Mơ thành Lê Chiêu Thống - Dân Làm Báo

Mơ thành Lê Chiêu Thống

Xuân về hoa đào khoe sắc thắm
Kỷ Dậu năm xưa thoát hiện về
Hạ Hồi trống lệnh còn vang dội
Đống Đa gò đất chôn xác thù
Thổn thức Ngọc Hồi gọi Quang Trung
Mắt lệ Hà Thành nhớ Thăng Long

Tháng 10 năm Mậu Thân, 1788, quân xâm lược nhà Thanh do Tôn sĩ Nghị chỉ huy tiến vào thành Thanh Long cùng với vua Lê Chiêu Thống. Trên đường phố kinh thành chỉ vài nhóm người trung với nhà Lê, một số người Tàu sang làm ăn đứng đón tiếp, đa số người dân thập thò khe cửa nhìn ra, lo sợ. Những ngày sau, Chiêu Thống chỉ lo trả thù, sai quân lùng kiếm, tập trung các người đã hợp tác với Tây sơn để giết hại hoặc cho tù cải tạo... Quân Tôn sĩ Nghị lộng hành cướp của, hãm hiếp phụ nữ. Chiêu Thống tuy được Tôn sĩ Nghị đọc sắc phong của vua Càn Long cho làm An Nam quốc Vương, nhưng Nghị nắm hết binh quyền, công văn vẫn dùng niên hiệu Càn Long. Người dân kinh thành chỉ biết nuốt lệ than thở: "Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế!".

Trước việc bạo tàn của quân xâm lược, sự hèn hạ của ông vua chỉ biết bảo vệ quyền lợi cho riêng mình, người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ đã kéo quân ra Bắc, tạo nên một trong những chiến công hào hùng, rực rỡ nhất của sử Việt. 

Cuối tháng 11 cùng năm, đại quân vua Quang Trung, Nguyễn Huệ, đã kéo ra Nghệ An. 

Ngày 20 tháng chạp, đại quân ngừng tại Tam điệp, lên kế hoạch, dự tính đánh tan quân quân Thanh và tiến vào Thanh Long ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu. 

Sáng 30 giao thừa vua Quang Trung hạ lệnh cho quân sĩ ăn Tết Nguyên đán trước. 

Tối 30 đại quân chủ lưc tiến chiếm đồn Gián Khẩu, rồi nhiều đồn khác... 

Đêm mùng ba Tết, trước thế mạnh của quân Tây sơn, quân Thanh đồn Hạ Hồi xin đầu hàng. 

Sáng mùng bốn Tết đại quân bao vây đồn Ngọc Hồi, thành lũy trọng yếu do tướng Hứa Thế Hanh chỉ huy, đội quân chủ lực của nhà Thanh. 

Đêm mùng bốn Tết, Đô Đốc Long dẫn cánh quân Tây Sơn khác bất ngờ chuyển hướng, tập kích vào đồn Khương Thượng, Đống Đa, do tướng Thanh Sầm Nghi Đống chỉ huy... (*)

*

Hà Nội, triều đại cộng sản, năm Đinh Dậu

Trời đã khuya, Phú Vương tay cầm kinh sách Mác Lê, trầm ngâm bước quanh cung điện. Từ ngày bóp hiểm Tấn Dũng cho tay này trở thành người tử tế sớm, Vương phải loay hoay đối phó nhiều chuyện. Từ việc củng cố quyền lực tránh “tự diễn biến, tự chuyển hoá”…, đến việc đánh giặc Tham, phát động chiến dịch “Phẩy ruồi, đuổi muỗi”, tất cả như một trò hề để người dân chế nhạo đến nỗi Vương phải gia tăng đàn áp những người phản kháng. Rồi việc Vương phải lo sang chầu, sang cống thiên triều…

Vương vừa đi vừa đọc lại kinh sách, cố tìm lý luận, phương cách mới. Lo suy nghĩ Vương đã bước ra khỏi cung điện lúc nào không biết. Vừa bước xuống bậc thềm, một cơn gió lạnh thổi qua, bước chân Vương như khựng lại. Lạ quá ! Nhìn xuống, không phải con đường trãi nhựa quen thuộc của thủ đô Hà Nội, Vương đang bước trên con đường trãi đá lởm chởm. Nhìn lên, Vương sửng sốt khi nhìn thấy những cái mái cong một cổng thành đang in đậm rõ nét trên nền trời lấp lánh muôn ngàn vì sao. Những bóng đen lố nhố của người lính gác đang bước trên vọng gác, những ánh đuốc vàng lập loè trên cổng thành. Phía xa một chân trời vẫn đỏ sáng rực, khói bốc lên, vài tiếng nổ từ đó vang lại kèm theo các tia sáng, dường như đang có trận chiến dữ dội? Quay đầu nhìn lại, chổ cung điện cũ của Vương chỉ là khoảng trống mịt mờ. Đang bàng hoàng, Vương chợt thấy nhiều người chạy qua, đàn ông áo vải nâu cũ bạc rách, đàn bà áo tứ thân, đầu chít khăn đen, những đứa trẻ trong áo nâu thâm lôi thôi, lếch thếch. Tất cả với nét mặt sợ hãi, vội vã chạy ngang qua như đang chạy nạn. Do phản xạ, Vương nhập vào đoàn người chạy loạn. 

Đột nhiên có tiếng quân gác cổng thành quát lớn, cửa thành mở tung, một toán lính dẫn đầu bởi một viên tướng cưỡi ngựa. Họ như vừa trãi qua một trận chiến ác liệt, đã phải liều mình mở đường máu trở về thành. Ṃoi người vội vã nép sang bên đường nhường cho đoàn quân gồm những người lính người đầy máu, có người được đồng đội dìu trên vai, người thoi thóp nằm rên rỉ trên xe kéo, tất cả hối hả, ồn ào chạy qua. Nhiều người dân chậm chân bị đạp té qua bên đường, tiếng người rên xiết, tiếng trẻ con gọi mẹ. . vang lên trong đêm khua. Vương mau lẹ bước theo sau viên tướng chỉ huy. 

Quăng cương ngựa cho quân hầu, viên tướng, trên mặt còn nhiều vết máu, áo giáp nhiều chỗ rách và nhuộm bởi máu và mùi thuốc súng, mạnh bước vào đại bản doanh đang thắp đuốc sáng choang. Hai người lính gác vội cản viên tướng lại. Đưa tay gạt phắt hai ngọn giáo trước mặ́t, viên tướng như quát lên:

- Ta từ Khương Thượng về, cần kíp gặp ngay Tôn đại nhân…

Phú Vương cũng mau lẹ, ôm sách Mác Lê, theo ngay sau lưng viên tướng. 

Tại đại sảnh doanh trại, đang có cuộc họp các tướng lãnh. Ngồi giữa bàn họp, Tôn Sĩ Nghị, phẩm phục cao cấp triều đình Mãn Thanh, bao quanh nhiều tướng lãnh với áo giáp, gươm giáo đã chuẩn bị sẵn sàng ra chiến trường. Trên bàn có bản đồ lớn, một viên tướng cấp chỉ huy chỉ tay vào bản đồ, đang báo cáo diễn tiến các trận đánh. Tất cả ngừng lại, nhìn viên tướng vừa bước vào. Viên tướng cúi đầu, vòng tay:

- Bẩm thưa Tôn tướng quân, quân Tây sơn đã chiếm đươc đồn Khương Thượng. Nhiều quân tướng sĩ ta đã hy sinh qua trận đánh vô cùng ác liệt. Sầm Tướng quân đã treo cổ tuẫn tiết không để quân Tây sơn bắt. Mở được đường máu, nay trở về gặp được tướng quân để báo tin, tôi cũng được phần nào an ủi. Tôi thân làm tướng lại bị bại trận nhục nhã. Xin lấy cái chết để tạ tội…

Vừa dứt lời, viên tướng rút dao đâm ngay vào ngực, gục xuống đất. 

Hai tùy tướng vội bước đến vực viên tướng dậy. Họ nhìn lên Tôn Sĩ Nghị, khẻ lắc đầu. Những ánh mắt mọi người đang bần thần bổng quay sang soi mói Phú Vương đang khép nép đứng phía sau. Tôn Sĩ Nghị khẽ đập nhẹ xuống bàn:

- Tên kia là ai mà lại ngang nhiên vào chỗ cơ mật này?

Một viên tướng chăm chú nhìn Phú Vương, tỏ vẻ hiểu biết hơn mọi người:

- Bẩm thưa, chính không ai khác hơn là tên vua An nam Lê Chiêu Thống. Hắn sợ bọn Tây Sơn vào đây nên sớm cải trang để đánh lừa mọi người, người An nam kẻ nào dám vào tận đây? Hóa trang như hắn chỉ qua mặt Tây sơn chứ làm gì lừa bịp được bọn ta?

Phú Vương quì xuống, lắp bắp:

- Thưa Tôn Đại nhân thứ lỗi, Bần Vương đây xin dâng ngài “Mác Lê” yếu lược, xem có giúp ngài đánh bại Tây Sơn không?

Liếc vội qua vài trang Mác Lê yếu lược, Tôn Sĩ Nghị đỏ mặt giận dữ, ném trả lại quyển yếu lược:

- Đồ rác rưỡi của bọn Phú Lang Sa râu xồm. Quân đâu... quăng hắn ra ngoài trại cho khuất mắt. 

Một viên tướng, người khỏe mạnh như Ronaldo, bước đến nắm cổ Phú Vương như nắm cổ gà mái. Phú Vương thảng thốt la lên:

- Xin thả ta ra. Ta thực ra là Phú Vương, Tổng bí... bí… của... Cộng hoà xã hội…

Viên tướng “Ronaldo” không để cho Vương nói hết lời, tung một cú đá cực kỳ hiểm hóc:

-Này bí, sả, tỏi gì... cũng cút khỏi đây. 

Phú Vương lộn tròn mấy vòng trên không, rơi xuống còn lăn thêm mấy vòng trong vũng sình trước doanh trại. Ngồi dậy chưa kịp đưa tay lau mặt và tìm lại cặp mắt kính văng đi đâu mất, một quyển sách đã bay đến đập mạnh vào đầu làm Vương bật ngữa. Tiếng tướng “Ronaldo” xỉ vả:

- Cầm lấy quyển sách rác rưỡi Mác Lê này về mà đánh với Tây Sơn!

Vương ôm Mác Lê vào lòng, vừa định thần thì từ xa đã có một người đàn bà dáng vẻ quí phái cùng đoàn tùy tùng hớt hãi chạy đến. Người đàn bà sụt sùi:

- Trời con ta sao lại như thế này. Chúng nỡ lòng nào...

Một người cúi đầu, cung kính

- Xin Lệnh Bà chớ nên âu sầu. Bọn phản động Tây Sơn sắp sửa tiến vào kinh thành. Ta phải tìm cách thoát lên phía Bắc thôi. 

Cả bọn hấp tấp dìu Phú Vương, Thái hậu chạy theo đám người chạy loạn đang kéo ra cổng thành. Khi đến cầu phao bắt qua sông Nhị Hà, những toán quân Thanh đã bỏ hàng ngũ, đang chen chúc nhau chạy qua cầu. Một tùy tùng báo cáo với Thái Hậu, Phú Vương:

- Quân Tây Sơn do Đô Đốc Long từ Khương Thượng đã đánh vào Thăng Long, thế mạnh như chẻ tre. Nguyễn Huệ đã đâm thủng được phòng tuyến trọng yếu Ngọc Hồi, quân Thanh ở đấy gần như tan vỡ. Bị chết quá nhiều, quân Thanh hiện vô cùng khiếp sợ, mất tinh thần chiến đấu, không còn tuân theo cấp chỉ huy, mạnh ai thoát thân, tìm đường sống. 

Đang xô đẩy, chen lấn qua cầu thì có toán kỵ binh, rầm rộ cưỡi ngựa, võ khí vung lên, quát lớn:

- Tránh đường. Mau tránh đường cho Tôn Tướng quân... 

Toán kỵ binh chạy tràn qua đám người đang chen lấn hỗn độn, chạy thẳng qua cầu. Nhiều người bị hất tung xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Người ta nghe oang oang lệnh truyền từ phía bờ sông bên kia:

- Tôn Tướng quân ra lệnh chặt dây treo cầu phao để cản đường truy đuổi của quân Tây Sơn. Các ngươi mau trở lại bên kia bờ tìm cách khác mà thoát thân. 

Nhiều cuộc đâm chém giữa người trên cầu và trên bờ. Nhưng cuối cùng dây treo cầu cũng bị chặt đứt. Chiếc cầu như con rắn bị chặt mất đầu, uốn éo một lúc rồi bị bẻ xoắn lại theo sức chảy mạnh cuả dòng nước, hất tung những người trên cầu xuống nước. Người ta níu kéo, la hét trong sợ hãi, cuối cùng xuôi tay thả trôi lềnh bềnh trên dòng nước đầy những xác người. 

Thái Hậu, Phú Vương được đoàn tùy tùng hộ tống chạy lên phía làng Nghi Tàm. Tại đây họ còn nghe được tiếng reo hò mừng rỡ của dân thành Thăng Long, đón chào vua Quang Trung cưỡi voi chiến vào thành trong áo bào đỏ còn vấy đen màu thuốc súng. Đó là sáng ngày mùng năm Tết Kỷ Dậu. 

Tại làng Nghi Tàm, bầy tôi vua Lê cướp được một chiếc thuyền để chạy trốn qua sông. Sau đó vua tôi ngày đêm chạy tiếp lên phía Bắc tìm đường qua Tàu. 

Một buồi chiều dừng chân bên một dòng suối, Thái hậu nhìn con mình, khẽ nhắc thị nữ:

- Con ta mấy hôm nay lo chạy trốn bon phản động Tây Sơn, không có thì giờ tắm rửa sạch sẽ. Đến đây đã an toàn, ngươi mau đưa vua đi tắm rửa, thay quần áo. 

Thị nữ vội bồng Phú Vương ra suối kỳ cọ sạch sẽ, thay cho quần áo mới. Phú Vương không cách nào phản kháng lại, kinh hãi nghĩ thầm:

- Bọn chúng nếu phát giác ta giả mạo Chiêu Thống, thế nào cũng thủ tiêu. Thôi tùy cơ ứng biến, gặp nguy, ta sẽ quăng sách Mác Lê, chạy nhanh vào rừng. Bọn chúng chắc không có thì giờ để đi tìm?

Cả bọn trân trối nhìn thấy mặt thật của Phú Vương, nhiều người tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên. Phú Vương tính co chân bỏ chạy. Nhưng Thái Hậu bổng ôm mặt khóc ngất, té lăn ra đất. Bọn tướng lãnh trung thành nhìn nhau phân vân. Một tướng lớn tuổi nhất vội quì xuống, nâng Thái Hậu lên, ông cũng sụt sùi, rơi lệ:

- Xin lệnh bà đừng quá nỗi âu sầu. Thời Đông Châu Liệt quốc, Ngũ Viên tức Ngũ Tử Tư, vì lo sợ bị quân Sở bắt, chỉ qua một đêm tóc đã bạc trắng, râu mọc dài đến rốn. Nay quân vương, qua gần cả tuần lo trốn tránh quân Tây Sơn, đang tuổi hai mươi đã trở thành ông già bẩy mươi, việc không có gì lạ. 

Thái Hậu vẫn nức nỡ:

- Hu... hu... Ta vẫn biết vậy! Nhưng thấy con ta nay già hơn cả phụ thân, ta thực đau lòng quá!

Phú Vương như tử tội vừa thoát tội tử hình, trở nên lanh lẹ, hoạt bát, chạy vội đến bên Thái Hậu, ân cần:

- Xin Mẫu thân hãy gượng cơn sầu não. Qua được Tàu, có sâm nhung, linh chi Hoàng Nhi đây sẽ “tự chuyển hóa, tự diễn biến “ để trở lại trẻ trung, đẹp trai như xưa. 

Những tưởng nghe con an ủi, Thái Hậu sẽ nguôi ngoai nào ngờ bà còn gào khóc thảm thiết hơn:

- Trời ơi trời. Mặt mũi không những như ông già bẩy mươi, mà giọng nói lại còn khàn khàn giống ông già tám mươi, chín mươi. Ối trời ơi là trời!

*

Qua đến Tàu, cả bọn hay tin Tôn Sĩ Nghị bị bãi chức, Phúc An Khang lên thay làm Tổng đốc Lưỡng Quảng. An Khang và Hòa Khôn, tâm phúc vua Càn Long, phần e sợ vua Quang Trung, phần được hối lộ, mua chuộc nên luôn tìm cách hòa hoãn với vua Quang Trung. Phú Vương, Thái Hậu xin gặp vua Càn Long, cả hai quì khóc xin Tàu đưa quân đánh nước Việt lần nữa. Phúc An vội mời Phú Vương yến tiệc say sưa, khuyên nhủ Phú Vương và đồng bọn nên gọt đầu gióc tóc (kiểu đầu của người Mãn Thanh: gọt tròn xung quanh như cái nồi đất, rồi tết đuôi xam ở đằng sau), thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc, sẽ được nhập tịch Trung Quốc, có bổng lộc riêng đặc biệt, khỏi phải lo đánh nhau. Trở về làm vua An Nam chưa chắc sướng bằng. Phú Vương nghe thấy hợp lý, xin làm theo lời khuyên. Từ đó Phú Vương cho ta là Lê Chiêu Thống, nguyên An Nam Quốc Vương, cứ rong chơi nhàn nhã khắp nước Tàu. Một ngày đầu năm, Phú Vương ghé qua Thành Đô, Tứ Xuyên. Nghe tiếng có một thầy bói, đoán gì đúng đấy, Vương xin bái kiến. 

Phú Vương quì mọp dưới sàn, thành khẩn:

- Con là Chiêu Thống, được nghe thanh danh lừng lẫy của Thầy. Nhân dịp đầu năm, xin Thầy cho một quẻ xem năm tới quyền lợi, bổng lộc thế nào?

Sau bức màn đỏ huyền bí, có tiếng nói khàn khàn của ông thầy bói:

- Ta sáng nay bấm độn, biết trước nhà ngươi thế nào cũng đến đây. Nhà ngươi số cao lắm. Kiếp này ngươi là vua Lê Chiêu Thống, tuy bị phản động Tây Sơn đánh đuổi qua đây nhưng dù sao cũng được làm vua. Kiếp sau này ngươi cũng là vua, đứng đầu Tứ Trụ Triều Đình, dân chúng cũng chán ghét ngươi cũng như chán ghét Chiêu Thống. Ngươi cũng có phản động “bị xúi dục bởi thế lực thù địch” đối kháng cũng như phản động Tây Sơn đối với Chiêu Thống. Nhà ngươi ở kiếp sau phải lấy kinh nghiệm dùng bàn tay sắt mà trị kẻ phản động, kẻ nào hó hé phải triệt ngay. Đảng Tứ Trụ ấy vốn là con đẻ của đất phương Bắc này mà ra, Chiêu Thống dựa vào Thiên Triều, kiếp sau ngươi cũng dựa vào đấy mà sống. Ta đây, xuất phát cùng một đảng giống như ngươi ở kiếp sau. Còn kiếp này ta không được như ngươi, học lõm bỏm hướng dẫn từ sách Tàu nên đi làm thầy bói. Ở phương Nam, số không may, ta bói gì sai nấy, cả làng hè nhau rượt đuổi, nên phải phiêu bạt lên phương Bắc. Như “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, tiếp tục nghề thầy bói, ta làm ăn cũng khấm khá. 

Nghe giọng nói quen thuộc, Phú Vương ngẩng đầu lên nhìn. Cửa màn mở, lảo thầy bói bước ra đến gần Phú Vương. Phú Vương giật mình, mặt bác Hồ cười với hàm răng nâu đen do khói thuốc lá. Bác đưa tay gõ vào đầu Phú Vương, giọng nói từ nơi xa xăm nào vang lại:

- Ta cho ngươi trở về hiện tại để đánh bọn phản động, giữ yên cho đảng, cho triều đại. 

Phú Vương nghe gõ bong bong trong đầu, Vương té lăn ra. 

Khi tỉnh dậy, Phú Vương nhìn thấy khuôn mặt của ba trong Tứ Trụ. Cả ba vui vẻ:

- Tỉnh rồi. Tỉnh rồi. 

Một người vội báo cáo:

- Vào buổi tối, Bệ hạ chắc là trúng gió lăn đùng ra giữa cung điện. Bọn lính hầu đưa vào đây đã mê man mấy hôm. Hôm nay ngày lành tháng tốt, Bệ hạ mới tỉnh lại. Triều thần và đảng đang trông chờ lý luận, chỉ đạo đầu năm mới của bệ hạ. 

Phú Vương ngồi bần thần. Chẳng có lý luận nào mới. Đánh tham nhũng ta chán quá rồi! Tết này phải giổ tổ Chiêu Thống, thăm Bác. Các việc khác làm chả ra đâu vào đâu, dân chán ghét, phải bịt lại, phải dùng tay sắt mà trị bọn phản động “bị xúi dục bởi thế lực thù địch”để giữ yên cho mình, cho đảng. 




(*) Tham khảo:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo