Sự dối trá trong hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường 4 tỉnh miền Trung - Dân Làm Báo

Sự dối trá trong hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường 4 tỉnh miền Trung

Quảng Tín (Danlambao) - Hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế đã được tổ chức tại Quảng Trị sáng ngày 22 tháng 8 năm 2016. Hội nghị này do Bộ Tài nguyên môi trường (TNMT) phối hợp với Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức.

Theo kết quả được công bố tại hội nghị thì các mẫu nước biển đã được lấy và phân tích trong vòng ba tháng, quá trình phân tích kết thúc vào đầu tháng 8 này. Theo ông GS.TS Nguyễn Trọng Nhuận, ĐHQGHN thì quá trình phân tích và cho kết quả: chất lượng nước biển, các thông số về lý, hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng đều đạt chuẩn và trong giới hạn cho phép theo QCVN 10 MT:2015/BTNMT về PH, tổng số chất rắn...

Ông Trần Hồng Hà bộ trưởng bộ TNMT đã khẳng định trước truyền thông trong nước hôm 22 tháng 8 rằng: Môi trường tự nhiên, biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải những chất gây ô nhiễm này. Đồng thời việc bơi lội, tắm biển, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển đã được xác định là đã an toàn tuyệt đối.

Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây sau phát biểu của ông Trần Hồng Hà và ông Nguyễn Trọng Nhuận: Việc biển miền Trung đã hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải những chất gây ô nhiễm như ông Hà nói là theo cơ chế nào: Chất độc tự hòa tan vào nước biển, chất độc bốc hơi hay chất độc đã kết hợp với những chất khác có trong môi trường biển để biến thành chất không độc…?

Và thành phần độc tố trong nước biển đo được, để đánh giá mức độ ô nhiễm nước biển theo tiêu chuẩn QCVN 10 MT:2015/BTNMT cụ thể như thế nào? Mức độ nhiễm độc nước biển trước và sau khi thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây ra chênh lệch như thế nào? Và hiện tại thành phần chất độc trong nước biển là bao gồm những chất cụ thể nào: Chì, Sắt, phenol, Xi-a-nua(NaCN)... và với nồng độ là bao nhiêu?

Việc không có bất cứ một con số cụ thể nào (về hàm lương, nồng độ độc tố trong nước biển) được công khai trước truyền thông trong các báo cáo này thể hiện thái độ lấp liếm, không minh bạch và có tính chất qua loa lấy lệ của các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm trong việc công bố kết quả hiện trạng môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

Và dường như để biện hộ cho các báo cáo lập lờ và vô trách nhiệm đó là một vở hài kịch được truyền thông lề đảng dựng lên: Hình ảnh ông Trần Hồng Hà và các quan chức đi tắm biển sau khi kết thúc hội nghị. Tấm hình này được giới thạo tin cho là chụp từ tháng 9 năm 2015.

Và giả dụ việc các ông đi tắm biển sau khi kết thúc hội nghị là thật đi nữa thì nó cũng không phải là điều đảm bảo cho sự tin cậy trong các báo cáo mà các ông đọc lên trong hội nghị. Hình ảnh các ông đi tắm biển không phải là một câu trả lời xác đáng và tin cậy cho việc biển miền Trung đã an toàn và đạt chuẩn như lời các ông nói. Đó là một hành động dối trá và ngu xuẩn của các công và giới truyền thông định hướng, với mục đích duy nhất là để lừa gạt người dân.

Thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây ra đã làm thiệt hại nặng nề về kinh tế cho 4 tỉnh miền Trung. Hàng ngàn người đã lâm vào cảnh khốn đốn và nợ nần, ngư dân thì thất nghiệp, trẻ e thì thất học vì không đủ điều kiện tới trường.

Cái người dân thực sự cần lúc này, sau bốn tháng thảm họa môi trường xảy ra là một câu trả lời rõ ràng, đầy đủ các thông số tin cậy dựa trên một căn cứ khoa học cụ thể chứ không phải những báo cáo lập lờ và không minh bạch.

Và việc tổ chức một hội nghị hao tiền tốn của, việc các ông tắm biển (nếu có thật) không phải là câu trả lời đáng tin cậy cho hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh miền Trung. Và liệu những con người dối trá và lọc lừa ngâm dưới biển có làm cho nước biển sạch hơn?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo