Bác Quang trở lại trường xưa - Dân Làm Báo

Bác Quang trở lại trường xưa

"Phấn trắng vẫn bay bay, tiếng nói vẫn đều đều
Chào thầy con đã về... Thầy cười vui hả hê..."
Nguyễn Quyết Thắng


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Đã lâu, không biết là lâu cỡ chừng nào - dám tới hơn hai mươi năm trước - tôi có gặp Nguyễn Quyết Thắng, khi ông và gia đình ghé thăm California. Ngày ấy, con gái út của tôi vừa mới chập chững biết đi và tôi cũng vừa được bác sĩ gia đình báo tin là mình mắc bệnh viêm gan C. Chúng tôi ngồi chơi ở nhà Lâm Văn Sang. Đó là lần đầu tiên tôi ngồi cụng ly với bạn bè mà không cảm thấy thoải mái hay an tâm cho lắm!

Nguyễn Quyết Thắng.
Ảnh: ducavn

Loanh quanh bên bàn rượu là ái nữ của Thắng, một cô bé rất xinh, sắp đến tuổi dậy thì. Tôi nhìn cháu mà không khỏi trạnh lòng: "Chả biết bao giờ con mình mới lớn được đến bằng này, và e là mình khó thể sống sót cho đến ngày hôm ấy."

Vậy mà gần một phần tư thế kỷ đã qua. Các cháu đều đã trưởng thành. Thời gian qua nhanh quá. Mọi chuyện cũng đã phôi pha. Tôi không còn nhớ gì nhiều về buổi gặp gỡ vào chiều hôm đó, trừ giọng hát trầm ấm (và thiết tha) của người nhạc sĩ du ca: 

Nhìn diều đang lên cao, nghe sáo trúc reo
Nhìn về nơi thôn xa, trái tim con nở hoa
Nhìn đàn em thơ qua, nghe chúng múa ca
Nhìn vào lòng yêu thương, ngậm lúa thơm quê nhà
Nhìn về trường xưa im bóng trơ vơ

Đường về say sưa bước trên cỏ thưa
Nhìn thầy thân yêu tóc trắng phôi pha
Phấn trắng vẫn bay bay, tiếng nói vẫn đều đều
Chào thầy con đã về... Thầy cười vui hả hê...


Người học trò năm xưa về thăm thầy học cũ, sau một “cuộc chiến dài” nhưng vẫn còn giữ được nguyên tấm lòng hồn nhiên và đôn hậu:

Hôm xưa con ra đi, hòa mình với đời. 
Ôi bao xót thương cuộc chiến dài. 
Con yêu manh áo rách, 
con yêu dòng nước mắt, 
nên con yêu một ngày bình yên. 

Cuộc chiến Bắc/Nam chấm dứt vào tháng 4 năm 1975. Hơn bốn mươi năm đã qua nhưng đất nước chưa bao giờ có “một ngày bình yên” nào cả. Đã thế, giấc mơ được sống yên bình – xem ra – mỗi lúc một thêm xa ở Việt Nam.

Người dân chưa kịp mừng vì viễn ảnh hoà bình và thống nhất thì đã phải ghánh chịu vô số những tai ương liên tiếp, từ những kẻ cầm quyền: chiến dịch đánh tư sản mại bản, chính sách học tập cải tạo, chủ trương đổi tiền, kế hoạch kinh tế mới, chiến tranh Miên/Việt, phong trào thu vàng bán bãi vượt biên...

Những làn sóng vượt biên vẫn tiếp tục kéo dài cho đến tận hôm nay, với những đợt thuyền nhân mới. Tuy có tên gọi là nouveaux boat people nhưng không ai di chuyển bằng thuyền. Họ đi bằng máy bay với những lý do khác biệt: du lịch, du học, lấy chồng ngoại quốc, mang tiền ra nước ngoài đầu tư doanh nghiệp. Tất nhiên, cũng không ít kẻ đi chui – chui trong những chiếc xe tải – qua biên giới xứ người.

Những cái cột đèn – ở cả hai miền – vẫn đều cứ nhấp nhổm muốn đi, nếu chúng có chân. Người ta cũng thế, nếu có điều kiện hay phương tiện.

Sao thảm vậy? 

Vì hơn nửa thế kỷ qua chưa bao giờ thực sự có “một ngày bình yên” ở đất nước này; đã thế, nỗi bất an còn lớn dần theo thời gian, theo như nhận định của một blogger – Nguyễn Hưng Quốc

“Trước hết là thiếu an toàn về chính trị. Ở bình diện cá nhân, người ta có thể bị bắt bớ hay tra tấn bất cứ lúc nào nếu muốn có một tư duy độc lập và nếu muốn thực hiện quyền tự do ngôn luận. Ở bình diện quốc gia, dù nhà nước Việt Nam luôn xem sự ổn định là một trong những mục tiêu lớn nhất của họ, ai cũng biết, Việt Nam lúc nào cũng ẩn chứa đầy những nguy cơ bất ổn... 

Thứ hai là thiếu an toàn về giao thông. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn xe cộ. Mười ngàn: tức mỗi ngày trung bình gần 30 nạn nhân. Đó là người chết. Con số những người bị thương tật chắc chắn sẽ nhiều hơn hẳn. Bởi vậy, ở Việt Nam, nhiều người nói, cứ mỗi lần bước ra khỏi cửa nhà là thấy phập phồng. Con đường nào cũng đầy bất trắc...

Nhưng quan trọng nhất là mất an toàn thực phẩm... Thịt: độc. Tôm cá: độc. Rau, trái và củ: độc. Cả không khí người ta thở, đặc biệt tại hai thành phố lớn, Hà Nội và Sài Gòn, cũng nhiễm đầy chất chì và thủy ngân: độc. Cả nước bị nhiễm đầy chất độc... Tôi cứ tự hỏi: Trong một khí quyển như thế, làm sao người Việt Nam có thể sống được và tương lai đất nước sẽ đi về đâu?”

Giữa lúc “cả nước bị nhiễm đầy chất độc” và mọi người đang hoang mang tự hỏi “tương lai... sẽ đi về đâu” thì ông Bộ Trưởng Công An (bỗng) về thăm thầy xưa và trường cũ:

“Ngày 16/11, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến thăm, chúc mừng thầy và trò Trường THPT Kim Sơn B (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn và một số cơ quan chức năng của địa phương.”

Trần Đại Quang không trở lại trường xưa với tấm lòng hân hoan, thơ thới, phơi phới, và bình dị như Nguyễn Quyết Thắng:

Đường về say sưa bước trên cỏ thưa
Nhìn thầy thân yêu tóc trắng phôi pha
Phấn trắng vẫn bay bay, tiếng nói vẫn đều đều
Chào thầy con đã về
Thầy cười vui hả hê...


Rời trường THPT Kim Sơn B vào năm 1971, bốn mươi ba năm sau Trần Đại Quang mới chợt nhớ lại chốn xưa, và trở về với cả một phái đoàn hùng hậu: những đồng chí Ủy Viên Trung Ương Đảng, Bí Thư Tỉnh Ủy, cùng không ít quan chức địa phương. Cuộc thăm viếng rầm rộ của trò Quang – xem ra – đã không làm cho những vị thầy học cũ “hả hê” mà chỉ khiến họ ngạc nhiên, lúng túng và (rõ ràng) khúm núm! 

Trần Đại Quang không trở lại trường để “chào thầy con đã về” mà với mục đích khác. Ông chuẩn bị dư luận cho bước đường quan chức sắp tới của mình. Ông muốn làm nhoà bớt cái hình ảnh (“công an”) không mấy thân thiện đối với người dân, và cố tô vẽ một bức tranh lễ nghĩa (vốn vẫn thiếu) nơi những kẻ chuyên nghề thủ ác. 

Giới truyền thông Việt Nam đủ thông minh để hiểu ngay ra công việc “định hướng” chuyên môn của họ. Cả “dàn đồng ca” được huy động cấp tốc để là đánh bóng (chân đèn) cho vị chủ tịch nước tương lai:

- Thầy Của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang Tự Hào Kể Chuyện Trò Cũ (Dân Việt).

Tiếc là những nhà báo quốc doanh đã không nhắc đến “đại án” Đoàn Văn Vươn, và “trận đánh đẹp có thể ghi thành sách” ở Tiên Lãng do Đại Tá Đỗ Hữu Ca (Giám Đốc Công An Hải Phòng) chỉ huy, cùng với việc ông được thăng cấp tướng không lâu – sau đó. 

Ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc CA TP HP được thăng hàm Thiếu tướng. 
Ảnh & thú thích: báo Pháp Luật

Họ cũng quên chuyện Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang đã “ra lệnh khen thưởng cho công an tỉnh Phú Yên,” sau vụ Công Án Bia Sơn, và “Thư Kêu Cứu” của thân nhân những người tù trong vụ án tạo dựng (trắng trợn) này. Xin ghi lại một đoạn ngắn để rộng đường dư luận:

"Thưa quý cấp! Chúng tôi là thân nhân của 22 tù nhân đang chịu mức án nặng nề trong vụ án “Ân Đàn Đại Đạo” làm đơn Giám đốc thẩm với sự khẩn thiết, mong muốn các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xem xét lại vụ án vì có quá nhiều dấu hiệu oan sai như tôi đã nêu cụ thể trong Đơn Giám đốc thẩm ngày 10/10/2015 (một số báo, đài đã đăng thông tin về nội dung đơn Giám đốc thẩm này). 

Đó là việc Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã trọng cung, không trọng chứng. Trước tòa, ông Phan Văn Thu cùng 21 người đều phủ nhận việc Ân Đàn Đại Đạo có Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh…

Tòa cũng đã không đưa ra được bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc này. Tuy nhiên, Tòa án đã vẫn giữ nguyên những kết luận trên trong bản tuyên án để buộc chồng tôi và các đệ tử của ông tội “âm mưu lật đổ chính quyền Nhân dân”..."

Anh em ông Đoàn Văn Vươn, cùng nhiều gia đình khác – có lẽ – đã không bị vướng vào vòng lao lý, nếu đất đai và tài sản của họ không có giá trị gì nhiều về nguồn lợi kinh tế. Tương tự, hai mươi hai tín đồ của giáo phái Ân Đàn Đại Đạo – chắc chắn – cũng sẽ không phải lãnh đến mức án hai trăm chín mươi lăm năm tù, nếu Khu Du Lịch Sinh Thái Đá Bia trông bớt phần hấp dẫn và không gợi lòng tham của giới quan chức. 

Một góc Khu du lịch sinh thái Đá Bia. Ảnh: báo Công An TPHCM.

Bên cạnh những vụ cướp bóc đất đai trắng trợn được bảo kê bởi cường quyền, thời gian Trần Đại Quang giữ chức Bộ Trưởng Công An còn xẩy ra vô số việc làm bẩn thỉu và đê tiện khác: ném bom phân, đổ chất bẩn vào nhà của những người dân bất đồng chính kiến. 

Chả trách mà thiên hạ coi ông Tân Chủ Tịch Nước là một vết nhơ: “Nguyên thủ quốc gia trước mắt thế giới đại diện cho danh dự và phẩm giá của một dân tộc. Một chủ tịch nước như ông Trần Đại Quang khác gì một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam?”

Nếu chỉ là một cái “vết lọ nghẹ quẹt trên mặt” thì chùi cũng dễ thôi, chỉ sợ là vết gì khác dơ dáy hơn nhiều và vô phương tẩy rửa kìa.

Vết gì khác, cha nội? 

Nghĩ chưa ra nhưng thôi, học theo gương của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tôi đi làm việc khác. Kệ cha Bác. Chính trị gia sọt rác!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo