Khi nền chính trị khiếm thị - Dân Làm Báo

Khi nền chính trị khiếm thị

Thùy LinhÔng Thủ tướng điều hành chính phủ và đứng đầu trưởng ban chống tham nhũng vẫn bình yên tổ chức cuộc họp để tuyên dương những người vừa bắt bầu Kiên, ra lệnh bắt Dương Chí Dũng… mà không hề có lời xin lỗi và nhận trách nhiệm? Hay chính phủ dành quyền từ chức cho nhân dân? Dường như xã hội chúng ta đang trượt đi quá xa những gì có thể sửa chữa… Vậy ai có thể bắt đầu lại cuộc hành trình dân tộc? Sức lực, trí tuệ, tư duy, văn hóa… có đủ bảo đảm cho sự thay đổi đó không? Nhưng không thay đổi thì chẳng còn con đường nào khác...

*

Mình tự hỏi, do đâu người Việt chịu đựng rất giỏi áp lực bởi những tin tức liên tục được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian dài đến vậy? 

Thường ở các nước phát triển, chỉ cần hé ra một phần nhỏ như tin tức đăng tải ở Việt Nam chắc đã xảy ra ít nhất là các cuộc tuần hành của “quần chúng tự phát”, những cuộc chất vấn ở quốc hội, những cuộc điều tra…Vì những tin tức không hề bé nhỏ, hầu như liên quan đến cuộc sống thiết thực, thậm chí tính mạng của người dân. Mỗi ngày sự leo thang của tin tức ngày càng cao và giá trị những tin tức ngày càng sát thực. 

Ngoài biển Đông, tình hình leo thang, sự ngạo mạn của Trung Quốc đến mức khiến người bi quan tin rằng, Việt Nam đã mất biển Đông vào tay Trung Quốc. Trên đường phố, chợ búa, thậm chí trong từng mâm cơm gia đình tràn ngập thuốc độc giết người và tự sát tập thể qua các món ăn, trái cây tẩm thuốc độc từ Trung Quốc và do chính lòng tham của người Việt tạo ra. 

Kinh tế thì những từ như “lũng đoạn”, “bố già”, “thâu tóm”, “lợi ích nhóm”… chi phối gần như toàn bộ nền kinh tế, mà hệ lụy của nó sự bất ổn, tham nhũng, kiệt quệ, lạm phát… Người nghèo đã bị đẩy đến tận cùng của cái nghèo. Người giàu còn khiến kẻ giàu xứ khác phải kinh ngạc, lắc đầu về sự ăn chơi, tiêu pha. Một xã hội mà các cuộc giết người, hiếp dâm, chém giết…gần như là tin tức hàng ngày trên các báo khiến những bà mẹ nghiêm khắc, lo lắng không muốn con cái mình đọc được. 

Nền văn hóa “đậm đà bản sắc” ngoài những cuộc thi đủ thứ, trừ những cuộc thi sáng tạo, bổ ích, còn lại chủ yếu chuyện nói qua nói lại từ các scandal, cuộc sống của sao nọ, vip kia. 

Nhìn lại nền chính trị từ trước tới nay khác nhau ở chỗ nào? 

“Vua càng (được đề cao) quí bao nhiêu thì dân càng hèn bấy nhiêu…, gây nên cái chính trị đồi bại… Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nằng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo, dân quyền gì nữa. Hai mươi mấy triệu người tôn một người lên, rồi bảo rằng phải trung với người ấy. Người ấy bảo sống được sống, người ấy bảo chết phải chết, người ấy bảo phải thì phải, người ấy bảo quấy thì quấy, ta không hiểu cái chữ “trung” là thế nào vậy…Vì vậy ngôn luận không được tự do mà ý kiến bế tắc, toàn dân trong nước chẳng khác gì bầy trâu, chỉ biết ăn no vác nặng, rồi tùy ở anh cầm cày bảo đi đâu thì đi thôi” – Lời đúc kết của nhà sử học Trần Huy Liệu đúng hơn bao giờ hết với nền chính trị Việt Nam hôm nay. Hóa ra chưa có bất cứ sự thay đổi nào khi đạo đức Khổng Tử xâm nhập sâu đến vậy trong đời sống xã hội và thành đạo đức chính trị của con người. Cái đáng sợ nhất của đạo đức nho giáo chính là đập tan sự đa nguyên ngay trong tư duy con người và tạo nên những giá trị giả dối. Cái này đến giờ vẫn được thừa kế nguyên xi trong tư duy của các nhà tự nhận là cộng sản. 

Trên báo Tuổi trẻ hôm nay có bài viết về con đường kiếm tiền của bầu Kiên sao mà dễ dàng đến vậy…(http://tuoitre.vn/Kinh-te/508044/Thu-doan-kinh-doanh-trai-phep-cua-bau-Kien.html). 

Tại sao anh ta có thể nhảy một “vũ điệu” hoàn hảo có tên “tay không bắt giặc” trước mắt toàn thể xã hội trong nhiều năm? Một kẻ cướp, ăn cắp nhưng luôn có khẩu khí của một chính khách bộc trực, năng nổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khiến nhiều người bị thôi miên? Một chính phủ, một nền chính trị “ưu việt” dường như ngủ lịm khi anh ta và nhiều kẻ khác đang nhảy múa? Những ai tham gia “vũ điệu” này đã tạo nên một “sân khấu” mà khán giả bị coi là những người khiếm thị? Hay chính nền chính trị, một chính phủ đã bị “khiếm thị”? 

Hỏi nền chính trị và xã hội Việt Nam hiện nay cần cái gì nhất? Sự ổn định? Liệu có ổn định được không với những gì đang xảy ra? Liệu có ổn định được lòng dân hay không nếu họ tiếp tục bị cướp bóc, đàn áp hàng ngày? Sau tất cả những tin tức như PMU18, Vinashin, Vinaline, Ngân hàng, Thị trường tài chính… người dân vẫn mù tịt về con đường trước mặt? Không thể vui nổi. Là nỗi đau còn lại sau những câu chuyện không tưởng tượng nổi đang dần lộ diện khi cái bọc thép kín lâu nay bị gỉ nên bục ra. 

Ông Thủ tướng điều hành chính phủ và đứng đầu trưởng ban chống tham nhũng vẫn bình yên tổ chức cuộc họp để tuyên dương những người vừa bắt bầu Kiên, ra lệnh bắt Dương Chí Dũng… mà không hề có lời xin lỗi và nhận trách nhiệm? Hay chính phủ dành quyền từ chức cho nhân dân? 

Dường như xã hội chúng ta đang trượt đi quá xa những gì có thể sửa chữa…Vậy ai có thể bắt đầu lại cuộc hành trình dân tộc? Sức lực, trí tuệ, tư duy, văn hóa… có đủ bảo đảm cho sự thay đổi đó không? Nhưng không thay đổi thì chẳng còn con đường nào khác. Bỗng buồn khi nhớ tới câu ngày bé mình thường đọc chơi: “Đại phong là gió to. Gió to thì đổ đình. Đổ đình thì đổ chùa. Đổ chùa thì tượng lo. Tượng lo là lọ tương”. Khi còn bé cách chơi chữ nghĩa chỉ để đùa cười. Giờ lớn tuổi chợt nghĩ vẩn vơ: không lẽ để biết mùi cuộc đời giản dị như lọ tương thơm thảo có khi cần đến một cơn gió ĐẠI dám phá bỏ những gì tạm coi là thiêng liêng chăng? 

Thương lắm Việt Nam…




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo