Giống nhau - khác nhau - Dân Làm Báo

Giống nhau - khác nhau

Trần Sơn (danlambao) Thử so sánh giữa những cái giống nhau và khác nhau của 2 phiên tòa mà Nhà nước (Pháp quyền) CHXHCN Việt Nam xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ và phiên xử ngày mai dành cho tên côn đồ Nguyễn Văn Ninh phạm tội giết người.

Vì phiên tòa xử tên Nguyễn Văn Ninh chưa diễn ra, nên một số diễn biến trong bài viết này chỉ mang tính dự đoán. 

Đầu tiên, có thể bạn đọc sẽ hỏi: Sao không so sánh phiên tòa xử tên Nguyễn Văn Ninh với những phiên tòa khác mà lại so sánh với phiên tòa vụ xử Ts Cù Huy Hà Vũ?

Lý do đơn giản: Đây là hai phiên tòa diễn ra gần đây nhất gây sự chú ý của công luận rộng rãi cả trong và ngoài nước, được xử tại cùng một địa điểm, cùng một cơ quan tố tụng, cùng một cơ quan xét xử. 

Yếu tố kế tiếp là thời gian. Nghĩa là sau phiên xử Ts Cù Huy Hà Vũ tại Tòa án nhân dân Tp Hà Nội, không phiên xử nào “nổi tiếng” hơn phiên xử tên Nguyễn Văn Ninh này. Một lý do quan trọng nữa để so sánh: Giữa một bên can phạm làm nhiệm vụ bảo vệ đảng cộng sản VN và một bên bị khép tội chống đảng. Và cả hai phiên tòa này chắc chắn được chỉ đạo xuyên suốt bởi đảng cộng sản VN.

- Mặc dù việc phạm tội giết người của tên Ninh rất rõ ràng, diễn ra nơi công cộng, nhiều nhân chứng.Việc xác định hung thủ (tên Ninh), nạn nhân (ông Trịnh Xuân Tùng), cũng như động cơ gây án, cơ quan điều tra xác định rất nhanh chóng. Nhưng thời gian “điều tra” kéo dài (10 tháng). Tương tự, cái mà bên cơ quan ANĐT trưng ra làm vật chứng phạm tội của Ls CHH Vũ cũng rất “công khai”, rõ ràng, nó nằm trên Internet cả năm trời, toàn dân, ai biết đọc báo cũng rõ. Nhưng thời gian gọi là “điều tra” cũng “cao su” không kém (8 tháng). Đây là bằng chứng các cơ quan Viện Kiểm sát, Tòa án Việt Nam không có tính độc lập trong việc công tố, xét xử. Việc chờ chỉ thị, định hướng luận tội, xét xử, nói cách khác là câu giờ nhằm bàn mưu tính kế hòng chà đạp lên luật pháp cuả các cơ quan này đã cố tình vi phạm công ước quốc tế về nhân quyền: “… người có tội phải được nhanh chóng mang ra xét xử bằng một phiên tòa công khai...” 

- Điểm có thể giống nhau nữa: Cả hai phiên tòa sẽ được cơ quan công an tăng cường tối đa lực lượng “bảo vệ”. Tối thiểu là 3 lớp. Khả năng chặn đường ngăn cản nhân dân quan tâm, mong được tham dự phiên tòa là có. Việc tăng cường lực lượng công an gấp nhiều lần so với các phiên tòa thông thường khác có thể là do: Từ khi vụ án phát sinh đến khi mở tòa, cả hai vụ thu hút dư luận trong nước, và quốc tế rất rộng rãi, các hãng thông tin quốc tế như BBC, AP, AFP, DPA, VOA, RFI, RFA cũng “chiếu cố” không kém, chưa kể không dưới 10 cơ quan báo chí trong nước và phóng viên tự do. Nên nhiện vụ “ an ninh” được đặt lên hàng đầu. Về phía nhà chức trách lấy cớ này để vô hiệu hóa tính công khai của phiên tòa. Hệ quả là thân nhân kẻ bị hại, phóng viên báo chí nước ngoài... sẽ được tham dự phiên tòa với số lượng hạn chế tối đa, và sẽ là mở rộng tối đa cho lực lượng “còn đảng còn mình” ngồi kín trong khán tòa - nơi gọi là “tòa án nhân dân”. Yếu tố đáng phải có là Công Khai chắc chắn sẽ giống nhau: Không có.

- Về điểm khác đến trái cực, rõ rệt nhất, cũng bóc lên được bản chất vụ án giữa hai phiên tòa: Tuyệt đại dư luận quần chúng, cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cơ quan ngoại giao với vụ Ts Cù Huy Hà là ủng hộ những việc làm chính đáng, không vi phạm pháp luật của bị cáo, mong muốn tòa tuyên Vô Tội. Với bị cáo Nguyễn Văn Ninh dư luận quần chúng công phẫn, lên án mạnh mẽ, yêu cầu tòa tuyên án với mức cao nhất: Tử Hình.

- Với lối tuyên truyền của báo Cừu có thể lên án này nọ với Ts Cù Huy Hà Vũ với vài bài yếu ớt, cẩu thả, bị dư luận lên án, coi khinh, do thiếu tính thuyết phục, áp đặt, xoáy vào đời tư, xa rời bản chất vụ án; thì cũng các báo Cừu này đưa tin vụ NV Ninh cũng rất “ kiệm lời”, bóp méo, xa rời bản chất vụ án. Đây là điểm giống nhau của lối thông tin báo Cừu, nhưng bản chất trái ngược: Một vụ là cố tình vu khống nạn nhân, vụ kia là cố tình làm giảm tính chất phạm tội của can phạm.

- Với các hãng truyền thông quốc tế đưa tin giữa 2 vụ này có điểm giống nhau là đưa tin kịp thời, không bóp méo hay bôi đen, thông tin với nhiều ý kiến đa chiều. Chỉ đưa tin thông thường, tránh bình luận, không suy diễn. Bằng chứng là đến giờ phút này, khi phiên tòa sắp diễn ra, cái tên Trịnh Kim Tiến chưa một lần xuất hiện trên báo Cừu, nhưng cái tên này tràn ngập trên các hãng thông tin quốc tế cũng như cộng đồng mạng khi đưa tin về vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị công an Việt Nam giết chết. Hay với vụ Ts Cù Huy Hà Vũ, cái tên Ls Nguyễn Thị Dương Hà cũng không được báo Cừu chiếu cố, dù chỉ một lần.

- Quá trình xét xử cũng có thể có điểm khác đến độ trái cực là: Luật sư của bị cáo: Một bên thì được khuyến khích cho trình bày tối đa. Thời gian nói “ mệt nghỉ”, không có chuyện bị chủ tọa cắt ngang. Hội đồng xử án sẽ xem xét tận tình thấu đáo mọi yêu cầu của luật sư (đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo theo luật định). Một bên thì như chúng ta đã biết, một Luật sư của Cù Huy Hà Vũ bị cưỡng bức ra ra khỏi khán tòa. Số Luật sư còn được ngồi lại thì: “mày nói đầu gối mày nghe, bà không quan tâm. Chất vấn bà không trả lời, mày làm gì bà… Khi nào cái bụng bà ngon ngót thì bà tuyên án”.

- Một “trò mèo” chắc chắn không xảy ra với vụ công an giết người Nguyễn Văn Ninh (và đây cũng là điểm khác giữa hai phiên tòa) là hệ thống âm thanh cho Ninh sẽ tuyệt hảo. Không có đoạn khò khè mèo hen như mỗi khi Luật sư của bị cáo Ts Cù Huy Hà Vũ phát biểu. Và cũng với vụ Cù Huy Hà Vũ, âm thanh trở nên “trong như dòng suối ban mai” mỗi khi chủ tọa hay viện kiểm sát ghé miệng vào micro. Cái này được gọi là micro thông minh, sản phẩm chỉ ở Việt Nam nhập từ nước Lạ qua mới có.

- Về nhân chứng, vật chứng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của bị cáo cũng có thể có điểm khác nhau đến trái cực: Với vụ công an giết người Nguyễn Văn Ninh, tòa sẽ cho huy động trưng ra đến tối đa. Hội đồng xét xử sẽ nghiên cứu và đáp ứng thỏa mãn tới từng chi tiết. Còn với vụ xử Ts Cù Huy Hà Vũ, tòa đã có lối hành xử rất trơ trẽn là cố tình gạt bỏ, không có lý do, khi Luật sư yêu cầu về nhân chứng vật chứng, dù rất chính đáng. Nhắc lại, cũng vì yêu cầu này một cách quyết liệt mà Ls Hà Huy Sơn bị chủ tọa trâng tráo kêu công an cưỡng bức ra khỏi khán tòa.

- Một điều đặc biệt so sánh giữa hai phiên tòa. Một đằng thì đáng ra theo pháp luật của chính nhà nước CHXHCN VN, bị cáo Ts Cù Huy Hà Vũ phải được trả tự do ngay tại tòa. Một đằng phải xử tử hình tên côn đồ Nguyễn Văn Ninh, nhưng... oái oăm thay người thì bị 7 năm tù mà bản án đã được định trước, còn người kia thì... cũng định trước nhưng nhẹ nhẹ để coi... dư luận phản ứng ra sao!

- Hậu phiên tòa có một điểm giống là cả hai cùng kháng án. Nhưng lại khác: Một bên bị cáo kháng án. Một bên là thân nhân kẻ bị hại kháng án. Nghĩa là phiên phúc thẩm của cả hai phiên tòa, Hội đồng xét xử có một lối xử án rất giống nhau: Cà chớn. Theo đó, nhận xét của Gs Ngô Bảo Châu: “Để bảo vệ chế độ, không ai làm cẩu thả hơn các ông bà này”- đều đúng cho cả hai phiên tòa.

Tôi không có ý xúc phạm danh dự đến nhân thân của Ts Cù Huy Hà Vũ, một nhà yêu nước chân chính, khi đem vụ xử án ông so sánh với vụ xử án tên côn đồ Nguyễn Văn Ninh (tất nhiên loại người này không đáng để so sánh với ai cả). Việc so sánh (giữa hai phiên tòa) này chỉ nhằm nói lên bản chất nhà nước pháp quyền CHXHCN Việt Nam thông qua việc xét xử.

Điểm qua một vài nét chính của hai phiên tòa, một đã diễn ra, một sắp diễn ra, giúp bạn đọc ngõ hầu tự kết luận đúng bản chất câu phát biểu của bà đương kim Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Gs Ts Nguyễn Thị Doan: “Nước ta có nền dân chủ gấp triệu lần các nước Tư Bản Chủ Nghĩa”.

Diễn biến ra sao, chúng ta đành phải chờ.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo