Thảm họa môi trường: công lý, trách nhiệm hay khoan hồng? - Dân Làm Báo

Thảm họa môi trường: công lý, trách nhiệm hay khoan hồng?

Mẹ Nấm (Danlambao) - “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” là nguyên tắc được các lãnh đạo đảng Cộng sản dày công sắp xếp cho đại diện nhà máy thép Formosa trình diễn trước lãnh đạo và quan chức Bộ Tài Nguyên Môi Trường trong gameshow xin lỗi hoành tráng tới gần 1 tháng chuẩn bị.

Chiều 30/6/2016, trong cuộc họp báo của chính phủ để trả lời báo giới nguyên nhân vì sao cá chết, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng đã thay mặt đảng Cộng sản hy vọng “nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng với Formosa”.

Trích nguyên văn lời ông Dũng trả lời báo chí khi được hỏi liệu có khởi tố hình sự sau khi phát hiện Formosa xả chất thải độc hại vào môi trường biển như sau:

“Việt Nam đang tạo hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vậy thì việc Formosa đã nhận lỗi trước đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết bồi thường, hỗ trợ, không tái diễn vi phạm tương tự...

Việc nhận lỗi của Formosa Hà Tĩnh đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm, nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Người Việt có câu: Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại... Việc nhận lỗi của Formosa Hà Tĩnh cũng thể hiện thái độ trước việc vi phạm đó. Đấy là việc cân nhắc của chính phủ Việt Nam. Hy vọng nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng với Formosa”. (*)

Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định rất rõ các tội danh về hủy hoại môi trường tại chương 17 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là điều 183 - “Tội gây ô nhiễm nguồn nước” và điều 188 - “Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Có luật để làm gì khi chính phủ thay mặt doanh nghiệp xả thải độc hại bàn đến chuyện “khoan hồng” trước khi xử lý thích đáng?

Trong luật không có một điều khoản nào quy định nghi can nếu nhận lỗi và xin lỗi thì nghi can sẽ được "cân nhắc" có bị khởi tố hay không. Cũng không có luật nào cho phép chính quyền đại diện cho nạn nhân giữ quyền khởi tố hay "cân nhắc" việc khởi tố một tội phạm. Và luật cũng không có chỗ cho thái độ khoan hồng, độ lượng của đám đông quần chúng.

Vì thế mới gọi là luật pháp mà biểu tượng là Nữ thần Công lý với thanh gươm nói lên ý nghĩa về quyền uy của tòa án, chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị và chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho công lý "mù lòa" trước mọi áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Do đó, phát biểu của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ đã đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của luật pháp, là coi thường luật pháp, hay chính xác hơn là phá luật.

Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại...!?

Formosa “chạy lại” cùng với 500 triệu đô và lời xin lỗi qua màn hình được sắp xếp trước?

Formosa “chạy lại” sau khi hàng chục, hàng trăm người dân Việt Nam trên khắp cả nước bị đánh, bị bắt bớ. bị tạm giữ như tội phạm vì yêu cầu minh bạch thông tin về nhà máy đầy tai tiếng này?

Formosa “chạy lại” sau khi người dân Việt Nam chết vì ăn cá biển nhiễm độc và lặn trong vùng xả thải độc?

Formosa “chạy lại” vì không thể chạy đi khỏi cơ chế bôi trơn rất hoàn hảo trong suốt quá trình phê duyệt dự án từ trung ương đến địa phương?

Hành động mà ông Mai Tiến Dũng cho là “chạy lại” của Formosa phải nói cho chính xác là sự ra đầu thú của một phạm nhân. Và phạm nhân đó đương nhiên phải bị truy tố trước pháp luật một cách công bằng và công minh.

Tuy vậy, trong nhân dân ta cũng có ít những người vốn “khoan hồng” theo phong cách của các quan chức Cộng sản cho nên sau khi gameshow “nhận lỗi” được công bố, nhiều tay viết theo định hướng và thậm chí là cả nhà báo đã công nhận số tiền 500 triệu đô như một chiến công và khen ngợi văn hóa xin lỗi của Formosa.

Trở lại chuyện Formosa nhận lỗi thì câu hỏi đặt ra là tập đoàn này có thực tâm nhận lỗi hay không?

Hãy cứ xem các động thái công bố thông tin trước đó trên báo lề đảng sẽ thấy. Trong thư gửi cho toàn bộ nhân viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhận định: “theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù, đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ. Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.



Tại sao cam kết “giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động trong bất kỳ tình huống nào” của Formosa lại có thể được công bố trước khi cuộc họp báo của chính phủ Việt Nam diễn ra? Phải chăng Formosa tự tin vì đã được bảo kê để “nhận lỗi”, hay cục xương 500 triệu đô la mà họ quẳng ra là quá lớn để họ có thể an tâm tiếp tục vận hành nhà máy tại Việt Nam?

Nhân dân ta rất “khoan hồng” nhưng công minh, và là những công dân tuân thủ luật pháp. Formosa phải trình bày toàn bộ hồ sơ về các chất hóa học độc hại đã sử dụng, số lượng đã thải ra biển là bao nhiêu, đã vi phạm những quy chế nào trong hoạt động... với chính phủ Việt Nam. Đó là trách nhiệm của Formosa.

Cùng lúc, trách nhiệm của chính phủ là phải công bố những vi phạm và hệ luỵ đến từ những hành vi sai trái của Formosa vì thảm họa này có ảnh hưởng trực tiếp và to lớn đến đời sống của mọi người dân Việt Nam.

Sau cùng, khi đã tìm ra đúng nguyên nhân biển chết là các chất độc dưới đáy biển và “thảm độc” này dịch chuyển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế (hoặc Đà Nẵng), vậy thì làm thế nào để có thể tẩy được các chất độc này? Sau bao nhiêu năm thì các chất độc này sẽ tan ra và không còn gây độc hại nữa? Và đến bao giờ thì nhân dân có thể yên tâm ăn cá, tắm biển mà không lo sợ bị ung thư hay nhiễm bệnh? Đó là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành mà 2 người chịu trách nhiệm trước nhân dân là Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường và Thủ tướng Chính phủ.

Trong thảm họa môi trường lớn nhất của lịch sử Việt Nam, không có những chuyện trẻ con “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, cũng không có cái gọi là “khoan hồng” tùy hỉ. Đây là vấn đề liên quan đến sinh tử của môi trường, đến vận mệnh của dân tộc và đời sống của hơn 90 triệu người. Thái độ và cách hành xử đúng đắn, đúng luật đối với Formosa là một nhu cầu cần thiết để sẽ không có một thảm hoạ Formosa thứ hai hay từ một công ty nào khác trong tương lai.

Và cũng cần nhớ rằng, trên thực tế trong khi kêu gọi khoan hồng với doanh nghiệp đầu độc dân tộc Việt, các cơ chức năng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản đã không quên việc thẳng tay đàn áp người dân với những nỗ lực yêu cầu minh bạch thông tin, bảo vệ môi trường biển. Công lý không còn là tiêu chuẩn hàng đầu trong vụ việc Formosa.


_____________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo