Trump, ASEAN và Việt Nam - Dân Làm Báo

Trump, ASEAN và Việt Nam

Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Trong chuyến công du châu Á vừa qua, Phó Tổng Thống Mike Pence đã xác nhận tại trụ sở ASEAN ở Jakarta là Tổng Thống Trump sẽ tham dự 3 hội nghị cao cấp gồm có APEC tại Đà Nẵng Việt Nam, Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á và Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN tại Phi Luật Tân trong tháng 11 năm nay. Lời tuyên bố này trấn an dư luận vì có nhiều người vẫn chưa biết rõ chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng Thống Trump sẽ như thế nào, đặc biệt là khi chiến lược xoay trục hoặc tái cân bằng của người tiền nhiệm là Obama coi như đã bị khai tử cùng với TPP.

Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Bush tạo ấn tượng là Mỹ không mấy hứng thú với khu vực vì không thường xuyên tham dự các cuộc Hội Nghị Thượng Đỉnh do ASEAN tổ chức. Obama cố gắng điều chỉnh bằng chính sách xoay trục. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức lớn với trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp và tập quán quốc tế. Do đó, vai trò tích cực của Hoa Kỳ là một nhu cầu cần thiết bảo đảm cho nền an ninh và sự thịnh vượng trong khu vực. Chính sách xoay trục của Obama gồm có 3 vế: kinh tế, ngoại giao và quân sự. Không có TPP thì vế kinh tế đã mất. Nếu Tổng Thống Trump quyết định không tham dự APEC và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á và Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN thì mặt trận ngoại giao coi như cũng không còn.

Vì vậy, chuyến công du của Phó Tổng Thống Pence cũng như những lời tuyên bố trấn an Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực là một điều đáng mừng. Tại Sydney, Pence cũng xác nhận là Mỹ sẽ giữ cam kết với Úc thu nhận người tỵ nạn qua một thỏa thuận trao đổi giữa Obama và Thủ Tướng Turnbull trước đây làm dịu đi căng thẳng sau cú điện thoại nảy lửa giữa Trump và Turnbull vào đầu tháng hai. Úc đang trong tiến trình soạn thảo Bạch Thư Ngoại Giao và ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Úc xem xét lại chính sách ngoại giao và quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong một bài phát biểu gần đây tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (National Press Club), Gareth Evans cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao nói rằng sách lược ngoại giao của Mỹ sắp tới sẽ dựa vào phán đoán và cảm tính cá nhân của Tổng Thống Trump hơn là các mục tiêu và giá trị chiến lược lâu dài. Các cố vấn chung quanh Trump có thể giúp giảm bớt phần nào nhưng không thay đổi được bản chất của một vị tổng thống trên 70 tuổi. Vì vậy, tốt nhất là Úc nên điều chỉnh lại chiến lược ngoại giao bằng cách gia tăng tư thế độc lập đối với Mỹ và tiến gần đến các quốc gia Đông Nam Á. Tương tự như vậy, Cựu Thủ Tướng Paul Keating đã nhiều lần đề nghị là Úc nên gia nhập và làm thành viên thứ 11 của ASEAN. Với GDP 1,410 tỷ Mỹ kim so với 900 tỷ của Nam Dương là quốc gia dẫn đầu ASEAN, Úc nếu được gia nhập sẽ là một thành viên có tiếng nói ảnh hưởng trong khu vực và ASEAN sẽ có trọng lượng đáng kể hơn trước hai gọng kìm từ Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Vào năm 2005, Liên Đoàn Túc Cầu Úc (FFA) dưới sự lãnh đạo của nhà tỷ phú Frank Lowy quyết định gia nhập và làm thành viên của Tổng Liên Đoàn Túc Cầu Châu Á (AFC). Kể từ đó, thành tích của Úc đã tăng vọt đáng kể và đội tuyển quốc gia Socceroos thành công vượt qua các vòng loại để tham dự giải túc cầu thế giới 3 lần liên tục: 2006 tại Đức, 2010 tại Nam Phi và 2014 tại Ba Tây. Các đội banh Châu Á cũng có cơ hội thi đấu với các cầu thủ Úc có vóc dáng và thể lực tương tự như các cầu thủ Châu Âu. Tóm lại, cả hai bên đều có lợi.

Năm nay, ASEAN ăn mừng sinh nhật 50 tuổi. Đường lối ngoại giao dựa trên nguyên tắc trao đổi hoặc mua bán song phương với phương châm đặt quyền lợi của nước Mỹ trên hết chắc chắn không phù hợp với 10 quốc gia có tầm vóc nhỏ và trung tận dụng cơ chế đa phương để nương tựa lẫn nhau. Ngay cả từ thời Obama, hai đồng minh truyền thống của Mỹ là Phi Luật Tân và Thái Lan đã nhích lại gần hơn với Trung Quốc. Sau khi Trump đắc cử thì tới Mã Lai và Việt Nam. Chỉ vài tuần trước đây, Tổng Thống Phi Luật Tân đã hủy bỏ ý định viếng thăm đảo Thị Tứ là đảo lớn nhất ở Trường Sa do Phi Luật Tân chiếm đóng sau khi Trung Quốc phản đối. Trước đó, Duterte hầu như đã đánh đổi chủ quyền ở bãi cạn Scarborough để lấy viện trợ kinh tế và đầu tư từ Trung Quốc cũng như Trung Quốc đã âm thầm cho phép tàu Phi Luật Tân trở lại đánh cá tại bãi cạn Scarborough. Gần đây hơn, Thái Lan đã công bố ý định mua 3 chiếc tàu ngầm lớp Nguyên S26T của Trung Quốc mỗi chiếc trị giá gần 400 triệu Mỹ kim. Không biết rồi đây khi hải quân Thái tập trận trung với Hoa Kỳ thì tàu ngầm Trung Quốc sẽ được sử dụng ra sao? Trung Quốc luôn muốn gây chia rẽ hoặc tạo khoảng cách giữa Mỹ và đồng minh và đang đạt được ít nhiều thành công về mặt này tại Châu Á. Tương tự như vậy, Mã Lai vừa công bố thành lập ủy ban hợp tác quốc phòng cao cấp với Bắc Kinh và ký hợp đồng mua 4 tàu chiến cận bờ từ Trung Quốc. Bằng những bước tiến ngoại giao không ồn ào, Trung Quốc ngày càng lấn sâu ảnh hưởng vào các quốc gia trong khu vực qua các hình thức mua chuộc kinh tế lẫn hăm dọa quân sự. 

Vào giữa tháng Giêng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến công du 4 ngày từ 12 – 15/1/2017 tại Bắc Kinh hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường. Bản Thông Cáo chung ghi nhận hai bên đã ký 14 văn kiện gồm có Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến năm 2025, Hiệp định khung về hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc. Có thể nói, 14 văn kiện nêu trên bao phủ toàn diện quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hoặc nhìn từ một góc cạnh khác, Nguyễn Phú Trọng đã ký cho phép Trung Quốc trói chặt Việt Nam để Bắc Kinh có thể tập trung đối đầu với Trump.

Về mặt an ninh, câu hỏi mà mọi người đặt ra là chính sách của Tổng Thống Trump về Biển Đông sẽ như thế nào. Trung Quốc hầu như đã trong tư thế khống chế được Biển Đông. Vào đầu tháng 2, Cựu Tư Lệnh Úc Angus Houston cho biết là ông đã nhìn thấy hình ảnh các đảo nhân tại tại Trường Sa và các phương tiện quân sự hầu như đã được hoàn tất và mang tính vĩnh viễn. Nhận xét này cũng được xác nhận bởi tổ chức Maritime Transparency Initiative (MTI) là Trung Quốc đã xây song căn cứ quân sự gồm có hệ thống radar, bệ phóng hỏa tiễn di động, nhà chứa cho phi cơ chiến đấu. Nhưng Việt Nam không có lời phản đối ngoại giao hoặc chính thức nào.

Vào đầu tháng 3 năm nay, Ngoại Trưởng Vương Nghị đơn phương công bố là Trung Quốc và ASEAN đã đạt thỏa thuận bản thảo Quy Tắc ứng Xử tại Biển Đông sau các phiên họp giữa hai bên tại Bali và Siem Reap. Nội dung của văn bản này sẽ là đề tài thảo luận chính tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN từ ngày 26 tới 29 tháng 4 tại Manila. Dự trù Quy Tắc Ứng Xử có thể hoàn tất trong năm nay hoặc trong năm 2018. Đây sẽ là bộ luật đầu tiên có tính ràng buộc cho mọi quốc gia trong khu vực do Trung Quốc thiết lập.

Vào đầu tháng 5, 10 Bộ Trưởng Ngoại Giao ASEAN sẽ tới Hoa Kỳ nhóm họp với Ngoại Trưởng Rex Tillerson để định hướng quan hệ Mỹ ASEAN trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump. Tuần trước, Ngoại Trưởng kiêm Phó Thủ Tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã tới Mỹ và hội đàm với Tillerson. Tillerson cũng chính thức xác nhận là Tổng Thống Trump sẽ tham dự APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 và trao thư mời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Hoa Kỳ. Quan hệ kinh tế và Biển Đông sẽ là hai đề tài chính trong quan hệ Mỹ Việt. Việt Nam là nước có lợi nhất từ TPP với GDP ước lượng gia tăng hơn 10% trong một thập niên và xuất cảng 28%. Khi khai tử TPP, Trump đã phủ nhận cơ hội tăng trưởng này. Ngoài ra, Trump đã ra lệnh cho Bộ Thương Mại duyệt xét lại cán cân mậu dịch thâm hụt kinh niên với một số quốc gia gồm có Trung Quốc (350 tỷ), Nhật (70 tỷ), Đức (65 tỷ), Mexico (63 tỷ) và Việt Nam (32 tỷ).

Quan hệ Mỹ Việt lên tới đỉnh cao dưới thời Obama thể hiện qua chuyến viếng thăm Mỹ của Tổng Bí Thư đảng CSVN là Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2015. Đáp lại, Tổng Thống Obama đến Việt Nam vào tháng 5 năm ngoái tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trên lý thuyết, Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương. Có nghĩa là làm bạn với tất cả mọi người nhưng không thân với ai hết. Nhưng thực tế là Việt Nam tìm cách đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là sau sự kiện giàn khoang Hải Dương 981. Nhưng Việt Nam sẽ không dễ dàng đu dây với Tổng Thống Trump. Từ khi nhậm chức đến nay, Trump hầu như không có lời bình luận gì về thực trạng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Qua cuộc hội đàm tại Mar-A-Lago vừa qua, tất cả mọi thứ đều là nhờ Trung Quốc giúp kềm chế Bắc Hàn. Không có bất cứ lời phát biểu nào liên quan tới Biển Đông. Trong mấy tháng qua, Mỹ không thực hiện thêm chiến dịch tuần tra tự do hàng hải nào. Tuy Bộ Quốc Phòng có gửi lời yêu cầu nhưng Nhà Trắng chưa chấp thuận. Trump là một tổng thống thực dụng tính toán lời lỗ qua từng chuyến giao dịch. Trước mắt là trong quan hệ làm ăn với Việt Nam, Hoa Kỳ không thấy lời mà chỉ có lỗ. Và chân lý này sẽ không bao giờ thay đổi khi Việt Nam vẫn còn duy trì thể chế độc tài đảng trị.

04.05.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo