Bản đồ Trung Quốc mới: chiếm hơn 130 đảo trên Biển Ðông - Dân Làm Báo

Bản đồ Trung Quốc mới: chiếm hơn 130 đảo trên Biển Ðông

Người Việt - Nhà cầm quyền Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy các hành động khiêu khích tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông khi vừa loan báo sắp phát hành bản đồ Biển Ðông mới với tỉ lệ tương ứng với bản đồ Hoa Lục.

Tân Hoa Xã đưa tin như vậy hôm Thứ Sáu vừa qua lập tức gây chú ý tại các nước tranh chấp của khu vực. Bản tin của Tân Hoa Xã không nhiều chi tiết và cũng không có bản đồ mới nào đi kèm nhưng nói rằng bản đồ Biển Ðông mới sẽ theo khổ đứng, bao gồm hơn 130 đảo trên Biển Ðông “hầu hết chưa từng được thấy trên những bản đồ của Trung Quốc trước đây.” Tân Hoa Xã loan tin theo sự loan báo của Cục Ðo Ðạc, Bản Ðồ và Thông Tin Ðịa Chất Quốc Gia của Trung Quốc (NASMG). 

Chưa thấy có phản ứng chính thức gì của nhà cầm quyền Hà Nội hay Manila nhưng báo chí bán chính thức của cả Việt Nam và Philippines đều thấy có một vài bản tin và bình luận. 

Bản đồ Biển Ðông. (Hình: Wikipedia)

“Các bản đồ cũ, theo chiều ngang, chỉ có những đảo lớn như Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield Bank) và Nam Sa (Trường Sa).” Tân Hoa Xã viết. “Những đảo này được minh họa ở góc dưới bên phải với tỉ lệ bằng phân nửa tỉ lệ dùng trên (bản đồ) nước Trung Quốc.” Tờ báo dẫn lời ông Chu Bội Yên, chủ biên bản đồ mới của Trung Quốc. 

Thời gian gần đây, một số báo ở Việt Nam đưa ra một số dẫn chứng các bản đồ cũ của Trung Quốc hoàn toàn không có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi nhiều bản đồ cổ của Việt Nam thì có. 

Theo Tân Hoa Xã, bản đồ mới Biển Ðông do Sinomaps xuất bản và sẽ chỉ phát hành từ cuối tháng 1. 

Ông Từ Căn Tài, giám đốc nhà xuất bản Sinomaps, được Tân Hoa Xã tường thuật là nói bản đồ mới có ý nghĩa quan trọng vì giúp người Trung Quốc hiểu rõ hơn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như tuyên bố lập trường chính trị ngoại giao của Trung Quốc. 

Ngoài Biển Ðông, Tân Hoa Xã nói, ở góc dưới bên trái của bản đồ, cũng có hình mô tả quần đảo Ðiếu Ngư (tức Senkaku) trong mối tương quan tương ứng với đại lục và Ðài Loan. 

Báo VietNamNet đưa bản tin “Trung Quốc ngang nhiên ra bản đồ từng đảo ở Biển Ðông” mà không bình luận gì trong bài viết. 

Báo Người Lao Ðộng phỏng vấn ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ CSVN, bình luận là “phải khẳng định việc Trung Quốc sắp xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 hòn đảo là quá trắng trợn. Nhiều học giả gọi đây là chiến tranh bản đồ, dùng bản đồ với mưu đồ chứng tỏ họ có bản quyền với những vùng đất, vùng biển nào đó. Hành động này nằm trong tham vọng 'đường lưỡi bò' nhằm biến Biển Ðông thành ao nhà của Trung Quốc. Cụ thể là họ đã sử dụng những tên mà các triều đại trước đã dùng để đặt cho các đảo như Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Thái Bình... nhằm để người dân Trung Quốc và thế giới nhầm tưởng trong lịch sử, nhà nước Trung Quốc đã quản lý những đảo này.” 

Trung Quốc xua chiến hạm cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 nhưng mãi đến 1988 mới xua tàu tới cướp một số đảo rất nhỏ và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa do Việt Nam và Philippines bảo vệ. 

Trận hải chiến ngày 14 tháng 3, 1988 ở đảo Gạc Ma đã làm CSVN mất 3 tàu vận tải và 64 lính hải quân thiệt mạng. Phía Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 lính hải quân. Kể từ đó Trung Quốc chiếm đóng bãi đá Gạc Ma. 

Theo báo Inquirer ở Manila, Bộ Ngoại Giao nước này sẽ cho tòa đại sứ của họ ở Bắc Kinh kiểm chứng những gì xuất hiện trên bản đồ mới trước khi đưa ra các phản ứng chính thức. 

Cuối năm ngoái, các nước tranh chấp biên giới và biển đảo với Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ khi được biết quyển sổ hộ chiếu mới của Trung Quốc cấp cho công dân đi ra nước ngoài có in hình Biển Ðông với hình “lưỡi bò” bao gồm các quần đảo và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và Philippines cũng như vùng đất tranh chấp với Ấn Ðộ. 

Tháng 11 năm ngoái, người dân Việt Nam đã vô cùng ức giận khi Bắc Kinh loan báo qua nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam là sẽ cho tàu tuần lục soát, xua đuổi hay bắt giữ các tàu ngoại quốc “xâm phạm bất hợp pháp” vào các vùng biển Trung Quốc. Trước phản ứng của nhiều nước gồm cả Ấn Ðộ và Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Bắc Kinh giải thích là chỉ nhắm vào các loại tàu của Việt Nam.



*

Bản đồ Trung Quốc "lừa dối cả thế giới" 


An Khanh (PhuNuToday) - Bất chấp các nỗ lực xoa dịu tình hình trên biển Đông của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục gây rối bằng cách công bố các bản đồ mới, lần đầu tiên đưa hàng trăm đảo trên biển Đông vào.

Báo chí Trung Quốc ngày 12/1 đồng loạt đưa tin các bản đồ theo dạng dọc của Trung Quốc có vẽ hơn 130 đảo lớn nhỏ tại biển Đông. Theo Cục Khảo sát, đo đạc và thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc (NASMG), hầu hết các đảo trong số này chưa từng xuất hiện trong các bản đồ trước đó của nước này. 

Các bản đồ cũ, được vẽ theo dạng ngang, chỉ thể hiện những đảo lớn tại góc phải bên dưới với tỉ lệ khác, tờ Nhân dân Nhật báo cho hay. 

Số bản đồ mới được xuất bản bởi Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press). Tân Hoa Xã dẫn lời Từ Căn Tài, chủ biên Sinomaps Press, ngang nhiên nói các bản đồ trên sẽ “nâng cao hiểu biết của người Trung Quốc về lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi hàng hải và các lợi ích biển của Trung Quốc, đồng thời thể hiện quan điểm ngoại giao chính trị của Trung Quốc”. 

Không chỉ các đảo trên biển Đông, ở phía dưới bên trái các bản đồ mới còn vẽ luôn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản kiểm soát. 

Bản đồ mới của Trung Quốc bao gồm 130 đảo ở Biển Đông. 

Philippines quan ngại bản đồ mới của Trung Quốc 

Philippines đã ngay lập tức có những phản ứng trước sự việc này. Ngày 13/1, theo RFI, Phủ tổng thống Philippines cho biết sẽ chỉ thị cho Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh xác minh tin nhà xuất bản bản đồ quốc gia Trung Quốc là đơn vị xuất bản bản đồ mới trước khi có phản đối chính thức. 

Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia dzRB, bà Abigail Valte, Phó phát ngôn viên của Tổng thống Aquino xác nhận: “Chúng tôi đã biết thông tin đó, vì vậy, Bộ Ngoại giao sẽ yêu cầu Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh xác minh thông tin cụ thể trước khi có bình luận”. 

Lừa dối chính người dân Trung Quốc 

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này. 

Việc gộp toàn bộ các đảo trên biển Đông vào bản đồ quốc gia như vậy thể hiện chủ đích của Trung Quốc. Hành động này một lần nữa xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các nước khác trong khu vực biển Đông. Việc này bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Luật biển 1982. Họ cũng đi ngược lại chính cam kết của họ với thế giới. 

Tàu cá Trung Quốc trở về cảng Tam Á (tỉnh Hải Nam) sau khi đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Báo mạng Nam Hải 

Rất có thể “người ta” hi vọng nhờ việc in bản đồ như vậy sẽ có thêm chứng cứ về pháp lý với đòi hỏi phi pháp của mình. Đó là điều ấu trĩ. Vậy tại sao họ vẫn dùng thủ đoạn bịp bợm và lố bịch này? E rằng đây chỉ là một mớ âm mưu với ý đồ lừa dối chính người dân Trung Quốc và cả thế giới. 

Kẻ trộm đến nhà ta đập cửa, ta không thể không phản ứng. Trước hết, chúng ta cần nhận thức đây là hành động trái luật pháp quốc tế, đi ngược lại hiến chương Liên Hiệp Quốc và ngược lại tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Việt Nam, bằng nhiều con đường, cần lên tiếng để bảo vệ chủ quyền chính đáng. 

Trước sự việc này, chúng ta có trách nhiệm truyền thông đại chúng để người dân biết và thông báo cho thế giới biết những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Báo chí Việt Nam cũng cần góp phần đưa thông tin rộng rãi đến người đọc trong nước và nước ngoài để hiểu rõ bản chất của sự việc. Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền, là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Chủ quyền quốc gia là tối thượng, trường tồn vĩnh viễn. 

An Khanh (Theo TTO, NLĐ)

*

Triệu tấm bản đồ giả không thay được một sự thật

Lê Chân Nhân (Dân trí) - Tập bản đồ “địa hình Trung Quốc” do Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press) in ấn, bao gồm 130 đảo lớn nhỏ ở biển Đông, dự kiến cuối tháng 1-2013 sẽ phát hành trên toàn Trung Quốc.



Từ tấm hộ chiếu in hình lưỡi bò đến tập bản đồ này, cho thấy Bắc Kinh đã không kiềm chế được tham vọng thôn tính biển Đông và sẵn sàng thực hiện tham vọng đó bất chấp sự thật lịch sử cũng như sự phản đối của cộng đồng quốc tế. 

Cả thế giới đều biết rõ điểm giới hạn cực nam lãnh thổ của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Sự thực này không phải do các quốc gia khác tạo ra, mà do chính các tấm bản đồ của Trung Quốc thể hiện. Mới đây, tại Việt Nam đã có những cá nhân sưu tầm được bản đồ của Trung Quốc xuất bản. Đơn cử như tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được thực hiện dưới thời nhà Thanh, xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều tấm bản đồ có nội dung tương tự đang được lưu trữ khắp cả thư viện trên thế giới. 

Thay vì chấp nhận sự thật này, Trung Quốc lại làm ngược lại, vẽ ra tập bản đồ mới, vơ hết các đảo trên biển Đông vào cho mình. Thái độ này tất nhiên sẽ không thay đổi được sự thật về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc mà chỉ phơi bày rõ ràng hơn một sự thật, đó là Trung Quốc đã và đang thách thức dư luận các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Một hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu trước mắt nhân loại. 

Nhưng Trung Quốc không biết rằng họ đã phạm sai lầm quá lớn. Hành động công khai xâm phạm chủ quyền lãnh thổ các quốc gia trong khu vực của Trung Quốc làm cho thế giới thấy rằng họ không có thiện chí giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình. Các quy định của luật pháp quốc tế cũng như các cam kết về giải quyết tranh chấp biển Đông mà Trung Quốc có tham gia đều bị họ chà đạp. 

Thế giới đang cố gắng vươn tới một nền hòa bình, một mái nhà chung thịnh vượng, thì mọi hành động đe dọa hòa bình đều bị nhân loại quay lưng, phản đối và tất nhiên quốc gia nào tạo ra xung đột sẽ bị cô lập. Không ai chấp nhận một kẻ chuyên đi gây hấn, cậy to xác ức hiếp người khác. 

Trung Quốc in một tập bản đồ mới hay một triệu tập như thế cũng không thể thay đổi được sự thật lịch sử và càng không thể làm cho các quốc gia khác e sợ hay khuất phục trước sự ngang ngược của họ. 

Đối với Việt Nam, sẽ khó có ai tin tưởng vào những lời nói về tình hữu nghị từ phía Trung Quốc, bởi vì tất cả các hành động vừa qua của họ đều đi ngược lại lời nói... 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo