Thủ tướng Nhật đến Mỹ, TQ cảnh báo - Dân Làm Báo

Thủ tướng Nhật đến Mỹ, TQ cảnh báo

Thủ tướng Nhật Bản: Trung Quốc gây hấn với lân bang là để củng cố quyền lực... 

BBC - Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến Mỹ để thảo luận về việc củng cố liên minh an ninh giữa hai nước. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gặp Tổng thống Barack Obama của nước chủ nhà vào thứ Sáu ngày 22/2 tại thủ đô Washington. 

Dự kiến các chủ đề hàng đầu được đề cập trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo là tranh chấp chủ quyền giữa Nhật với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và vụ thử hạt nhân mới đây của Bắc Hàn. 

Hai bên cũng sẽ bàn thảo quan hệ kinh kế bao gồm một thỏa thuận tự do thương mại ở châu Á. 

Ông Abe là vị thủ tướng Nhật thứ năm mà Tổng thống Obama đã tiếp. 

Chuyến thăm của ông Abe là nhằm để củng cố liên minh an ninh đã có hàng chục năm nay giữa hai nước. 

Cải thiện quan hệ 

Quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng phần nào dưới thời chính quyền trước đây của Đảng Dân chủ khi mà hai nước tranh cãi về việc di dời căn cứ quân sự của Mỹ khỏi đảo Okinawa. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe của Đảng Dân chủ Tự do đã lên tiếng mạnh mẽ rằng ông ưu tiên hàng đầu cho liên minh Mỹ-Nhật trong bối cảnh môi trường khu vực đang biến đổi. 

Trước thềm chuyến thăm, ông Abe đã có cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Washington Post. Ông nói rằng cải thiện quan hệ với Mỹ là ưu tiên hàng đầu của ông. 

Về tranh chấp chủ quyền một chuỗi đảo với Trung Quốc, ông nói rằng sự ủng hộ của Mỹ là yếu tố then chốt. 

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là họ (Bắc Kinh) phải nhận thức được rằng họ không thể đạt được ý đồ của mình bằng cách đe dọa hay ức hiếp,” ông nói.

“Trong vấn đề này, liên minh Mỹ-Nhật cũng như sự hiện diện của Mỹ là hết sức quan trọng,” ông nói. 

Ông Danny Russel, cố vấn về châu Á hàng đầu của Tổng thống Obama, cho biết hôm thứ Năm ngày 21/2 rằng Obama ‘vẫn tiếp tục ủng hộ các nỗ lực hòa bình nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề còn tồn đọng về tranh chấp chủ quyền,” hãng tin Pháp AFP tường thuật. 

Ông cũng nói Obama có lập trường rõ ràng rằng ‘Hoa Kỳ chống lại những hành động mang tính cưỡng ép hay các bước đi đơn phương đe dọa ổn định của khu vực’. 

Về Bắc Hàn, cả hai nước ủng hộ các hành động chống lại Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba của nước này hôm 12/2. 

Về quan hệ kinh tế, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ bàn thảo về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một đề xuất về thương mại tự do giữa các nước châu Mỹ và châu Á. 

Nhật Bản đã tham gia vào quá trình đàm phán trở thành thành viên của TPP. Tuy nhiên họ gặp sự phản ứng từ các nông dân vốn lo sợ việc dỡ bỏ thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất của họ. 

Bắc Kinh nổi giận 

Ông Hồng Lỗi nói Bắc Kinh đang yêu cầu Tokyo giải thích về những lời bình luận của ông Shinzo Abe.

Những bình luận của ông Abe với tờ Washington Post trước thềm chuyến thăm đã thổi bùng sự giận dữ từ phía Trung Quốc. 

Ông Abe nói rằng việc Bắc Kinh thách thức các nước láng giềng về chủ quyền lãnh thổ là một nhu cầu đã ăn sâu vào đất nước này. 

Ông cho rằng Trung Quốc lợi dụng các tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và các nước khác để tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong nước. 

Theo ông thì tư tưởng đối đầu của Trung Quốc cuối cùng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ và khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi bỏ chạy. 

“Rốt cuộc thì cách hành xử như vậy sẽ tác động lên nền kinh tế của họ,” ông nói trên Washington Post. 

“Trong trường hợp của Trung Quốc, giảng dạy lòng yêu nước cũng có nghĩa là dạy tình cảm chống Nhật,” ông nói thêm.

Tờ Hoàn cầu thời báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng các quan chức nước này ‘bị sốc’ trước những bình luận của ông Abe. 

“Việc lãnh đạo một quốc gia bóp méo sự thật một cách trắng trợn, chĩa mũi dùi vào láng giềng và kích động đối đầu giữa các nước trong khu vực là điều hiếm thấy,” ông Hồng được dẫn lời nói. 

Ông Hồng cũng cho biết Trung Quốc đang yêu cầu phía Nhật phải làm rõ và giải thích về lời bình luận của ông Abe. 

Về phần mình, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã trong một bài xã luận hôm thứ Sáu ngày 22/2 đã cảnh báo rằng việc Mỹ hậu thuẫn cho Tokyo sẽ hủy hoại mối quan hệ với Trung Quốc. 

Tân Hoa Xã kêu gọi Washington đừng để bị Tokyo ‘bắt cóc’ để phục vụ cho lợi ích của họ. 

“Sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho Nhật trên vấn đề này (tranh chấp đảo) làm tổn hại uy tín của Washington không chỉ với tư cách là một siêu cường mang tính xây dựng mà còn là một đối tác quan trọng của Trung Quốc trên nhiều vấn đề toàn cầu cấp bách khác,” bài xã luận viết. 

Theo Tân Hoa Xã thì sự ủng hộ của Mỹ sẽ khiến Nhật Bản ‘có thêm những hành động khiêu khích vốn sẽ đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Á’.


*

RFI - Nhật Bản : Trung Quốc gây hấn với lân bang để củng cố quyền lực


Thủ tướng Shinzo Abe tại phi trường Washington. Ảnh chụp ngày 21/02/2013. 
REUTERS/Jason Reed 

Tú Anh (RFI) - Trong bài phỏng vấn dành cho báo Washington Post số đề ngày 21/02/2013, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định như trên. Theo ông thủ đoạn này về lâu về dài sẽ gây tổn hại cho chính Bắc Kinh. Ông Abe công du Hoa Kỳ trong hai ngày và tiếp kiến tổng thống Obama.

Nhân chuyến công du Hoa Kỳ trong hai ngày 21 và 22/02/2013 đầu tiên kể từ khi nhậm chức, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dành cho nhật báo Washington Post một bài phỏng vấn trên số báo đề ngày 21/02/2013. Trả lời câu hỏi liên quan đến căng thẳng tại Senkaku/Điếu ngư, thủ tướng Nhật nhận định là chế độ Bắc Kinh gây xung khắc với Nhật Bản và các quốc gia láng giềng để phục vụ nhu cầu chính trị nội bộ, huy động dân chúng hậu thuẫn chế độ. 

Theo phân tích của thủ tướng Nhật thì thái độ gây hiềm khích với các lân bang "cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc và làm các nhà đầu tư quốc tế lo ngại". Thái độ bất thân thiện của Trung Quốc, theo thủ tướng Nhật được thể hiện qua chính sách "giáo dục lòng yêu nước (là) giáo dục tâm lý chống Nhật bản". 

Bắc Kinh đã trả đũa tức khắc, lên án lời tuyên bố được gọi là "gây sốc" của lãnh đạo Nhật Bản. Hoàn Cầu Thời Báo trích lời phát ngôn viên Hồng Lỗi cho rằng "hiếm khi lãnh đạo một quốc gia lại bóp méo sự thật một cách xấu hổ như vậy và xúi giục xung đột giữa các nước trong vùng". 

Tường thuật phản ứng của Trung Quốc, AFP nhắc lại căng thẳng trong quan hệ Trung – Nhật mỗi ngày mỗi gia tăng do xung khắc tại Senkaku/Điếu ngư. Bắc Kinh cũng lấn áp nhiều nước tại vùng biển Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam. 

Trung Quốc theo dõi chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật và thượng đỉnh Barack Obama- Shinzo Abe tại Washington với cặp mắt nghi kỵ. Trong bản tin hôm nay, Tân Hoa xã cảnh báo nếu Hoa Kỳ ủng hộ Nhật Bản trên hồ sơ chủ quyền biển đảo thì điều này sẽ tác hại đến uy tín của Hoa Kỳ và quan hệ Mỹ-Trung.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo