Xin giúp tôi dạy cho 45 đứa con biết "cái chữ" - Dân Làm Báo

Xin giúp tôi dạy cho 45 đứa con biết "cái chữ"

Trường Tín Nhân Quốc Tế RHIO chính thức hoạt động kể từ ngày 03/06/2013, đặt tại số 4 đường số 10 khu vực Bồ Rây Siêng Năm, thuộc ấp Kha Na, xã Xiệu, thành phố Xiêm Riệp, tỉnh Xiêm Riệp, nước Cambodia. Hiện nay, tổng số có 45 em học sinh: nữ 23 em, nam 22 em. Mỗi em có một điều kiện hoàn cảnh khác nhau, song cái chung đều là con em gia đình lao động nghèo khó. Điển hình như:


- Em Ngô Thị Thu năm nay đã 14 tuổi mà chưa bao giờ được đến trường vì hoàn cảnh của em thật nhiều éo le: Mẹ chết, Cha bước thêm bước nữa, để lại hai chị em. Người chị năm nay đã 18 tuổi, làm mướn trong một tiệm bán cà phê, không đồng lương nhưng cả hai chị em đều được chủ nuôi cơm, cho nơi ở tạm. Lúc đầu em Thu ở với cha và mẹ ghẻ, nghe tin tại Bồ Rây Siêng Nam có lớp học từ thiện dạy học không thu lệ phí, em xin cha và mẹ ghẻ được đến trường song bị từ chối. Thấy em mình hiếu học người chị thương em đã dẫn em về sống cùng ở quán cà phê. Hai chị em đi bộ đến trường xin cho Thu vào học. Vì sợ em đã lớn tuối nhà trường không nhận bắt buộc hai chị em phải nói dối Thầy Cô là năm nay em Thu mới 12 tuổi.

Vào học được mấy tuần đã đến tuổi dậy thì, cũng may là vào ngay ngày cô giáo, Cô quản ly‎ học sinh, cô quản l‎ý nhà ăn đều phụ nữ nên đã hiểu và kịp thời hướng dẫn em cách vệ sinh phụ nữ. Chuyện xảy ra các cô hỏi em thì mới biết năm nay em đã 14 tuổi, tuổi trăng rằm của con gái. Được vào học niềm vui chưa kịp em cứ rơm rớm nước mắt mỗi ngày, hỏi ra mới biết Em đang lo canh cánh trong lòng một ngày nào đó mẹ ghẻ sẽ bán em. Chúng tôi cảm thương hoàn cảnh em, động viên em cố gắng học thật giỏi nhà trường sẽ bằng mọi cách chăm lo quan tâm tới em hơn để em an tâm học tập. Hứa với em nhưng trong lòng thầy cô gặp bao nỗi lo âu. Ai sẽ là người nhân từ đỡ đầu cho em bây giờ?

- Em Đào Thị Phụng năm nay 12 tuổi, mất mẹ, sống với cha. Em nói với chúng tôi từ lúc mẹ mất cha thương em nhiều hơn trước rất nhiều. Để em hiểu cha hơn các cô nói với em trước đây không phải cha không thương đâu, mà trước đây có mẹ, cha phải bận bịu kiếm tiền lo gia đình nên ít bày tỏ sự quan tâm với em vì đã có mẹ. Nay mẹ mất cha trút hết tình cảm yêu thương mẹ vào cho em nên em mới cảm thấy như vậy. Anh Khanh một người đàn ông hiền lành chân thật sống bằng nghề thợ mộc giọng trầm buồn nói với tôi: "May mà có hội Tín Nhân nhận con tôi vào học suốt ngày, lại cho cháu thêm bữa com trưa tôi cảm giác như vợ tôi đã sống lại cùng tôi lo cho con vậy!" Anh gởi lời cảm ơn chân thành nhất tới các nhà tài trợ đã ủng hộ chân tình cho con em xứ nghèo nơi Đất Chùa Tháp trong thời gian qua.

- Em Ty năm nay 12 tuổi tới cái họ của mình là gì em cũng chẳng biết. Cha mẹ đi làm ăn xa từ khi mới lọt lòng, sống với ngoại. Ngoại thì bán cà phê xe đẩy, cũng không biết chữ nên chẳng biết dạy cháu thế nào. Được người quen thấy tội nghiệp giới thiệu đến trường đi học, em mừng vui như được có một mái gia đình lớn thật bất ngờ và diễm phúc, vì được ăn, được học.

- Em Min năm nay bảy tuổi, có phước hơn mấy em nói trên một chút là còn đủ cha mẹ. Cha Min làm nghề sửa chìa khóa bên lề đường, sát hàng rào bệnh viện tỉnh; mẹ làm nghề uốn tóc mướn trong một tiệm nhỏ ở chợ Sa Nhai. Vì ước muốn cho ngày mai sáng sủa hơn nên đã đặt tên con là Min, theo nghĩa Căm-pu-chia thì "Min" là "có". Anh Chị nói lòng thì ước muốn như vậy song không nếu không có "con chữ" trong đầu, kém cỏi tính toán làm ăn đến bao giờ mới "có" được anh. Cuộc sống cứ bề bộn, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, cái nghề cứ phải sống bên lề đường, nay họ dẹp mai họ đuổi, chạy tới dời lui, tiền ăn tiền chỗ... Chính vì thế mà chẳng biết ngày nào "có" đây.

Sơ lược mấy hoàn cảnh thực tế, chứ hầu hết trong lớp học cuộc sống các em cứ na ná như nhau. Càng hiểu chúng, càng sống gần gửi chúng, càng thương những đứa trẻ khốn khổ này như con mình. Con chúng tôi bây giờ có 45 đứa, 45 hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung một cái nghèo và cái dốt. Để giải tỏa bớt nỗi khổ cho các em sau này, tôi giang tay XIN người năm xu Chú một đồng, giúp đỡ các thầy cô nhà trường để trường chúng tôi được tồn tại lâu dài, hầu có thể chăm lo cho các em biết chữ. Chỉ có "cái chữ" mới có thể giúp thay đổi chút đỉnh cuộc sống các em sau này.

Bà Con Đồng Bào ở nước ngoài khi có dịp du lịch Angkor Wats xin dành chút thời giờ quý báu ghé thăm các em ở trường, ở nhà... để cho các em một niềm tin là vẫn có người quan tâm thương xót.

Nếu chưa đến được ngay, kính mời quý Bà Con thỉnh thoảng vào thăm trang mạng của trường ở địa chỉ: www.RHIO-school.net để hiểu thêm về hoàn cảnh và hiện tình của trường cũng như các em.

Thay mặt trường tín nhân quốc tế, chân thành cảm tạ các nhà mạnh thường quân đã đồng hành ngay từ bước đầu cùng với hội Tín Nhân (R.H.I.O.) để giúp đỡ cho các em trước mắt cũng như lâu dài. 

Rất mong sẽ nhận được những sự quan tâm, thăm hỏi và chăm lo của quý Bà Con Cô Bác!

Viết từ Siem Reap, Cambodia ngày 30/08/2013

Nguyễn Duy Đường (Yi Doeur)
Hội Trưởng R.H.I.O.
Điện thoại: (855) 977-675-554 (Cambodia)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo