Phim Thiên Mệnh Anh Hùng và một góc nhìn về thuyết “phản biện trung thành” - Dân Làm Báo

Phim Thiên Mệnh Anh Hùng và một góc nhìn về thuyết “phản biện trung thành”

Tuấn Khanh - Không bàn cãi về chuyện phim hay hoặc dở, điều đó xin dành riêng cho cảm quan riêng của khán giả. Nhưng kết cục của phim Thiên Mệnh Anh Hùng thì lại là một câu chuyện khác. Kịch bản của phim này đã dấy lên một luồng tư tưởng, mà chịu khó điểm lại, bạn có thể gọi đó là sự lấp ló của chủ nghĩa “phản biện trung thành”.

Có thể tóm tắt về bộ phim như sau:

“Nguyễn Vũ, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Trãi, sau khi bí mật thoát được án tru di tam tộc đã lên đường tìm lại công bằng cho dòng họ mình. Đích của việc tìm lại danh dự cho dòng họ Nguyễn là bức huyết thư của 2 viên thái giám để lại, tố cáo mọi tội ác và âm mưu của Hoàng Thái Hậu.

Tuy nhiên sau bao gian nan, có trong tay bức huyết thư, Nguyễn Vũ vì suy nghĩ đầy tính đại nghĩa, sợ để lộ việc này, triều đình sẽ loạn lạc tranh giành quyền bính, máu đổ đầu rơi, nên đã cầm thư giao lại cho Hoàng Thái Hậu - người được mô tả là hết sức hiểm độc và không ngại giết chóc - hy vọng bà ta cải tà quy chính, để không xảy ra nội loạn và thời loạn”.

Phim để kết lửng, người ta cũng không biết cái bà Thái hậu này có thay đổi hay không, nhưng chỉ biết là nhân vật chính quay về ở ẩn, hài lòng với ý tưởng cách mạng cải lương rằng “đã làm được việc tốt, mình đã không làm hại ai, còn ai làm hại ai thì đó không phải là chuyện của mình”.

Cái chết của hơn 300 người trong dòng họ của đại thần Nguyễn Trãi chìm xuồng, xã hội bị bóp nghẹt tư tưởng, trấn áp, bá tánh kêu than thì cũng mặc kệ... Và nhân vật được coi là mẫu mực của một “thiên mệnh anh hùng” thì chấp nhận một cuộc cách mạng nửa vời, và mang đầy khát vọng ngây thơ rằng rồi kẻ ác sẽ tự diễn biến hoà bình trong trái tim mình.

Điều này cũng có nghĩa là nhân dân Lybia sẽ không cần vùng dậy, người Ai Cập sẽ chấp nhận chế độ độc tài, dân Syria chọn cúi đầu cam chịu và cùng đồng mơ ước rằng một ngày nào đó Gaddafi sẽ hồi tâm, Mubarak sẽ nhận ra dân chủ tự do là sinh lộ, hoặc Assad sẽ đột nhiên thương dân mình và không cho xe tăng nghiền nát người biểu tình.

Thuyết “phản biện trung thành”, do nhà văn Võ Thị Hảo phác hoạ cuối năm 2011, được coi như là một trong những lý thuyết mẫu mực mô tả về những kẻ phản kháng ”mềm”, tức dù có phản ứng về hệ thống cầm quyền nhưng luôn khe khẽ và nhè nhẹ vừa đủ, vì bản thân những người phản ứng đó không có tính đổi thay triệt để. Họ chỉ mong chính chế độ tự nhận thức và chuyển động, và dù gì đi nữa, những kẻ phản biện đó cũng rất mong mỏi được bên trên ngó xuống, nhìn nhận rằng mình không phải là thành phần phản loạn, vẫn xanh một màu trung thành.

Có hay không, trong lịch sử Việt và thế giới, sự hồi tâm bất ngờ của cái ác cầm quyền để đem lại hạnh phúc cho nhân dân? Việc không dám tự tay mình tiêu diệt và lật đổ một chế độ thối nát, chỉ vì tư tưởng đại nghĩa, nhân danh vì lê dân và thoả hiệp để gìn giữ giai bậc quần thần, có phải là một sản phẩm phong kiến cũ nát của thuyết Khổng tử, buộc người người phải chấp nhận những gì mình đang có và đổ lỗi cho một thứ mơ hồ là “số phận”?

Nguyễn Vũ - vai chính trong phim, cũng rất mẫu mực khi thể hiện rõ ý nghĩa “phản biện trung thành” của mình khi trao bức huyết thư cho Hoàng Thái hậu và nói ước mong bà hãy vì dân vì nước!

Câu chuyện này, hãy thử so sánh, cũng giống như ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, sẽ tự trói mình, xin giao nạp tất cả, và quỳ xuống chân chủ tịch Lê Văn Hiền, xin ông ta hồi tâm thành một người tốt một ngày nào đó.

Phim vẫn mãi là phim, một kịch bản có thể chưa hoàn chỉnh nhưng có thể là một đoạn kết đẹp cho những ai muốn thư giãn và không suy gẫm thêm điều gì.

Bản thân phim, những nhà sản xuất cũng chẳng có lỗi gì, họ chỉ là những người làm công việc thương mãi đơn giản.

Nhưng cũng phải nhìn thấy một điều là xã hội như thế nào, sản phẩm như thế đó. Cuộc cách mạng cải lương - hoàn toàn theo nghĩa bóng - là điều phải chấp nhận khi cách mạng triệt để một điều gì đó, có thể là nhạy cảm và không được kiểm duyệt!

(Feb 2012)

Tuấn Khanh


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo