Tôi sợ cam phận hơn thất bại - Dân Làm Báo

Tôi sợ cam phận hơn thất bại

Mohandas K. Gandhi * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tôi tin văn minh là chấp nhận, hay đúng hơn, khích lệ những sự khác biệt. Như vậy văn minh trở thành đồng nghĩa với dân chủ. Vũ lực, bạo lực, áp lực, hay cưỡng bách nhằm bắt phục tùng vì thế đều vừa phi văn minh và phi dân chủ.

Vũ lực dẫn đến sợ hãi và sợ hãi làm cho con người thấp hèn. Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã cố gắng không nghĩ đến sợ hãi, vì nếu tôi sợ hãi tôi không tự do.

Tôi tin chắc rằng sợ hãi cư trú ở trong tài sản. Của cải phù du của tôi ở đâu thì lòng tôi ở đấy, của cải phù du ở đây tôi muốn nói không chỉ đến châu báu và tài sản, tôi cũng muốn nói đến quyền lực, danh vọng, và ngay cả thân xác này của tôi. Nếu như tôi coi những thứ này rất có giá trị thì tôi sẽ do dự từ bỏ chúng để trả cho những nguyên tắc. Lúc ấy tấn công vào những nguyên tắc của tôi sẽ khiến tôi co rúm lại và rút lui.

Tôi không chống lại sự giàu sang. Tôi chỉ chống lại sự giàu sang mà khiến con người trở thành nô lệ. Không có của cải nào được có quyền phủ quyết những hành động của tôi. Tôi tuyệt thực khi sự nghiệp mà tôi tuyệt thực cho ấy đối với tôi còn quan trọng hơn cả sinh mạng. Tôi từ bỏ vì thành quả của sự từ bỏ ấy cho tôi nhiều niềm vui hơn điều tôi từ bỏ.

Tôi là người an bài, không tránh khỏi nhiều tội lỗi, và nếu tôi có bất kỳ quyền nào để nói về mình thì chính là nhờ những thử nghiệm thành công của tôi về cuộc sống. Cuộc đời tôi là hành động. Tôi tin tôi phải sống theo điều tôi tin. Tôi đã cố gắng loại bỏ sự xung đột giữa điều tôi tin, điều tôi làm, và điều tôi nói. Đây là sự thật. Tôi khuyên răn điều tôi thực hành. Kết quả là sự kết hợp toàn vẹn mang lại sự hài hòa trong tâm hồn. Đối mặt với bất công tôi không thể nào vẫn nhu nhược và chỉ xoắn tay, nói những lời thương tiếc thành tâm để qua đó xoa dịu lương tâm mình. Tôi có phần trách nhiệm về tất cả những điều ác trong xã hội tôi sống trừ phi tôi đấu tranh chống lại chúng.

Người nghèo và người bị áp bức là mối quan tâm đầu tiên và chính của tôi, nhưng tôi sẽ không hành động cho họ, tôi hành động với họ. Họ không được thụ động hay thờ ơ. Tôi sợ cam phận hơn thất bại. Hành động cho chính nghĩa làm cho con người trở nên cao quý, cho dù kết quả thật khiêm nhường, vì phương tiện quan trọng hơn cứu cánh. Thật ra không có cứu cánh trong cuộc sống (thậm chí cuộc sống cũng không có kết thúc, vì mỗi sự kết thúc là một sự khởi đầu và là một kiếp khác), chỉ có phương tiện, mỗi phương tiện là một phương tiện đưa tới một phương tiện khác. Do vậy phương tiện tạo thành con người và phương tiện phải trong sạch và đẹp.

Tôi tin Chúa không phải là nhà độc tài. Người để lại cho chúng ta tự do để làm chủ mình.

Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) lãnh tụ của phong trào bất bạo động giành độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.

Nguồn:

Trích dịch từ trang mạng This I Believe. Tựa đề của người dịch.


Bản tiếng Việt:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo