Nháp: Cầm viết vất vả - Dân Làm Báo

Nháp: Cầm viết vất vả

Ngu Yên - Đám ma vốn thật buồn mà khóc mướn làm cho khôi hài. Ca sĩ hát thật hay, mà khán giả nịnh, khiến cho người hát mất tư cách. Vả lại, ở nhà thì không cần sửa soạn nhưng lên sân khấu thì phải đánh phấn thoa son. Được vỗ tay tất phải nói đôi lời cảm tạ. Thường ít có nhà phê bình này khen nhà phê bình kia hay mà chỉ có lâu la hoan nghênh ca tụng...



*


Thơ hay, thơ dở thường không phải là nhận xét chính chắn. Thường chỉ là những phát biểu từ cảm tình. Thơ dở mấy cũng có người khen hay. Thơ hay mấy cũng có người chê dở. Những lời phê phán này thường không mấy chính xác về thơ. 

Cho dù là lời khen chê từ một nhà phê bình đứng đắn cũng không hẳn là đúng. Đã là nhà phê bình, trước tiên phải có học thuật cao cấp, không cần phải là bằng cấp. Thứ hai, trung thực và thứ ba, có lòng tử tế với văn chương. Cho dù như vậy, họ cũng thiên kiến theo sở thích, học phái, nhất là cá tính. 

Người nghiêm túc, suy tư sâu mà không rộng. Bình có lý lẽ mà phê cứng ngắt. Người hào phóng, suy tư nhạy cảm mà nhẹ lập trường. Bình thú vị mà phê tùy hứng. Học thuật không tiêu thường hay dẫn chứng quá nhiều. Tựu trung là nhờ nhiều người khác nói, không phải là chính mình. Thiếu nhạy bén thường hay vay mượn lời phê về ông này, cắm qua bà kia. Phê thơ Thanh Tâm Tuyền bằng lời phê thơ Jacques Prévert, thêm một chút Charles Baudelaire. Muốn được chú ý, thường hay cương lắm chuyện, gán cho tác giả đã chết nhiều điều, để rồi tự phong mình thêm hoang tưởng. 

Muốn biết nhà phê bình có bản lãnh hay không, xem những điều họ viết là của họ hay của người khác. Mục đích bài viết là gì. Lý lẽ có luân lưu, lý luận có tự nhiên. Nếu không, họ đang tự ngượng với chính họ và tìm cách lấp liếm. Có trung thục không?. Cuối cùng có tử tế với văn học, văn chương không?. Những nhà phê bình dù tài hoa cách mấy mà thiếu ưu ái với văn chương thì chỉ là binh hùng tướng mạnh của một thời. Kéo theo một đàn tác giả xum xoe. 

Văn chương, nghệ thuật vốn là một lý tưởng đẹp, một cách sống văn vẻ. Thấp hơn là một cách "cân bằng" tâm hồn, thấp hơn nữa là thú giải trí tao nhã. Nhưng vì sao văn chương lại trở thành trò chơi "vất vả"? Lắm khi oán hận và thù ghét nhau? 

Một hiện tượng bên lề, góp phần ồn ào, nhiều chữ thiếu nghĩa. Tâm bệnh sợ bị quên lãng. Những người viết có tài, (kể cả những người tự tưởng mình có tài nhưng nếu đã thiếu tài năng, nhắc đến họ cũng thừa), không được người cùng thời ngưỡng mộ, nhắc đến, họ thường bực bội, cáu kỉnh. Giận cá chém thớt. Giận văn đá chương. Giận thi đạp ca. Họ thường phê phán cay nghiệt. Như gà trống nghe tiếng gà khác gáy, nhảy lồng lộn trong chuồng. Đa số họ là những người có kiến thức, có văn tài nhưng quên sáng tác. Một nhà văn chân chính nếu không viết văn thì làm gì? Một nhà thơ trung thực nếu không làm thơ, thì làm gì? Một người đã làm văn chương, tạo nghệ thuật đều biết: Những chuyện không phải sáng tác, đều là thừa. 

Nếu thấy người khác viết sai, cứ viết lại cho đúng. Cho rằng người khác viết dở, cứ viết cho hay. Họ viết không giá trị, xin viết cho đồ sộ, cho thâm thúy, cho văn học sử liệt kê. Nếu đi nhiều thì ngồi ít. Ăn nhiều thì nói ít. Chửi nhiều thì làm văn thơ ít. Một tác phẩm có giá trị, mất biết bao thời giờ. Nhiều tác phẩm có giá trị, mất cả đời người. Không có tác phẩm nào giá trị, mất một đời cho vui. Ít nhất là được cái vui. 

Giá trị văn chương không tính người viết trước viết sau, không tính viết dài viết ngắn, không tính viết về ai viết cho ai. Lại càng không tính nhà văn nào được chú ý, ca tụng hơn nhà văn nào. Giá trị văn chương được tính trên hai diện chính: 

- Có sáng tạo được gì khác hơn là cái đã có? Đẹp hơn? Sâu hơn? Cao hơn? Rộng hơn? Độc đáo hơn? Cá tính hơn? 

- Có góp phần xây dựng một dòng văn học, văn chương của một thời đại hoặc của một sắc dân? 

Cứ ví dòng văn học, văn chương như một dòng sông. Thiếu nước, sông cạn. Ít nước, èo uột. Nhiều nước, dòng sẽ chảy mạnh qua những khúc quanh co, khó khăn và băng qua cảnh ngộ hay đẹp. Một hôm nào, đến biển. Một dòng sông dài, lớn, mạnh đã tạo ra biết bao nhiêu đời sống ở xung quanh. Cớ sao lại chận đập, tát nước? 

Dòng văn học Việt Nam trong và ngoài nước, cả hai đang thiếu nước. Ủ ê. Hao tài năng, thiếu sáng tác. Cho mượn cây viết. Nghỉ chút đi. Ông có tài. Rồi sẽ nói lời tử tế. 

Đám ma vốn thật buồn mà khóc mướn làm cho khôi hài. Ca sĩ hát thật hay, mà khán giả nịnh, khiến cho người hát mất tư cách. Vả lại, ở nhà thì không cần sửa soạn nhưng lên sân khấu thì phải đánh phấn thoa son. Được vỗ tay tất phải nói đôi lời cảm tạ. Thường ít có nhà phê bình này khen nhà phê bình kia hay mà chỉ có lâu la hoan nghênh ca tụng. 

Nhà thơ Octavio Paz kể rằng, tìm đến thơ như lột củ hành. Lột vỏ. Rồi lột lớp nầy qua lớp khác. Khi vào đến cái lỏi, không thấy gì hết, không có gì hết. Chỉ cay mắt, sổ mũi. Nhà phê bình cũng không ngoại lệ, cũng như người đọc yêu thơ, không thấy gì hết, không có gì hết. Chỉ cay mắt, sổ mũi. 

Dù ra sao, những khen chê cũng có thể gây hư vong cho những tác giả non kém. Gây thương tích hoặc hào quang cho tác giả bình bình. Cho dù là những người viết chân chính cũng bị lung lay. Phê ghét người, phán hằn học, bình mạt sát chỉ có hại cho văn chương và hại cho văn tài của chính người làm nghệ thuật vất vả. 

Tôi dùng chữ "vất vả" này từ họa sĩ Võ Đình. Trong một lần ở đêm, nói chuyện thăng trầm. Anh nói, nghệ thuật cần có công phu và tự nhiên nhưng bây giờ có nhiều người làm nghệ thuật "vất vả" quá. Tôi rất thích chữ vất vả hàm ý phong thái làm nghệ thuật trong cái cõi xô bồ, tranh giành tư danh và tài lợi. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo