Hé lộ thêm thông tin cá chết do nhiễm độc - Dân Làm Báo

Hé lộ thêm thông tin cá chết do nhiễm độc

"Kết quả xét nghiệm hải sản ngay tại thời điểm cá chết (giữa tháng 4) cho thấy hàm lượng phenol gấp cả trăm lần hàm lượng 0,037 mg/kg phát hiện tại lô cá nục đông lạnh."

Người Quan Sát (Danlambao) - Chiều ngày 14/06/2016, UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì cuộc họp mổ xẻ vụ “cá nục nhiễm phenol”. Đã có nhiều ý kiến, tranh luận trái chiều. Các quan điểm khác nhau chủ yếu tập trung vào vấn đề lấy mẫu và liệu phenol có phải là chất độc bị cấm trong thực phẩm theo quy chuẩn Việt Nam hay không.

Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) một lần nữa tái khẳng định: “Phenol là chất độc, với hàm lượng như vừa phát hiện khó gây ngộ độc cấp nhưng đây là chất hấp thu nhanh, khó đào thải. Sử dụng lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tế bào não, gây bệnh tim mạch, ung thư...”. (*)

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bốn chất vấn: “Khi ta chưa có quy chuẩn cụ thể về hàm lượng phenol trong thực phẩm thì tại sao ngành Y tế lại ra văn bản tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy số cá nục nói trên? Đây có phải là điều vội vàng?”.

Nói theo ông Chánh Văn phòng này thì trong khi bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chưa có được tiêu chuẩn an toàn về hàm lượng phenol thì cứ để số cá nục nhiễm độc đó dân ăn cho chết rồi tính sau!?

Thông tin đáng chú ý nhất trong buổi họp báo do ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế công bố: "kết quả xét nghiệm hải sản ngay tại thời điểm cá chết (giữa tháng 4) cho thấy hàm lượng phenol gấp cả trăm lần hàm lượng 0,037 mg/kg phát hiện tại lô cá nục đông lạnh."

Ở đây không còn là câu chuyện phenol có độc hay không, ăn bao nhiêu cá bị nhiễm phenol thì có hại. Thông tin thực sự người đọc phải nắm bắt đó là so với mẫu cá được thu mua 10 ngày sau khi thảm họa môi trường xảy ra thì con số 0,037mg phenol trên 1 kg cá là con số nhỏ hơn thực tế "cả trăm lần" trên mẫu cá chết tại thời điểm đầu tháng 4.

Vậy thì tại sao các cơ quan chức năng im lặng không công bố số liệu phân tích các mẫu lấy ở đầu thời điểm thảm hoạ xảy ra?

Tại sao chỉ dừng lại ở 70 tấn cá nục trong kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc tại Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, mà không mở rộng ra xem còn bao nhiêu ngàn tấn cá nhiễm độc khác đang được tiêu thụ trên thị trường?

Tại sao không công bố số liệu về mức độ nhiễm độc của hàng trăm ngàn cá chết đã phơi bụng trên chuỗi dài bờ biển miền Trung suốt hơn một tháng qua?

"Kết quả xét nghiệm hải sản ngay tại thời điểm cá chết (giữa tháng 4) cho thấy hàm lượng phenol gấp cả trăm lần hàm lượng 0,037 mg/kg phát hiện tại lô cá nục đông lạnh." Con số gấp cả trăm lần chính xác là bao nhiêu? Tại sao lại đi tranh luận về hàm lượng chất độc tìm thấy trong mẫu cá được thu mua 10 ngày sau thảm hoạ mà không mổ xẻ vấn đề với các mẫu xét nghiệm hải sản ngay thời điểm cá chết với lượng phenol gắp cả trăm lần?

Đáng chú ý hơn, sau báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị về việc tìm thấy phenol trong mẫu cá nục được thu mua sau thảm hoạ môi trường xảy ra 10 ngày thì hiện nay mọi báo cáo, công bố về các kết quả xét nghiệm tiếp theo đều do Cục An toàn Thực phẩm công bố.

Đây chính là chỉ đạo từ Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Phát hiện chất độc trong mẫu hải sản được xét nghiệm tại thời điểm cá chết là thông tin mà các cơ quan chức năng được lệnh phải che giấu. Mọi nỗ lực đòi hỏi minh bạch về thảm hoạ môi trường đã được đảng và nhà nước trả lời bằng cùi chõ và nắm đấm của các "lực lượng chức năng".

Thủ phạm làm ô nhiễm môi trường dẫn đến cá chết hàng loạt. Nhưng thủ phạm với tội ác lớn lao hơn là tiếp tục để người dân bị nhiễm độc qua chủ trương bưng bít thông tin, bóp méo sự thật để trốn trách trách nhiệm, che giấu sự bất tài nhằm củng cố địa vị lãnh đạo độc tôn và bao che cho các thế lực kinh tế, chính trị của ngoại bang đang hủy hoại đất nước Việt Nam.

16.06.2016


__________________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo