Khi các chức sắc Tôn giáo của "đảng" chém gió về quyền Tự do Tôn giáo và Nhân quyền - Dân Làm Báo

Khi các chức sắc Tôn giáo của "đảng" chém gió về quyền Tự do Tôn giáo và Nhân quyền

Một số ý kiến về việc Việt Nam lần đầu dự phiên họp HĐNQ thế giới 

Ngọc Hà (CATP) - Ngày 3-3-2014, tại Geneve - Thụy Sỹ, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc khai mạc khóa họp thứ 25. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách thành viên của hội đồng. Trước đó, ngày 12-11-2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền thế giới với số phiếu cao nhất trong 14 thành viên mới của hội đồng. Nhân dịp này, Báo CATP đăng ý kiến của các chức sắc tôn giáo, đại diện các dân tộc ít người về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. 

* Hòa thượng Thích Tâm Vị - Phó ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, Trụ trì chùa Linh Phước (Trại Mát, TP.Đà Lạt) và chùa Linh Ẩn (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng)

 Đây là một tin đáng vui mừng. Vui vì sự tín nhiệm của Đại hội đồng Liên hợp quốc, của thế giới đối với chúng ta. Chúng ta có quyền hãnh diện, tự hào về điều này. Chúng ta là một nước có nền tự do, dân chủ, điều đó được thể hiện từ bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ đọc trước hàng triệu triệu đồng bào nước Việt và khách quốc tế trong ngày Quốc khánh 2-9-1945. Về những tư tưởng phản động lâu nay vẫn rêu rao rằng ở nước Việt Nam không có dân chủ; “thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Vì không ưa, không thích chế độ cộng sản này nên họ đã ra đi, chọn miền đất khác để định cư, mưu cầu cuộc sống. Vì không ưa, không thích nên họ tuyên truyền những điều xấu, sai lệch sự thật. Đất nước bình yên mới phát triển tôn giáo. Tôi đang sống, đang hít thở không khí tự do tín ngưỡng. Cuộc sống và sinh hoạt tôn giáo của tôi cũng như hàng triệu phật tử trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và thập phương rất thoải mái, vô tư, không có điều gì phiền muộn, cản trở. Dân chủ - tự do - độc lập; chúng ta đã đạt được ba tiêu chí đó. Đó là ba chân lý vững như kiềng ba chân, giúp đất nước ta luôn ổn định, đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn. 

* Ông Nahria Ya Đuk (SN 1940) - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên đệ nhất Phó thủ tướng kiêm Đổng lý văn phòng “TW Fulro”, Đệ nhị Phó chủ tịch “Phong trào đoàn kết các sắc tộc thiểu số Cao nguyên Việt Nam”

Tôi từng là lãnh đạo cao nhất của tổ chức phản động Fulro. Chúng tôi từng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền của các sắc tộc Tây nguyên. Ước mơ đó của chúng tôi đã bị các thế lực quốc tế lạm dụng, nên con đường của Fulro chỉ có bạo lực, máu, nước mắt và sự chia rẽ hận thù. Sau khi trở về với cách mạng, với nhân dân, chúng tôi mới hiểu ra điều này. Từ sau 30-4-1975 đến nay, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách phát triển Tây nguyên, hoàn thiện đời sống kinh tế, văn hóa cho đồng bào các dân tộc Tây nguyên, cố gắng đưa Tây nguyên phát triển cùng cả nước trên con đường hội nhập với thế giới. Điều đó cũng đồng nghĩa đã đem dân chủ, nhân quyền cho các dân tộc trên dải Trường Sơn - Tây nguyên. Đây là thực tế đã được quốc tế đánh giá cao. Không một luận điệu xuyên tạc nào có thể phủ nhận được. Thay vì đoàn kết, cùng phấn đấu xây dựng phát triển Tây nguyên nói riêng, đất nước nói chung thì nhiều thế lực xấu vẫn muốn đưa ra những luận điệu huyễn hoặc để dụ dỗ, kích động, lôi kéo bà con làm những chuyện sai phạm, phá hoại đoàn kết, phá hoại sự bình yên của các buôn làng. Tôi mong đồng bào đừng tin vào những luận điệu đó. Hãy cố gắng làm ăn, chăm lo cho con cái học hành, cùng góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh. 

* Linh mục Nguyễn Văn Cường (SN 1938) - Cha xứ nhà thờ Đoàn Kết (xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, Ủy viên TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết tôn giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết tôn giáo tỉnh Đắk Lắk.

Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền thế giới với số phiếu cao nhất trong 14 thành viên mới của hội đồng này là minh chứng rõ nét nhất về sự đánh giá, ghi nhận của thế giới về nhân quyền của chúng ta. Tôi nghĩ đó cũng là điều hợp lý. Đây là một tiến trình của sự điều hành của Nhà nước ta, của Đảng Cộng sản Việt Nam với đất nước. Toàn dân cần cộng tác, góp phần thể hiện, minh chứng cho sự ghi nhận tất yếu này của quốc tế. Thể hiện ở đâu? Ở đời sống xã hội, trách nhiệm của người công dân với đất nước. Tôi sống qua ba chế độ, chế độ xã hội chủ nghĩa là tốt nhất, yên ổn nhất. Không có gì là hạn chế, áp bức về nhân quyền. Tôi thấy việc sinh hoạt tôn giáo của các tôn giáo khác nhau ở nước ta rất tự do, thoải mái, tốt đẹp. Cuộc sống của giáo dân tại xã Hòa Khánh tương đối ổn định. Chế độ nào cũng có những ưu, khuyết nhất định. Thời Ngô Đình Diệm, tôn giáo không bình đẳng: ưu tiên Công giáo, đàn áp Phật giáo. Như vậy là không công bằng, mất tự do. Chế độ ta hiện nay không phân biệt tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Một số cư dân mạng còn mơ hồ trong nhận thức về giá trị một nền hòa bình, dân chủ tốt đẹp mà Việt Nam ta đang có. Tôi cho rằng, mỗi trí thức Việt Nam nên dùng trí tuệ của mình để đóng góp cho xã hội, đưa đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu mới, tốt đẹp hơn nữa. 

* Mục sư Y Ky ÊBan (SN 1944) - nguyên Ủy viên Ban trị sự Tổng liên đoàn Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam, Hội đồng thẩm vấn và phong chức mục sư khu vực 1 (từ Quảng Trị đến Đắk Nông), Ủy viên Mục vụ tỉnh Đắk Lắk.

Tỉnh Đắk Lắk có gần 17.000 tín đồ Tin lành, trong đó chủ yếu là bà con dân tộc Êđê, còn lại là người Kinh, Mông, M’Nông, Chu Ru, Tày, Nùng, Thái... Sinh hoạt tín ngưỡng của bà con rất tự do. Nhiều nhà thờ, nhà nguyện được xây lên để tín đồ Tin lành có nơi sinh hoạt mà không gặp bất kỳ trở ngại gì. Mọi công dân Việt Nam từ Bắc chí Nam và kiều bào, khách quốc tế có thể thoải mái đi lại thăm hỏi nhau, mưu cầu cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc, đó là sự thoải mái ở một đất nước tự do. Trách nhiệm của mục sư là chăm sóc, rao giảng đạo, hướng các tín đồ đến những điều tốt đẹp; không nghe những lời lừa phỉnh, dụ dỗ sai trái của kẻ xấu, sống tốt đời đẹp đạo. Mục sư đi nhiều lắm, trách nhiệm của mục sư là 365 ngày đều phải đi, mỗi ngày đến một điểm trong khu vực mình phụ trách để giảng đạo. Có khi mỗi ngày đi lại đến 400km. Mệt nhưng vui và thấy cuộc sống đầy ý nghĩa. Ở đâu mục sư cũng thấy tín đồ chăm chỉ lao động, cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn. Đó là điều đáng mừng. Mỗi công dân cần làm cho đầy đủ trách nhiệm của mình với gia đình, với xã hội, với Tổ quốc. Sống hòa thuận, đoàn kết với các tôn giáo, các dân tộc, để không bị chia rẽ. Đất nước Việt Nam ta ổn định về an ninh chính trị. Một số kẻ xấu tuyên truyền, xuyên tạc không đúng sự thật về chế độ, tôi nghĩ giờ cũng chẳng ai tin đâu.

* Ông Đặng Sương, tên gọi khác là Ba Sương (SN 1930), pháp danh Giáo sư Thái Sương Thanh - Quản lý nhà thờ Cao Đài, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng

Tôi đã theo dõi đài, báo, biết được thông tin này và thấy rất vui mừng. Chúng ta đều đang sống trong bầu không khí rất tự do, thoải mái, cả về đời sống sinh hoạt lao động cũng như các quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của mình. So với trước thời kỳ giải phóng đất nước (năm 1975), đạo Cao Đài chúng tôi gặp không ít khó khăn, trở ngại; thì hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, chúng tôi đang rất thoải mái làm các vấn đề nhân nghĩa, thực thi nhân nghĩa, phụng sự xã hội. Đó chính là tự do, là nhân quyền mà một Quản lý tòa thánh Cao Đài, một công dân như tôi cảm nhận được.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo