thể nói nó khả thi hay không

Ông có nhận định thế nào về giao thông Hà Nội hiện nay?

Không chỉ riêng thủ đô của Việt Nam mà tôi có đi đến một số nước thì thấy nhiều thành phố ùn tắc kinh khủng. Khắc phục ùn tắc không hề đơn giản. Cả thế giới cùng đi tìm giải pháp nhưng vẫn chưa có cách nào áp dụng cho tất cả các điểm ùn tắc khác nhau trên thế giới.

Ông nghĩ sao về đề án thay đổi giờ học, giờ làm tránh ùn tắc của Bộ Giao thông Vận tải?

Để thay đổi thói quen của cả xã hội rộng lớn thì cần phải nghiên cứu thận trọng. Nếu qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu mà thấy hiệu quả rồi thì phải bỏ thói quen xấu đi. Nhưng hiện nay mình đã có nghiên cứu nào đâu mà bảo ra đường đi làm cùng một giờ là thói quen xấu.

Vậy theo ông thì thói quen xấu của giao thông Hà Nội hiện nay là gì?

Tất cả đều đi làm vào 7h không phải là thói quen mà là quy định của Nhà nước. Mọi người phải tuân theo và nó trở thành cái nếp đi làm thường xuyên rồi. Còn thói quen xấu có lẽ vẫn là ý thức của người tham gia giao thông thôi. Cái mà ta đang bàn là thay đổi nề nếp sinh hoạt làm việc.

Ảnh - Ông Chu Sơn Hà, Đại biểu Quốc Hội TP Hà Nội

Để thay đổi nề nếp đó có khó không?

Nếu mà ta đã nghiên cứu, thấy nó hiệu quả, trở thành quyết định của Nhà nước thì buộc mọi người phải chấp hành thôi. Không loại trừ một ai cả.

Ta sẽ cần bao nhiêu thời gian để biết nó có hiệu quả hay không?

Cái đó thì phải có quá trình chứ làm sao mà biết nó kéo dài trong bao lâu. Nếu tập trung nghiên cứu thì nó sớm, còn không tập trung nghiên cứu thì nó lâu.

Theo ông thì giải pháp thay đổi giờ học giờ làm để giảm ùn tắc giao thông trong thời điểm này có tính khả thi không?

Người ta mới đang nghiên cứu nên tôi không thể nói nó khả thi hay không. Bởi vì nó phải có số liệu, phân tích giai đoạn, rồi đánh giá tổng thể mới biết hiệu quả đến đâu chứ. Bây giờ thì không thể nói nó có thể thực hiện được hay là không.

Lúc đó, tôi thực sự ngượng và xấu hổ

Có người nói người tham gia giao thông ở TPHCM có ý thức hơn người dân Hà Nội, quan điểm của ông thế nào?

Tôi không tham gia giao thông TPHCM nhiều nên tôi không biết và không so sánh. Nhưng quan điểm của tôi là không bao giờ nói xấu người thứ ba (cười).

Quốc hội đang soạn thảo và cho ý kiến dự thảo luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Mấy hôm nữa Quốc hội sẽ cho ý kiến. Trước kia mức phạt thấp nhất là 10.000đ, cao nhất là 500 triệu đồng. Bây giờ đang chủ trương thay đổi mức xử phạt từ 50.000 - 2 tỷ đồng với 17 lĩnh vực. Dự thảo này đang được cho ý kiến để kỳ họp sau thông qua. Đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh tay để giao thông thực sự đi vào nề nếp. Điều này liên quan đến cả hệ thống.

Theo ông thì vì sao giao thông Hà Nội lại ùn tắc?

Phải nói là ở Hà Nội thì lượng người tham gia giao thông quá nhiều. Trong 9 tháng đầu năm mà có tới 41 nghìn ô tô xe máy đăng ký mới. Tổng số ô tô trên địa bàn Hà Nội hiện nay có đến 400 nghìn chiếc gồm cả xe tư lẫn xe công. Phương tiện thì tăng như thế mà mặt đường không cải thiện được, diện tích nó hẹp thì nó ùn là đương nhiên. Đường sá quá tải. Cùng lúc các phương tiện tham gia giao thông thì lại càng quá tải. Cơ sở hạ tầng cải thiện rất hạn chế, chậm, phương tiện tham gia giao thông thì phát triển rất nhanh. Sự phát triển không tương xứng của hai yếu tố này tạo nên ùn tắc.

Ý thức của người tham gia giao thông thì sao?

Đúng là phải kể đến một bộ phận chấp hành giao thông không tốt. Một vài trường hợp có đèn đỏ vẫn vượt, không kể ô tô hay xe máy. Rồi chen ngang, đi lên vỉa hè, không chịu nhường đường...

Phải chăng do luật chưa nghiêm?

Không phải, quan trọng là ý thức của mỗi người thôi. Cứ có công an thì đứng lại, không có công an là vượt đèn đỏ. Một số người ý thức rất là kém.

Ở các nước khác thì sao thưa ông, ở những nơi mà ông nói họ cũng ùn tắc không kém gì mình ấy?

Có lần tôi đi nước ngoài về đến sân bay mà tôi tái mặt xấu hổ khi nhìn thấy một chị bồng con nhỏ bóc cam cho cháu ăn rồi ném luôn vỏ xuống nền sảnh sân bay sạch bóng. Trong khi đó cái thùng rác ngay phía trước chị ta vài bước chân. Lúc đó tôi thực sự ngượng và xấu hổ. Ý thức của người Việt Nam trong sinh hoạt cộng đồng còn kém, những hình ảnh đó vẫn còn phổ biến. Trong giao thông cũng thế thôi. Một vài người không chấp hành khiến "con sâu làm rầu nồi canh", còn đa số thì họ vẫn chấp hành rất nghiêm.

Ở góc độ quản lý thì giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông có khó không thưa ông?

Những người vượt đèn đỏ không phải là người ta không biết đâu. Thực ra là họ biết đèn đỏ là dừng lại, vượt là phạm luật, là có thể bị phạt. Cái đó thì ai cũng biết đấy. Nhưng vì không có công an đứng đó nên họ cứ vượt thôi. Cho nên ở góc độ nào đó thì không phải cái bộ phận không chấp hành đó không biết luật mà họ cố tình, ý thức kém.

Chiếc áo lành luôn đẹp hơn áo vá

Cụ thể với giao thông Hà Nội thì cần đến giải pháp gì thưa ông?

Cần phải có một giải pháp tổng thể chứ không thể hôm nay nghĩ ra cái gì thì làm cái đó, ngày mai nghĩ ra cái khác thì lại làm tiếp, sẽ không hiệu quả.

Phải chăng ông đang nói đến các giải pháp chắp vá của giao thông như bịt ngã tư, đề xuất xe chạy biển chẵn biển lẻ (nhưng rồi bỏ) và giờ là đổi giờ làm?

Tôi không nói cụ thể cái gì. Tôi chỉ khẳng định là phải có một cái nhìn tổng thể bao quát, dự báo thực trạng tốt để có giải pháp tốt. Cái áo lành lặn sẽ đẹp hơn cái áo vá rất nhiều.

Nhưng từ trước đến nay mình đã đặt ra rất nhiều giải pháp chống ùn tắc nhưng xem ra vẫn chưa thể tìm ra giải pháp phù hợp với giao thông Hà Nội hiện nay?

Cái đó thì phải chờ thời gian mới có hiệu quả được. Ngay trong quản lý cũng thế thôi, hoặc ngay trong khoa học cũng thế. Chúng ta phải thí nghiệm. Có lần thất bại, có lần thành công. Chứ không phải lần nào đưa ra cũng thành công cả.

Nhưng ông có đồng ý là cái gì liên quan đến số đông người thì lại càng phải nghiên cứu kỹ?

Đúng vậy, cái gì liên quan đến số đông người, đến cả cộng đồng thì lại càng phải cẩn trọng. Đừng biến người dân thành "chuột bạch" cho chính sách. Dù là thất bại nhỏ nhất cũng phải được tính đến và loại trừ. Làm sao để giảm thiểu tiêu cực và tăng thêm hiệu quả. Đó cũng là mục đích của việc nghiên cứu chính sách nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện) 

Theo: bee.net 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo