Vài ý kiến về bài viết của Tôn Nữ Thị Ninh - Dân Làm Báo

Vài ý kiến về bài viết của Tôn Nữ Thị Ninh

Tâm Quảng (Danlambao) - Sau khi tổng thống Obama thông báo rằng trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã được chính phủ Việt Nam chấp thuận cấp phép hoạt động tại TP HCM, tưởng rằng mọi chuyện sẽ êm thắm và mọi người dân Việt sẽ hoan hỷ rằng từ nay nhiều sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận một nền giáo dục tiên tiến. Nhưng không ngờ, một người từng là quan chức cao cấp trong ngành ngoại giao của chính phủ Việt Nam XHCN, bà Tôn Nữ Thị Ninh lại châm ngòi cho một cuộc tranh luận âm ỉ về việc ông Bob Kerrey làm chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) FUV. Điều đầu tiên sau khi đọc bài của bà Ninh, người ta tự hỏi không biết nhà nước Việt Nam đang chơi cái trò gì? Hay muốn phá bĩnh?

FUV là một trường đại học có quy chế tự trị và phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là trên cơ sở, quan niệm nào mà bà Tôn Nữ Thị Ninh và những người khác cho rằng ông Bob Kerrey không thể làm chủ tịch hội đồng quản trị của FUV? Cơ sở đạo đức ư? Phải chăng như vậy thì những người có quá khứ như ông Kerrey không bao giờ được làm việc trong ngành giáo dục? Như vậy hóa ra tiêu chuẩn đạo đức trong nền giáo dục Việt Nam Xã hội chủ nghĩa cao hơn nền giáo dục của Hoa Kỳ, bởi vì ở Mỹ ông Kerrey đã là hiệu trưởng trường đại học New School New York từ 2001 đến 2010, và là chủ tịch điều hành (executive chairman) của Minerva Institute for Research and Scholarship.

Hay là theo như bà Ninh, những người như ông Kerrey vẫn có thể hoạt động trong ngành giáo dục nhưng chỉ không được làm chủ tịch hội đồng quản trị của FUV? Sic!

***

Thật là không thành thật chút nào cả khi người ta viện dẫn nào là vị tha, khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, v.v… nhưng lại không thông cảm cho sự thành tâm sám hối của người đã nhận lỗi và không ghi nhận những nỗ lực của họ nhằm bù đắp phần nào sự mất mát mà họ đã gây ra.

Trong những thảm kịch chiến tranh như thế này, niềm đau không phải chỉ có ở một phía mà ở cả hai phía, người bị hại và kẻ gây ra thảm kịch. Vậy ta hãy lắng nghe những gì họ nói và mục đích chính đáng cuối cùng của mọi nỗ lực là để hóa giải những niềm đau đó.

Ông Kerrey trong diễn văn đọc tại học viện quân sự Virginia ngày 25.04.2001 tức cách đây hơn 15 năm, (khi đó FUV chưa được thành lập) đã nói:

(Xin trích) “Từ đó tôi đã đau khổ như thế nào, làm sao tôi có thể phạm sai lầm như vậy? Mặc dù điều đó có thể được biện hộ về mặt quân sự, tôi không bao giờ có thể có được sự bình an với điều đã xảy ra đêm hôm đó. Tôi đã bị ám ảnh bởi điều đó trong 32 năm.” (ngưng trích).

Và như mọi người đều biết ông Kerrey đã đóng góp rất nhiều trong việc bình thường hóa ngoại giao Việt-Mỹ cũng như trong những chương trình hàn gắn viết thương chiến tranh Việt Nam.

Về phía nạn nhân chiến tranh Việt Nam nói chung, chị Kim Phúc mà thế giới biết tiếng với nick name “cô gái Napalm” (The Napalm Girl) một nạn nhân còn sống sót sau vụ bỏ bom Napalm ở Trãng Bàng, Tây Ninh, một người có thể được xem như một đại diện có tính biểu tượng cao cho các nạn nhân chiến tranh Việt Nam, trong phóng sự truyền hình của đài SBTN (https://youtu.be/ObTR1GcgYgk) đã kể rất nhiều về những nổi đau khổ mà chị đã trải qua hằng mấy chục năm, nhưng rồi cuối cùng chị cũng chốt lại rằng tha thứ cho kẻ thù cũng là cách tốt nhất để giải thoát cho chính mình khỏi những nổi đau của quá khứ.

Không cần có một danh từ hay một hình dung từ để gán cho điều chị Kim Phúc nói. Thế là thế! Vậy đó, sự tha thứ có công năng trị liệu cho vết thương ở cả người bị hại và người gây hại!

*** 

Trường đại học Fulbright Việt Nam có cơ chế tự trị! Vậy bà Ninh và những người khác chống đối việc ông việc ông Kerrey làm chủ tịch hội đồng quản trị FUV có bao giờ hỏi ý kiến của những thành viên trong hội đồng quản trị đó không? Bà Ninh còn hỏi một câu rất xấc xược: bộ nước Mỹ không còn người khác để làm chủ tịch hội đồng quản trị FUV hay sao? Đúng là trên đời này không ai là không thể thay thế được, nhưng trong thực tế hiện tại, khi các thành viên của hội đồng quản trị FUV đã chọn ông Kerrey làm chủ tịch, thì phải hiểu đó là chọn lựa tối ưu, vì rằng những thành viên trong hội đồng quản trị của một trường đại học phi lợi nhuận có tầm cỡ như thế này chắc có đủ tâm và tầm hơn bà Tôn Nữ Thị Ninh nhiều! Bà Ninh viện dẫn đủ thứ từ đạo đức, lịch sử, tâm lý để chống đối vai trò chủ tịch hội đồng quản trị FUV của ông Kerrey nhưng đã phớt lờ, không thèm đếm xỉa gì đến một điều cốt lỏi, thực tế và có tính sống còn của FUV là tính hiệu quả của hội đồng quản trị trong việc tìm nguồn tài chính cho hoạt động của trường trong hai trường hợp có hay không có ông Kerrey làm chủ thịch hội đồng.

Nên nhớ rằng, ở Mỹ và những nước tư bản khác, những trường đại học phi lợi nhuận, đặc biệt các trường danh tiếng như Harvard sống và phát triển phần lớn nhờ vào tiền quyên góp của các nhà hảo tâm. Khi các thành viên của hội đồng quản trị FUV chọn ông Kerrey làm chủ tịch hội đồng có lẽ không phải chỉ vì ông Kerrey đã từng là thống đốc một tiểu bang và là cựu Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ, mặc dù đó là những thế mạnh của ông. Để hiểu rõ hơn về sự chọn lựa này, có lẽ ta nên biết một chút thông tin trên mạng về kinh nghiệm của ông Kerrey khi làm hiệu trưởng trường New School-New York từ 2001 đến 2010. “Trong thời gian này, ông đã nâng hơn gấp hai lần tiền quyên góp khi ông nhậm chức là 94 triệu USD lên đến 206 triệu USD vào năm 2010. Ông còn kiếm được kinh phí lớn của chính quyền liên bang cho trường. Nhờ hai điều này mà New School đã hoàn thành được sự phát triển về học thuật trong những ngành chính”. (*)

***

Khi nghe tổng thống Obama nói trường đại học FUV được chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động tại Sài Gòn tôi đã mừng thầm cho các học sinh Việt Nam từ nay có cơ hội tiếp nhận nền giáo dục hiện đại. Và khi được biết FUV có liên kết với trường đại học Harvard, tôi đã nghĩ rằng sẽ có những nước đang phát triển ganh tỵ với Việt Nam! 

Thật tình mà nói, tôi không ưa gì ông Đinh La Thăng, nhưng khi nghe ông ủng hộ ông Kerrey trong vài trò chủ tịch hội đồng quản trị FUV, tôi cũng đã khen thầm ông ấy. Ngược lại, tôi thấy ngạc nhiên và phẫn nộ khi nghe bà Tôn Nữ Thị Ninh tìm đủ mọi lý lẽ, thậm chí những tài liệu không đúng sự thật để bài bác vai trò chủ tịch hội đồng quản trị FUV của ông Kerrey. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nhận xét rất hay rằng bà Tôn Nữ Thị Ninh “bảo hoàng hơn vua” hay nói cách khác là bà Ninh “cách mạng, đỏ, cộng sản” hơn ông ủy viên bộ chính trị đảng CSVN kiêm bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng! Ai là những người thường bảo hoàng hơn vua? Có hai hạng người: một là những người cuồng tín. Thường những người này ít học, bị nhiễm độc tuyên truyền của người khác hay của chính mình. Và hạng người thứ hai là những người có học nhưng giảo hoạt và họ bảo hoàng hơn vua vì mong có được ân sủng, hay có khi họ đã được đơn đặt hàng của vua và hoàng gia. Người ta không thể không nghĩ đến mối liên hệ hữu cơ giữa tính bảo hoàng hơn vua của bà Tôn Nữ Thị Ninh qua bài viết của bà và sự kiện các báo chí Việt Nam đồng loạt rút bài mà họ đã đăng về lời phát biểu của ông Đinh La Thăng. Vậy, Ở đây ai là vua, ai là hội đồng hoàng tộc? Ít nhất là người của bộ chính trị mới có thể dám có ý kiến khác với ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, hay có khi vua ở tận Trung Nam Hải bên Tàu, bởi vì rõ ràng Trung cộng không bao giờ muốn cho Việt Nam phát triển, nếu không nói là Trung cộng muốn cho Việt Nam càng lụn bại càng tốt! 

14.06.2016


____________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo