Ý nghĩa, nguồn gốc hình thành Dân chủ tư sản và Dân chủ cộng sản - Dân Làm Báo

Ý nghĩa, nguồn gốc hình thành Dân chủ tư sản và Dân chủ cộng sản

Le Nguyen (Danlambao) - Thế giới thời hiện đại không tồn tại cái được gọi là dân chủ cộng sản hay dân chủ tư sản mà nó chỉ hiện hữu chính thể độc tài đảng trị với chính thể dân chủ đa nguyên. Để tiện theo dõi, quan sát lịch sử khách quan về sự hình thành và thực tiễn cai trị của hai mô hình thể chế chính trị, xin tạm sử dụng lại cụm từ dân chủ tư sản và dân chủ cộng sản cho bài viết này.

Hơn hai trăm năm trước, cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi đầu từ Anh quốc lan tỏa ra toàn cõi Âu Châu làm thay đổi những giá trị cổ học và thay đổi cả nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị. Chính trong thời gian diễn ra cuộc cách mạng kỹ nghệ, giúp loài người thay đổi nhận thức, mở rộng tầm nhìn về tự do tư tưởng, tín ngưỡng, chính trị trong đó có thay đổi của khoa học kỹ thuật giúp phát minh máy móc, điện năng giúp tăng năng suất trong nông, công nghiệp. Nhất là cuộc cách mạng kỹ nghệ đã xây dựng được những đội thương thuyền, chiến thuyền xuyên lục địa cùng những vũ khí hiện đại gây nhiều cuộc chiến biên giới lẫn bành trướng thuộc địa của các cường quốc Âu Châu trải rộng khắp nơi trên thế giới. 

Song song với những tiến bộ vượt bậc của nhân loại, là nẩy sinh các vấn đề chính trị, xã hội lạc hậu cần đổi mới, cần thẩm định và tái cấu trúc lại hệ thống tổ chức cai trị, liên quan đến mọi mặt của đời sống cộng đồng, xã hội loài người:

a. Thứ nhất là thân phận nông nô đã tồn tại qua nhiều thế hệ sống trong lãnh địa của các lãnh chúa, quân chủ phong kiến Châu Âu. Họ không được tự do rời lãnh địa nếu không được phép, họ không được tiếp cận tư tưởng nào khác, ngoài những điều được truyền đạt, chỉ dạy của chúa đất và thân phận họ chỉ là nô lệ cho các lãnh chúa phong kiến.

b. Thứ hai là cách mạng kỹ nghệ sản sinh ra, làm rõ nét hơn hai thành phần mới của xã hội là chủ nhân nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh được gọi là tư bản, với số đông công nhân, làm công ăn lương trong các cơ xưởng được gọi là vô sản. Trong phát triển kinh tế, xã hội hai thành phần chủ-thợ tức chủ nhân và công nhân luôn xung đột quyền lợi, mâu thuẫn lợi ích.

c. Thứ ba là các nước bị đế quốc thực dân xâm chiếm, liên tục đấu tranh không ngừng nghỉ hầu giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Từ đó phát sinh hai con đường, hai phương thức đấu tranh: một là sử dụng đàm phán, thương thuyết để đòi chủ quyền; hai là đấu tranh bạo động, vũ trang đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc.

d. Thứ tư là bên trong cách mạng kỹ nghệ phát sinh nhiều mặt gây bất ổn, ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển xã hội và mô hình cai trị của quân chủ phong kiến âu Châu đã lỗi thời ruỗng nát, đầy dẫy bất công không còn thích hợp cho nhu cầu phát triển ổn định của xã hội loài người. 

Nói tóm lại, do nhu cầu bức bách của mô hình cai trị quân chủ phong kiến đã lỗi thời với một xã hội tiền kỹ nghệ dẫn đến phân cực giàu nghèo đầy dẫy bất công của đàn áp bóc lột, của phân biệt đối xử đối với các thành viên sống chung trong cộng đồng xã hội và nhất là các thành viên trong xã hội không được đối xử như một con người trọn vẹn, ngay trong lục địa Âu Châu cũng như trong các nước bị thực dân đế quốc chiếm đóng đô hộ. 

Trước bối cảnh hỗn độn đó, nhiều tư tưởng tiến bộ, chủ đạo được khai sinh nhằm tháo gỡ bế tắc trong chính trị, giải quyết xung đột, mâu thuẫn trong kinh tế và hạ giảm áp lực của tầng lớp thống trị lên giai cấp bị trị. Bên cạnh những tư tưởng, tư duy mới làm thay đổi, chuyển đổi, từ bên trong mô hình tổ chức cai trị của quân chủ phong kiến Âu Châu, có nhóm Hegel “trẻ”, trong đó có Karl Marx cho ra đời chủ thuyết và tuyên ngôn Cộng Sản vào năm 1848. Biến cố của nhóm Hegel trẻ đã thu hút làm mê say, ngơ ngẩn nhiều thế hệ trí thức và ảnh hưởng sâu đậm trong lòng tầng lớp vô sản trên toàn thế giới.

Rồi hai tư tưởng, hai phương thức đấu tranh nhằm thay đổi mô thức cai trị của quân chủ phong kiến Âu Châu và nhà nước thực dân đế quốc: 

- Một bên có tư tưởng vận dụng tầng lớp bị trị theo cách ôn hòa, áp lực lên giai cấp thống trị để tự thay đổi, tự diễn biến bên trong guồng máy cai trị nhà nước phong kiến, thực dân.

- Bên kia có tư tưởng lãnh đạo tầng lớp bị trị, chủ yếu là tuyên truyền vận động quy tụ thành phần công, nông lao động nghèo làm cuộc cách mạng vũ trang lật đổ, thay đổi toàn diện bộ máy cai trị của nhà nước quân chủ phong kiến và nhà nước thực dân đế quốc, cùng lúc là xóa bỏ các tàn tích chế độ cũ triệt để không khoan nhượng.

Từ hai tư tưởng cách mạng nhằm thay đổi mô hình tổ chức cai trị để điều hướng xã hội loài người phát triển đã sản sinh ra hai mô hình cai trị là dân chủ tư sản và dân chủ cộng sản. Trong giai đoạn này, giai đoạn của bình minh cách mạng, thuở cả hai tư sản với cộng sản đều có cùng một mục tiêu thay đổi, đánh đổ quân chủ phong kiến và chủ nghĩa thực dân đế quốc. Tư tưởng cách mạng tiến bô này là nhằm giúp người dân Âu Châu và các dân tộc bị trị, bị đế quốc xâm lăng, thống trị khắp nơi trên thế giới giành lại quyền làm chủ đất nước, làm chủ đời sống của chính mình. 

Thủa bình minh cách mạng của loài người tiến bộ, với chủ trương, mục đích thành lập chính phủ của dân, do dân, vì dân... với đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý cùng với những ý tưởng có giá trị như tự do, dân chủ, nhân quyền, dân quyền và nhiều giá trị tư tưởng khác liên quan mật thiết đến sự phát triển của xã hội loài người.

Đến hôm nay, qua thời gian dài thử thách cũng như thực hành của hai mô hình tổ chức cai trị dân chủ Cộng sản và dân chủ tư sản chúng ta thấy:

1. Dân chủ cộng sản, về hình thức đã phô trương bề nổi rất nhiều, nào là chính quyền nhân dân, tòa án nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân... mọi thứ đều đề cao nhân dân, ra vẻ trân quý nhân dân nhưng thực chất là phản bội nhân dân, bịp bợm nhân dân, cướp quyền làm chủ của nhân dân.

2. Dân chủ tư sản, không phô trương về mặt hình thức nhưng từng bước điều chỉnh sai sót thực hiện đúng thực chất, đúng nghĩa là chính quyền của dân, do dân, vì dân và thật sự hữu hiệu trong cai tri, hữu hiệu trong nhiệm vụ điều hướng xã hội loài người phát triển như một phần nhân loại đã được hưởng từ kết quả của mô hình tổ chức cai trị này. 

Tại sao dân chủ tư sản và dân chủ cộng sản cùng chia sẻ những ý tưởng tiến bộ, những giá trị tốt đẹp nhằm giúp cho loài người hạnh phúc và xã hội phát triển văn minh, phồn thịnh. Thế thì tại sao dân chủ cộng sản lại bất lực không thực hiện được mà dân chủ tư sản lại làm tốt, thực hành rất tốt một số ý tưởng tiến bộ nền tảng như ý niệm, ý tưởng Marx trong chiều hướng phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong mô hình cai trị của nó?

Dưới đây là một số ý tưởng mà dân chủ tư sản làm hay hơn, hiệu quả hơn dân chủ công sản cho chúng tham khảo, đối chứng:

- Về ý tưởng “đảng lãnh đạo” của dân chủ tư sản, các đảng phái chính trị thay nhau cầm quyền qua các cuộc bầu cử tự do, do người dân lựa chọn. Chính cách đảng lãnh đạo nhiều hơn một đảng chính trị, thực sự hữu hiệu trong cai trị đã làm cho quốc gia hùng cường, thịnh vượng và toàn dân hạnh phúc ấm no. Kết quả thực tiễn của mô hình cai trị này đã nói lên tất cả cái tốt đẹp của nó đem đến cho xã hội loài người, không cần phải bàn luận.

Riêng đảng lãnh đạo theo cách dân chủ cộng sản đã thất bại vì chỉ duy nhất một đảng lãnh đạo nên không ngăn nổi độc tài phát triển. Độc tài là nguồn gốc của mọi xấu xa, tội lỗi phát sinh tội ác của con người và chính độc tài là nguồn gốc kềm hãm ngăn chặn động lực phát triển xã hội loài người.

- Về ý tưởng “nhân dân làm chủ nhà máy” trong các nước tư sản hiện nay, công nhân của các nhà máy, hảng sản xuất lớn được chia một số cổ phiếu theo mức lợi nhuận trong tổng kết tài khóa hằng năm và được mua thêm ngoài số cổ phiếu được chia, nếu công nhân muốn. Đây là thực chất, là cách thể hiện thực chất quyền công nhân làm chủ nhà máy ở các nước dân chủ tư sản. 

Riêng việc công nhân làm chủ nhà máy của các nước dân chủ công sản chỉ là hô khẩu hiệu chứ không bao giờ có thật! Hiện nay nhìn vào nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ trả lời được mọi thắc mắc, nghi vấn về thể chế “ưu việt” của dân chủ cộng sản, không chỉ trên phương diện công nhân làm chủ nhà máy mà trên tất cả mọi mặt đời sống làm chủ của người dân!

- Về ý tưởng “cán bộ là đầy tớ nhân dân”, tất cả những ai đi đến nhà thương, trường học, các cơ quan công quyền... của các nhà nước dân chủ tư sản, đều thấy cung cách phục vụ, ứng xử của các người“cán bộ” này. Họ vui vẻ nhiệt tình, tận tụy với công việc, với trách nhiệm được giao phó, làm việc đúng với nghĩa “đầy tớ nhân dân”, rất ít “ông chủ nhân dân” không vừa ý với cung cách phục vụ của đầy tớ của mình. 

Riêng chuyện đầy tớ của nước dân chủ cộng sản nhất là Việt Nam, có lẽ mọi người trong chúng ta không ít lần chứng kiến đầy tớ nhân dân phục vụ ông chủ nhân dân “đáng xấu hổ” rất phổ biến, nó không còn là “cá biệt” cho bất cứ khu vực nào của hệ thống tổ chức cai trị thuộc nhà nước dân chủ cộng sản!

Còn rất nhiều ý tưởng trong chuổi giá trị tư tưởng của các bộ óc vĩ đại được hình thành trước, trong và sau cuộc cách mạng kỹ nghệ Âu Châu. Tư tưởng đó, tinh hoa đó dân chủ tư sản đã làm, đã thực hiện tốt hơn, hữu hiệu hơn dân chủ công sản.

Tuy thế chúng ta cần trở lại trọng tâm của hai mô hình dân chủ tư sản, dân chủ công sản. Dân chủ tư sản hiệu quả hơn dân chủ cộng sản trong thực tiễn cai trị là do cơ cấu tổ chức, do thiết chế bộ máy nhà nước. Trong mô thức này, ba ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp hoạt đông độc lập được phân công và qui định trách nhiệm, quyền hạn rõ rệt. Ngoài ra các ngành này còn bị sự giám sát của người dân để quyền lực nhà nước thật sự trở thành quyền lực của toàn dân và không do một đảng duy nhất lãnh đạo mà nhiều đảng thay nhau lãnh đạo.

Dù thế nào đi nữa, dù khen hay chê, dù nói tốt hay xấu thì mô hình tổ chức cai trị dân chủ công sản đã thất bại, đã bất lực trong cai trị, vì chỉ có duy nhất đảng cộng sản lãnh đạo mà đảng này lại đứng trên, đứng ngoài hiến pháp, luật pháp. Dân chủ công sản ngày nay ở Việt Nam thật ra là dân chủ trá hình của độc tài quân chủ chuyên chế, của thời vua chúa xa xưa. Ở đó đã dần hiện ra cảnh “thế tập”, cha truyền con nối. Ở đó lại tái hiện “pháp lệnh”, lệnh trên truyền xuống cho cấp thừa hành, bất luận đúng sai, từ lệnh miệng đến văn bản. Ở đó kẻ cầm quyền dùng hình luật như là vũ khí để trấn áp, bịt miệng, trừng phạt những cá nhân dũng cảm chỉ ra những sai trái, độc đoán của tầng lớp thống trị, dìm dân nước xuống vực sâu đói nghèo, lạc hậu, chậm tiến, tồi tệ hơn chế độ mà họ dùng bạo lực cách mạng để lật đổ.

Nói tóm lại, cả hai mô hình tổ chức cai trị dân chủ tư sản và dân chủ công sản đều có một số nhận định, chia sẻ cũng như nhìn nhận chung về giá trị con người và xã hội. Thế nhưng dân chủ cộng sản ngày càng rời xa lý tưởng ban đầu, nó đã biến lý tưởng thành hoang tưởng bởi sai lầm trong mô thức cai trị, hệ thống quản trị quốc gia và dân chủ tư sản thật sự thực hiện được mục tiêu “ Dân giàu - nước mạnh - xã hội - công bằng - dân chủ - văn minh” xứng đáng trở thành mô hình cai trị lý tưởng được nhân loại ước mơ, hướng tới của thời hiện đại. 

17.09.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo