Có những cơn lũ khác - Dân Làm Báo

Có những cơn lũ khác

Nguyễn Hồ Nhật Thành - Sáng nay tôi đưa cô Lan, mẹ blogger Mẹ Nấm đến trụ sở công an tỉnh Khánh Hoà làm việc, đập ngay vào mắt là một biểu ngữ tuyên truyền "Hãy hành động vì môi trường..." được treo ngay trước cổng. Sự tương phản trớ trêu gợi lên trong lòng một nỗi xót xa bởi người phụ nữ đang bị giam cầm trong kia cũng chỉ vì dám lên tiếng kêu gọi hành động bảo vệ môi trường.

Đây là lần thứ hai chị bị bắt, còn nhớ lần đầu chị bị bắt tạm giam 9 ngày cùng lúc với nhà báo Đoan Trang, blogger Người Buôn Gió vào tháng 9/2009 cũng vì lên tiếng phản đối dự án Bauxite vì hiểm họa môi trường và âm mưu đằng sau của chính quyền Trung Quốc. Như chúng ta thấy, hậu quả sai lầm của dự án Bauxite mà người dân đã và đang gánh chịu cả về thiệt hại kinh tế và môi trường như hiện nay đã rõ ràng hơn bao giờ hết.

Khi nhà cầm quyền bất chấp phúc lợi chung và quyền lên tiếng của người dân bằng một công văn cấm các cơ quan thông tin trong nước không được nhắc đến thảm hoạ Formosa thì chị vẫn quyết liệt lên tiếng và tổ chức những hành động kêu gọi truy tố và trục xuất nhà máy Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Không những vậy chị còn vạch trần những vi phạm về môi trường và đất đai của các tập đoàn đang khai thác lợi ích tại Nha Trang khiến những dự án này phải chậm lại như vụ cồn Tân Lập, vụ công ty môi trường Khánh Hoà ở Ninh An, vv. Theo đó, nhà chị Quỳnh trở thành nơi nhận đơn kiện bất đắc dĩ của bà con mất đất, như một số tiểu thương chợ Đầm đã tìm đến chị để nhờ lên tiếng thay họ. Sau khi chị bị bắt, các dự án này như được tháo chốt, ví dụ như hai ngày sau đó công an đã tiến hành cưỡng chế đất cồn Tân Lập trong những tiếng kêu phản ứng yếu ớt của người dân nơi đây.

Trong những ngày này, người dân cả nước cùng hướng về đồng bào miền Trung đang gánh chịu thảm họa lũ lụt qua những hoạt động vận động quyên góp thiết thực, cái tính chất "yêu nước thương nòi" của người Việt luôn bộc lộ một cách tự nhiên trong những tình cảnh cam go như vậy khi đối diện trực tiếp với những khó khăn. Cũng một tính chất ấy mà những người có lương tâm như chị Quỳnh đã hoạt động không ngừng nghỉ để cảnh báo nhà cầm quyền và thức tỉnh phần đông còn lại về những hiểm hoạ gián tiếp tiềm ẩn qua hàng loạt chính sách sai lầm cho phép dự án phá rừng đầu nguồn, các dự án thuỷ điện, Bauxite và Formosa hoạt động. Với hậu quả là ngày càng nhiều thảm họa "lịch sử", nghĩa là mức độ ngày càng trầm trọng hơn đang đè nặng trên đôi vai khốn khổ của người dân đen.

Ấy vậy mà, thay vì lắng nghe nguyện vọng của lương tâm con người tiếng, thay vì tôn trọng quyền tự do của người dân được hiến pháp công nhận, nhà cầm quyền đã chọn phương tiện bạo quyền để trấn áp và bịt miệng người dân bằng những công văn ngăn cản báo chí, bằng những gán ghép tội hình "an ninh quốc gia"; "chống nhà nước" để bỏ tù những người lương thiện như chị Quỳnh, Anh Ba Sàm, LS Nguyễn Văn Đài và rất nhiều nhiều những con người khác đang trong chốn lao tù. Họ, như những cây xanh còn xót lại và cố vươn lên để ngăn cản những cơn lũ trong một xã hội tựa như một khu rừng đã bị tàn phá bởi lòng tham vô độ của kẻ cơ hội núp trong vỏ bọc đảng Cộng sản để tư lợi.

Hãy dừng lại, hãy trồng cây để ngăn lũ trong tương lai thay vì phá rừng vì những lợi ích ngắn hạn.

Hãy bảo vệ quyền tự do lên tiếng của người dân để ngăn chặn sự lạm quyền thay vì bịt miệng bằng bạo quyền.

Và, hãy nhìn đất nước Việt Nam như một ngôi nhà chung đang điêu tàn thay vì tâm lý tư lợi chỉ phục vụ ngắn hạn cho băng đảng và gia tộc của mình. Cơn lũ nguy hiểm nhất mà dân tộc này đã và đang đối diện là cơn lũ của lạm quyền và bạo quyền qua chế độ công an trị!





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo