Những khó khăn, bất cập của điện hạt nhân Ninh Thuận - Dân Làm Báo

Những khó khăn, bất cập của điện hạt nhân Ninh Thuận

Duong Thach (Danlambao) - Luật Năng Lượng Nguyên Tử 2008 do Nguyễn Phú Trọng ký với tư cách chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN VN có ghi về trách nhiệm quy hoạch thế này thế nọ, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực, rồi thì bộ này chịu trách nhiệm việc này, bộ kia chịu trách nhiệm công tác kia v.v. Luật ký từ năm 2008, đến nay đã 4 năm. Đó là lý thuyết, còn thực tế ra sao? Nhiều người nhận định rằng Việt Nam có cả một "rừng luật" nhưng thực tế vẫn áp dụng "luật rừng", còn các văn bản pháp quy chỉ để trưng bầy hoặc khi cần để trấn áp người biểu tình đòi Hoàng Sa - Trường Sa, hay cho các blogger (điều 88).

Trong bài tham luận đọc tại cuộc hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam" do Viện Goethe tổ chức tại Hà Nội ngày 14.2.2006, GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đưa ra nhận định: Cần xem xét lại nghiêm túc kế hoạch phát triển điện năng đã được phê duyệt ngày 15/10/2004 và ra sách trắng về phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, trình bày "những cách tư duy mới" kèm theo một chương trình hành động thiết thực trong 15 năm tới. 

Mọi phương án (option) phát triển năng lượng và điện năng "phải trải ra trên bàn để xem xét, không duy ý chí, hoặc ưu tiên một phương án nào vì những "nhóm lợi ích" khác nhau". 

Sáu năm sau bài tham luận của GS Phạm Duy Hiển và bốn năm sau Luật Năng Lượng Nguyên Tử 2008, thực tế ra sao? 

Bản tin dưới đây của báo Tuổi Trẻ ngày 06/08/2012 cho chúng ta câu trả lời, và câu trả lời này càng làm tăng thêm nỗi lo sợ trước tương lai của Việt Nam với các nhà máy điện hạt nhân.


Save Vietnam's Nature 17/08/2012

*Điện hạt nhân Ninh Thuận: 6 khó khăn, vướng mắc*

TT - UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án di dân tái định cư của hai dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh này.

Theo đó, đang có sáu vấn đề khó khăn, vướng mắc. Đó là, ranh giới, mốc để thu hồi đất tại vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vẫn chưa được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) bàn giao tại thực địa. Do đó công tác đo đạc trích lục, lập bản đồ thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo chính xác (số liệu đo đạc chủ yếu dựa trên bản đồ ảnh do EVN cung cấp).

Mặt khác theo thông tư hướng dẫn của Bộ Khoa học - công nghệ thì “Vùng cấm dân cư là vùng có ranh giới ngoài cách hàng rào nhà máy điện hạt nhân tối thiểu 1km” nhưng không định nghĩa rõ “khu vực cấm dân cư” là như thế nào, có cấm hoạt động sản xuất hay không nên tỉnh rất khó khăn trong việc xác định cụ thể vị trí, quy mô xây dựng khu tái định canh cho người dân.

Tỉnh đề nghị Bộ Công thương sớm bàn giao chính thức mốc ranh giới cụ thể tại thực địa và có ý kiến làm rõ định nghĩa cụm từ “cấm dân cư” là cấm dân cư sinh sống và sản xuất hay chỉ cấm dân cư sinh sống, cho phép được sản xuất để tỉnh có cơ sở triển khai dự án xây dựng khu tái định canh đảm bảo khoảng cách an toàn hạt nhân theo quy định. Vì khu vực giáp ranh nhà máy là khu vực duy nhất đảm bảo yêu cầu tái định canh của dự án.

Khó khăn nữa là theo quy hoạch được duyệt, khu tái định cư là khu dân cư tập trung, nằm trong vành đai du lịch, vì vậy cần đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn khu đô thị, phù hợp với quy hoạch được duyệt. Thế nhưng, dự án chỉ cho phép đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn nông thôn mới để phục vụ nhu cầu di dân và EVN chỉ bố trí vốn để xây dựng các khu quy hoạch phục vụ đủ nhu cầu di dân tái định cư, không đầu tư đồng bộ theo quy hoạch được duyệt.

Khu nghĩa trang phục vụ khu tái định cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 lại nằm trong vùng đất vườn quốc gia Núi Chúa nên khi triển khai gặp các khó khăn: chuyển mục đích sử dụng đất phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn đánh giá tác động môi trường dự án phải trình Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt.

Về chương trình đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện nay chủ yếu là đào tạo tại Nga nhưng còn gặp bất lợi về ngôn ngữ, do đó không thu hút du học sinh. Trong khi đó, phân viện đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương hiện vẫn chưa mở. Vì vậy, tỉnh đề nghị việc đào tạo cần được tổ chức tại nhiều nước, có chú trọng các nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và mở thêm phân viện đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương để phục vụ dự án khi đi vào hoạt động.

P.S.N

Tuổi Trẻ 06/08/2012


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo