Cảm xúc về buổi phát quà cho cựu thuyền nhân PST - Dân Làm Báo

Cảm xúc về buổi phát quà cho cựu thuyền nhân PST

Đào Bá LêNgày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày người dân Việt Nam Cộng Hòa mất đi quyền làm người. Từ đó chúng tôi bị phân biệt đối xử, v.v... Và chúng tôi đã chọn con đường bỏ trốn, vượt biên.

Nhân ngày 1-5-2015, chúng tôi là Anh Chị Em Cựu Thuyền Nhân PST (ACE-CTN-PST), những người bị cưỡng bức hồi hương trở về Việt Nam từ Thailand, được Hòa Thượng Thích Không Tánh mời đến chùa Liên Trì tham gia Buổi Biếu Qùa cho Bệnh Nhi Ung Ung Bướu và Cựu Thuyền Nhân. Chùa nằm ở tuyến đường Lương Định Của Q.2, Sài Gòn. Để đến được Chùa, chúng tôi phải đi tới trung tâm Q.1, rồi tìm đường băng qua khu Thủ Thiêm. Khi chúng tôi tìm đến nơi, thì nơi đây, nó là khu vực đã bị giải tỏa, chỉ còn sót lại ngôi Chùa cũ nhỏ bé, và quán nhỏ đối diện, cũng là “chốt an ninh” của côn an để kiểm soát người ra vào Chùa.

Thế nhưng khi đứng từ góc độ Chùa nhìn sang phía Q.1, thì trước mắt chúng tôi là những tòa nhà trọc trời cao vút. Từ đây tôi nhận thấy số phận của những người bị cưỡng bức hồi hương trở về Việt Nam đã bị bỏ quên mặc cho số phận. Phía Q.1 nó được ví như những người Thuyền Nhân đã được định cư, họ được sống trong những nơi tốt lành. Còn những Cựu Thuyền Nhân bị cưỡng bức trở về Việt nam, thì họ được ví như đang sống trong khu vực bị giải tỏa hoang vu, tàn tạ.

Thế giới đã thực sự quên đi hai chữ “Thuyền Nhân” rồi sao? Không, chúng tôi không thể để thế giới "Freedom" quên chúng tôi được, nhất là Liên Hiệp Quốc/Cao Ủy Tị Nạn đã không giữ những hứa hẹn đã ký kết. 

Để nhắc lại thân phận của thuyền nhân, chúng tôi xin mời quý vị nghe lại những lời tâm sự đầy nước mắt của một số CTN trong Bạch Đằng Giang Foundation, được RFI phỏng vấn tháng 7/2012.

(Hình ở phút 8'40 là đầu BS Hiển nhìn xuống bé gái đang leo lên tàu)

Ba năm sau, BDG Foundation đã bị bóp chết, và cuộc sống của các anh chị ACE-CTN- PST vẫn không ngóc đầu nổi!

Trở lại sự hội ngộ của anh chị em cựu Thuyền Nhân (ACE-CTN-PST), tại chùa Liên Trì, chúng tôi đã gặp nhau trong nhiều thời gian xa cách, có thể nói là 19 năm (1996-2015), có người không thể nhận ra nhau nữa, thật là cảm động. Họ chia sẻ cho nhau những vui buồn hiện tại và quá khứ, đặc biệt những câu chuyện ở trại tị nạn mà họ không thể quên. 

Đã đến giờ HT Thích Không Tánh mời ACE-CTN-PST vào ăn cơm chay, chúng tôi có khoảng 20 người. Sau khi dùng cơm chay xong, HT-TKT nói nên ý nghĩa của buổi phát quà và ân nhân là Bác sĩ Phan Minh Hiển, Hội trưởng Hội Compassion-Vietnam ở Pháp.

Xin xem hình ảnh và video Biếu Quà cho Cựu Thuyền Nhân:


Hòa Thượng Thích Không Tánh đang biếu quà cho các cựu Thuyền Nhân.

Các cựu Thuyền Nhân đang dùng cơm chay tại chùa Liên Trì.

Bác sĩ Hiển là vị BS Việt Nam đầu tiên đi cứu vớt người vượt biên biển đông trên con tàu Goëlo, của Hội Médecins du Monde do BS Bernard Kouchner thành lập. Xin mời xem lại phim vớt thuyền nhân trên Biển Đông, "Boat-People " của BS Phan Minh Hiển vào tháng 6.1982, cùng vớ BS Bernard Kouchner. (BS Hiển ở trần trên boong tàu Goëlo, có thể thấy mặt ở phút 2'40 và thấy nghiêng ở phút 3' khi đang kéo cụ già từ dưới ghe lên. (1)

Đồng thời Bác sĩ cũng là đại ân nhân của Thuyền Nhân Việt nam (Palawan, và Thái), vì đã an ủi tinh thần và vật chất cho đến 1996, đặc biệt cho các đồng bào tị nạn bị giam ở Khu A Biệt Khu, Sikiew Thái Lan.

Trọng kính quý ân nhân trong và ngoài nước, biết rằng kinh tế khó khăn cho mọi người, nhưng một món quà hay lá thư an ủi, dù nhỏ nhoi, là một nguồn động viên lớn lao cho anh em ACE-CTN-PST trong lúc này! 

Nhóm ACE-CTN-PST bị cưỡng bức xin được trợ giúp thông qua Hội COMPASSION-VIETNAM hoạt động ở Pháp. (2)

Hay quý vị ở Mỹ có thể gửi về cho Vì Dân Foundation (ghi Boat People/BS Hiển) (3)

Kính chân thành cảm ơn Bác sĩ Phan Minh Hiển đã ủng hộ quà cho ACE-CTN-PST.

Kính chân thành cảm tạ HT Thích Không Tánh đã tiếp đãi và phát quà cho ACE-CTN- PST.

Kính chân thành cảm ơn sự chia sẻ của phái đoàn Liên Tôn VN, đã ân cần hỏi thăm chia sẻ tình cảnh ACE-CTN-PST.

Cảm ơn những Thiện nguyện viên của Chùa đã có tấm lòng phục vụ chu đáo bữa cơm chay cho ACE-CTN-PST.
Ảnh hàng trên: Trái là BS Bernard Kouchner, bên mặt BS Hiển và chị em thuyền nhân.
Hàng dưới: Trái là Anh Bùi Mạnh Hùng (trưởng trại Palawan), và BS Hiển. Mặt là Phái đoàn BS, y tá của Médecins du Monde chào chia sẻ với trại Palawan.

Hiện nay, dựa trên những yếu tố dưới đây, chúng tôi kính xin chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và UNHCR xác định, đánh giá lại về trường hợp hồ sơ xin tị nạn của những người bị cưỡng bức trở về Việt nam từ Thailand, đặc biệt là những Thuyền Nhân biệt giam ở Khu “A”.

1. CÔNG ƯỚC 1951
2. NGHỊ ĐỊNH THƯ 1967
3. UNHCR GIỚI THIỆU DANH SÁCH THUYỀN NHÂN
4. ĐƠN NGUYỆN VỌNG TÁI ĐỊNH CƯ CỦA THUYỀN NHÂN BỊ CƯỠNG BỨC.

Đại diện ACE-CTN PST

Đào Bá Lê

*

HỒI KÝ VỀ NGƯỜI TỊ NẠN KHU “A” BIỆT GIAM SIKIEW THAILAND

CHUYỆN KỂ NGƯỜI TRONG CUỘC

Kính thưa quí bạn đọc trong và ngoài cuộc…

Trong lịch sử tị nạn trên thế giới, chắc chẳng có nơi nào tệ hơn nơi khu “A” biệt giam.

Tên đầy đủ của trại là: TRẠI TỴ NẠN VIỆT NAM KHU “A” BIỆT GIAM SIKIEW NAKHORN RACHASIMA THAILAND.

Vào đầu năm 1995, tình hình trong trại rất căng thẳng. Cổng chính bị che bít kín, những lô cốt được xây dựng ở đầu cổng các khu như B.1-2, B.3-4, B.5-7 và khu C, còn khu A cũ, người tị nạn bị dồn về các khu B&C.

Trong giai đoạn này, khu A đang được sửa chữa theo mô hình nhà tù, họ lắp đặt 3 tháp canh, 2 tháp đặt ở khu A 5-6, một tháp ở khu A 1-2.

Cũng vào thời điểm đầu năm 1995, bỗng nhiên loa phát thanh trong trại phát đi loạt thông báo cho tất cả người Việt Nam có mặt ở trại phải mau chóng đến văn phòng đăng ký chụp hình làm thẻ ORP (Orderly Return Program) để kiểm tra dân số.

Từ đây đã tạo ra 2 nhóm. Nhóm chịu và nhóm không chịu đăng ký. Một làn sóng bất bình cho người tị nạn Việt Nam. 

Văn phòng trại ra thông báo thêm là ai không có thẻ ORP thì không được nhận thư và tiền. Thế rồi những người chống đối bị lọc ra bằng cách đưa qua khu “A” biệt giam. Thời điểm cuối cùng chuyển qua khu này là con số 1400 người. Tuy nhiên có người chỉ qua được một đêm đã đầu hàng xin đăng ký để trở về khu B-C.

Khi chuyển qua khu này, đồ dùng mang theo cũng bị giới hạn, chỗ ở tính theo đầu người chỉ 35cm chiều ngang, 2 mét chiều dài. Vậy thì làm sao để nằm, chỉ có cách là đầu người này nằm phía chân người kia. Nó được ví như xếp cá mòi vậy. Khu này không biết ai đã đặt tên cho nó là “Khu Luyện Thép” để thách đố, để hù doạ hay để khâm phục sự quả cảm của những người đang bị sự hoạch định của ai đó, nhóm nào đó, hành hạ bóc lột thuyền nhân cho đến chết.

Trong tuần lễ đầu ở khu “A” biệt giam, cứ mỗi đêm an ninh trại vào khu kéo đi một số thuyền nhân ra bên ngoài trại để hành hạ, như đánh đập, hù doạ. Có người đã bị đánh gảy răng, người thị bầm mặt, có một phụ nữ bị đánh xảy thai phải cấp cứu. Có đêm an ninh ném đá vào khu, cục nào cục ấy to như nắm tay.

Thế rồi ngày qua ngày, vào một đêm tiếng kêu gào cầu cứu của đồng bào khu “A” 1-2 vì không chịu nổi sự hành hạ của ban an ninh trại và họ đã đoàn kết quyết một lòng đứng lên biểu tình. Thuyền nhân khu “A”5-6 cũng hiệp lực biểu tình bất bạo động như lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã chỉ dẫn qua đài VOA.

Rồi từ đây thuyền nhân khu “A” cũng đồng lòng không nhận lương thực. Phong trào tuyệt thực được thực thi, già trẻ lớn bé đều hưởng ứng một cách nghiêm túc và mạnh mẽ.

Lúc này họ cấm Cha Peter Namwong qua làm lễ. Tôi đã nghĩ ra một cách là dự lễ qua radio ở đài Chân Lý Á Châu vào mỗi buổi sáng Chúa nhật. Để nghĩ lại lúc đó, tôi có một cassette hiệu Sharp màu đỏ, trước khi bị đưa qua khu “A”, tôi có gởi một người quen khu B-C để mang được máy qua khu “A”. Tôi tìm cách liên lạc với một tay an ninh trại, họ ra giá là 150 Bat Thailand, và hợp đồng đã được thực thi.

Kể từ đấy đồng bào khu "A" 5-6 được dự lễ thông qua radio, sự việc này nhằm mục đích phục vụ thuyền nhân công giáo Khu “A” 5-6 để họ không mất niềm tin vào Thiên Chúa, khi đang phải sống trong những giai đoạn khó khăn của đời tị nạn.

Bước sang đầu năm 1996, khi nhận biết có thể bị đưa trả về Việt Nam, thì trong khu “A” lại có phong trào chế tạo ra dao để tự sát. Cách làm như sau: muỗng (thìa), do Cao Uỷ phát được đập dẹp, sau đó cắt ra làm 2, vậy ta có được 2 con dao, đầu lớn được gắn vào đầu khúc cây làm cán, đầu nhỏ làm mũi để đâm bụng, dao được mài rất bén.

Vào sáng sớm ngày 29/6/1996, tại khu “A” biệt giam, một số người bị lính Thái bao vây tràn vào bắt đi cưỡng bức đưa về Việt Nam. Trong thời điểm này là một cảnh tượng anh dũng của người bị cưỡng bức, kèm sự hãi hùng của người thực thi. Thuyền nhân lập ra một bàn thờ thắp nhang theo sự tín ngưỡng của mỗi người. Khi lính Thái ập vào, họ đã móc dao tự chế rồi đâm bụng tự sát trước mặt nhóm lính Thái máu lạnh. Một cảnh tượng mà chỉ có người trong cuộc mới có thể đưa ra cung bậc cảm xúc tột đỉnh của thân phận tị nạn tại khu “A” biệt giam. Họ là nhân chứng, và lịch sử tị nạn thuộc về họ. 

Tiếp theo là khu “A” 5-6, văn phòng cho xây thêm một lớp tường bằng gạch không nung, ở giữa có gắn khung sắt Φ8 a (a=khoảng cách) 15cm đổ bêtông. Trong giai đoạn này, đồng bào khu “A” 6-5 đang được học kỹ năng tự sát theo thế quỳ một chân và có hàng thứ tự.

Vào ngày 11/9/1996, khu “A-6 bị bao vây bởi một số lượng lớn lính Thái, xung quanh khu, họ cho gắn loa phóng thanh mở cở lớn để áp đi tiếng kêu cứu của thuyền nhân.

Tốp đầu có nhiệm vụ đập tường mở đường cho nhóm sau đột nhập vào khu. Khi lính Thái vào được trong khu 5-6, ở đây đồng bào đã lập ra bàn cúng có nhang khói và đồng thanh hô to “Human Rights” rồi tự sát theo mô hình đã được huấn luyện. Tôi đã chứng kiến một anh lính Thái cầm máy quay ghi hình, anh ta đã bị choáng váng, nét mặt tái xanh, anh ta không thể bước tiếp được rồi ôm máy quay ngồi xuống dựa lưng cạnh cái miếu, thở hổn hển như nhận ra rằng mình đã tiếp tay cho một sự việc trái với lương tâm, trái với đạo lý làm người.

Tiếp đến lính Thái đưa hết những người trong Khu 5-6 ra ngoài để được nhận dạng qua tấm hình được chụp lại từ thẻ PST, ai có tên trong hình thì họ nhốt một chỗ, ai chưa có thì nhốt một chỗ khác. Trong giai đoạn này bỗng dưng trời đổ mưa lớn, như ông trời cũng muốn chia buồn cùng đồng bào khu “A” vậy. Cơn mưa to thế mà không trôi hết những vũng máu của đồng bào đã tự sát để lại, như máu cũng muốn làm chứng cho chúng tôi, nên lính Thái phải điều động một xe bơm nước cỡ lớn đến để xịt chỗ máu đó. Có những người vì tự sát quá tay, nên chỗ đâm sâu quá không đi được, lính Thái khiêng ra, có người bị kéo đi đầu lết dưới đất, có đoạn trên nền ximăng.

Đến đây xin kính khâm phục những đồng bào tị nạn khu “A” biệt giam đã chịu đựng bao thống khổ…, chịu đựng đến giờ cuối cùng ở khu được mệnh danh là “Khu Luyện Thép”. Khi tôi viết bài này, xin lịch sử tị nạn không được phép quên chúng tôi, những người tị nạn chân chính nhất.

Qua bài viết này, kính xin được sự giúp đỡ của quý ân nhân hải ngoại cho những Thuyền Nhân bị cưỡng bức thông qua Hội Compassion-Vietnam, do Bác sĩ Phan Minh Hiển đảm trách. Kính trình Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xem xét đánh giá lại hồ sơ xin tị nạn, cho thuyền nhân Khu “A” biệt giam có một cơ hội được tái định cư như đã mong ước.

Video Tưởng Niệm Thuyền Nhân (4)

Video Thuyền Nhân (5)

Sài Gòn, ngày 02 tháng 5 năm 2015


Đào Bá Lê


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo