Trả lời thư bạn đọc về bài viết “Như đảng đã từng” - Dân Làm Báo

Trả lời thư bạn đọc về bài viết “Như đảng đã từng”

Le Nguyen (Danlambao) - Sau khi bài viết “Như đảng đã từng” đăng tải trên diễn đàn Danlambao, có một độc giả tên Trần Phong email đến hộp thơ Danlambao nhờ chuyển đến một số thắc mắc muốn tìm lời giải từ tác giả. Nhận thấy nội dung bức thư có nhiều điểm tích cực, hợp lý khá lý thú nên tác giả xin mượn diễn đàn Danlambao, công khai hóa nội dung trao đổi giữa tác giả với bạn đọc Trần Phong để rộng đường dư luận.

Trước khi giải đáp thắc mắc, để tiện cho bạn đọc theo dõi, tác giả xin mạn phép bạn Trần Phong điều chỉnh thuần kỹ thuật một số điểm trong email của bạn: một là viết lại những chữ viết tắt để tránh vùng tối ngữ nghĩa, thuận lợi cho kẻ xấu lợi dụng giải thích tùy tiện như nguyên bộ trưởng tư pháp nhà nước Việt Nam nói về mảng tối của luật pháp Việt nam “muốn thắng là thắng, muốn hòa là hòa, muốn thua là thua, giải thích luật pháp sao cũng được cả!” Hai là điều chỉnh phân đoạn, chấm câu, xuống dòng cho rõ nghĩa rạch ròi tránh trường hợp cãi chày cãi cối hoặc đỗ thừa đổ tội cho trời, cho đất theo kiểu cán bộ, đảng viên, quan chức của đảng ta thường làm “mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là tại thiên tài đảng ta.” 

Bức thứ của bạn Trần Phong được hoàn chỉnh, điều chỉnh kỹ thuật có nội dung như sau: 

“Tôi đọc lại mấy lần bài viết nêu trên của tác giả Le Nguyen, thú thật không hiểu vì sao tác giả lại đi đánh đồng giữa Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng với gã lưu manh đầu bạc Nguyễn Đức Kiên? Quả là khó hiểu với tác giả bài viết nhưng lại quá dễ hiểu đối với đa phần bạn đọc, nhất là những ai từng biết đến cái cách đám này "làm ăn" trong bóng tối ra sao... 

Hai nhân vật mà Le Nguyen đem ra so sánh thì tiền đầu tư của họ là tiền của chính họ dù phải vay ngân hàng nhưng có thế chấp bằng giá trị sử dụng đất nhà, xưởng... mà sau này do cộng sản đánh giá không đúng giá trị qui đổi Tăng Minh Phụng mới không đủ tiền trả nợ ngân hàng, nếu nhà nước cộng sản minh bạch và tử tế, nếu nguồn tiền đầu tư cho Tăng Minh Phụng không phải đến từ Đài Loan mà từ Trung Quốc thì làm gì mà bị tử hình? Đó là cái trò dằn mặt của Trung Cộng vì chính sách "một nước Trung Hoa" đấy!... Còn tiền của "Việt kiều yêu nước" Trịnh Vĩnh Bình thì cũng là của riêng ông ta đem vào đầu tư nhưng sau này dưới nhiều "áp lực" quốc tế, cộng sản cũng phải trả hết, trả đủ rồi! Tác giả không biết sao? 

Còn gã đầu bạc vừa bị bắt thì hoàn toàn kiếm tiền do lừa đảo thâu tóm các ngân hàng lừa lấy tiền của nhà nước mà thực chất là TIỀN THUẾ của mấy chục triệu DÂN TA đấy! Vậy tác giả sao lại đánh đồng gã này với hai người kia cứ như thể muốn bênh gã? Vậy, tác giả do không biết hay có ý gì xin công khai cho bà con trong thôn biết sớm nhé. Vài lời với tác giả Le Nguyen và toàn thể bà con để tránh hiểu lầm đáng tiếc - Trần Phong.” 

Nhìn chung, nội dung ý kiến thắc mắc của bạn Trần Phong tương đối có chiều sâu, từ đó chỉ ra bạn có quan tâm, có tìm hiểu khá cặn kẽ các vụ án “điểm” của Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng, Nguyễn Đức Kiên. Tuy vậy, ít nhiều bạn đã bị tác động phần cảm tính của dư luận quần chúng nên thiếu tính khoa học khách quan, một đặc tính quan yếu để đánh giá đúng đắn của bộ óc có thói quen tư duy độc lập, chính những chữ bạn sử dụng trong đoạn mở đầu khá hằn học, thiếu bình tĩnh khi đề cặp đến Nguyễn Đức Kiên đã chỉ ra điều đó: 

“Tôi đọc lại mấy lần bài viết nêu trên của tác giả Le Nguyen, thú thật không hiểu vì sao tác giả lại đi đánh đồng giữa Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng với gã lưu manh đầu bạc Nguyễn Đức Kiên? Quả là khó hiểu với tác giả bài viết nhưng lại quá dễ hiểu đối với đa phần bạn đọc, nhất là những ai từng biết đến cái cách đám này "làm ăn" trong bóng tối ra sao...” 

Đọc lời mở đầu với những chữ “...gã lưu manh đầu bạc...” cho đến “...cái đám này làm ăn trong bóng tối ra sao...” tác giả không chê trách những bức xúc, phẫn nộ với xấu ác chính đáng của bạn, vì bạn phải sống trong môi trường của thông tin tù mù nhỏ giọt có chỉ đạo, định hướng cùng sống mạnh sống hùng với nhiều tin đồn dư dả khá phù phiếm nên tác giả hiểu được phần nào thái độ phẫn nộ của bạn. 

Thế có bao giờ bạn đặt câu hỏi tại sao gã lưu manh đầu bạc làm ăn trong bóng tối, nghĩa là làm ăn theo cách cố ý làm trái để kiếm lợi nhuận, đặc tính của gian thương ở mọi thời đại... lại tồn tại trong chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa này khá lâu, lâu đến độ khuynh đảo cả nền kinh tế, nhất là tài chánh ngân hàng, huyết mạch của mọi giòng chảy kinh tế. Xin lưu ý, nếu bạn mở tung được cánh cửa này, ánh sáng sẽ tràn vào các vùng tối của các vương quốc tội ác? 

Tác giả cũng ghi nhận, bạn đã đưa ra lập luận về nguyên nhân, hậu quả với các dẫn chứng xác thực về vụ án của Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng và nêu thắc mắc lý do gì tác giả đem Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng so sánh với gã lưu manh đầu bạc, chuyên nghề lừa đảo Nguyễn Đức Kiên: 

“Hai nhân vật mà Le Nguyen đem ra so sánh thì tiền đầu tư của họ là tiền của chính họ dù phải vay ngân hàng nhưng có thế chấp bằng giá trị sử dụng đất nhà, xưởng... mà sau này do cộng sản đánh giá không đúng giá trị qui đổi Tăng Minh Phụng mới không đủ tiền trả nợ ngân hàng, nếu nhà nước cộng sản minh bạch và tử tế, nếu nguồn tiền đầu tư cho Tăng Minh Phụng không phải đến từ Đài Loan mà từ Trung Quốc thì làm gì mà bị tử hình? Đó là cái trò dằn mặt của Trung Cộng vì chính sách"một nước Trung Hoa"đấy!... Còn tiền của "Việt kiều yêu nước" Trịnh Vĩnh Bình thì cũng là của riêng ông ta đem vào đầu tư nhưng sau này dưới nhiều "áp lực" quốc tế, cộng sản cũng phải trả hết, trả đủ rồi! Tác giả không biết sao?” 

Xin thưa, những điều bạn viết ra tác giả có biết và còn biết cả những điều bạn chưa đề cập trong thư gởi đến Danlambao. Một lần nữa tác giả phải công nhận những nhận xét của bạn về hai vụ án Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng hoàn toàn chính xác, không có nhiều điểm yếu kém đến độ cần thiết tranh luận để đi tìm cái đúng nhất. 

Tuy thế, cũng xin nói rõ với bạn rằng, tác giả không hề có ý so sánh vụ án Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng với vụ án Nguyễn Đức Kiên, chính tựa đề “Như Đảng Đã Từng” đã chỉ ra điều đó, đại ý bài viết hướng bạn đọc đến các việc đảng đã từng dối gạt, giết hại những người tin vào đảng như bà Cát Hanh Long, vợ chồng ông địa chủ tốt bụng góp gạo nuôi kháng chiến, cha mẹ vợ của nhà thơ Hữu Loan... bị đảng xử tử trong cải cách ruộng đất, cùng với các ông Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Cầm... bị hạ nhục tống tù, triệt đường mưu sinh thời nhân văn giai phẩm và Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Trần Độ... chết âm thầm trong hối hận khôn nguôi vì biết bị đảng lừa gạt trong cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam? 

Tác giả xác định với bạn, Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng, Nguyễn Đức Kiên chỉ là danh sách nối dài của lập trường, chủ trương nhất quán của chiêu trò lừa bịp, vỗ béo rồi thịt như đảng đã từng làm trong quá khứ, ngay trong hiện tại và chưa có dấu hiệu chấm dứt ở tương lai bạn ạ! Chính vì lẽ đó, bài viết “Như Đảng Đã Từng” chuyển tải đến bạn đọc như nỗi niềm trăn trở, như lời cảnh tỉnh gởi đến đồng bào hiền lành của mình, những ai còn mê muội tin vào những lời tuyên truyền dối trá của đảng cộng sản Việt nam. Bài viết “Như Đảng Đã Từng” không hề mang mục đích so sánh, vì mọi sự so sánh đều không vạch trần được sự thật và tội ác “như đảng đã từng” gây ra cho đất nước dân tộc này. 

Trở lại đoạn kết, theo nhận xét của tác giả có phần chủ quan cũng là ý chính, cốt lõi trong bức thư của bạn: 

“ Còn gã đầu bạc vừa bị bắt thì hoàn toàn kiếm tiền do lừa đảo thâu tóm các ngân hàng, lừa lấy tiền của nhà nước mà thực chất là TIỀN THUẾ của mấy chục triệu DÂN TA đấy! Vậy tác giả sao lại đánh đồng gã này với hai người kia, cứ như thể muốn bênh gã? Vậy tác giả do không biết hay có ý gì xin công khai cho bà con trong thôn biết sớm nhé. Vài lời với tác giả Le Nguyen và toàn thể bà con để tránh hiểu lầm đáng tiếc.” 

Thú thật, đọc đoạn kết bức thư của bạn, tác giả có cảm nhận như đang đọc bản kết quả điều tra của viện kiểm sát nhân dân, thậm chí là bản kết tội của tòa án nhân dân, xen lẫn giọng điệu tuyên truyền định hướng quần chúng tự phát gây bức xúc trong dư luận xã hội: “gã đầu bạc bị bắt hoàn toàn kiếm tiền do lừa đảo thâu tóm ngân ngân hàng, lừa lấy tiền nhà nước... thực chất là tiền thuế của mấy chục triệu dân ta đấy!” 

Dù thế nào đi nữa, quan điểm của bạn đúng hay sai cũng không cần thiết phải tranh luận, có điều quan trọng khác, tác giả nhận thấy cần phải nói thêm với bạn là vụ án Nguyễn Đức Kiên có rất nhiều chuyện để nói nhưng với những thông tin ngoài luồng và thông tin định hướng của loa đài không đủ cơ sở để có nhận xét tương đối đúng đắn về vụ án của Nguyên Đức Kiên. 

Do đó, tác giả chỉ có thể nhận định vụ án Nguyễn Đức Kiên trên ba tội danh có thể bị truy tố do loa đài nhà nước xa gần nhắc tới, làm thành lý do bắt giữ tạm giam phục vụ công tác điều tra của bộ công an: 

1. Cố ý làm trái trong hoạt động kinh doanh, tội danh này không thuyết phục vì làm ăn trong nước Việt Nam, dòi bọ nhung nhúc trong phân làm ô nhiễm môi trường kinh doanh, có người dân nào được yên ổn làm ăn để không bị kinh doanh trái phép, ngay cả việc bắt giữ bầu Kiên tội kinh doanh trái phép của cảnh sát điều tra cũng đã cố ý làm trái với quy định của pháp luật, còn gì để nói trái phép hay không trái phép? 

2. Thành lập hội đồng sáng lập ngân hàng thương mãi không phù hợp với quy định của pháp luật, tội danh này rất con nít bởi việc thành lập ngân hàng không đúng với quy định pháp luật, vi phạm này không chỉ mới xảy ra ngày một buổi, nó xảy ra đã mười mấy năm rồi bây giờ mới xua quân bắt tội phạm là sao. Vậy, những kẻ nuôi dưỡng bao che tội phạm, có cố ý làm trái, có bị truy tố tội buông lõng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng không? 

3. Tội danh thâu tóm ngân hàng, tội này vớ vẩn hơn cả bởi một mình Nguyễn Đức Kiên không thể thâu tóm ngân hàng, đằng sau nó phải có một thế lực khác nữa, nếu bầu Kiên thâu tóm được ngân hàng, theo cách tay không bắt giặc, dùng nước bọt gây dựng sự nghiệp, khuynh đảo thiên hạ, quả là có một không hai của sản phẩm con người mới xã hội chủ nghĩa, xứng danh là kẻ truyền thừa sự nghiệp Hồ Chí Minh! 

Cũng nên nói thêm với bạn, nhận xét của tác giả về bầu Kiên là tư duy nhận thức khách quan không do tác động từ cảm nghĩ của một số cá nhân gần gũi có cơ hội tiếp cận hoặc làm việc với bầu Kiên như Đoàn Nguyên Đức, tập đoàn kinh tế Hoàng Anh Gia Lai, Nguyễn Thành Vinh huấn luyện viên câu lạc bộ Hà Nội... và nhất là không bị ảnh hưởng bởi những phát ngôn “gây sốc”có tính đột phá về cơ cấu tổ chức liên đoàn bóng đá dạo nào! 

Tác giả cũng không ủng hộ cách làm giàu của bầu Kiên, vì cách của bầu Kiên không làm cho xã hội công bằng, đất nước mình tốt đẹp hơn. Cách làm giàu của bầu Kiên khá lạnh lùng, tàn độc của hình mẫu tài phiệt, gian thương thời tư bản hoang dã là “làm mọi cách để kiếm tiền... thương trường không bạn bè chỉ có lợi nhuận!” 

Quan sát cách làm giàu không trong sáng của bầu Kiên, không vì thế mà chúng ta đưa ra nhận xét thiếu khách quan đối với bầu Kiên, cứ nhìn vào của cải của bầu Kiên phải công nhận Nguyễn Đức Kiên là một tài năng hiếm có và không nên nói rằng Trịnh Vĩnh Bình, Tăng Minh Phụng kinh doanh bằng chính đồng tiền của họ, còn Nguyễn Đức Kiên kinh doanh với tay không và nước bọt, nghĩ thế có phần thiên vị, là không công bằng. 

Tại sao tác giả nói thế, bởi không ít tập đoàn kinh tế hùng mạnh được sự hỗ trợ vô hạn của nguồn vốn, nguồn nhân lực thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, với ưu thế quyết tâm chính trị cao độ của toàn đảng, chính phủ mà tan nát sụp đổ thảm hại, nợ đầm nợ đìa không khả năng chi trả. Trong khi bầu Kiên chỉ với tay không, nước bọt theo như cách nói của đảng, nhà nước là kinh doanh trái phép, thành lập ngân hàng thương mãi không phù hợp theo quy định của pháp luật lại có khả năng thâu tóm ngân hàng làm rúng động cả trong đến ngoài nước, Vậy “tài” của bầu Kiên có phải đáng nể lắm không? 

Xét cho cùng, dù tiền bạc tài sản của Nguyễn Đức Kiên kiếm được, có do trò lưu manh, chiếm đoạt của người khác đi nữa, vẫn tốt, vẫn sạch, vẫn đạo đức hơn nhiều so với cách “kiếm tiền” của các cán bộ, đảng viên, quan chức của đảng nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay. Thiển nghĩ, nếu Nguyễn Đức Kiên sinh ra lớn lên được đào tạo trong nhà nước dân chủ, có môi trường phát triển lành mạnh thì tài năng Nguyễn Đức Kiên sẽ được phát hiện nuôi dưỡng theo hướng lành mạnh hoặc bị phát hiện tật xấu sẽ bị làm cho vô hiệu để không thể giở trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản kéo dài nhiều chục năm gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước và xã hội. Có lẽ, nhận xét đúng nhất cho trường hợp Nguyễn Đức Kiên, là Kiên vừa là nạn nhân, vừa là sản phẩm xã hội, xã hội chủ nghĩa nên kết thúc sự nghiệp “làm giàu, làm giặc” của bầu Kiên có phần cay đắng, đáng thương hơn là đáng tội! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo