Xử người chống cưỡng chế đất ở Đăk Nông - Dân Làm Báo

Xử người chống cưỡng chế đất ở Đăk Nông

BBC - Tòa án tỉnh Đăk Nông vừa đưa ra xét xử vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra hồi tháng 4/2011 ở xã Đăk Ngol, huyện Tuy Đức.

Báo trong nước dẫn thông cáo báo chí của Ban Tuyên giáo tỉnh nói phiên tòa diễn ra công khai ngày thứ Năm 31/5.

Tổng cộng có 15 bị cáo, bị xử hai tội danh Chống người thi hành công vụ, và Cố ý làm hư hỏng tài sản. Cho tới đầu giờ chiều thứ Năm vẫn chưa rõ các bị cáo lãnh án như thế nào.

Theo cáo trạng của tòa, những người này đã tham gia chống lại vụ cưỡng chế giải tỏa 750 ha đất rừng mà chính quyền địa phương nói là bị lấn chiếm trái phép tại khu vực Đắk Ngol.

Quá trình mà chính quyền địa phương nói là để "dọn rừng" nhằm truy quét, cưỡng chế, giải tỏa đất rừng trên địa bàn xã Đăk Ngol, huyện Tuy Đức bắt đầu từ 20/4/2011.

Đỉnh điểm xảy ra ngày 22/4, khi đoàn cưỡng chế của tỉnh vào hiện trường, khoảng 200 người đã "phục kích dọc đường, ném đá, bắn ná cao su, bom xăng, súng tự chế… tấn công khiến hai công an viên bị thương, đập phá 9 xe máy múc máy ủi và 1 xe cứu thương".

Báo chí nhà nước lúc đó cho hay chiến dịch "giải tỏa đất rừng và truy quét lâm tặc" tại xã Đăk Ngol có sự tham gia của hơn 500 người cùng hàng chục phương tiện đặc chủng của Đoàn công tác liên ngành.

Lực lượng này đã chặt bỏ hơn 700ha cây trồng, tháo dỡ, tiêu hủy 107 nhà tạm và lều lán mà chính quyền nói là dựng trái phép tại các tiểu khu 1521, 1525, 1537 và 1538.

Ngoài ra, họ đã lập hơn 148 biên bản xử lý vi phạm phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép.
Phá rừng không kiểm soát được?

Nguyên do của vụ lộn xộn ở Đăk Nông được cho là vì tình trạng phá rừng "không kiểm soát được".

Trong quá trình điều tra vụ chống lại cưỡng chế, công an đã triệu tập 60 người, nhưng 50 người bỏ trốn không chấp hành.

15 bị cáo ra tòa hôm thứ Năm đã bị bắt từ năm ngoái.

Chính quyền tỉnh nói đất diện giải tỏa là thuộc Lâm trường Quảng Tín và người hiện tạm trú tại đây là lâm tặc, nhưng người dân ở Đăk Ngol thì nói trên thực tế lâm trường này đã khai thác hết gỗ rừng để bán, còn lại đất trống mà họ khai khẩn làm ăn.

Sau đó người dân Đăk Ngol đã lên Hà Nội khiếu kiện đông người để "đòi công lý".

Họ nói với BBC rằng thực chất chính quyền tỉnh chỉ muốn lấy lại đất để giao cho các công ty kinh doanh.

Một số nhân chứng nói các gia đình đã khẩn hoang trồng trọt trên mảnh đất này từ năm 1998 và sinh sống từ đó tới nay.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo