Kinh doanh xăng dầu: Đầu bảng … trốn thuế? - Dân Làm Báo

Kinh doanh xăng dầu: Đầu bảng … trốn thuế?

Thúy Hằng (Đại Đoàn Kết)Trước khi Thủ tướng có chỉ thị về tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ ra: 11/13 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu chây ì nghĩa vụ thuế "khủng” trong thời gian dài. Ấy thế mà trong nhiều năm qua, các DN này cứ lớn tiếng kêu than để được hưởng những ưu đãi độc quyền "kép”, mặc cho đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh lay lắt với bộn bề khó khăn.

Điểm danh những chiêu trốn thuế

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị dẫn đầu nợ thuế quá hạn với tổng nợ trên 130 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 44,2% tổng nợ thuế của các DN kinh doanh xăng dầu. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội với mức nợ trên 55 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam nợ 24,4 nghìn tỷ đồng. Và trước đó, vào đầu tháng 7, đại gia xăng dầu Petrolimex cũng đứng trước nghi án "khai sớm thuế” trước 2 tuần cho các lô hàng cập cảng để thu lợi 64 tỷ đồng khi biết thông tin Bộ Tài chính có quyết định thay đổi khung thuế suất nhập khẩu xăng dầu từ 4% lên 7%.

Và sau khi số liệu của Tổng cục Hải quan công bố, cả Bộ Công thương lẫn đơn vị kinh doanh xăng dầu đang chiếm 60% thị phần này đứng ra tự bào chữa cho mình. Cụ thể, Petrolimex đưa ra lý đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế nhưng thông tin của Tổng cục Hải quan chưa được cập nhập một cách kịp thời trên hệ thống. "Gần như mỗi ngày Petrolimex đều có một chuyến tàu nhập khẩu và được thông quan bình thường, do đó, nếu Petrolimex có nợ thuế quá hạn thì đương nhiên Petrolimex đã bị cưỡng chế” – ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex nói.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng lên tiếng "bênh” cho DN của mình: Xuất nhập khẩu xăng dầu không phải như đi mua rau. Không phải cứ nghe tin sắp tăng thuế rồi, mua ngay đi để hưởng lợi là được. Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Cẩm Tú nói: Không loại trừ khả năng DN lợi dụng chính sách để hưởng lợi về thuế nhưng không thể nói DN trốn thuế thông qua số liệu công bố nợ thuế của Tổng cục Hải quan.
Dư luận đặt vấn đề: Lãi khủng do trốn thuế xăng dầu đã được ăn chia thế nào? Ảnh: Hoàng Long

Mặc dù bên liên quan nào cũng có cái lý của mình. Những "chiêu lách” của Petrolimex trong các hoạt động nhập khẩu – phân phối chắc chắn sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, bước đầu dư luận cũng đã có được những thông tin "hé lộ” cách thức kiếm tiền tỷ khổng lồ từ trốn thuế.

Cứ đơn giản hình dung, từ ngày 8-3 đến 3-7,thuế suất nhập khẩu xăng dầu đã tăng 5 lần từ 0% tăng lên 7% rồi 10-12%. Nếu các DN đầu mối nhanh chân nhập khẩu xăng dầu theo hình thức tạm nhập tái xuất trước ngày 8-3 (để hưởng thuế 0%), rồi chuyển lượng hàng còn tồn sang tiêu thụ nội địa ở thời điểm tháng 6 thì DN đã hưởng được trọn 7% thuế suất. Vì theo Thông tư 165/2010 của Bộ Tài chính, mặt hàng xăng dầu có thể gia hạn thời gian lưu trú ở Việt Nam lên tới 180 ngày. Cứ thế, một lô hàng nhập ở thời điểm tháng 21-6, các DN chịu mức khai thuế suất ở 10%, song rồi lại đưa tiêu thụ nội địa vào tháng 7 nhưng khai thuế hải quan 12% để ăn chênh lệch.

Muốn ăn đậm hơn, các DN làm thủ tục tái xuất qua Trung Quốc, Campuchia rồi nhập ngược vào Việt Nam bán, kiếm lời ít nhất hơn 8.000 đồng mỗi lít, tương đương 1/3 trên giá bán lẻ hiện tại. Cách tính toán này cũng khá tương đồng, khi Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương cho biết, xăng dầu là một trong những mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất.

Đâu là nguyên nhân

Đã ăn đậm nhờ trốn thuế là vậy, các DN xăng đầu đầu mối liên tục kêu lỗ. Thậm chí còn tiên phong đi đầu trong việc xin giảm thuế. "DN đề xuất hai phương án, nếu giữ nguyên thuế, mức tăng giá xăng dầu sẽ mạnh. Trong trường hợp giảm thuế, giá xăng dầu sẽ tăng ít hơn” – nội dung văn bản kiến nghị tăng giá của một đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Tài chính vào ngày 10-8 vừa qua. Với tình trạng tiêu cực, trốn thuế của các đại gia xăng dầu như trên, cho thấy ngân sách của nhà nước bị thất thu.

Ông Trần Nguyên Chẩn - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hải quan, nói, một vài công ty đã qua mắt hải quan và trốn thuế. "Vậy số lãi khổng lồ do trốn "thuế xăng dầu” này đã được ăn chia như thế nào?”.

Không chỉ đến bây giờ, tình trạng trốn thuế của các DN lớn mới được cảnh báo. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch trọng tài quốc tế, (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã khẳng định, do đang tồn tại rất nhiều các văn bản pháp luật chồng chéo nhau làm cho các nhà quản lý và các DN rất khó nắm bắt và thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo đúng pháp luật.

Nhưng chung quy lại, cách thức chung mà các DN kinh doanh lớn đang thực hiện để lách Hải quan là xuất khống, nhập dư.

Trong tháng 9 sẽ có danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan. Yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định hiện hành về tạm nhập tái xuất. Trong tháng 9 này, ban hành: Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; danh mục hàng thực phẩm đông lạnh khác …

Về cửa khẩu tái xuất, thời gian hàng hóa lưu tại Việt Nam không quá 45 ngày; chỉ được gia hạn một lần không quá 15 ngày. Trường hợp không tái xuất được thì tịch thu và xử lý theo quy định.


Về tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu mặt hàng xăng dầu: Quy định và bổ sung điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đối với mặt hàng xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1136/VPCP-KTTH ngày 1-8-2012 của Văn phòng Chính phủ.

Thúy Hằng


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo