Đâu là tận cùng của đớn hèn, của vong ân bội nghĩa? - Dân Làm Báo

Đâu là tận cùng của đớn hèn, của vong ân bội nghĩa?

Phương Bích - Thiên hạ chẳng được lấy một phút bình yên. Tư duy chưa kịp bắt kịp chuyện này, đã nhảy phắt ngay sang chuyện khác. Chuyện ông nghị Phước còn đang nóng dãy, lại đến chuyện đi đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã mất, hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Bắc Kinh, bị chính quyền tìm đủ cách ngăn chặn một cách kỳ quặc chẳng hạn... 

Trước mỗi sự kiện, bao nhiêu là bài viết hay, đọc không tài nào xuể. Trên các blog văn viết còn tàm tạm, chứ trên facebook thì thôi rồi. Đồ rằng những người bị chửi mà nghe thấy, có họa là gỗ đá mới không lên cơn tăng xông mà tổn mất vài phần trăm tuổi thọ. Phàm là người, ai không muốn được tôn xưng ông này bà nọ, thì thực lòng cũng chẳng muốn bị gọi là “thằng”, là “con” ... 

Thôi thì “dân chợ búa” chửi ngoa ngoắt còn bảo không chấp. Người được cho là “tử tế” cũng phải nổi đóa lên chửi thì khó có thể nói rằng: “tao ngồi xổm” lên cái sự chưởi bới đó! Cũng phải suy nghĩ ít nhiều đấy.

Có một blogger cũng được nhiều người khen là có tài, nhưng cách dùng từ của người này thì thật khiếp. Với người này, già trẻ lớn bé, đức cao vọng trọng hay vô danh tiểu tốt được cho vào một rọ hết. Đổi lại, chủ nhân nhận được cũng kha khá, thậm chí có phần “hào phóng” hơn cái mà đã ban ra. Vậy mới nói, gieo gió thì gặt bão là thế.

**

Hôm đọc cái thư trả lời của ông đại điện Ủy ban sửa đổi Hiến pháp của quốc hội, “phê” cái kiến nghị của các nhân sĩ trí thức là không đúng quy định, rằng họ chỉ tiếp nhận ý kiến sửa đổi qua các đại biểu quốc hội! 

Nghĩa là dân có kiến nghị sửa đổi thì phải thông qua các ông nghị đấy.

Tôi xin thề là sống đến ngần này tuổi, tôi chưa bao giờ được tiếp xúc với một vị đại biểu quốc hội nào. Không biết họ tiếp xúc cử tri ở đâu? Bằng cách nào? Vậy làm sao tôi có ý kiến được với họ nhỉ? Chưa nói đến việc họ có chuyển ý kiến của cử tri đến quốc hội hay không? Chưa nói đến việc tôi nghi ngờ vai trò của các ông nghị bà nghị, vì quốc hội không phải cơ quan quyền lực cao nhất (nên chỉ gật theo chỉ đạo là chính?). Và nữa, là vì phần lớn họ là đảng viên nên làm sao mà tin được !!!

Có lần tôi đi biệt phái vào miền Trung. Cả phân ban tôi bị bỏ quên, không được đi bầu cử quốc hội (vì không được phát phiếu). Thế mà họ vẫn báo cáo là 100% cử tri đi bầu! Nói tóm lại, là tôi chả tin tý nào vào quốc hội của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

***

Mấy hôm trước, trên mạng có lời kêu gọi, hãy làm gì đó để kỷ niệm ngày 17/2/1979 - là ngày bè lũ bành trướng Bắc Kinh xua 600 ngàn quân tràn qua tất cả các tỉnh biên giới phía bắc, giết hại hàng trăm ngàn đồng bào và chiến sĩ của ta, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược phản trắc nhất trong lịch sử “hữu nghị Việt- Trung”.

Mọi người rủ nhau lên đặt vòng hoa ở tượng đài Cảm tử trên Bờ Hồ. Người thì bảo phải giữ “bí mật”, kẻo bị phá. Người thì bảo: không sợ! Nếu chúng phá, sẽ càng lộ rõ bộ mặt khốn nạn của chúng. Rốt cuộc là lộ thật! 

Vì bố tôi mệt, nên sáng tôi không ra Bờ Hồ tham gia cùng mọi người được. Chỉ ra chợ mua hoa, in mấy dòng chữ tưởng nhớ ... đặt lên bàn thờ, thắp hương bá cáo với thần linh và tổ tiên ông bà nội ngoại về lý do thắp hương. Tôi chả biết khấn gì, nhưng nghĩ về cảnh cuộc chiến đau thương năm nào, tự nhiên nước mắt cứ ròng ròng...


Buổi chiều, bác Phan Trọng Khang gọi điện hỏi, có ra thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ Nhổn không? Áng chừng đi hơn tiếng thôi, nên tôi vơ lấy cái máy ảnh, quáng quàng chạy xuống nhà...

Nghe nói nghĩa trang liệt sĩ ở Nhổn quy tập khá nhiều mộ liệt sĩ, hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Nghĩa trang vắng lặng. Ngoài anh quản trang và đôi ba người chúng tôi, có thêm một người mà được anh em nhận diện là an ninh, đã quen mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. 

Mới qua tết không lâu nên các ngôi mộ ở đây vẫn tràn ngập hoa. Chúng tôi đi tìm khu vực mộ liệt sĩ hy sinh năm 79 ở biên giới, đặt những bông cúc vàng lên mộ các anh, thắp hương và dán những bức ảnh hoa sim tím lên trên mộ. Phần lớn họ đều hy sinh ở tuổi mười chín đôi mươi. Chúng tôi chưa từng trải nghiệm tình đồng đội trong chiến tranh, nên nỗi xúc động không giống cựu chiến binh Phan Trọng Khang. Bác ấy luôn miệng nói, cảm thấy nhẹ cả lòng khi thắp cho họ được nén nhang.

Đây mới chỉ là số ít trong những ngôi mộ được gia đình tìm đưa về đây. Còn bao nhiêu ngôi mộ nữa vẫn hoang lạnh khói hương, vẫn còn lưu lạc nơi rừng xanh núi đỏ?

Cuối ngày lên mạng, mới biết không chỉ có mấy anh em biểu tình viên, mà cả các nhân sĩ trí thức cũng đi đặt vòng hoa tưởng niệm...mới biết đến chuyện họ bị ngăn cản như thế nào.

Thế mới biết, khó nói được đâu là tận cùng của sự đớn hèn, sự vô ơn bạc nghĩa. Thiên hạ “chửi” nhiều rồi, tôi chả “chửi” thêm nữa.

Chùa chiền mà làm gì? Cầu khấn lễ bái mà làm gì? Trời Phật nào phù hộ?








Mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng ở trong nghĩa trang này.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo