Học và thi cử ở nước Việt Nam cộng sản - Chuyện "vũ như cẩn" không có gì để ầm ỹ - Dân Làm Báo

Học và thi cử ở nước Việt Nam cộng sản - Chuyện "vũ như cẩn" không có gì để ầm ỹ

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Với nguyên lý hồng hơn chuyên và nguyên tắc lý lịch phải là hạt giống đỏ, hay có ba đời thuộc hạng bần cố nông, mới có được vị trí đứng trong sơ đồ thiết chế quyền lực của chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay, tức được bố trí, sắp xếp vào hệ thống tổ chức công quyền nắm giữ quyền lực cai trị ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lãnh vực. Do đó, hiện tượng "con vua thì lại làm vua, con sải giữ chùa đi quét lá đa" trong thời phong kiến, không những được cộng sản Hà Nội vực dậy cho sống lại, mà đã là vấn đề sống còn, được áp dụng triệt để hơn, chặt chẽ hơn, khi công khai, lúc ngấm ngầm, biến hóa dưới chiêu bài lưu manh là kế thừa sự nghiệp cách mạng để trở thành một sự việc có tính hiển nhiên, chắc chắn phải như vậy trên đất nước Việt Nam cộng sản, bởi đó cũng là một trong những trụ cột căn bản cho đảng cộng sản nuôi hy vọng, cũng như thông qua đó mãi giữ chặt và liên tục cái quyền lực cai trị mà đảng đã cướp được đến thiên thu.

Do đó, việc Nguyễn Thị Quyết Tâm, cử nhân tài chánh tín dụng, đại biểu quốc hội, chủ tịch hội đồng nhân dân thành phố HCM, con của Nguyễn Văn Tốt, nguyên bí thư tỉnh ủy Tây Ninh, nói "Việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý (tiếp tục kế thừa lãnh đạo) là điều hạnh phúc của dân tộc, không có gì phải nghi ngại" tuy trí trá và gian manh, nhưng cũng là lời nói đúng phần nào sự thật về bản thân, cũng như bản chất công tác nhân sự của đảng cộng sản. 

Bởi vậy, khi Nguyễn Như Tiệp, tiến sĩ kinh tế, cục trưởng cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tại bộ nông nghiệp, nói "Một số mặt hàng thủy sản như tôm, nếu bị (các công ty ngoại quốc) trả về do vấn đề chỉ tiêu vi sinh, thì chỉ cần luộc lên là (dân ta) có thể ăn được", hay như Nguyễn Xuân Hồng, tiến sĩ, cục trưởng cục bảo vệ thực vật của bộ nông nghiệp, có nói "Dư lượng các loại thuốc trừ sâu (trong khoai tây Trung Cộng) dù vượt gấp 16 lần mức tối đa, nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn, vẫn có thể ăn được. Khi nào vượt cả 100, thậm chí 1.000 lần mới cần điều tra, tiêu hủy", tuy bất nhân và thậm ngu, nhưng cũng đều là những lời nói thật, đúng bản chất của chế độ về mối tương quan giữa người dân bị trị với đảng cầm quyền, với thành phần cán bộ và với trình độ hiểu biết của chúng. 

Trước khi "đổi mới" và chuyển sang nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", chân giá trị trong thứ bậc xã hội Việt Nam là sự thất học và gốc gác bần cố nông. Càng thất học, dốt nát và truyền đời cố nông càng lâu, càng leo sâu, chui cao vào nấc thang lãnh đạo, bởi đảng chỉ cần lòng trung thành và có tinh thần tiến công cách mạng là đủ. Đảng luôn dạy dỗ cán bộ phải thuộc nằm lòng câu thần chú cách mạng, cứ mạnh dạn mà làm, làm sai tới đâu thì sửa tới đó, có như thế mới thể hiện được tính tiên phong và quan điểm cách mạng của đảng. Vì thế trong giai đoạn 2000 đến 2010, những quan tham cộng sản khi thất thế phải ra tòa đều tụng bài một lòng tuyệt đối theo đảng, đảng phân công công tác gì thì triệt để chấp hành, dù trình độ hạn chế, nên đưa đến sai sót và xin đảng chiếu cố soi xét giảm tội?!. 

Về đa số nhân sự trong cộng đồng, do nền giáo dục dưới chế độ cộng sản Việt Nam thực chất chỉ là một sự pha trộn, chắp vá hổ lốn giữa chủ trương đào tạo thực dụng, kết hợp với tuyên truyền, tẩy nảo, nhồi sọ, mọi thành phần con dân từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành, biến họ thành những con lừa, con ngựa được bịt mắt k lưỡng, hay là những kẻ cơ hội, các con vẹt, vừa thiếu đạo đức làm người, vừa thừa vị kỷ, chỉ biết nô lệ cho quyền và tiền, chỉ biết (hay phải tỏ ra biết) cuồng đảng, yêu Hồ, sùng tín tư tưởng Hồ chí Minh và tôn thờ chủ nghĩa Marx Lenin - dù tư tưởng Hồ chí Minh thì không thực, nói đúng ra là không hề có, lý thuyết Marx Lenin thì không tưởng, đã bị nhân loại quăng vào sọt rác từ lâu và ngoan ngoãn chấp nhận suốt kiếp kéo xe, thồ hàng một cách tích cực hoàn toàn theo ý đảng. Thiểu số nào không ở trong quỹ đạo khống chế của đảng, sẽ bị đảng vùi dập ngay từ trứng nước và bằng mọi biện pháp từ ti tiện đến tàn bạo. 

Ngay sau tháng 4/1975, người dân miền Nam phải chịu cảnh sống lê lết, ê chề bởi sự phân biệt đối xử thô bỉ giữa kẻ thắng với người thua, khi Hà Nội phân loại chia toàn khối công dân ra 14 hạng, gọi là 14 thành phần, đối tượng khác biệt nhau, với những thứ bậc và ưu tiên quyền lợi khác nhau. Chỉ tính riêng về lãnh vực học vấn, con cái của các gia đình thuộc tầng lớp ưu tiên, cán bộ, đảng viên cộng sản, đến thuộc hàng ngũ con dân người dân miền bắc, đều hưởng được các ưu đãi bảo bọc vượt mức, đến độ phủ nhận luôn các khả năng tiếp nhận và trình độ căn bản phải có cần thiết. 

Kỳ thi vào đại học trên cả nước tổ chức năm 1976, ngoài 2-3 điểm ưu tiên cho thêm, được cộng khống vào, điểm chuẩn thi đậu của thí sinh miền Bắc chỉ có 13/30, so điểm chuẩn tối thiểu của thí sinh miền Nam phải cần là 20/30. Vụ tuyển sinh của Bộ Giáo dục nhà nước CHXHCNVN ráo riết sàng lọc và hạn chế khả năng vươn lên của các thành phần con em con dân miền Nam bằng mọi biện pháp, bất kể pháp lý và liêm sĩ, kể luôn việc sẳn sàng rút hộ khẩu, cắt và chuyển nơi cư trú của họ, nếu đã áp dụng đủ các biện pháp giới hạn mà vẫn không thành công. 

Học sinh từ đối tượng 11 - tức con em của sĩ quan cấp úy trong QLVNCH, hoặc của các viên chức hành chánh từ cấp quận VNCH, đến đến những đối tượng 12, 13, 14 - tức con em của các thành phần nhân sự trung, cao cấp trong xã hội VNCH hoàn toàn bị cấm cửa ngay từ cấp trung học đệ nhị cấp, tức từ cấp lớp 10 trở lên. Tùy trường hợp có thể bị gây khó khăn, trở ngại khi theo đuổi việc học, hay trắng trợn hơn là ngăn cản, đuổi học vô lý một cách lộ liểu và triệt để. 

Trong các niên khóa từ 1984 đến 1987, chỉ có 0,63% đến 1,67% sinh viên thuộc nhóm 4 (đối tượng 12 đến 14) trúng tuyển vào các trường đại học chuyên khoa tại Saigon, với số điểm tối thiểu bắt buộc cao ngất ngưỡng từ 18,5 đến 26,5 điểm, so với số điểm của các đối tượng ưu tiên thuộc nhóm 1 và 2 lần lượt chỉ có 11 đến 20 điểm. 

Phóng ảnh báo Saigon Giải phóng số 3911, ngày 4/2/1988. 

Năm 1984, thí sinh có lý lịch là đối tượng 11, muốn vào học tại trường đại học Tây Nguyên số điểm thi tuyển tối thiểu cần phải có là 15/30, nhưng có những người chỉ cần 3 điểm là đủ để vào cùng lớp, theo cùng một ngành học. Đến khi ra trường, những thành phần ưu tiên cũng chỉ cần có một số điểm tượng trưng là được. Học hành không ra gì, chỉ cần có đủ thời gian hiện diện là tốt nghiệp, hơn nữa lại có ngay chổ làm tại những cơ quan, ban ngành chủ lực, chính yếu trong hệ thống chính quyền, các tổ chức xã hội và nhanh chóng thăng tiến, nắm giữ những chức trách quyền lực. 

Tệ hại hơn, các ghi nhận trong thập niên 90 cho thấy có đến 83% số con cái của thành phần các đảng viên cộng sản tại Quảng Nam - Đà Nẵng, dù ít khi đến lớp, dù học hành không đủ điểm, vẫn được cấp văn bằng tốt nghiệp như các học sinh, sinh viên bình thường học cùng trường. Hậu quả tất yếu là nền giáo dục dị dạng thì sẽ cho ra lò các quái thai và các dị nhân này sẽ nhân danh "hồng phúc của dân tộc" để làm tha hóa xã hội bằng vốn tri thức què quặt và từ nhân cách méo mó được định hình từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Các trường hợp chính khách xâu chuổi từ Nguyễn Bá Thanh, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Lê Phước Thanh, đến Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo… của Quảng Nam Đà Nẵng là những điển hình tiêu biểu?! 

Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, diển biến thời cuộc đã không còn cho phép đảng cộng sản mãi náu mình tự tung tự tác sau bức màn sắt, nên yếu tố cần phải khoác lên một ngoại hình sáng sủa, một ít vốn liếng tri thức giả cầy, phù phiếm để khoe mẽ, hầu che đậy cho thực tế dốt nát của cán bộ và sự hắc ám, tối tăm của một chế độ chính trị công an trị đã trở thành sự cần thiết. "Chân giá trị" trong xã hội giờ đây là kẻ có văn bằng, các học hàm, học vị rổn rảng, từ đó nẩy sinh nhu cầu phải kiếm ra một mảnh bằng, đáp ứng cho nhu cầu chính trường và cá nhân quan chức kiếm chác danh lợi. Dốt thì phải gian, do đó đảng đã tạo điều kiện cho cán bộ học tràn lan, từ chính sách giáo dục bổ túc, chuyên tu, tại chức, đến bằng dỏm, bằng giả đủ loại, rất dễ dàng thủ đắc trong một xã hội độc tài, vô pháp và bất kỳ cái gì cũng có thể mua được bằng tiền. Là quan chức thì phải có mác tiến sĩ, cử nhân gắn vào chức danh, dù cả nước đều biết loại cán bộ "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" và người dân đã thôi không còn phẫn nộ, chỉ còn biết cay đắng khi nghe nhiều lãnh đạo, từ cấp cơ sở xã, phường, đến cấp trung ương bộ trưởng, thủ tướng, được đảng xếp loại đỉnh cao trí tuệ, nhưng nói năng quàng xiêng, ngớ ngẫn như các thằng hề giễu dở. 

Do đó vụ bê bối sửa bài, nâng điểm cho 114 học sinh phần lớn là "con các cụ cả" trong kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Hà Giang, cũng như ở nhiều tỉnh, thành khác, chỉ là một đổ bể không may của một chuổi hành vi "vũ như cẩn" trong chủ trương cơ cấu cán bộ để giữ đảng của đảng cộng sản. Chuyện không có gì để ầm ỹ, khi chế độ cộng sản Việt Nam còn tồn tại. Không có việc học hành như thế, thi cử như vậy và giới cán bộ lãnh đạo như lừa, thì đã không còn nước CHXHCNVN. 

23.07.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo