Thường vụ Quốc hội và bỏ phiếu tín nhiệm - Dân Làm Báo

Thường vụ Quốc hội và bỏ phiếu tín nhiệm

Nguyễn Hùng (BBC) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 12 chiều 5/10 để bàn một loạt các vấn đề trong đó có bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo chính quyền. Trong phiên họp này, vốn kéo dài từ 5-9 tháng Mười và 17-18 tháng Mười, ủy ban cũng có ý kiến về một loạt các dự án luật trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Thủ đô, Luật Điện lực và Luật Việc làm, theo tin từ trang mạng của Quốc hội. 

Theo trang này, đại diện của Ủy ban Thường vụ còn bàn tới các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách 2012 và các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. 

Quốc hội Việt Nam cũng nói do Hội nghị lần thứ Sáu của Ban Chấp hành Trung ương đang diễn ra, các phiên họp ngày 5, 8 và 9 tháng Mười sẽ bắt đầu làm việc từ 17:30. 

Sớm bỏ phiếu tín nhiệm? 

Việc Quốc hội Việt Nam xem xét bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và một loạt các bộ trưởng được xem như động thái tăng cường sự giám sát của cơ quan lập pháp đối với hành pháp. 

Nói chuyện với BBC hôm 5/10, Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, người cũng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, nói phiên bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên có thể sẽ diễn ra vào tháng Năm năm 2013 nếu các dân biểu thông qua quy trình và cách thức bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp bắt đầu vào cuối tháng Mười. 

Mặc dù một số đại biểu nói nên bỏ phiếu tín nhiệm hai năm một lần, Tiến sỹ Thảo nói nên bỏ phiếu thường xuyên hơn:

"Nếu mà sau khi thông qua có quy chế, quy trình, thủ tục thì tiến hành hàng năm, cũng như các cán bộ công chức kiểm điểm cứ mỗi năm một lần." 

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông trong khi đó nói nên có khoảng cách hai năm kể từ thời điểm Quốc hội thông qua các vị trí trong chính quyền, sau đó mới tổ chức mỗi năm một lần. 

"Theo tôi cái năm đầu vì Quốc hội mới bầu và phê chuẩn các thành viên của Quốc hội và Chính phủ nên chưa bỏ phiếu. 

"Còn bắt đầu từ năm thứ hai sẽ đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm và sau đó cứ tiếp tục năm nào cuối năm cũng bỏ phiếu định kỳ để nếu như các thành viên nào không đủ tín nhiệm thì có thể xem xét để, thứ nhất, cá nhân tự từ chức, thứ hai là Quốc hội làm cái thủ tục miễn nhiệm hay là bãi nhiệm. 

"Cái này nên tiến hành hàng năm một chứ không nên hai năm một lần bởi vì nhiệm kỳ của Quốc hội cũng chỉ có năm năm mà nếu như thế [hai năm một lần] thì cái thay thế cán bộ nó không kịp thời mà trong tình hình hiện nay công tác cán bộ đang là vấn đề cử tri bức xúc, cần đề cao trách nhiệp và cũng là cơ hội lựa cử được những người tiêu biểu xuất sắc để lãnh đạo đất nước." 

Ông Cuông nói như vậy một nhiệm kỳ Quốc hội sẽ có bốn lần bỏ phiếu để "kịp thời thay thế" những người không đủ tiêu chuẩn. 

Nhưng cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói ngay cả việc không bỏ phiếu trong năm bổ nhiệm hay phê chuẩn đầu tiên cũng là không nên. 

"Tôi nghĩ là một nhiệm kỳ chỉ có năm năm thôi. Nếu bây giờ một người làm việc kém, không có đức mà mình phải đợi đến hai năm sau thì tôi nghĩ là quá lâu, hỏng hết công việc còn gì nữa. 

"Ở các nước thường thường giữ chức một hai tháng mà làm không được việc hoặc là có những lỗi gì lớn thì có thể bãi miễn luôn. 

"Ở những nước ấy người ta làm được thì mình cũng làm được. Người ta làm như thế thì vẫn ổn định không có gì phức tạp cả. 

"Tôi nghĩ nếu ai không làm được việc thì mình cho nghỉ luôn thôi, để một năm cũng là nhiều rồi." 
Mức 'báo động' 

Khi góp ý cho việc bỏ phiếu tín nhiệm, một số Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị ba mức độ để bỏ phiếu: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". 

Cho dù cũng có không ít ý kiến nói chỉ nên đề ra mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo nói mức đệm ở giữa có tính chất "báo động": 

"Thực ra, cái loại ở giữa... cũng có thể để báo động cho người lấy phiếu rằng mình như vậy cái nguy cơ thấp có thể xảy ra để cho người nhìn thấy người ta khắc phục và người ta phấn đấu." 

Nhưng việc bỏ phiếu miễn nhiệm các chức danh cũng không chỉ là công việc của Quốc hội, theo Giáo sư Thuyết, người nói rằng "công tác nhân sự do bên Đảng quyết định". 


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói Đảng quyết định về nhân sự chứ không phải Quốc hội.

Ông bình luận thêm: "Theo tôi, sau khi Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm mà một vị nào đó giữ một chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không đạt được quá nửa tổng số Đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì lúc đó bên Đảng phải xem xét và có ý kiến. 

"Nếu thấy vị đó cũng không đủ năng lực để thực hiện công việc nữa thì chuyển sang Quốc hội làm thủ tục bãi nhiệm luôn. 

"Còn nếu bên Đảng thấy rằng cần lưu nhiệm vị này thì cũng cần phải có ý kiến sang Quốc hội. 

"Rồi đến năm sau lại tổ chức bỏ phiếu lại và nếu vị đó vẫn không đạt được tín nhiệm thì khi đó không còn lý do gì để lưu nhiệm nữa." 

Giáo sư Thuyết nói hiện nay trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội đã có quy định về việc xem xét bỏ phiếu bất tín nhiệm bất thường khi có đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, một ủy ban của Quốc hội hay 20% tổng số Đại biểu Quốc hội đề nghị. 

Tuy nhiên Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chưa bao giờ có đề nghị như vậy trong khi chưa có cơ chế để các Đại biểu vận động cho đủ 20% số phiếu. 

Lý do, theo Giáo sư Thuyết, là có tới 92% Đại biểu Quốc hội là Đảng viên và khó thuyết phục họ đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm với những vị không những là Đảng viên mà còn giữ chức cao trong Đảng. 

Vị cựu dân biểu cho rằng chỉ cần có một Đại biểu đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm và được sự ủng hộ của hai Đại biểu khác là Quốc hội đã cần phải tổ chức họp để hỏi ý kiến toàn thể Đại biểu. 

Và nếu có trên 50% Đại biểu đồng ý thì cần tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm. 

Giáo sư Thuyết cũng cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên cao cấp của Chính phủ và Quốc hội cho thấy cơ quan lập pháp đang thực sự muốn có vai trò giám sát lớn hơn.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo