Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Tại sao báo chí, truyền thông Đức loan tin quá chậm? - Dân Làm Báo

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Tại sao báo chí, truyền thông Đức loan tin quá chậm?

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Khởi sự từ một status của nhà báo Huy Đức trên Facebook ngày 30.07.2017, đưa tin: “Trịnh Xuân Thanh đã về Việt Nam mà sao báo chí có vẻ im ắng nhỉ”, các trang báo mạng Việt Nam mấy ngày qua trở nên nóng hơn nhưng ngày hè cuối tháng bảy năm nay ở Sacramento.

Tuy nhiên có một điều lạ là, trong khi báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin vào ngày 31.07.201 Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú thì tờ Thời Báo, một tờ báo online nằm ở Berlin, thủ đô CHLB Đức, lại loan tin Trịnh Xuân Thanh bị gián điệp của Việt Nam bắt cóc. Ngay sau đó, ông Lê Trung Khoa, Tổng Biên tập tờ Thời Báo nói chuyện trong chương trình Bàn tròn BBC, với sự tham gia của tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ VN, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, cũng khẳng định Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại nhà riêng vào ngày 23.07.2017, bởi gián điệp Việt Nam.

Cùng lúc đó, có một nguồn tin khác cho biết vụ bắt cóc xảy ra khi Thanh đang đi dạo với một phụ nữ là cán bộ của Bộ Công thương, ở công viên Tiergarten gần nhà. Khi Thanh bị bắt cóc, có một số nhân chứng người Đức trông thấy và chính những người này báo cho cảnh sát biết.

Bên cạnh câu hỏi: “Tại sao cảnh sát Đức không phản ứng gì khi có nhân chứng báo về vụ bắt cóc?” Còn thêm một câu hỏi khác: “Tại sao vụ bắt cóc Thanh xảy ra ngày 23.07.2017 với một số nhân chứng người Đức trông thấy, mà phải 10 ngày sau báo chí Đức mới đồng loạt loan tin?” Ngay cả khi bài viết của ông Trung Khoa xuất hiện trên Thời Báo, sau đó là video clip của BBC nói trên được phát tán trên YouTube vào ngày 31.07.2017, báo chí, truyền thông Đức vẫn chưa hề hay biết. Bộ ngoại giao Đức lúc đó khi được hỏi, còn nói họ chưa có tin tức gì về chuyện của Trịnh Xuân Thanh.

Trong clip, ông Trung Khoa khẳng định vài giờ nữa phía Đức sẽ ra một thông cáo về chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhưng 2 ngày sau báo chí Đức mới lên tiếng. Như vậy khi có cuộc nói chuyện ở bàn tròn BBC, chính phủ, cảnh sát, truyền thông Đức vẫn chưa biết gì về vụ bắt cóc cho đến khi Việt Nam cung cấp tin tức cho họ.

Có thể đặt ra một giả thuyết: Tình báo của cộng sản VN, với sự cộng tác của tòa đại sứ của Hà Nội ở Berlin, cùng một số ít mafioso VN còn tồn tại từ thập niên 90 đã bắt cóc được Thanh một cách êm thắm. An ninh và tình báo Đức hoàn toàn không hề hay biết, đến khi thoibao.de tung tin, cùng lúc các nguồn tin khác được khuấy động lên với video clip, an ninh, tình báo Đức mới hay. Chẳng lẽ trình độ, khả năng của an ninh, tình báo Đức hạch đụi đến mức đó sao? Chưa chắc!

Nếu điều này Đúng thì Quốc Tế Tình Báo Sở của Việt Cộng phải là bậc thầy của cơ quan tình báo Đức BND (Bundes Nachrichten Dienst). Ngay cả MOSSAD, sở tình báo Israel cũng cần phải qua Việt Nam học hỏi thêm chăng?

Chẳng qua những vụ phạm pháp, các vụ hình sự trước đây trong thập niên 90 trong cộng đồng người Việt ở phía Đông Berlin với hầu hết là khách thợ cũ đến Đức từ miến Bắc Việt Nam theo dạng khách thợ (guest worker), cảnh sát, an ninh, tình báo Đức ít khi để ý, quan tâm. Biết bao nhiêu vụ án mạng, thanh toán nhau đẫm máu, bắn giết nhau chết một lúc 5-6 người vì tranh giành địa bàn buôn thuốc lá lậu giữa các băng đảng mafia VN, hầu như chỉ được điều tra qua loa, lấy lệ. Thế nhưng đến khi cần, chỉ một vài đợt càn quét, các băng đảng này đều bị dẹp tan, chỉ còn một thiểu số rất ít, rời rạc, hoạt động lẻ tẻ.

Từ giả thuyết trên có thêm một vấn đề: “Làm sao đưa Trịnh Xuân Thanh về nước? Về bằng phương tiện gì?” Với khoảng cách hơn 10.000 km giữa Đức - Việt Nam, việc đưa Thanh về nước chỉ có thể thực hiện bằng đường hàng không với phi cơ phản lực loại lớn bay đường dài.

Tuy nhiên, làm sao để đưa Thanh lên phi cơ mà việc bắt cóc không bị lộ? Lý do là Thanh chỉ cần la lối, vùng vẫy, gây chú ý ở các cổng kiểm soát an ninh, lập tức cảnh sát sẽ can thiệp ngay, việc bắt cóc sẽ đổ bể, hơn nữa những kẻ bắt cóc không thể mang theo vũ khi khi áp giải Thanh đi qua các máy kiểm soát an ninh. CSVN không thể thuê mướn một chiếc phi cơ phản lực lớn, loại Airbus A- 343 hay Boeing B-767, B-8-787 bay đường dài trên 10.000 km để chỉ chở Thanh và vài người nữa về VN vì quá tốn kém. Hơn nữa rất khó lòng thuê được bãi đậu cho phi cơ trong khu vực vãng lai VIP trong thời gian tìm bắt Thanh không biết sẽ kéo dài bao lâu.

Từ đó có thể kết luận rằng, việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là có thật, nhưng trong thời gian giam giữ, những người bắt cóc đã thuyết phục được Thanh trở về Việt Nam đầu thú, sẽ được khoan hồng, còn nếu không họ dọa sẽ giết Thanh bịt miệng, đồng thời sẽ hãm hại luôn cả vợ con Thanh. Vì vậy, Thanh đồng ý trở về Việt Nam đầu thú với những cam kết “khoan hồng” nào đó của Nguyễn Phú Trọng.

Có nguồn tin cho rằng Thanh trở về Việt Nam từ Cộng Hòa Malta, một nước nhỏ ở Địa Trung Hải, gồm 3 hòn đảo phía Nam Âu châu, với dân số khoảng 390. 000 người. Nhiều người sẽ thắc mắc, làm cách nào đưa Thanh từ Đức tới Malta mà không bị phát giác? Thật ra chuyện này dễ hiểu, Thanh có visa vào Liên minh châu Âu, với visa này Trịnh Xuân Thanh có thể đi qua 28 nước không bị làm khó dễ. Không bị làm khó dễ, nhưng không có nghĩa là không bị xét hỏi.

Việc bắt cóc Thanh xảy ra êm ả, chính quyền Đức không hề hay biết cho đến 9-10 ngày sau, khi những tin tức về Thanh được BBC phổ biến, và từ trang Thời Báo và báo chí trong nước loan tin liên tục, báo chí, truyền thông Đức mới biết, tin tức từ đó lan qua tới Đức khiến bộ ngoại giao Đức phải “vào cuộc”.

Lý do nào vụ bắt cóc Thanh được khuấy động ầm ĩ sau gần 10 ngày khi Thanh đã nằm trong tay chế độ CSVN? Có thể là một vụ đấu đá nhau giữa phe Nguyễn Phú Trọng và phe “đồng chí X”. Cách trả đòn hay nhất của phe Ba X trong lúc này là gây khó khăn cho phe Cả Trọng trong vấn đề ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Thanh vẫn là quân cờ chính mà hai bên đang giành giật để điều khiển, khai thác, hạ bệ nhau.

Quan hệ ngoại giao Đức - Việt sẽ rất căng thẳng trong những ngày sắp tới, Đức lại là một trong hai nước lãnh đạo Liên Âu là Pháp và Đức. Đại sứ Việt Nam đã bị bộ ngoại giao Đức triệu tập để trả lời về vụ bắt cóc này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đức, ông Martin SchÄfer yêu cầu tùy viên đặc trách tình báo của Việt Nam ở tòa đại sứ Berlin phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ đồng hồ, đồng thời cũng yêu cầu phía Việt Nam trao trả Trịnh Xuân Thanh lại cho Đức.

Chế độ CSVN sẽ hành động như thế nào trước đòi hỏi này của Bộ Ngoại Giao Đức? Ba X chắc đang vừa giặt quần cho vợ vừa cười tủm tỉm. Sẽ còn hứa hẹn nhiều màn hấp dẫn trong chiến dịch “Đả Hổ, Diệt Ruồi” của Nguyễn Phú Trọng.

03.08.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo