Loạn họp và... họp loạn - Dân Làm Báo

Loạn họp và... họp loạn

- Bác Nông có công nhận là ở mình cán bộ họp hành nhiều không?

- Không phải nhiều mà là rất nhiều, quá nhiều. Đó là một chân lý, hay đúng hơn một tiên đề mà ai cũng phải thừa nhận. "Đã mang lấy nghiệp vào thân...", hễ cứ dính chút "cán bộ" là y như rằng... họp! Nhưng hỡi ôi, căn bệnh này càng nói nhiều càng không hề suy giảm mà ngược lại, ngày càng trở thành nan y.

- Em có số liệu điều tra ở một phường trong mười tháng thế này bác ạ: Ban Thường vụ Đảng uỷ phường họp 42 kỳ, trung bình mỗi kỳ 1 buổi; Ban Chấp hành Đảng bộ phường họp 11 kỳ, trung bình mỗi kỳ họp 1 ngày; UBND phường họp 15 phiên, có phiên kéo dài hai ngày; Bí thư Đảng uỷ phường giành 72% thời gian làm việc cho việc ... họp; Chủ tịch UBND phường giành 7/10 ngày được khảo sát dĩ nhiên cũng là cho... họp. Vv và vv...Ở các cấp cao hơn như huyện và tỉnh chắc lại càng họp nhiều hơn. Gần đây, để giảm họp em thấy có nơi có sáng kiến không gọi họp là…họp nữa. 

- Thế họ gọi là gì? 

- Là làm việc tập thể! 

- Hay nhỉ! Thế thì anh em mình cũng thử “làm việc tập thể” một tý xem sao. Chú có biết các đồng chí họp gì mà lắm vậy không? 

- Dạ thưa, đủ mọi chuyện trên đời. Từ những chuyện không cần họp cũng giải quyết được, cho đến những chuyện dù có họp đến cả trăm phiên cũng... không giải quyết được.

- Theo tớ, có lẽ do không có quy chế rõ ràng cái gì cần bàn tập thể, cái gì không cần bàn mà cá nhân có thể quyết được; cái gì không cần họp mà chỉ cần lấy ý kiến bằng hình thức khác. 

- Dạ, đúng như vậy. Nhưng, một số nơi tuy có quy chế nhưng do cá nhân phụ trách thiếu quyết đoán, sợ sai nên cái gì cũng đưa ra bàn tập thể, lấy bình phong tập thể để che chắn cho mình khi “lâm sự”. Chính cái "khôn" này của lãnh đạo cũng làm tăng không ít số lượng các cuộc họp. Có nơi chủ tịch phường triệu tập cả một phiên họp uỷ ban chỉ để bàn mỗi việc: liên hoan và tặng quà cho một uỷ viên uỷ ban chuyển công tác như thế nào. Lại có quá nhiều cuộc họp thuộc loại "quán triệt", "triển khai". "phổ biến"... mà thực chất là đi nghe đọc tài liệu. Phần lớn các cuộc họp loại này có thể thay thế bằng hình thức gửi tài liệu. Khổ nỗi, còn có quan niệm cho rằng chưa họp coi như chưa triển khai. Cuối năm cấp trên về kiểm tra không họp cũng…chết. Một số đơn vị sính hình thức, họp gì cũng phải mời cho được lãnh đạo cấp trên dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo cho long trọng. Chính sự "giải quyết khâu oai" này cũng làm cho số lượng cuộc họp của lãnh đạo tăng lên đáng kể. 

- Chú đúng là một chuyên gia bậc cao về…họp. Nhưng mà theo tớ “loạn họp” cũng lãng phí và nguy hiểm, nhưng “họp loạn” còn lãng phí và nguy hiểm hơn. 

- “Họp loạn” là thế nào hả bác? 

- Là họp mà như…họp chợ. Trên bục người nói cứ nói, dưới hội trường người nghe cũng cứ…nói, cứ cười, cứ ngủ, cứ bỏ ra ngoài hành lang uống nước, cứ tranh thủ chạy lên phòng này, ban nọ, cứ ra quán cà phê, cà pháo …

- Và, cũng giơ tay biểu quyết đồng ý, cũng ghi tên, ký nhận phong bì như ai. 

- Kết quả là có họp mà nhiều người chẳng biết là họp về cái gì! Cán bộ mà cứ “loạn họp” với lại “họp loạn” như thế này thì chỉ xót tiền dân. Chú “nghiên cứu” về họp sâu thế có cao kiến gì không? 

- Em muốn áp dụng sáng kiến của ông Maiacovxky, nhà thơ Nga Xô viết. 

- Sáng kiến thế nào? Chắc không phải là “làm việc tập thể” đấy chứ? 

- Dạ, không. Mai a nói rằng: “Tôi muốn tổ chức một cuộc họp/ Để bàn việc chấm dứt các cuộc họp”!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo