10 năm “tù không tội” của Mẹ Nấm sẽ như “một giấc ngủ trưa” - Dân Làm Báo

10 năm “tù không tội” của Mẹ Nấm sẽ như “một giấc ngủ trưa”

Giáo Già (Danlambao) - Ngày 29-6-2017, tin được đài RFA, BBC và hầu hết các cơ quan truyền thông, quốc tế và địa phương, loan tin cho biết “Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên 10 năm tù giam vào chiều ngày 29/6/2017, sau gần một ngày xử án, với cáo buộc cô này tội danh tuyên truyền thống nhà nước theo các khoản a, b, c khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam” [Xem hình Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại một tòa án ở thành phố Nha Trang vào ngày 29/6/2017. AFP photo].

Ngay sau khi phiên xử kết thúc, một trong các luật sư tham gia bào chữa tại tòa cho Blogger Mẹ Nấm là luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết: “Lúc 5 giờ chiều ngày hôm nay, tòa tuyên 10 năm tù giam. Sức khỏe của Quỳnh thì khá tốt. Tinh thần rất minh mẫn. Sau phần tranh luận của các luật sư thì Quỳnh khẳng định mình vô tội. Khi nói lời sau cùng Quỳnh nói là tôi xin lỗi mẹ tôi và các con tôi, những việc làm vừa qua làm cho mẹ con cách xa, nhưng tôi chắc là tôi không cảm thấy xấu hổ, mẹ và con tôi cũng không cảm thấy xấu hổ.” Theo đánh giá của luật sư Thành thì bản án 10 năm tù giam là quá nặng. Luật sư Võ An Đôn cũng xác nhận Blogger Mẹ Nấm tuyên bố trước tòa là bản thân vô tội.

Thân mẫu Blogger Mẹ Mấm cũng lên tiếng phản đối bản án 10 năm mà tòa tuyên đối với con gái của bà.

“Con tôi đã trình bày ở tòa là những gì con tôi viết trên Facebook là quyền tự do biểu đạt của con tôi, bởi vì con tôi mong muốn một xã hội tiến triển hơn, làm đơn gửi các cấp nhưng không nơi nào trả lời, cho nên con tôi dùng Facebook để diễn đạt lại những ý tưởng của mình.”

Được biết, Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ cho quyền con người tại Việt Nam. Cô là một trong những người thành lập Mạng lưới Blogger Việt Nam. Nhóm xã hội dân sự độc lập này kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng về những vấn nạn tại Việt Nam như: 

- Tình trạng công dân chết bất minh tại đồn công an; 
- Tình trạng ô nhiễm môi trường; đặc biệt là vụ 
- Nhà máy Formosa thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá chết hằng loạt dọc theo 4 tỉnh bắc miền Trung…

Được biết thêm, cô đã từng được quốc tế vinh danh, với những giải thưởng đặc biệt, như:

1. Năm 2010, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận;

2. Năm 2015, Tổ chức Civil Rights Defenders, đặt ở Stockholm, trao giải thưởng Người Bảo vệ Quyền Công dân (Civil Rights Defender), nhân quyền. Bây giờ họ là một trong các tổ chức đã phê phán bản án, khẳng định với đài BBC rằng họ 'hoàn toàn ủng hộ' bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh; và 

3. Năm nay, 2017, cô là 1 trong 13 phụ nữ trên toàn thế giới được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh, với giải thưởng Phụ Nữ Can đảm Quốc tế; và được vinh danh bởi Phu nhân Tổng thống Melania Trump”.

Do Nhà nước cấm cô xuất cảnh, không cho ra khỏi nước, nên trong cả hai đợt, cô đều không thể đi nhận giải. 

Có điểm đặc biệt là tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ ngoại giao CS Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng phiên tòa diễn ra công khai theo đúng pháp luật Việt Nam; nhưng theo thông tin của nhiều người có mặt tại thành phố Nha Trang thì người ta không được tự do vào tham dự phiên tòa, với an ninh được siết chặt xung quanh khu vực tòa án. Ngay cả mẹ của cô chỉ được vào tòa sau nhiều phản kháng quyết liệt, nhưng cũng không được trực tiếp xem tòa xử, mà chỉ được theo dõi trên màn hình ở một phòng khác.

Có điểm khá nực cười là trong cáo trạng, được tiết lộ trên mạng của CSVN, có chi tiết ghi rằng “Giải thưởng nhân quyền, trị giá 50.000 euro, ‘thuộc về tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam’, nhưng bà Như Quỳnh ‘đã sử dụng vào mục đích cá nhân’." Nhưng, khi được BBC đặt vấn đề về việc sử dụng số tiền giải thưởng, tổ chức Civil Rights Defenders trả lời: "Chúng tôi không muốn bình luận về các chi tiết của cáo trạng. Nhưng chúng tôi có thể xác nhận giải thưởng 2015 được trao cho bà Như Quỳnh vì công tác nhân quyền quan trọng của bà, và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng bà." Ngoài ra, một thông cáo riêng rẽ của Civil Rights Defenders nói bản án cho thấy "gương mặt đàn áp của Việt Nam và sự thiếu tôn trọng nhân quyền của nhà nước CSVN". Trước phiên tòa, Civil Rights Defenders cùng một nhóm nhân quyền khác, và Ân xá Quốc tế, đã ra thông cáo chung kêu gọi Việt Nam thả bà Như Quỳnh.

Mặt khác, Mạng lưới Blogger Việt Nam hôm 29/6 cũng ra thông cáo nói: Qua bản án, Việt Nam "đã xem thường dư luận quốc tế, tiếp tục vi phạm những hiệp ước ký kết với quốc tế về nhân quyền". Được biết, ra đời tháng 12/2013, Mạng lưới Blogger Việt Nam nói họ muốn "góp phần phát huy nhân quyền, tranh đấu cho tự do, bảo vệ phẩm cách và giá trị của con người" [Xem phụ đính].


Hôm sau, 30/6/2017, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà BÄrbel Kofler [xem hình], đã tuyên bố như sau: 

"Tôi thấy bàng hoàng trước việc nhà hoạt động Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù giam. Bản án vì động cơ chính trị rõ ràng này đã đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền và vi phạm các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết. Mức án nặng còn cho thấy sự bất hợp lý và thiếu cân nhắc đối với quyền căn bản về tự do biểu đạt và tự do báo chí được Hiến pháp Việt Nam đảm bảo.

Chị Quỳnh đã đấu tranh chống tham nhũng và các tiêu cực trong xã hội. Bằng các bài viết của mình, chị đã khiến dư luận chú ý đến số lượng lớn các trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân trong trại giam và trại tạm giam. Bên cạnh đó, chị còn tranh đấu không biết mệt mỏi cho các ngư dân bị ảnh hưởng bởi vấn nạn môi trường tại miền Trung Việt Nam và gia đình của họ. 

Việc các cơ quan chức năng trừng phạt những nỗ lực vì quyền tự do dân sự, môi trường, và bảo vệ người tiêu dùng nói trên, cũng như trong các trường hợp blogger khác, bằng việc đàn áp, bắt bớ và giam giữ là một dấu hiệu đáng báo động – đặc biệt là khi quan sát các nỗ lực cải cách trong lĩnh vực hành chính, môi trường, và bảo vệ người tiêu dùng, mà Chính phủ đã tuyên bố; bởi nếu không có các nỗ lực dân sự và sự tăng cường minh bạch thì mục tiêu hiện đại hóa đất nước một cách bền vững sẽ không thể đạt được.

Bản án khiến tôi đau buồn khi nghĩ đến số phận của chị Quỳnh và hai con vị thành niên của chị ấy. Điều đáng buồn nữa là Chính phủ Việt Nam không tận dụng tiềm năng của các công dân tận tâm cho việc thúc đẩy sự phát triển đất nước. Tôi hi vọng rằng tòa sẽ tuyên vô tội ở phiên xét xử phúc thẩm."

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế, vào ngày 29 tháng 6, cũng lên tiếng chỉ trích bản án 10 năm tù mà tòa tỉnh Khánh Hòa tuyên đối với Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngay sáng ngày 29/6, phát ngôn viên Heather Nauert nói với báo giới Hoa Kỳ rằng: "Quỳnh đã bị tuyên án 10 năm với một bản án mơ hồ về tội chống phá nhà nước. Cách đây không lâu, cô đã được vinh danh bởi Phu nhân Tổng thống Melania Trump." Dịp nầy, Bà Nauert kêu gọi Việt Nam "Thả Mẹ Nấm và tất cả những tù nhân lương tâm khác ngay lập tức và cho phép các cá nhân Việt Nam quyền tự do biểu đạt và hội họp mà không sợ bị trả đũa."

Cũng hôm sau, 30/6/2017, nhân Ngày Vận động Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 7, các giới chức ngoại giao, những nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam, và những người quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam, đã lên tiếng về việc Việt Nam tuyên án tù với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, về tình hình nhân quyền của Việt Nam hiện nay, và những áp lực Hoa Kỳ có thể tạo cho Việt Nam nhằm thay đổi tình hình đó.

Trước đây, hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bà Virgina Bennett, cũng là trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại cuộc Đối thoại Nhân Quyền Hoa Kỳ - Việt Nam diễn ra, cho biết hai bên đã cùng nhau nhìn nhận nhiều vấn đề về nhân quyền còn tồn tại ở Việt Nam, và phía Hoa Kỳ rất kỳ vọng vào những thay đổi của Chính phủ Hà Nội sau buổi đối thoại; nhưng phía Hoa Kỳ chưa dừng lại ở đó mà sẽ còn tiếp tục lên tiếng đấu tranh cho quyền con người của người dân Việt Nam, Bà nói: 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về những trường hợp cần được quan tâm đặc biệt, những trường hợp bị đàn áp, hành hung dã man, những trường hợp công an đàn áp người dân chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các giới chức chính quyền giải quyết các vụ tranh chấp đất đai và những vụ bị cướp đất vì lý do tôn giáo. Và chúng tôi sẽ lên tiếng yêu cầu những nhóm tôn giáo phải được quyền thực thi tôn giáo của họ mà không bị hạch sách các thủ tục dài dòng. Tổng thống Donald Trump sẽ sang Việt Nam vào tháng 11 năm nay để dự hội nghị thượng đỉnh APEC và chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng những tiến triển về nhân quyền của Việt Nam rất quan trọng để mối quan hệ của hai nước đạt được tiềm năng tối ưu và chúng tôi dự tính sẽ lồng chuyện nhân quyền vào mọi vấn đề quan hệ song Phương với Việt Nam”.

Trả lời phỏng vấn đài RFA về bản án 10 năm tù Việt Nam vừa tuyên phạt Mẹ Nấm, ông Grover Joseph Rec, Cựu đại sứ Mỹ ở Đông Timor, nói rằng bản thân ông rất buồn khi nhận được thông tin này. Nói về tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, ông Rec cho rằng tự do, dân chủ của Việt Nam hiện đang trong tình trạng đáng báo động.

Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ), ngay sau khi có tin về bản án 10 năm tù mà Tòa án Tỉnh Khánh Hòa tuyên cho Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Giám đốc phụ trách chương trình Châu Á của CPJ, ông Steven Butler, vào ngày 29 tháng 6, lên tiếng từ Washington D.C. rằng: 

"Những biện pháp khắc nghiệt mà Việt Nam áp dụng đối với những nhà báo như cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là điều đáng hổ thẹn đối với giới cầm quyền đất nước (Việt Nam). Lẽ ra cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không phải ở tù một ngày nào. Việc kết án tù cô này 10 năm trời do những bài viết là một sự bất công ghê gớm".

Ủy ban Văn bút Quốc tế Bênh vực Nhà văn bị cầm tù cũng ra thông cáo lên án việc kết án Blogger Mẹ Nấm, một tiếng nói chỉ trích chính quyền Hà Nội. Ủy ban nhận định rằng: "Blogger Mẹ Nấm trở nên mục tiêu của chính quyền chỉ vì cô thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa". Như Hoa Kỳ và những tổ chức bảo vệ quyền con người khác, Ủy ban "Kêu gọi Việt Nam phải hủy bỏ bản án và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện, cho Blogger Mẹ Nấm theo Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết".

Các chuyên gia Liên hiệp Quốc về nhân quyền, vào ngày 30 tháng 6, cũng ra "Thông cáo lên án biện pháp bỏ tù Blogger Mẹ Nấm của chính quyền Hà Nội. Theo đó Việt Nam phải chấm dứt cái được cho là khuôn mẫu nhắm đến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, mà trường hợp mới nhất là Blogger Mẹ Nấm". Theo những chuyên gia này thì: "Biện pháp giam giữ đối với Blogger Mẹ Nấm chín tháng trời trước khi đưa ra xét xử vào ngày 29 tháng 6 là tùy tiện. Phiên xử như là một trình diễn nhằm mục đích đe dọa những nhà hoạt động bảo vệ môi trường khác. Phiên xử bị cho là không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và bản thân Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị từ chối quyền có được tiến trình xét xử đúng đắn."

Phần phái đoàn Liên minh Châu Âu, ông Trưởng Phái đoàn Bruno Angelet, cũng ra tuyên bố nói rằng: "Việc bắt giữ này đi ngược lại với những cam kết về nhân quyền trong nước và quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam là một thành viên từ năm 1982, và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam."

Nói về chuyện thách đố dư luận quốc tế của CSVN, cũng cần biết thêm là "Hai dân biểu Liên bang Đức, Martin Patzelt và Philip Lengsfeld, không được phép thăm tù nhân lương tâm Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hiện phải thụ án tù với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân…’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam”.

Một vấn nạn khác nữa là Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vào ngày 26 tháng 6 bày tỏ thái độ bàng hoàng khi biết tin cựu tù chính trị VN là giảng viên Phạm Minh Hoàng [xem hình] vừa bị nhà cầm quyền Hà Nội trục xuất khỏi quê mẹ, hôm tối thứ bảy 24 tháng 6 vừa qua. Tổ chức này nhận định: “Biện pháp chưa từng có của Hà Nội trong việc tước quốc tịch của công dân Việt Nam Phạm Minh Hoàng là nhằm bịt miệng tiếng nói bất đồng hàng đầu này tại Việt Nam”. Tổng thư ký Christopher Deloire của Tổ chức lên tiếng nói rõ theo pháp luật Việt Nam biện pháp đó không thể áp dụng đối với người sinh ra tại Việt Nam như ông Phạm Minh Hoàng.

 

Theo Human Rights Watch thì; qua biện pháp cưỡng bức, trục xuất ông Phạm Minh Hoàng; nhà cầm quyền Hà Nội đã vượt qua làn ranh đỏ đối với các quyền tự do bày tỏ, quyền quốc tịch, các quyền dân sự và chính trị cơ bản. Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, cho rằng không có lý lẽ nào có thể biện minh cho hành động phi pháp, vi phạm nhân quyền của Hà Nội khi đột ngột cách ly một người chồng ra khỏi vợ và gia đình ông ta… Đó là cách hành xử của một chế độ toàn trị, độc đảng, với thành tích vi phạm quyền con người tồi tệ nhất hiện nay, trong khối những nước ASEAN.

Tin đài VOA ngày 29/6/2017 cho biết “Một số nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam bày tỏ thất vọng về thái độ có vẻ thờ ơ của Pháp, và cho rằng phản ứng của Pháp là không đủ quả quyết.” Về mặt pháp lý, luật sư Lê Công Định cho rằng cả quyết định tước quốc tịch, giải pháp trục xuất và việc thi hành lệnh trục xuất của Việt Nam đối với ông Hoàng đều vi phạm pháp luật, ông nói: 

“Việc trục xuất anh Hoàng dựa trên một quyết định được ban hành sai pháp luật. Đáng tiếc là khi tước quốc tịch anh Hoàng, Chủ tịch nước ký một văn bản không có cơ sở pháp lý. Trong khi đang khiếu kiện quyết định này thì lẽ ra họ phải dừng lại. Đằng này họ cho thi hành quyết định. Tôi nghĩ cách thi hành cũng không đúng luật, vì việc tước quốc tịch của một người không đương nhiên dẫn đến việc trục xuất người đó ra khỏi Việt Nam. Giả định rằng việc trục xuất là hợp pháp, thì việc trục xuất cũng phải dựa trên một thủ tục đàng hoàng, chứ không thể là bắt cóc rồi sau đó tìm cách trục xuất mà không cho gia đình tiếp xúc. Tôi cho rằng cả ba bước từ lúc ban hành quyết định, chọn giải pháp trục xuất, và cách thi hành, đều trái pháp luật.” 

Từ đó, Luật sư Định nhận định “Pháp có vẻ không quan tâm đến trường hợp này”. Phải chăng vì “Họ (Pháp) đặt quyền lợi kinh tế lên hàng đầu”. 

Cũng từ đó, có người không ngần ngại nhận định thêm rằng “Đàn áp bất đồng chính kiến được xem là có lợi cho giới làm ăn tại Việt Nam”. Mặt khác, các nhà phân tích kinh tế nói “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy một khía cạnh tích cực của chiến dịch đàn áp thành phần bất đồng chính kiến ở Việt Nam, và qua đó họ cảm thấy an tâm và kỳ vọng vào tính ổn định của môi trường kinh doanh tại quốc gia với chế độ độc đảng này”. Họ không dám ra mặt hả hê, nhưng dưới mắt họ công an và côn đồ mặc thường phục đánh đập những nhà tranh đấu cho nhân quyền và blogger trong 36 vụ hành hung khác nhau từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017, gây thương tích nghiêm trọng, theo Human Rights Watch, chẳng khiến họ quan tâm. 

Các nhà phân tích trong nước nói giới đầu tư ngoại quốc và những người khác làm ăn ở Việt Nam, hoặc là nhắm mắt làm ngơ trước chiến dịch đàn áp đó, hoặc coi đây như chỉ dấu cho thấy chính quyền đang triệt tiêu dần những mối đe dọa có thể có đối với chương trình thúc đẩy kinh tế, một nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Viện Mekong Economics ở Hà Nội, nói: “Hiện nay hầu như ai cũng hiểu ngầm rằng chế độ độc đảng Việt Nam sẽ tồn tại vô hạn định, và vì vậy, chỉ trích chế độ một cách công khai là kể như rước họa vào thân.” Ông này nói thêm: “Giới doanh nhân thích sự ổn định theo lối ấy. Họ có thể phản đối nó về phương diện đạo đức, hoặc các giá trị dân chủ, nhưng trên phương diện kinh doanh, thì đó là một môi trường ổn định để làm ăn.”

Như vậy thì duy trì chế độ độc đảng chỉ có lợi cho nhóm lợi ích cùng bọn quan quyền CSVN và giới đầu tư nước ngoài mà thôi. Phần người dân chẳng được lợi ích gì cả. Chính người dân là đối tượng bị hai phía bóc lột thậm tệ: bọn đại gia cấu kết với quan quyền tư bản đỏ CSVN và bọn tư bản đầu tư nước ngoài. Tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm Obama, qua cửa miệng Đại sứ ở Hà Nội Ted Osius, từng cho biết Hoa Kỳ không có chủ trương “Lật Đổ Nhà Nước VN”.

Do vậy, vấn đền còn lại là người dân phải đương đầu với bọn cầm quyền độc đảng độc tài CSVN để lật đổ nhà nước CSVN, mà sau 42 năm tưởng như trường trị đang bị tuổi trẻ tiếp bước cha anh đạp qua nỗi sợ để tiến lên dồn chúng đến bờ vực sụp đổ.

Điển hình mới nhứt cho thấy “bờ vực sụp đổ” là khả năng coi như sở trường lừa bịp quần chúng của CSVN là đấu tố coi như hết hiệu lực, qua vài cuộc đấu tố ở Nghệ An. Đó là trường hợp được chúng cho thực hiện vào sáng ngày 6/5/2017 tại địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tại đây đã diễn ra một cuộc biểu tình kêu gọi chống linh mục Đặng Hữu Nam. Từ những video clips và hình được CSVN đưa lên mạng xã hội của chúng cho thấy một số trẻ em từ các trường học, tay cầm cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, vừa đi, vừa chạy và hô to: “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm”! Về phần quần chúng thì coi như họ bị tập trung lấy lệ…[xem hình].


Phóng viên RFA liên lạc với Linh mục Đặng Hữu Nam vào tối thứ Bảy, ngày 6 tháng 5, được ông xác nhận: Chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu, phòng Giáo dục, Sở Giáo dục đã tổ chức cho người dân biểu tình để phản đối tôi. Trong động thái trước đó họ đã huy động các thành viên câu lạc bộ cựu chiến binh để đấu tố tôi trong những cuộc họp rồi đưa lên mạng truyền thông”. Nói về những học sinh này, Linh mục Nam cho biết: “Theo lệnh của Sở, Phòng giáo dục, có những thông tin là họ buộc học trò phải đi biểu tình vì nếu không đi, sẽ không cho thi tốt nghiệp, không cho chuyển cấp hoặc hạ hạnh kiểm.”

Trước đó hai ngày, cư dân mạng xã hội Facebook đã truyền nhau các video clips hình ảnh phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, ông Hồ Ngọc Dũng về chỉ đạo cuộc đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam. Chiến dịch đấu tố này là một chuỗi những thủ đoạn của ban tuyên giáo tỉnh Nghệ An nhằm trả thù việc Linh Mục Nam đã không chấp hành chỉ thị tổ chức “ăn mừng chiến thắng” ngày 30 tháng 4 năm nay. Trái lại, Linh Mục Đặng Hữu Nam đã cùng với Linh Mục Trần Đình Thục tổ chức cuộc tuần hành phản đối Formosa, với nhiều biểu ngữ coi ngày 30 tháng 4 là ngày tưởng niệm những nạn nhân đã chết trong cuộc nội chiến ở miền Nam Việt Nam do đảng CSVN phát động. Những diễn tiến của các cuộc đấu tố nói trên được tổ chức rất quy mô và tốn kém, vì mỗi người tham dự được Huyện Quỳnh Lưu trả từ 50 ngàn đến 200 ngàn đồng. Nhưng mọi toan tính chỉ càng làm cho bà con ngư dân và giáo dân thêm phẫn nộ và cương quyết hơn. Nó khiến chính quyền Tỉnh Nghệ An lúng túng và lo sợ.


Do vậy, chúng đã không ngăn cản nổi các cuộc biểu tình lên án Formosa và nhà cầm quyền CSVN ở các địa phương, như cuộc biểu tình của hơn 2000 người dân ở giáo xứ Cồn Sẻ (Ba Đồn, Quảng Bình) vào trưa ngày 7/7/2016, nhằm phản đối Formoa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên Huế. Theo báo Cali Today, người biểu tình đi một đoạn đường khoảng 2km thì bị lực lượng chính quyền ở tỉnh Quảng Bình, bao gồm công an và đủ các thành phần, chừng mấy trăm người, với trang bị dùi cui, súng bắn đạn cay… chặn đường, không cho người biểu tình đi, dẫn nên đến xô xát. Họ yêu cầu Formosa cải tạo lại môi trường biển! Yêu cầu Formosa rời khỏi Việt Nam! Cuộc biểu tình bị đàn áp thô bạo. Rất nhiều người dân bị đổ máu, thương tích nghiêm trọng [xem hình].

Đến ngày 26/6/2017, tin được đài RFA cho biết khoảng 500 người dân ở giáo họ Yên Nghĩa, giáo xứ Liên Hoà, giáo phận Vinh, tỉnh Quảng Bình, biểu tình đòi hỏi quyền lợi liên quan đến ô nhiễm môi trường biển, an ninh xã hội, và việc hút cát bừa bãi gây ra tình trạng sạt lở trong thời gian vừa qua. Những người tham gia gồm thiếu nhi và người lớn, mang cờ ngũ sắc và các băng rôn với khẩu hiệu như: “Formosa get out of Vietnam”, “Dối trời lừa dân, đủ muôn ngàn kế”, “Khởi tố Formosa vì Đồng bào” [xem hình].

 

Trả lời RFA qua điện thoại, một bạn trẻ cho biết ba nguyên nhân chính dẫn đến cuộc biểu tình gồm "Thứ nhất là về cát, hút cát trái phép dẫn tới trường lợp sạt lở đất, mồ mả trôi hết. Vấn đề thứ hai là họ đòi về bồi thường lao động giống như Cồn Sẻ vừa rồi, chưa đền bù cho họ. Vấn đề thứ ba họ đòi nhà nước phải giải quyết về vấn đề an ninh xã hội, nông thôn mới." Được biết Giáo xứ Liên Hòa do linh mục Phêrô Thân Văn Chính quản xứ với hơn 2.500 bà con giáo dân.

Ba ngày sau, ngày 29/06/2017, cũng tin được đài RFA cho biết “Hàng ngàn giáo dân hạt Kỳ Anh, Hà Tĩnh, thuộc giáo phận Vinh, tuần hành biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường cho địa phương. Theo nguồn tin từ những người xuống đường thì đoàn người hoặc đi bộ hoặc đi xe gắn máy, diễu hành trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn Kỳ Lợi, Kỳ Anh với băng rôn có nội dung đòi hỏi được bồi thường vì từ sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển từ năm ngoái đến giờ họ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ khoản 500 triệu đô la Mỹ mà chính phủ Hà Nội nhận từ phía Formosa" [xem hình]. Sau cuộc tuần hành, mọi người tụ về quảng trường Giáo xứ Đông Yên tham dự thánh lễ dưới sự hướng dẫn của Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Khiêm Cường, cầu nguyện cho môi trường biển và những ngư dân đang gặp khó khăn do biển bị ô nhiễm.


Như vậy, cuộc đối đầu giữa một bên là CSVN độc đảng độc tài dẫn đầu bọn gian thương vàng đỏ đủ loại, bọn quan quyền tư bản đỏ, các nhóm lợi ích ký sinh bám hút tài nguyên quốc gia, các quốc gia đặt đặc lợi trên nhân quyền; với một bên là dân tộc Việt Nam với lớp người trẻ tiếp bước cha anh đấu tranh cho tụ do dân chủ nhân quyền, đấu tranh cho dân tộc sinh tồn.

Cuộc đối đầu cho thấy thế lùi của CSVN đang gần kề bờ vực sụp đổ, trong lúc thế tiến của người quốc gia VN đang bước mau trên đại lộ bình minh quang phục đất nước. Từ đó, trở lại với vụ án Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không ai không khâm phục câu nói của cô trước tòa: 

“Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con. Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”.

Cũng từ đó, Giáo Già nhớ lại câu nói của Bà Trần Thị Hài khi so sánh những ngày tù CSVN dành cho Bà chỉ như một giấc ngủ trưa. Không ai tin Mẹ Nấm có thể ngồi hết 10 năm tù, khi thời gian tù không tội của Mẹ Nấm chỉ như một giấc ngủ trưa.



______________________________________

Phụ đính

Tuyên bố của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về bản án 10 năm tù đối với blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

1. Bản án 10 năm tù của chế độ áp đặt lên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh một lần nữa khẳng định rằng những hoạt động ôn hòa để cải thiện tình trạng Nhân Quyền tồi tệ; bảo vệ môi trường bị hủy hoại và sức khỏe người dân bị đe dọa; chấm dứt tình trạng công dân bị tra tấn, đánh đập đến chết trong các đồn công an, nhà tù, các trụ sở công quyền do công an quản lý; bảo vệ chủ quyền quốc gia; xây dựng tự do dân chủ tại Việt Nam là đi ngược lại chủ trương và chính sách của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Bản án này cũng một lần nữa cho thấy nhà nước CSVN đã xem thường dư luận quốc tế, tiếp tục vi phạm những hiệp ước ký kết với quốc tế về nhân quyền.

2. Bản án nặng nề nhất đối với một người phụ nữ hoạt động nhân quyền và dân sinh, một người mẹ có hai con nhỏ đã thể hiện rõ rệt bản chất vô nhân của nhà cầm quyền. Dưới sự thống trị và chỉ đạo của đảng cộng sản, công an lẫn quan tòa vốn là những đảng viên cộng sản đã đứng trên luật pháp, lạm dụng quyền lực, sử dụng các định chế quốc gia để khủng bố, trả thù công dân bất đồng chính kiến.

3. Bản án 10 năm tù không chỉ là bản án riêng đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mà còn là một thông điệp khủng bố, đe dọa tinh thần mà chế độ muốn răn đe những công dân yêu nước, những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Mọi hành động cải thiện xã hội, đời sống con người, môi trường sống đều bị cáo buộc là "lợi dụng" để tuyên truyền chống đối chế độ và bị tuyên án nặng nề.

4. Nạn nhân gánh chịu bản án 10 năm này với những hệ quả bi thảm về tinh thần, đời sống không chỉ là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vốn là người có ý chí sắt đá và nghị lực can trường. Những nạn nhân đó còn là con gái Nguyễn Bảo Nguyên (Nấm) 11 tuổi, con trai Nguyễn Nhật Minh (Gấu) 5 tuổi và người mẹ già Nguyễn Tuyết Lan của Quỳnh. Các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam sẽ làm tất cả những gì cần làm để góp phần với gia đình Quỳnh chăm sóc nuôi Nấm và Gấu như vẫn đang làm trong suốt 8 tháng qua từ ngày Quỳnh bị bắt giam vô lối và như đã từng làm với tất cả các thành viên trong gia đình MLBVN.

5. Bạo lực, nhà tù và mọi bản án tù đày đều không thể giết chết được khát vọng tự do và hoài bão phục vụ tổ quốc của những công dân yêu nước. Nó đã không cầm tù được tinh thần và ý chí của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: "Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn"; và khẳng định của Quỳnh khi nói với Mẹ: "Con xin lỗi mẹ và 2 con vì những gì con làm đã khiến tình mẫu tử mẹ con bị chia cắt lâu dài, nhưng con không ân hận về những gì mình đã làm. Và nếu như phải lựa chọn lại, con sẽ vẫn làm như vậy." Những thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam sẽ tiếp tục ngọn lửa sáng ngời và con đường của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - người đồng sáng lập Mạng Lưới và là người chị, người em, người bạn đồng hành có rất nhiều tình nghĩa và luôn luôn sống chết với anh chị em.

6. Mạng Lưới Blogger Việt Nam sẽ tiếp nối ý chí bất khuất và tinh thần dấn thân của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và kêu gọi mọi công dân Việt Nam hãy vượt qua nỗi sợ hãi để cùng nhau phấn đấu nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam sẽ không còn có một công dân nào phải gánh chịu những phiên tòa rừng rú và bản án oan nghiệt như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và những người bất đồng chính kiến khác. Bản án của chế độ áp đặt lên blogger Mẹ Nấm đã không giết chết được khát vọng và ý chí của chị. Nó cũng sẽ không bao giờ thủ tiêu được khát vọng và ý chí của chúng ta. 

Ngày 29 tháng 6 năm 2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo