Xã hội ác mộng bên kia vĩ tuyến - Dân Làm Báo

Xã hội ác mộng bên kia vĩ tuyến

P.J. Honey * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Washington Post ngày 21/3/1965 

Thỉnh thoảng, ai đấy từ Phương Tây thăm viếng Bắc Việt và một hay hai tuần sau xuất hiện để làm lóa mắt thế giới với sự đánh giá sâu sắc về tình hình chính trị và kinh tế-cộng thêm phần tóm tắt đầy đủ về dư luận chung ở đấy. Không ai chất vấn ý kiến họ vì, dù sao, họ là những người chứng kiến hiếm hoi.

Nhưng những cuộc thăm viếng như thế hầu như chẳng giá trị gì. Guồng máy tuyên truyền cộng sản đã dàn dựng và kiểm soát những cuộc thăm viếng này. Khách đã được chọn lọc cẩn thận từ trước để bảo đảm khách có thể thể hiện đúng quan điểm chủ nhà mong muốn. Họ sắp đặt cho khách được phỏng vấn Chủ tịch nước và Thủ tướng nhằm làm cho lời tuyên bố của khách thêm phần thuyết phục. Khách còn được đưa đi tham quan những thành tựu xã hội chủ nghĩa đã được chọn lọc.

Khách không thể nào nói chuyện với một người dân nào ngoài những người đã được cài cắm để làm cho khách “ngộ ra” bằng những bài vở đã thuộc lòng, hay khách không thể nào tình cờ nghe một nhận xét hớ hênh nào, hay đọc một tờ báo nào vì tất cả những người ngoại quốc nói tiếng Việt đều không được vào trong nước.

Dù ta có thể hiểu nhà cầm quyền cộng sản không cho nhập cảnh những ai đã từng sống ở trong nước, hiểu biết tiếng Việt hay có những người bạn Việt Nam tin tưởng họ mà sẵn sàng thổ lộ, nhưng nhà cầm quyền không thể nào giấu những người như thế những chuyện đang diễn ra.

Để cai trị đất nước, họ phải công bố những chỉ thị, những thay đổi khẩu phần và những điều tương tự qua báo đài. Họ không thể nào kiểm duyệt tất cả các thư từ hay chận bắt tất cả những người tỵ nạn-và họ cần thiết phải phái những viên chức ra nước ngoài.

Như vậy, người nào có kinh nghiệm cần thiết và kiến thức về ngôn ngữ, qua nhiều năm, có thể hình thành bức tranh chính xác về những chuyện đang diễn ra ở Bắc Việt từ báo chí nhà nước và từ thư từ và các nguồn khác. Đây là điều tôi đã và đang làm.

Phấn khởi với chiến thắng bất ngờ đầu tiên đối với người Pháp, và lòng ngập tràn với bao sung sướng mê say về nền độc lập mới giành được, nhân dân Bắc Việt Nam hăng hái lao mình vào công cuộc xây dựng thiên đường chủ nghĩa xã hội mà trước đấy họ đã nghe và đọc rất nhiều.

Nhưng họ đã biết rất ít về mục đích thật sự của những chủ nhân cộng sản của họ. Chiến dịch cải cách ruộng đất đẫm máu cướp đất của nông dân và giết oan biết bao nhiêu địa chủ đã châm ngòi cho những cuộc nổi dậy vào năm 1956 mà đã làm lung lay nền tảng chế độ cộng sản và khiến họ phải đàn áp bằng vũ lực.

Những chủ cửa hàng, thương gia, và thợ thủ công không còn được buôn bán và bị phá sản nhân danh chủ nghĩa xã hội giáo điều. Nhiều người tự tử còn những người khác tranh nhau đi làm phu để có tiền mua lương thực. Mọi người đều gia nhập các tổ chức nhà nước, từ những phong trào tập thể trên cả nước xuống đến tận các tổ dân phố, và bị bắt buộc phải tham dự những lớp học tập chính trị triền miên và các tổ học tập và tham gia những cuộc biểu tình “tự phát” để ủng hộ hay chống lại điều gì đấy.

Mọi người đều bị bắt buộc tham gia lao động “tự nguyện” không công cho những công trình đầy tham vọng của nhà nước. Lương cho công việc chính quy thì thấp hàng hóa lại khan hiếm ngoại trừ trên thị trường chợ đen nhộn nhịp nhưng đắt đỏ.

Ngày nay sau bao nhiêu năm lao động vất vả để tồn tại, phải lao lực quá sức, lương thấp và ăn uống kham khổ, người dân chẳng còn quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài những vấn đề không thể nào giải quyết của họ. Lòng hờ hững, họ bước đi ngoan ngoãn trong các cuộc biểu tình thường xuyên, nhưng nét mặt và dáng điệu của họ chứng tỏ rõ ràng rằng những say mê họ có năm nào giờ đã tan biến.

Lương thực là một vấn đề lớn nhất, và không có hy vọng giải quyết sớm, Với dân số 17 triệu người, Bắc Việt quá đông dân so với đất nông nghiệp nó có. Gạo trước đây nhập từ miền Nam giờ không còn nữa và chẳng có tiền mua lương thực ở nước ngoài. Vào năm 1963 chế độ tính mua lúa mỳ từ Úc, nhưng chỉ có thể trả bằng các mặt hàng mây tre, sản phẩm thủ công và đồ mỹ nghệ, mà không thể nào chấp nhận được.

Hàng triệu ngày dân công đã dành cho việc xây dựng những đại công trình thủy lợi để cải tạo đất nông nghiệp mới, nhưng những lợi ích này chẳng thấm vào đâu trước mức phát triễn dân số 3.4 phần trăm mỗi năm.

Những biện pháp tuyệt vọng như ra lệnh trồng các cây lương thực xung quanh tất cả các công sở, trường học, doanh trại, vân vân vẫn không đủ. Cách đây khoảng độ một năm, hàng trăm ngàn người đã di dân lên các vùng miền núi khắc nghiệt để cố gắng sinh sống trong khả năng của mình.

Khẩu phần gạo hiện nay là 13,5 ký một tháng, chỉ vừa đủ sống; nhưng thường chỉ lĩnh thật sự 8 ký một tháng. Khẩu phần gạo còn lại thường quy đổi ra ngô hay sắn lát, cả hai đều khó nuốt nổi đối với người Việt.

Chính chỉ nhờ vào “những mảnh đất riêng” của nông dân, mà nhà cầm quyền phải miễn cưỡng cho phép, nạn chết đói trên toàn quốc mới không xảy ra.

Công nghiệp hóa là niềm hy vọng duy nhất của những nhà lãnh đạo cộng sản, họ dự tính xây dựng những nhà máy nhờ vào sự viện trợ nước ngoài, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, và dùng ngoại tệ kiếm được ấy để mua lương thực. Công nghiệp hóa cũng tạo ra giai cấp vô sản đáp ứng về mặt chính trị.

Nhưng viện trợ từ khối cộng sản ít ỏi không ngờ và kế hoạch chuẩn bị không đầy đủ, vì thế phát triễn chậm và kết quả thường là lãng phí. Hơn nữa công nhân lại thiếu kinh nghiệm còn ban quản lý được bổ nhiệm trên cơ sở chính thống chính trị thay vì tài năng-với những hậu quả thê thảm.

Bất tài và lãng phí đầy dẫy, sản phẩm thì kém chất lượng nên thường không bán được ngay cả ở thị trường trong nước. Tham ô vẫn tiếp tục diễn ra trên quy mô lớn. Những nỗ lực cấp bách vội vàng đã được thực hiện nhằm khắc phục những sai lầm này mới đây đã đạt một số thành công, nhưng cơ sở công nghiệp hiệu quả vẫn còn xa vời.

Hơn một năm qua, không có đủ tiền và tín dụng để nhập khẩu nguyên liệu nên người ta rất coi trọng vấn đề tự túc- phải dùng đến những nguyên liệu thay thế ở địa phương. Ta có thể dễ dàng hình dung đến ảnh hưởng đối với chất lượng sản phẩm.

Bầu không khí thất vọng và tuyệt vọng liệm kín khắp nơi đã và đang là trọng tâm chính trong mối quan tâm của chính quyền trong suốt năm qua và nhiều đợt chiến dịch tuyên truyền và giáo dục chính trị liên tiếp đã được phát động dể chấn chỉnh điều này. Ngay cả Đảng Lao Động (Cộng sản) cũng bị tác động đến các cấp cao nhất. Những ủy viên Uỷ ban Trung ương không nêu danh tính đã bị tố cáo là muốn đầu hàng, chỉ muốn lo cho bản thân và mưu cầu hưởng thụ cá nhân thay vì những thắng lợi cách mạng.

Tất cả điều này bắt nguồn từ một loạt những khó khăn rất lớn giới lãnh đạo đang đối diện: vấn đề lương thực; chiến tranh ở Nam Việt và Lào; xung đột giữa Liên Xô và Trung Cộng; bùng nổ dân số. Thật sẽ không dễ dàng để tạo ra niềm say mê mới hay khai mở ra những sinh lực mới.

Chiến thắng ở Nam Việt sẽ gỡ nhiều khó khăn này. Sự cạn kiệt nặng nề về ngân sách sẽ chấm dứt; tiếp cận được vựa lúa rất cần thiết và và ruộng đất bao la ít dân cư ở miền Nam; chế độ thù địch tạo ra mối đe dọa thường xuyên đối với cộng sản miền Bắc sẽ không còn nữa; tự túc kinh tế sẽ đạt được dễ dàng.

Những làn sóng tuyên truyền dồn dập không ngừng nghỉ nhắm vào nhân dân miền Bắc mô tả miền Nam là thuộc địa, và Hoa Kỳ đang thay thế vai trò cũ của người Pháp. Tuyên truyền ấy nói công luận thế giới đứng về phía Việt Cộng và những khách nước ngoài được chọn lọc cẩn thận được mời vào để cho nhân dân miền Bắc vững tin về sự ủng hộ của nước họ dành cho mình. Tin tức quốc tế được chọn lọc kỹ càng.

Chiến dịch tuyên truyền rất dữ dội và không dứt này tất yếu tạo ra nhiều tác động mà ta khó mà đánh giá mức độ nhưng trong nhân dân cũng có sự sợ hãi về những cuộc trả đũa chống lại miền Bắc.

Mới đây nhiều súng phòng không được đặt ở Hà Nội và những hầm tránh bom thô sơ được đào vội vàng ở bên đường, trong vườn và chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhiều người dân Hà Nội đã sơ tán ra khỏi thành phố, mặc dù nhà cầm quyền đã muốn thực hiện điều này từ lâu và có lẽ lấy việc tránh bom làm cái cớ có sẵn.

Có lẽ bao nỗi lo sợ của nhiều người dân và mối quan tâm của chính quyền được tóm tắt qua vụ án sau:

Vào ngày 17 tháng Mười Hai vừa qua, thầy giáo trẻ người Công giáo, Lê Đức Trí, ở làng Đức Long thuộc tỉnh Hà Tĩnh, bị kết án bảy năm tù vì tội “thành lập các ca đoàn, hội từ thiện, và hội trẻ mồ côi trong giáo xứ.”Công tố viên tuyên bố Lê Đức Trí đã gây hoang mang lo sợ trong nhân dân khi nói với những nhóm này về sức mạnh quân sự của Mỹ và quả quyết miền Nam sắp tấn công miền Bắc và không còn chiến tranh. Bị cáo thậm chí còn “ca ngợi chính quyền miền Nam Việt Nam.”

Bản án dã man cho điều mà các xã hội tự do sẽ không coi là tội phản ánh mối lo lắng đến mức ám ảnh của chế độ Bắc Việt về tinh thần suy sụp và nỗi sợ hãi kinh niên của chế độ về bất kỳ nhóm có tổ chức nào ngoại trừ những nhóm do cộng sản kiểm soát.

Những nhà lãnh đạo của nhà nước công an trị xiết bao đau khổ, nghèo đói, và đầy dẫy nghi kỵ như thế ở phía bắc vĩ tuyến 17 đang ra sức tìm cách áp đặt ách thống trị của họ lên nhân dân miền Nam Việt Nam.

P.J.Honey (1922-2005) là học giả Anh chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Ông từng sống ở cả hai miền Bắc và miền Nam Việt Nam, và rất thông thạo tiếng Việt. Ông đã dịch tác phẩm của học giả Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), sang tiếng Anh.

Nguồn: Báo The Washington Post, ngày 21/3/1965.Tựa đề của người dịch. Nguyên tác tiếng Anh “N.Viet-Nam Looks Sick From the Outside”




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo