Trách nhiệm và danh dự: cách hành xử của các nhà khoa học và trí thức Đài Loan - Dân Làm Báo

Trách nhiệm và danh dự: cách hành xử của các nhà khoa học và trí thức Đài Loan

Thục Quyên (SaveVietnam's Nature) - Chuyện gì đã xảy ra tại Việt Nam từ khi hàng trăm ngàn rồi tới hàng triệu những con cá chết nổi lên trắng bờ biển miền Trung? Cho tới nay, thảm họa đã xảy ra được một tháng và còn đang tiếp diễn, nhà cầm quyền Việt Nam đã chứng tỏ rõ ràng họ không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra hàng ngày tại những vùng đất họ đã giao (bán, nhượng?) cho những công ty ngoại quốc. Khi xảy chuyện, phản ứng của những người có trách nhiệm là lẩn tránh trách nhiệm, và hơn nữa còn tìm cách bưng bít vì không thể lường được những công ty ngoại quốc sẽ khui ra những chuyện gì? Đó là chưa kể những câu tuyên bố, những hành động quá mức là ngu dốt...

*

Ngày 20.09.2012, Giáo sư Ben-Jei Tsuang, một kỹ sư môi trường của Đại học National Chung Hsing (Taichung) đã phải ra hầu tòa vì bị công ty hóa-dầu Formosa Plastics Group (FPG) kiện về tội phỉ báng và đòi bồi thường thiệt hại 1,33 triệu Mỹ Kim cũng như phải đăng lời xin lỗi trên bốn tờ báo lớn, sau khi ông trình bày bằng chứng về nguy cơ tăng bệnh ung thư tại vùng dân cư sống gần những nhà máy của công ty này, do liên quan đến kim loại nặng và dioxin thải vào không khí. (1)

Những kết quả nghiên cứu đã được ông Tsuang đưa ra trình bày tại một hội nghị khoa học tổ chức tháng 12/ 2010 và trong một cuộc họp báo vào tháng 10/2011. Sau đó được công bố dưới dạng ấn phẩm khoa học trên tờ Atmospheric Environment.

Nghiên cứu của GS Tsuang thuộc chương trình thẩm định chuyên môn của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Đài Loan, nhằm đánh giá tác động của dự án Kuokang, và đã đưa tới kết quả dự án cơ sở hóa-dầu hạ tầng này bị hủy bỏ vào tháng 5/2012.

Không những bị kiện đòi bồi thường, ông Tsuang còn phải đối mặt với một khiếu nại hình sự của FPG. Tuy khiếu nại đã bị Văn phòng Công tố viện Taipei (Đài Bắc) bãi bỏ nhưng FPG đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

Thư ngỏ của hơn 1.000 học giả Đài Loan

Đối mặt với Formosa Plastics Group, hơn 1000 học giả, trong đó có ông Lee Yuan Tseh (giải Nobel hóa học 1986), đã đồng ký tên một thơ ngỏ 

"Chúng tôi kêu gọi Formosa Plastics Group chấm dứt sự lạm dụng công quyền để đàn áp tự do ngôn luận và tự do học thuật", yêu cầu FPG rút đơn kiện và "tôn trọng quyền bình luận và giám sát các hoạt động doanh nghiệp của công chúng".

Tòa bác đơn kiện của FPG

Ngày 4/09/2013, tòa án Taipei đã bác đơn kiện của nguyên cáo (công ty FPG) với lý do đưa ra trong một thông cáo báo chí: 

"Đó là những ý kiến công bằng về một chủ đề mà công luận có quyền chỉ trích"

Ngay sau phiên tòa, ông Tsuang đã tổ chức một cuộc họp báo tại Đại học National Chung Hsing và bình luận "Quyết định của tòa án là một cột mốc quan trọng đối với sự Tự do Học thuật tại Đài Loan. Tuy nhiên sự kiện tụng đã có ảnh hưởng gây "lạnh" cho các sinh viên của tôi. Họ không dám nói rõ tên những công ty gây ô nhiễm, ngay cả khi những công ty này đã từng bị chính phủ phạt vì vi phạm những quy định kiểm soát ô nhiễm".

Trong suốt thời gian kiện tụng, Giáo sư Tsuang đã nhận được trợ giúp pháp lý của Công ty Luật Primodial và Văn phòng Luật Quốc Tế Lord, cũng như sự ủng hộ trung thành của hơn 50 tổ chức phi chính phủ Đài Loan bảo vệ môi trường (2) và những hội hàn lâm.

Thành công này đã mở màn cho cư dân thành phố Taisi khởi kiện Formosa Plastics Group vào tháng 8/2015, đòi 2,16 triệu Mỹ Kim tiền bồi thường cho các nguy cơ sức khỏe bị cáo buộc gây ra bởi công nghệ cracking dầu mỏ của FPG tại tỉnh Mailiao.

Từ Đài Loan đến Việt Nam

Chuyện gì đã xảy ra tại Việt Nam từ khi hàng trăm ngàn rồi tới hàng triệu những con cá chết nổi lên trắng bờ biển miền Trung?

Cho tới nay, thảm họa đã xảy ra được một tháng và còn đang tiếp diễn, nhà cầm quyền Việt Nam đã chứng tỏ rõ ràng họ không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra hàng ngày tại những vùng đất họ đã giao (bán, nhượng?) cho những công ty ngoại quốc. Khi xảy chuyện, phản ứng của những người có trách nhiệm là lẩn tránh trách nhiệm, và hơn nữa còn tìm cách bưng bít vì không thể lường được những công ty ngoại quốc sẽ khui ra những chuyện gì? Đó là chưa kể những câu tuyên bố, những hành động quá mức là ngu dốt.

Formosa Vũ Áng đang to mồm đưa ra bằng chứng họ có giấy phép làm tất cả những gì họ đang làm. Bên cạnh đó, những điều họ đang làm mà phía Việt Nam không thể kiểm soát vì không thể vào ra khu vực làm ăn của họ hoặc vì bất lực, như nghi vấn con số những nhân công Trung quốc bất hợp pháp, con số nhà thầu Trung quốc bất hợp pháp, những điều này cả hai bên đều không muốn nhắc tới.

Chuyện gì đã xảy ra, ngoài hình ảnh những người dân gầy gò lăn lộn khóc vì nguồn sống của gia đình đã chết, ngoài vài ngàn người trẻ biểu tình kêu gọi mọi người thức tỉnh để rồi bị công an đánh, bắt và sách nhiễu?

Cộng lại tất cả cũng không thể bằng con số những nhân công của Formosa Vũng Án. Miếng cơm manh áo của những người này cũng như của những công nhân Việt Nam trong các công ty ngoại quốc khác lẽ dĩ nhiên bịt miệng cầm chân họ. Không ai có thể trách móc họ được. Bổn phận quốc gia là phải bảo vệ họ!

Vậy những nhà khoa học, trí thức của Việt Nam đâu? Nhất là những người ở hải ngoại êm ấm, có tự do nói và làm theo lương tâm? 

Tại hải ngoại, Việt Nam có những trí thức, giáo sư đại học, đang im tiếng khi những người trẻ biểu tình bảo vệ chủ quyền đất nước bị bắt bớ, giam cầm, đàn áp, nhưng lại sốt sắng nhận công tác tổ chức biểu tình, cốt yếu biểu dương lực lượng Cờ Đỏ của đảng Cộng Sản. Người dân không ngu để rơi bẫy của qúi vị nên họ đã không tham dự. Đừng đổ tội họ vô cảm không nghĩ tới đất nước. Qúi vị hãy vứt cờ quạt đi, hãy tổ chức biểu tình tại Mỹ tại Pháp, tại Đức... chống lại tình trạng đất nước bị bán từng vùng, môi sinh bị hủy hoại, dân Việt bị ngoại quốc ngồi trên đầu cổ ngay tại quê hương... người dân sẽ có mặt!

Tại hải ngoại, Việt Nam có những trí thức thân tả một thời, hy vọng đấu tranh cho Tự do Dân chủ. Dân tộc không có lỗi khi qúi vị nhầm lẫn mà qúi vị còn đang nợ Dân tộc. Đừng thất chí buông xuôi. Hãy ngửng mặt dùng hết sức lực còn lại để góp sức cứu đất nước khỏi vũng lầy.

Tại hải ngoại, Việt Nam có rất nhiều trí thức không cộng sản đã chịu trận, bó tay, dùng thời giờ để chửi rủa hay than khóc. Thái độ đó chỉ có kẻ thua trận mới làm. Đâu là ý chí thép thua canh này bầy canh khác?

Tại hải ngoại Việt Nam cũng còn có những nhà khoa học nổi danh thế giới, những người dân nhờ được hưởng tự do nên đã học hỏi là môi sinh sạch mới bảo đảm được sự sống của giống nòi.

Tất cả chúng ta nên cám ơn người nhân viên của công ty Formosa đã tạt vào mặt chúng ta với tất cả sự khinh bỉ câu nói "Muốn thép hay muốn cá...?" 

Ông ta chỉ có can đảm, hay dại dột, nói lên thái độ chung của thế giới đối với sự bất lực của cả một dân tộc, một dân tộc mà hình như không còn đủ hiểu biết để tự vệ.

Còn nhiều, rất nhiều chuyện những người ở hải ngoại có thể làm. 

Nhất là những nhà khoa học, những vị giáo sư, những trí thức Việt. Đã đến lúc chúng ta phải vận dụng tất cả những khả năng cũng như những liên lạc sẵn có để kêu gọi và để cộng tác với những tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường cũng như những chính phủ Âu Mỹ có khả năng để giúp chúng ta hành động . 

Không những đây là sự sống còn của dân tộc mà còn là một vấn đề tự trọng, danh dự và trách nhiệm.



_______________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo