So sánh ấn phẩm khoa học Việt Nam và Thái Lan 2002-2020 - Dân Làm Báo

So sánh ấn phẩm khoa học Việt Nam và Thái Lan 2002-2020


Gs. Nguyễn Văn Tuấn Khoảng một năm trước, Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) để tham mưu cho Thủ tướng về việc xây dựng các trường “đại học xuất sắc”. Theo lộ trình này, đến năm 2020 (tức chỉ 8 năm nữa), Việt Nam sẽ có 5 đại học “trình độ quốc tế”. Nghiên cứu khoa học là một thành tố rất quan trọng để đại học có tên trên trường quốc tế. Nhân dịp 1 năm sau ngày ban hành quyết định, tôi thử kiểm tra xem năng lực khoa học của Việt Nam và so sánh với Thái Lan. Phần đầu (bài này) sẽ bàn về số ấn phẩm khoa học trong 10 năm (2002 đến 2011).

Gần 2 năm trước, tôi có viết một bài so sánh giáo dục đại học Việt Nam và Thái Lan qua vài con số cơ bản. Bài này thậm chí còn được các bạn Thái Lan (thuộc trường AIT) cho Google dịch. Đọc qua bản dịch đó, tôi thấy … rất vui. Không có và cũng không cần bình luận! Nhưng điều đó chứng tỏ họ -- các bạn Thái Lan – cũng theo dõi chúng ta. Thật ra, người Thái Lan vẫn ngấm ngầm theo dõi phát triển của Việt Nam, từ chính trị, kinh tế, đến giáo dục. Vậy trong bài này, tôi sẽ so sánh xem trong 10 năm qua, hai nước đã phát triển ra sao trong lĩnh vực khoa học.

Tốc độ tăng trưởng

Mười năm trước (2002), số ấn phẩm khoa học của Việt Nam trên các tập san quốc tế (trong hệ thống ISI) là 362 bài. Trong cùng thời gian, Thái Lan công bố được 1705 bài, cao hơn ta gấp 4.7 lần. Mười năm sau (2011), Việt Nam công bố được 1389 bài, tăng gấp 3.8 lần so với năm 2002. Nhưng 10 năm sau, Thái Lan công bố được 5721 bài, hơn Việt Nam 4.1 lần. Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, khoảng cách giữa Thái Lan và Việt Nam càng ngày càng lớn (xem Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Số ấn phẩm khoa học từ Việt Nam và Thái Lan 2002-2011

Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng (về số ấn phẩm khoa học) của Việt Nam là 15.2%, tức tương đương với tỉ lệ của Thái Lan (15.1%). Nhưng vì Thái Lan xuất phát từ một cơ sở cao hơn ta gấp 4 lần, nên trong những năm sau Thái Lan vẫn còn cao hơn ta. Thật ra, có thể dùng phương trình sau đây để dự đoán số ấn phẩm khoa học cho Việt Nam và Thái Lan:

 Việt Nam: VN(t) = exp(5.9632 + 0.1413*t)
Thái Lan: TL(t) = exp(7.4546 + 0.1407*t)

Trong đó, t là thời gian. t = năm–2002. Hệ số R2 của hai phương trình này là 0.987! Với hệ số đó, chúng ta có chút tự tin dự đoán số ấn phẩm khoa học cho năm 2012:

Việt Nam = exp(5.9632 + 0.1413*10) = 1600
Thái Lan = exp(7.4546 + 0.1407*10) = 7055

Tương tự, chúng ta có thể dự đoán số ấn phẩm khoa học cho Việt Nam và Thái Lan từ 2012 đến 2020 như sau:

Năm
Việt Nam
Thái Lan
2012
1600
7055
2013
1840
8121
2014
2119
9350
2015
2440
10760
2016
2811
12386
2017
3237
14258
2018
3729
16412
2019
4295
18892
2020
4947
21746

Nói cách khác, nếu không có gì thay đổi và với tỉ lệ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020, tổng số ấn phẩm khoa học của Việt Nam là khoảng 5000 bài, tức bằng số ấn phẩm khoa học của Thái Lan vào năm 2009.

Phân tích theo ngành

Trong thời gian 2002-2011, Thái Lan công bố được 35588 bài báo khoa học trên các tập trong hệ thống ISI, cao gấp 4.5 lần so với con số của Việt Nam. Nhưng tỉ số này thay đổi theo lĩnh vực nghiên cứu. Trong tất cả so sánh, chỉ có toán học là Thái Lan kém hơn Việt Nam, còn lại tất cả các ngành khác, Thái Lan đều hơn Việt Nam. Ngay cả vật lí học, số ấn phẩm của Thái Lan cao hơn Việt Nam 50%.

Lĩnh vực
Việt Nam
Thái Lan
Tỉ số TL/VN
Y học lâm sàng
1175
7425
6.32
Vi sinh học
293
1610
5.49
Vật lí
998
1520
1.52
Thực vật học
948
3571
3.76
Môi sinh
366
1370
3.74
Hoá học
573
4608
8.04
Miễn dịch học
148
847
5.72
Kĩ thuật
612
3150
5.14
Địa chất
255
524
2.05
Nông học
346
2000
5.78
Toán học
787
499
0.64
KH xã hội
374
1297
3.47
Sinh hoá
182
1956
10.74
Sinh học phân tử
94
668
7.10
KH vật liệu
246
1688
6.86
Dược học
118
1178
9.98
KH không gian
36
109
3.02
KH máy tính
141
717
5.10
Kinh tế
88
286
3.25
Tâm thần
34
143
4.20
Đa ngành
13
499
38.38
Tổng cộng
7850
35588
4.53

Nguồn: Số liệu trong bảng này được lấy từ cơ sở dữ liệu của Web of Science (Viện thông tin khoa học, Mĩ). Thời gian là từ 2002 đến 2011. Số liệu chỉ tính những bài báo “article” (tức là bài báo nguyên thuỷ), chứ không tính các bài tổng quan và abstract / proceeding.

Bảng trên đây còn cho thấy những lĩnh vực khoa học mà Thái Lan vượt trội hơn hẳn Việt Nam. Chỉ riêng ngành sinh hoá, số ấn phẩm của Thái Lan cao hơn Việt Nam gần 11 lần! Kế đến là dược học (10 lần), hoá học (8 lần), sinh học phân tử (7 lần). Tất cả những ngành này nói lên rằng khoa học Thái Lan có vẻ “sophisticated” hơn Việt Nam, vì đó là những ngành công nghệ cao. Ngay cả y học lâm sàng, số ấn phẩm khoa học của Thái Lan vẫn cao hơn Việt Nam gấp 6 lần!

Những lĩnh vực nghiên cứu “mạnh” của Thái Lan và Việt Nam cũng khác nhau. Trong thời gian 10 năm qua, số ấn phẩm y học lâm sàng của Thái Lan chiếm 21% tổng số ấn phẩm khoa học. Các ngành mạnh khác của Thái Lan là hoá học (tỉ trọng 12%), thực vật học (10%), và kĩ thuật (9%). Đối với Việt Nam, các lĩnh vực nghiên cứu có vẻ tập trung vào 4 ngành chính là y học lâm sàng (15%), thực vật học (12%), vật lí (13%), và toán học (10%).

Nói tóm lại, trong 10 năm qua, số ấn phẩm khoa học của Việt Nam chỉ bằng 22% con số của Thái Lan. Ngoài ra, trong những lĩnh vực khoa học công nghệ cao hay tương đối cao, số ấn phẩm khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng về ấn phẩm khoa học của Việt Nam và Thái Lan tương đương nhau (15%/năm), nhưng với tỉ lệ này, đến năm 2020 số ấn phẩm của Việt Nam chỉ bằng số ấn phẩm của Thái Lan năm 2009. Cũng có thể nói Việt Nam ta theo sau họ khoảng 10 năm.

Trong bài sau, tôi sẽ phân tích khả năng biến ước vọng 2020 của Chính phủ thành thực tế ra sao. Nhưng với những dữ liệu trình bày trên đây, tôi đoán các bạn đọc cũng có thể đi đến kết luận cho riêng mình.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo