Không liên kết xuất bản sách chủ quyền quốc gia - Dân Làm Báo

Không liên kết xuất bản sách chủ quyền quốc gia


Siết hoạt động liên kết xuất bản 

Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì NXB không được liên kết.

Sáng 27-10, Quốc hội (QH) nghe và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Dự luật này đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba. Giống như kỳ họp trước, nội dung thu hút sự quan tâm và cho ý kiến nhiều nhất của dự Luật Xuất bản là vấn đề liên kết xuất bản từng gây nhiều hệ lụy và khó kiểm soát, diễn ra suốt thời gian qua.

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản (NXB). Tuy nhiên, trên thực tế, đối tác liên kết thực hiện hầu như toàn bộ từ tổ chức đến biên tập bản thảo, NXB chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm. 

Vì thế, dự luật cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nữa về liên kết xuất bản. Tại dự thảo luật lần này đã bổ sung quy định về điều kiện, đối tượng, hình thức thực hiện liên kết, trách nhiệm của tổng giám đốc, tổng biên tập NXB, trách nhiệm của đối tác liên kết trong liên kết xuất bản; quy định đối tác liên kết có thể được thực hiện khâu biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ các điều kiện và năng lực biên tập; trong trường hợp này, NXB chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, thẩm định nội dung văn hóa, tư tưởng và quyết định xuất bản. 

Đặc biệt, theo Ủy ban Thường vụ QH, dự luật chỉnh sửa lần này đã quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì NXB không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng. 

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) QH băn khoăn trước các quy định về liên kết xuất bản trong dự luật vẫn chưa mạnh, khó đủ sức ngăn chặn chất lượng ấn bản phẩm bát nháosinh ra từ liên kết xuất bản. ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) nêu: “Hiện tình trạng liên kết xuất bản diễn ra tràn lan, nhiều trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước và NXB tham gia liên kết không nắm được nội dung ấn phẩm. 

Cần quy định rõ trách nhiệm của tổng giám đốc NXB trong việc liên kết xuất bản để hạn chế tình trạng liên kết xuất bản lộn xộn như hiện nay”. Còn ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng việc bỏ quy định nộp lưu chiểu trước khi xuất bản 10 ngày sẽ làm gia tăng số ấn phẩm có chất lượng kém và đề nghị giữ quy định hiện hành. 

Mạnh mẽ hơn, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị siết chặt nạn liên kết xuất bản bằng cách quy định trách nhiệm của tổng giám đốc NXB theo hướng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra liên kết xuất bản có sai phạm. ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề xuất không nên cho phép đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo. 

Một số vấn đề quan trọng khác cũng được các ĐB đề nghị quy định là hành vi cấm trong dự luật. ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) kiến nghị luật cần ghi rõ cấm việc xuất bản không thể hiện đúng bản đồ quốc gia, như không thể hiện đủ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên bản đồ Việt Nam.

Thêm giấy phép “con”

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đề nghị bỏ quy định “cơ sở phát hành phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản trong điều 39 của dự luật vì giống như một giấy phép “con” không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính. Theo ĐB Thúy, từ ngày 3-2-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19 về bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Từ đó, Luật Xuất bản năm 2004 đã bãi bỏ các loại giấy phép với cơ sở in và phát hành. “Các quy định này đẻ ra nhiều thủ tục mang tính hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp nhưng vẫn không kiểm soát được các vấn đề liên quan đến nội dung” - ĐB Thúy đánh giá.


Thứ Bảy, 27/10/2012 23:07 

Bảo Trân

*

Không liên kết xuất bản sách chủ quyền quốc gia

V.V.Thành (TTO) - "Những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng". 

Đó là một trong những nội dung của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng nay 27-10. 

"Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm. UBTVQH cho rằng, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hóa, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình" - Ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) nói. 

Thiết kế "hành lang" riêng cho xuất bản điện tử 

Sách điện tử - một lĩnh vực còn mới mẻ với ngành xuất bản Việt Nam - Ảnh: TidBITS

Cũng theo ông Đào Trọng Thi, dự thảo Luật lần này ngoài một số quy định chung đã xây dựng một chương riêng về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Các nội dung trong chương này về cơ bản đã bao quát các đối tượng, hình thức, điều kiện, trách nhiệm và quyền hạn tham gia thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. 

Ông Thi nói: "Xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở nước ta. Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi, khó dự báo trước. Trong xuất bản điện tử, xuất bản phẩm không cần phải in (nhân bản) mà có thể phát hành ngay trên mạng Internet hoặc việc in (nhân bản) diễn ra sau khâu phát hành. Vì kinh nghiệm của ta về vấn đề này còn hạn chế nên Luật Xuất bản (sửa đổi) mới quy định những nội dung có tính nguyên tắc, quy định về phương thức xuất bản điện tử và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh". 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo