Xuống phố với thông điệp chúng ta là cá - Dân Làm Báo

Xuống phố với thông điệp chúng ta là cá

Trịnh Kim Tiến (Danlambao) - Tại sao lại là chúng ta là cá? Chúng ta là cá bởi vì cá chết chúng ta cũng sẽ đến gần hơn với cái chết. Chúng ta sẽ chết từ từ bởi những căn bệnh nan y do chất độc trong cá đem lại. 

Chúng ta có thể thờ ơ với cá chết vì suy nghĩ không ăn cá sẽ không sao. Nhưng chúng ta lại không hình dung ra hệ lụy kinh tế khủng khiếp mà cái chết của cá đem lại cho sự phát triển chung của cả đất nước. Cá chết, biển chết, du lịch chết, xuất nhập khẩu chết, kinh doanh nhỏ lẻ liên quan đến thủy hải sản chết và chúng ta liệu sẽ không ảnh hưởng trước một khối kinh tế đứng bên bờ vực?

Chúng ta bàng quang bởi nhận định cá chỉ chết ở Vũng Áng, biển VN còn rất nhiều. Nhưng trong số chúng ta ai dám chắc rằng biển những nơi khác còn sạch như chúng ta nghĩ, khi mà đến hôm nay chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt, mọi thông tin đều không được chính phủ minh bạch rõ ràng.

Chúng ta đang không khác gì những con cá kia, yếu ớt ở trong lòng sóng dữ dội. Số phận người VN sẽ không hơn gì con cá chết khi mà chấp nhận đặt cuộc sống của mình trong sự im lặng của chính quyền.

Xuống phố thể hiện chúng ta là cá

Chúng ta có nhiều cách làm khác nhau để thể hiện khát vọng gắn kết với thiên nhiên.

Nhà báo có thể viết bài về sự kiện cá chết để người dân có thể biết nhiều hơn về nó.

Luật sư có thể phân tích pháp lý đưa ra các quan điểm trên các giả thuyết nguyên nhân. 

Các tiến sĩ, nhà khoa học có thể đem lại cho dư luận thông tin đa chiều dựa trên cách nhìn riêng về nguyên nhân và hệ lụy cá chết.

Người dân có quyền biểu tình ôn hòa vì môi trường, yêu cầu nhà nước minh bạch thông tin.

Thế nhưng chúng ta thấy gì ở thời điểm hiện tại? 

Nhà báo viết bài phải qua kiểm duyệt của Ban tuyên giáo. 

Luật sư lên tiếng phải không gây ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của nhà nước XHCN. 

Giáo sư, tiến sĩ, đa số nấp sau lớp vỏ bọc danh vọng và hào nhoáng, sợ rằng tiếng nói sẽ làm mất đi lợi ích của cá nhân. 

Người dân tuần hành ôn hòa bị đàn áp một cách thô bạo bởi lực lượng công vụ, bị ngăn chặn, giam lỏng ngay cả khi chưa tham gia tuần hành.

Vì vậy, tôi chọn xuống phố với hình ảnh con cá trên gương mặt để thể hiện thái độ của mình. Với thông điệp tôi là cá, cá là tôi, chúng ta là cá để đánh động sự chú ý từ những ánh mắt vô cảm, để truyền tải khát vọng cứu vớt thiên nhiên đang hấp hối quanh ta. 

Vì sao cá chết? Câu hỏi này đang cần một câu trả lời rõ ràng mang tính khoa học từ phía các cơ quan chức năng.

12.05.2016






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo