Bắt giữ đối lập là tiêu cực hay tích cực trong cơ chế Dân chủ pháp trị? - Dân Làm Báo

Bắt giữ đối lập là tiêu cực hay tích cực trong cơ chế Dân chủ pháp trị?

Le Nguyen (Danlambao) - Đọc lý lịch trích ngang của Hun Sen, thủ tướng Vương Quốc Campuchia, ai cũng thấy mối quan hệ mật thiết của Hun Sen với đảng cộng sản Việt Nam hơn mức bình thường là không thể phủ nhận. Cũng như Hun Sen lên đến đỉnh cao quyền lực ở xứ Chùa Tháp, có bàn tay phù phép của Việt Cộng là không thể chối cãi và những năm gần đây Hun Sen có một số phát ngôn, hành động chống Việt Nam táo bạo là sự thật đáng chú ý.

Chính trường Campuchia vài năm trở đây, trên bề nổi đã có những diễn biến tích cực về hướng dân chủ nhưng vẫn tồn tại tư duy phi dân chủ trong giới lãnh đạo có nguồn gốc cộng sản ở Vương Quốc Campuchia. Hun Sen, từ một tên lãnh đạo mang tư duy độc tài cộng sản, thu tóm quyền bính, xây dựng quyền lực tuyệt đối trên nòng súng “ngẫu hứng” quay sang chống Việt Nam và nới rộng không gian cho đảng đối lập “cuội” Cứu Nguy Dân Tộc diễn trò dân chủ(?)

Màn “diễn” chống Việt Nam cụ thể là việc Hun Sen “ngó lơ” cho đảng Cứu Nguy Dân Tộc, hệ phái cực hữu của Sam Rainsy tố cáo đảng cầm quyền gian lận bầu cử và lên án âm mưu lập quốc hội độc đảng trong cuộc bầu cử năm 2013 của Hun Sen. Mới nhất là vụ việc thủ lãnh đảng Cứu Nguy Dân Tộc “tụ tập đông người” trương khẩu hiệu, hô vang khẩu hiệu chống Việt Nam, đốt cờ cộng sản Việt Nam giữa lòng thủ đô Phnom Penh của xứ Chùa Tháp trước tai mắt của Hun Sen. 

Sau vụ việc đốt cờ, hô khẩu hiệu chống Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh, Hun Sen lại tiếp tục làm ngơ cho đảng Cứu Nguy Dân Tộc xúi giục, kích động tinh thần “dân tộc chủ nghĩa” lôi kéo ủng hộ viên đến biên giới xô xát gây căng thẳng, làm cản trở tiến trình cấm móc, phân định biên giới Việt-Cam để “tạo điều kiện” cho ông ta lên tiếng hỏi mượn lại bản đồ lưu trữ ở cơ quan Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Pháp... nhằm cho người dân Campuchia có cơ sở tham khảo, giám sát, đối chiếu bản hiệp ước phân định, cấm móc biên giới với Việt Nam mà chính quyền Hun Sen đang lưu giữ.

Ngoài những sự việc cụ thể đó ra, Hun Sen còn dàn dựng cho phe đối lập “cuội” tấn công, đả kích, nói xấu cá nhân để ông ta có cơ hội đăng đàn phát biểu gây sốc “đánh bóng cá nhân” trong sự kiện khánh thành cầu Takhmao, tỉnh Kandal do Trung Cộng viện trợ. Có đoạn Hun Sen phát biểu tỏ rõ lập trường độc lập với Việt Nam khá hùng hồn, gay gắt nghe được như sau: 

“...Tôi không phải là con rối của Việt nam... tôi không sợ bất kỳ ai, kể cả Việt Nam... Phnom Penh sẽ đưa chính quyền Hà Nội ra Tòa Công lý Quốc tế cũng như Hội đồng Bảo an nếu vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia...”

Có lẽ trong kịch bản diễn trò dân chủ để được sự ủng hộ của nhân dân Campuchia thì phân cảnh cho đoạn diễn với lời thoại chống Việt Nam mạnh mẽ, là ăn khách nhất trong sự nghiệp làm chính trị của Hun Sen. Người dân Campuchia cũng phần nào hả dạ, giải tỏa băn khoăn lẫn thích thú với trò diễn chống Việt Nam của Hun Sen và người dân Việt không khỏi đắng lòng khi so sánh lãnh đạo đảng, chính phủ Việt Nam quá nhu nhược với quân Trung quốc xâm lược trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

Bên cạnh tuyên bố, khẳng định vị thế độc lập đối với Việt Nam, là việc Hun Sen ra lệnh bắt ông Hong Sok Hour thượng nghị sĩ của đảng đối lập Sam Rainsy, tạo sự chú ý của dư luận xã hội nhằm thể hiện quyền lực cá nhân trên chính trường Campuchia. Hành động bắt giữ thượng nghị sĩ đối lập Hong Sok Hour với cáo buộc công khai, minh bạch là do ông ta đăng tải công văn giả, sử dụng tài liệu giả mạo về đường biên giới Việt- Cam trên Facebook cá nhân. 

Khách quan mà nói thì việc bắt giữ thượng nghĩ sĩ đối lập trong sinh hoạt chính trị dân chủ, có cả mặt tiêu cực lẫn tích cực:

Về mặt tiêu cực, bắt thượng nghị sĩ Hong Sok Hour tạo cảm giác cho dư luận trong lẫn ngoài nước nghi ngờ Hun Sen - vốn là một tên độc tài có số má trên chính trường Campuchia đang có âm mưu tái hiện chiến dịch đàn áp, triệt tiêu sức phản kháng của đối lập như hắn đã từng ra tay tiêu diệt đối lập trong những năm đầu hỗn quân hỗn quan, vô luật pháp trên xứ Campuchia. Hành động bắt giữ đối lập trong sinh hoạt chính trị đa đảng, nhìn chung là bước lùi của nhà nước dân chủ đa đảng Campuchia.

Về mặt tích cực, bắt giữ đối lập, chuẩn bị thủ tục truy tố ra tòa của chính phủ Hun Sen, nhìn bề ngoài thấy có khả năng chính phủ Hun Sen có vẽ thực hiện đúng với trình tự, quy định của luật pháp, hiến pháp về tố tụng hình sự đối với thượng nghị sĩ - một quan chức của ngành lập pháp của Vương Quốc Campuchia. Cách bắt giữ và truy tố nghi can ra tòa xét xử đúng trình tự pháp luật tạo niềm tin cho dư luận trong, ngoài nước nhìn vào đánh giá khách quan về mức độ dân chủ được áp dụng trên xứ Chùa Tháp.

Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour bị bắt ngày 15/08.

Việc bắt giữ thượng nghị sĩ phe đối lập của hun sen đi sâu vào phân tích để thấy mặt tiêu cực lẫn tích cực của nó, là còn tùy thuộc vào cách kết thúc vụ việc của Hong Sok Hour như thế nào nhưng cũng cần có vài lời nhận định, phân tích, bàn tán cho vui như sau: 

Một là nếu sự kiện bắt giữ đối lập với cáo buộc không đúng sự thật và việc Hun Sen lợi dụng lá phiếu đa số của thượng nghị sĩ đảng nhân dân, tước quyền miễn trừ của thượng nghị sĩ đương nhiệm Hong Sok Hour để giam giữ truy tố nhằm bịt miệng, đàn áp đối lập là tiêu cực cho nền dân chủ non trẻ của Vương Quốc Campuchia. 

Hai là nếu chính quyền Hun Sen tước quyền miễn trừ của ông Hong Sok Hour thông qua tòa án hiến pháp, cơ quan tư pháp cao nhất của quốc gia và xét xử đúng với tội danh truy tố là phổ biến công văn giả, tài liệu giả về đường biên giới Việt – Cam trên Facebook công khai, minh bạch có cơ quan truyền thông trong ngoài nước tham dự đưa tin là dấu hiệu tích cực, thể hiện từng bước trưởng thành của nền dân chủ Campuchia.

Tuy nhiên việc chính quyền Hun Sen cáo buộc thượng nghị sĩ đối lập phổ biến công văn giả, tài liệu giả nhằm lôi kéo, kích động người dân Campuchia bạo động gây bất ổn tình hình biên giới Việt – Cam làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ ngoại giao của Campuchia và Việt Nam. Cáo buộc đó cũng có thể là chiêu trò của đảng cầm quyền “hạ độc thủ” nhằm loại trừ lẫn làm mất uy tín đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua tranh giành phiếu cử tri cho cuộc tổng tuyển cử vào những năm sắp tới.

Việc cáo buộc Hong Sok Hour giả mạo công văn, chỉnh sửa bản đồ biên giới Việt-Cam tung lên mạng xã hội, chưa xác định được ông Hong Sok Hour có làm hay không làm. Mọi tiên đoán, bàn tán là chỉ để cho vui thôi, muốn có sự thật “gần đúng” là phải chờ kết luận của tòa án. Vụ án chỉ mới dạo đầu nhưng thủ tướng Hun Sen có vẻ rất tự tin, thành thật khi tuyên bố trên các cơ quan truyền thông, có nội dung yêu cầu đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) trình bản đồ đang sở hữu để chính phủ và ủy ban các vấn đề biên giới tham khảo, đối chiếu với 18 tấm bản đồ Campuchia mượn Liên Hiệp Quốc nhằm xác thực vụ việc, giải quyết rốt ráo minh bạch, công khai về vấn đề biên giới Việt – Cam.

Song song với việc yêu cầu Liên Hợp Quốc cung cấp, cho mượn bản đồ biên giới Việt – Cam, thủ tướng Hun Sen đang thể hiện với đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) rằng, chính phủ và bản thân ông sẵn sàng đối thoại để đi đến tận cùng của sự thật. Hun Sen cũng có nói thêm, nếu tấm bản đồ đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) đang giữ có độ chính xác, tin cậy cao hơn thì ông sẽ sẵn sàng dùng nó để nói chuyện “phải trái” với Việt Nam, nhưng trước hết đảng Cứu Nguy Dân tộc cần công khai bản đồ biên giới đang có.

Nhìn bề ngoài, nghe lời phát biểu của Hun Sen có vẻ thành thật, muốn đối thoại với phe đối lập nhằm giải quyết khủng hoảng rốt ráo nhưng nếu nhìn vào chiều sâu và đi vào phân tích, ý tưởng phát ngôn của Hun Sen sẽ thấy. Rất có thể đây là một âm mưu chính trị của Hun Sen nhằm hạ đối thủ cạnh tranh, loại trừ đối lập bằng vũ khí pháp lý do một số lý do “nhạy cảm” như sau.

Có thể bản đồ biên giới chỉ ra cột móc, địa điểm chính phủ Campuchia nhượng Việt Nam vì lý do tế nhị nào đó, hay đường biên giới có xê dịch ít nhiều là do quan chức rừng rú Việt Nam với tư duy hạn hẹp nghĩ rằng “lấn chiếm”không ai biết, nên tự động dời cột móc vào lãnh thổ Campuchia. Về bản đồ của Hong Sok Hour đăng tải trên Facebook, có thể là thật cũng có thể là giả, do các phe nhóm vì quyền lợi cục bộ cung cấp cho đảng Cứu Nguy Dân Tộc và các “địa chỉ” có khả năng cung cấp tài liệu, bản đồ, hiệp ước biên giới. Có thể là quan chức cao cấp trong chính phủ Campuchia, tình báo Việt Nam, tình báo Hoa Nam?...

Giả dụ với nguồn gốc bản đồ không rõ ràng chỉ phổ biến trong nội bộ, phục vụ chiến tranh tình báo, không thể chứng minh, không có giá trị về mặt pháp lý thì đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) nghe lời Hun Sen “trình” bản đồ có được cho chính phủ, chẳng khác nào đảng đối lập cung cấp đạn cho Hun Sen bắn vào đội hình mình trên mặt trận pháp lý trong cơ chế “dân chủ pháp trị.” Dù rằng những tin tức, hình ảnh, tài liệu liên quan đều là thật, đều đã và đang xảy ra ở biên giới Việt - Cam.

Với dân chủ pháp trị chứ không phải pháp quyền xã hội chủ nghĩa để tòa án tùy tiện biến hai bao cao su thành tội tuyên truyền chống phá nhà nước, bắt giữ tống tù những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược quyết liệt là vi phạm luật pháp nhà nước! Với dân chủ pháp trị, đối lập không thể phát biểu linh tinh, lang tang cảm tính rằng thì là... tôi biết chính phủ nhượng đất khơi khơi được mà phải chứng minh nhượng đất qua các lý chứng, bằng chứng, nhân chứng cụ thể, thuyết phục và không thể phản biện. Nếu không làm đuợc như thế trong cơ chế dân chủ pháp trị thì đảng cầm quyền lẫn đảng đối lập phải trả giá cho những lời nói, những việc làm trong phiên tòa công khai, minh bạch hoặc bị cử tri tẩy chay, trừng phạt trong mùa bầu cử tới.

Về vụ việc thượng nghị sĩ Hong Sok Hour bị cáo buộc truy tố tội giả mạo công văn, chỉnh sửa bản đồ biên giới Việt - Cam phổ biến trên trang Facebook cá nhân. Tuy bị cáo buộc nhưng không hẳn Hong Sok Hour đã phạm tội phổ biến tài liệu sai sự thật để bị bắt giữ. Có thể những tài liệu của ông Hong Sok Hour đăng tải là đúng nguyên bản. Cá nhân ông Hong Sok Hour không có “can thiệp” vào nhưng không chứng minh được đó là sự thật và bị bắt giữ vì tội đăng tải tài liệu giả mạo là cái giá phải trả cho việc thiếu bản lãnh đấu tranh trên nền tảng dân chủ pháp trị. 

Vụ ông Hong Sok Hour bị bắt không phải như báo đài Việt Nam đi tin cho rằng Thượng nghị sĩ đối lập bị bắt vì xuyên tạc hiệp ước biên giới, gây chia rẽ làm gia tăng căng thẳng chính trị giữa Campuchia với Việt Nam...

Qua sự kiện của Hong Sok Hour như là điển hình cho đối lập Campuchia học bài học kinh nghiệm để hoàn thiện, trưởng thành, hiểu thêm về khung sườn, cơ chế dân chủ pháp trị. Nên hiểu rằng trên nền tảng thiết chế dân chủ pháp trị, đối lập có quyền biểu đạt chính kiến, phê bình tấn công vào các chính sách của chính phủ và được quyền không ủng hộ, phê phán phản bác các phát ngôn của lãnh đạo nhà nước trên nền tảng sự thật, tôn trọng sự thật Nhưng đối lập phải trả giá cho những phát ngôn hành động của mình trước pháp luật, nếu không chứng minh được nó là sự thật, dù đó là sự thật. 

Nhìn chung, sự kiện Hong Sok Hour bị chính phủ Hun Sen bắt giữ trong lúc làm nhiệm vụ của một thượng nghị sĩ “đối lập” có một vài biểu hiện tích cực cho chính thể dân chủ Campuchia. Tuy thế vụ án của Hong Sok Hour chưa kết thúc, chỉ mới quan sát vài lời thoại, vài hoạt cảnh chưa đến lúc hạ màn mà vội vàng đánh giá tiêu cực hay tích cực, có ảnh hưởng đến nền tảng dân chủ của Vương Quốc Campuchia hay không, là thiếu lý luận khoa học và không thuyết phục.

Muốn biết tiêu cực hay tích cực, muốn thấy sinh hoạt chính trị dân chủ của Vương Quốc Campuchia nằm ở mức độ nào, đã trưởng thành hay chưa trưởng thành, dân chủ hay phi dân chủ? Điều tiên quyết là phải theo dõi, quan sát sát sao diễn tiến vụ việc và phải chờ vụ án điểm của thượng nghị sĩ đối lập Hong Sok Hour kết thúc. Dù vậy, dù thế nào đi nữa, dù chính trị dân chủ Campuchia còn nhiều yếu kém và dân chủ pháp trị Campuchia còn nhiều giới hạn nhưng chắc chắn tiến trình dân chủ hóa, hiện thực hóa dân chủ vào thực tiễn đời sống người dân Campuchia là tiến trình không thể đảo ngược.


30/8/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo