Tết trung thu của ai? - Dân Làm Báo

Tết trung thu của ai?

Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) - Mỗi dịp Trung thu về, khi nhìn những tảng mây chầm chậm trôi trên bầu trời đã thôi màu rực rỡ, những đợt gió mát vội vàng đến từ nơi đâu không biết đuổi nhau trên cánh đồng, cái nóng như thiêu đốt của mùa hạ bất chợt biến mất như chưa bao giờ hiện hữu tôi lại nhớ như in những mùa Trung thu trước đã qua trong cuộc đời với nhiều cảm xúc vừa vui rộn ràng của trẻ thơ, vừa buồn nuối tiếc của người sắp bước sang tuổi xế chiều và ray rứt không nguôi của một người đi tìm sự hoàn hảo cho bằng người.

*

Cách đây 20 năm mùa Tết trung thu 1992.

Trong căn nhà gỗ xinh xắn và ấm cúng, một mảnh vườn con trồng đầy những cây hoa móng tay và hoa Tý ngọ... vì các cháu nhà tôi thích loại hoa này nên tôi mang về trồng, chắc có lẽ vì màu hoa rực rỡ và luôn thay đổi cứ sau một ngày là như ai đó thay một thảm hoa mới. Bàn tay của thiên nhiên diệu kỳ đã làm điều đó một cách cần mẫn và đúng hẹn.

Tết Trung thu năm đó tôi làm cho mỗi cháu một chiếc lồng đèn Ông sao màu đỏ rực của rubi. Thục Vy, Khánh Vy, Trọng Hiếu hớn hở chờ đến đêm để thắp đèn và đi dạo.

Buổi chiều ngày rằm các cháu mặc quần áo mới đi ra đi vào vẻ bồn chồn nô nức đón trăng lên. Tôi nhớ buổi cơm chiều hôm đó Thục Vy ăn được rất ít vì cảm xúc đợi chờ, còn Khánh Vy và Hiếu thì cứ ăn vô tư như mọi ngày vì chắc là còn bé nên chưa có cảm xúc gì chi phối.

Trời vừa tối tôi trải chiếu ra sân và bày ra nào là bánh mức các loại, ấm trà, hoa quả và cả chiếc cassette mới mua để thưởng thức những bản nhạc mùa thu tự tay tôi chọn trong một băng riêng.

Tôi giúp các cháu đốt đèn. Ánh đèn trung thu rực rỡ trong một đêm miền quê yên vắng và buồn buồn... xa xa từ dòng sông ngoài kia vọng lên tiếng ai hát những làn điệu dân ca mượt mà quen thuộc, vọng lại tiếng gõ vào mạn thuyền để đuổi cá.

Tôi dắt các cháu đi trên con đường làng vắng hoe, phảng phất mùi thơm từ cách đồng vừa gặt xong còn trơ gốc rạ và những ụ rơm ven đường.

Ngày đó ở miền quê này chẳng có gia đình nào đón tết Trung thu và mua quà Trung thu cho con trẻ. Cuộc sống lam lũ, nghèo khổ và tối tăm, ban đêm ở đây chỉ có ánh trăng soi và ánh đèn dầu hiu hắt. Không có điện người dân sinh hoạt đơn giản đến tẻ nhạt, người ta không nghĩ nhiều về tương lai và cũng chẳng có ước mơ gì. Trẻ con ở đây không hề biết bánh và đèn Trung thu, không có khái niệm gì về ngày Tết của tuổi thơ, quanh năm suốt tháng chúng chỉ biết có bánh tráng làm bằng khoai sắn hoặc bánh in, bánh tét, bánh nổ trong những ngày Tết nguyên đán.

Từ bé tôi sống ở Tam Kỳ thời Việt Nam Cộng Hòa, ban đêm ánh đèn điện sáng trưng. Những ngày Tết nguyên đán, tết Trung thu và ngày Noel thì những thứ mà bây giờ trở nên xa lạ như rượu vang Pháp, bánh biscuit Mỹ, chocola, cocacola không xa lạ gì đối với một cậu bé như tôi. 

Giờ đây ngồi viết những dòng này thấy xót xa và đau nhói trong tim vì thấy tuổi thơ của các con tôi không hạnh phúc, đầy đủ và được thương yêu bảo vệ trân quý của xã hội như tuổi thơ của thế hệ tôi. Vậy mà những người Cộng sản họ dám nói là họ đã “giải phóng” chúng tôi mới lạ chứ ?

Biết như vậy nên tôi cố gắng bù đắp cho các con tôi bằng hết khả năng của mình. Rất may gia đình tôi lúc đó (1992) đầy đủ, sung túc hơn so với rất nhiều nhà trong vùng. Các con tôi được mặc quần áo đẹp, thức ăn ngon, còn quà bánh thì lúc đó ở Tam Kỳ có hai tiệm bán bánh ngọt nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Nam là Bảo Hương và Phú Nhuận tôi thường đến đó để mua quà cho các cháu.

Đêm Trung thu năm 1992, sau khi đi dạo quanh một vòng trên con đường làng thanh vắng, ba con tôi về treo lồng đèn lên cây mai trước sân, một cái trước cửa, một cái giữa nhà, từ ngoài nhìn vào trông rực rỡ lung linh giữa một đêm miền quê tăm tối. Chúng tôi ngồi trước sân dưới ánh trăng dịu mát.

Trong tiếng nhạc mùa thu êm đềm, nhỏ nhẹ cả nhà ngồi ăn bánh uống trà và nghe các cháu giành nhau hát (không đầu không cuối) bài hát Trung thu mà cô Hường (em gái tôi) dạy cho các cháu mấy hôm trước, tiếng hát trẻ con trong trẻo dễ thương làm lòng tôi ấm lại và căn nhà nhỏ vui tươi sinh động.

Khi trăng lên khá cao và trời đã về khuya, tôi bảo các cháu đi ngủ. Trước khi đi ngủ Thục Vy nói với tôi: 

- Sang năm mình làm cỗ Trung thu to hơn, lồng đèn to hơn nghe ba (TV vừa nói vừa dang hai tay ra).

Tôi trả lời: 

- Tất nhiên rồi.

Khánh Vy cũng nói với tôi như thế và Hiếu bắt chước hai chị lặp lại đúng từng lời, tôi cũng hứa với: 

- Tất nhiên rồi!.

Ngày 27/10/1992, tôi bị nhà cầm quyền CSVN bắt với một tội danh ngớ ngẩn “Tuyên truyền chống chế độ”. Mười năm sau tôi mới trở về thì các cháu đã lớn. Lời hứa với các cháu không thực hiện nữa, nhưng những gì các cháu nói với tôi và lời tôi hứa với các cháu còn văng vẵng bên tai tôi đến tận bây giờ.

Ở trong tù mỗi lần Trung thu về tôi lại khóc vì nhớ con, vì lo lắng khi không có tôi các cháu sẽ sống ra sao?

Mười năm xa con, lúc các cháu cần tôi nhất, sự mất mát cho tôi và cho các cháu để lại trong lòng tôi nỗi đớn đau không bao giờ nguôi được.

*

TẾT TRUNG THU THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA

Việt Nam Cộng Hòa là chế độ dân chủ non trẻ và nhiều bất cập vì phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tàn khốc hủy phá mọi nguồn lực quốc gia và luôn đe dọa đến sự sống còn của nền cộng hòa, nhưng không phải vì vậy mà chính quyền không quan tâm đến an sinh của người dân, nhất là thiếu niên nhi đồng.

Ai sống ở Miền nam trước 1975 cũng đều biết rằng Việt Nam Cộng Hòa tồn tại như một ốc đảo tự do trong hoang mạc chiến tranh trùng trùng, nhưng ở đó người dân được khám chữa bệnh không mất tiền với một trình độ y khoa cao nhất khu vực Đông Nam Á, trẻ con ở tuổi đi học không phải đóng một xu nào, có khi còn được một buổi ăn sáng do nhà nước cấp (đó là những lúc ngân sách quốc gia tương đối rộng rãi).

Tôi có may mắn là được sống trong chế độ VNCH đến năm 17 tuổi.

Tuổi thiếu thời của tôi thật êm đềm và hạnh phúc, trong nhà lúc nào cũng đầy ắp gạo, đường, mắm, sữa (cũng như nhiều gia đình lúc đó nhà tôi mua sắm mỗi tháng một lần cho nhu cầu hằng ngày, trong nhà lúc nào cũng có vài chục lượng vàng để phòng bất trắc).

Ngoài Tết nguyên đán ra, bọn trẻ chúng tôi được hưởng niềm vui từ hai ngày lễ lớn: đó là ngày Tết Trung thu và ngày Noel.

Ngày Tết Trung thu chúng tôi chuẩn bị áo quần đẹp, lồng đèn đủ màu đủ kiểu để đi rước đèn trong đêm rằm tháng 8. 

Tam Kỳ lúc đó chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng phố phường nhộn nhịp, hàng hóa chất cao như núi ở các chợ và trong những nhà hàng, người mua kẻ bán tấp nập. Không khí trong lành, môi trường lý tưởng với những vườn cây, dòng sông, núi non xanh biết bốn mùa, mặc cho đêm đêm vẫn bị quấy rối bởi mấy anh du kích, bộ đội “cụ Hồ” tìm cách đặt bom, đánh phá cầu cống, đường sá, nhà máy nước, nhà máy đèn.

Tết Trung thu chúng tôi được nhận quà từ nhà trường, từ chính quyền địa phương, những đứa trẻ có theo đạo thì còn được nhận quà của nhà chùa, nhà thờ Công giáo, Tin lành. Một đứa trẻ ít nhất nhận được 2 phần quà với nhiều bánh kẹo thật ngon như chocola, biscuit, nước ngọt cocacola v.v... mà gia đình không phải đóng một xu nào.

Những quà bánh đó hàng ngày chúng tôi được ăn thỏa thích, nhưng vẫn nô nức trông chờ ngày tết Trung thu.

Buổi tối rằm tháng tám là vui nhất, chúng tôi từng tốp, từng đoàn đi rước đèn qua các phố để xem múa Lân. Những Mạnh thường quân và chính quyền bỏ tiền ra để thuê những đoàn múa Lân chuyên nghiệp múa phục vụ cho trẻ con và người dân xem. Nếu thành phố hay thị trấn nào vì tình hình an ninh xấu quá thì chính quyền cho tăng thêm Quân cảnh và Cảnh sát giữ gìn trật tự, lệnh giới nghiêm tạm thời thu hồi để phục vụ cho trẻ em một đêm Trung thu đúng ý nghĩa.

Chính quyền VNCH lúc đó chỉ kiểm soát được một phần đất nước, phần lớn lãnh thổ nhỏ bé ở trong tình trạng chiến tranh và mất an ninh. Người dân sống trong vùng chiến tranh hoặc mất an ninh rất khổ vì không có được sự bảo vệ và giúp đỡ của chính quyền vì họ phải sống trong tình trạng “vô chính phủ”, vô pháp luật. Chính điều này đã tạo nên những cái nhìn khác biệt, quan điểm khác biệt về chế độ VNCH.

TẾT TRUNG THU DƯỚI THỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Sau khi VNCH bị bức tử, xã hội đã thay chủ đổi ngôi, người dân đối mặt với bế tắc và nghèo đói. Hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do, hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên con đường vượt biển, hàng trăm ngàn người khác vào tù. Tam Kỳ trở nên hoang vắng, tôi đi qua những dãy nhà bỏ hoang lòng hoài nghi và buồn bã, phố xá tiêu điều, hàng hóa trống rỗng, với đêm thật dài và ngày bất tận, mọi người lầm lũi đi về dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền, công an du kích tay lăm lăm khẩu súng. Trong ngôn ngữ không có từ tự do và dân chủ, những hứa hẹn về một xã hội hòa giải hòa hợp về thịnh vượng và bình đẳng trở nên xa vời và mỉa mai, người CS đang sống trong cơn mộng du của chiến thắng, người ta thẳng tay tàn phá những giá trị tinh thần và vật chất mà tổ tiên chúng ta gìn giữ, xây dựng bấy lâu nay trên con đường mở nước. Ngày tết Trung thu không ai nhắc đến nữa.

Mãi đến năm 1990 người ta mới bắt đầu khôi phục lại những ngày lễ truyền thống một cách vụng về và cẩu thả.

Lúc đó các cháu nhà tôi mới lên 5 lên 3.

Trước Trung thu một ngày chính quyền địa phương đi đến từng nhà để thu tiền, mức thu được ấn định cho mỗi cháu là bao nhiêu đó, mọi nhà ai có con trẻ đều phải đóng tiền, không ai dám không tham gia vì như vậy sẽ bị gọi là “phần tử cá biệt”, nặng hơn thì bị quy là có “tư tưởng chống đối”.

Lúc đó dân mình nghèo lắm, cơm không đủ no, áo quần không có mặc, lấy đâu ra tiền dù chỉ là vài chục đồng (lúc này) có người không có tiền phải chạy đôn chạy đáo vay mượn.

Chiều Trung thu, một phái đoàn hoành tráng gồm ủy ban, mặt trận, hội phụ nữ, công an cùng mấy người khối phố trưởng, tổ trưởng dân phố đi phát quà theo danh sách những người đã nộp tiền.

Đêm trung thu không có rước đèn không múa Lân như trước 1975.

Mấy ngày sau, chính quyền gọi dân đi họp để nghe báo cáo “thành tích”.

Ông Bí thư phường có dịp chém gió “Được sự quan tâm của đảng và nhà nước, làm theo lời Bác Hồ dạy, theo truyền thống dân tộc ta, đảng ủy và chính quyền địa phương đã tổ chức Tết Trung thu cho các cháu rất hoành tráng và đầy đủ, không có cháu nào không có quà, ở địa phương ta 100% các cháu đều được nhận quà, đó là sự quan tâm của đảng, của chế độ với thế hệ mai sau, đề nghị cho một tràn pháo tay”.

Một vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt và những nụ cười nửa miệng.

Năm 1992 tôi bị tù vì “Tuyên truyền chống chế độ” nên không biết những năm tiếp theo Trung thu được tổ chức ra sao. Nhưng từ ngày tôi mãn án trở về năm 2002 thì vẫn vậy.

Đời sống của người dân khá hơn lúc tôi đi tù, Tam Kỳ đã mở rộng, những đường phố rực rỡ với những khách sạn nhà hàng sang trọng. Nhưng người dân phải kiếm sống rất khó khăn vì mọi cơ hội đã có người thủ đắt, họ phải đóng tiền học phí cho con (một khoản tiền khá lớn so với thu nhập và hoàn toàn không để dàng đối với người nghèo), khám chữa bệnh bằng chính tiền của mình còn phải lo lót, hối lộ cho Bác sĩ để người thân của mình được chăm sóc. Người bệnh và thân nhân bị đối xử một cách khinh miệt, họ chỉ biết lắc đầu than vãn thì thầm với nhau.

Tết Trung thu thì vẫn thế, chiều 14 chính quyền địa phương đi từng nhà có trẻ con để thu tiền, kịch bản củ lặp đi lặp lại.

Nhưng tôi nhận diện có một sự khác biệt đó là không có rước đèn như trước năm 1975 và sự hình thành của những đội múa Lân trẻ con. Chúng luyện tập từ mấy ngày trước để đêm rằm phục vụ mua vui cho người lớn, chúng đi từ dãy phố này đến dãy phố khác, vào từng nhà để múa.

Mấy năm đầu thì được yêu thương, tán thưởng nhưng những năm gần đây cái phong trào này đã biến thái thành “dịch bệnh”. Có quá nhiều những đội múa lân trẻ con, từ thành thị đến nông thôn, chúng gõ cửa từng nhà, làm phiền người khác vì chỉ một đêm Trung thu mà có đến hàng chục đội múa lân vào xin “phục vụ” thì lấy đâu ra tiền để cho?!.

Khi “thị trường” bị cạnh tranh ráo riết những đội múa lân trẻ con này phân chia “lãnh địa” và cứ mỗi lần có một đội múa lân nào đó “xâm phạm” lãnh địa của đội khác là xảy ra đánh nhau rất lớn. Sự mâu thuẫn cỏn con biến thành thù hận và được giải quyết tại sân trường, tại lớp học mấy ngày sau đó, có những vụ rất nghiêm trọng buộc phụ huynh và nhà trường phải can thiệp…

Nhưng có một điều đau lòng nhất là các cháu bị xua đuổi thẳng tay, đi đến đâu người ta cũng đóng cửa... vậy là chúng lủi thủi kéo nhau đi lang thang trong đêm rằm Trung thu mà đáng lý ra giờ này chúng là những nhân vật chính và người lớn phải phục vụ chúng. Đáng lý ra chúng chỉ đi rước đèn, sau đó về nhà và ăn uống thỏa thích, được sự thương yêu trìu mến của người lớn.

Tôi tự hỏi tết Trung thu bây giờ là của ai, khi con trẻ phải quên mình để phục vụ người lớn chỉ để kiếm vài trăm ngàn giúp cha mẹ trong thời buổi khốn khó này?

Viết những dòng này khi Tết Trung thu đã qua nhưng sự nặng nề và cay đắng vẫn còn ở lại... biết đến bao giờ các cháu mới hưởng được những cái Tết Trung thu như tôi đã từng được hưởng?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo