Sự sợ hãi trong chế độ đảng "cộng sản" trị - Dân Làm Báo

Sự sợ hãi trong chế độ đảng "cộng sản" trị

Phạm Văn (Danlambao) - Đối với các chế độ quân chủ, quân chủ-độc tài và quân chủ-chuyên chế, nhất là chế độ độc tài-toàn trị mang tên “cộng sản” trong thế kỷ XX và hiện nay, mục đích của chúng là địa vị, quyền lợi của kẻ cai trị, còn người dân và cả bộ máy chỉ là những công cụ, phương tiện để thực hiện những địa vị và quyền lợi ấy. Những chế độ chính trị-xã hội như vậy đương nhiên phải thường xuyên đối mặt với những nỗi bất bình, oan ức và cả sự nổi dậy chống lại của người dân, cho nên sự sợ hãi, duy trì sự sợ hãi là yêu cầu, là quy luật tồn tại của chúng, Sự sợ hãi này tồn tại trong toàn bộ hệ thống, kể cả bộ máy cai trị và đông đảo người dân, nhưng phổ biến ở người dân. Trong tình hình hiện nay của đất nước chúng ta, nhân dân rất cần phải hiểu rõ hơn bản chất, nguyên nhân, điều kiện cơ bản của sự sợ hãi, để có thể vượt qua nó trong cuộc đấu tranh, trở thành người chủ của đất nước, của cuộc sống của mình.

Phải nói ngay rằng sự sợ hãi vốn nằm ngay trong con người chúng ta. Không phải sự sợ hãi nảy sinh khi ta đứng trước những mất mát, đau đớn và cả cái chết, do những sự dọa dẫm, những mối nguy hiểm hay nói chung là những thế lực độc ác, cái ác ở bên ngoài đem đến, mà chính là do trong ta thiếu hoặc không có sức mạnh, khi trong ta cái yếu, sự nhu nhược, đớn hèn ngự trị, chi phối. Bản chất của sự yếu đuối, nhu nhược, đớn hèn ấy là gì? Đó là khi ta chỉ biết yêu cái cơ thể-thân xác trần trụi của mình, do đó ta chỉ còn biết, chỉ còn quan tâm đến những lợi ích, giá trị vật chất trần trụi, xem đó là cái duy nhất để thỏa mãn một loại nhu cầu duy nhất là nhu cầu thể xác của ta. Vì thế, khi sự an toàn của thân xác ta bị đe dọa, khi những giá trị vật chất trần trụi của ta đứng trươc những mối đe dọa bị tước mất, ta SỢ. Ta bất an, mất ăn mất ngủ, lo lắng đêm ngày khi điều “quý giá” lớn lao và duy nhất còn lại chỉ là cái thân xác ta với những nhu cầu nhục dục trần trụi. Ta tìm mọi cách lẩn tránh, hoặc run rẩy, cúi đầu, thậm chí ôm chân, hôn hít những thế lực đe dọa cướp đi của ta điều “quý giá” duy nhất ấy. Ta thờ ơ, vô cảm, lẩn tránh, chui sâu trong cái vỏ ốc cá nhân hẹp hỏi của mình trước những mất mát và nỗi đau của những người khác, của đồng loại. Nỗi sợ trong ta thật muôn hình vạn trạng. Đừng nghĩ đơn giản, ngây ngô rằng ta có thể mạnh mẽ lên dù cho ta chỉ biết yêu cái thân xác của mình, chỉ biết quan tâm đến những gì cho phép thỏa mãn những nhu cầu của cái thân xác ấy. Bởi vì, ta là CON NGƯỜI chứ đâu phải con vật, ngoài những nhu cầu thể xác, con người còn những nhu cầu khác rất CON NGƯỜI, đó là sự hiểu biết, trí tuệ, đạo đức (yêu thương, dũng cảm, trách nhiệm), tự do, làm chủ v.v... Cho nên, việc chỉ yêu cái thân xác, chỉ quan tâm đến những cái đáp ứng những nhu cầu thân xác ấy nói rõ tình trạng đứa trẻ con vẫn chưa thể lớn lên trong ta, thậm chí ở vào cái tình trạng cay đắng, bất lực “bốn ngàn tuổi mà vẫn chưa chịu lớn, bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm, trước những bất công vẫn không biết kêu đòi”. 

Thực tế lịch sử cho thấy rằng sự sợ hãi trong chính con người, của người dân Việt Nam chúng ta như đã nói ở trên là sản phẩm, khuyết phạp, thậm chí là căn bệnh cơ bản, phổ biến của nền văn hóa của chúng ta, một nền văn hóa-xã hội dựa trên chế độ sở hữu công, không có chế độ sở hữu tư nhân và là cơ sở của chế độ chính trị-xã hội, chế độ quân chủ. Chính chế độ sở hữu công, một chế độ sở hữu mà thực chất nhà vua là kẻ sở hữu tối cao, làm cơ sở cho chế độ quân chủ, đã không cho phép con người Việt Nam lớn lên, không cho phép sự hình thành con người cá nhân với những đặc trưng tinh thần, xã hội, văn hóa là trí tuệ (lý tính), tính chủ thể (độc lập), trách nhiệm, lương tâm, nhất là tự do. (Xem bài “Sự sùng bái những giá trị vật chất trần trụi và cuộc chiến của Tự do-Văn minh chống lại Quái thú-Mọi rợ” của tác giả đã được đăng trên Dân Làm Báo 9/7/2018).

Cần hiểu rằng sở dĩ con người cá nhân có những đặc trưng này là vì nó biết, ngoài bản thân mình ra, nó còn có những người khác bên cạnh mình, còn có xã hội, cộng đồng, dân tộc, hơn thế là nhân loại, đặc biệt nó thấy chính trong bản thân nó bao gồm tất cả sự tồn tại của những người khác, của xã hội, cộng đồng. Khi đã biết và đã có những điều ấy, nó trở nên có sức mạnh, thậm chí rất lớn lao. Song, với sự xuất hiện chế độ độc tài-toàn trị, chế độ Đảng “cộng sản” trị càng làm cho khả năng hình thành con người cá nhân bị triệt tiêu, khi chế độ sở hữu công “vô chủ” ra đời, đó cũng là lúc kẻ cầm quyền của chế độ này nắm ngay lấy để “nhân danh” nhà nước, “đại diện” cho nhân dân, để làm chủ. Đây chính là bản chất của chế độ độc tài-toàn trị, một biến thể mới của chế độ quân chủ mà trong đó “vua là kẻ giấu mặt” hoặc “vua ảo”. Chế độ quân chủ này bao gồm trong nó cả tính độc tài và chuyên chế, kể cả cổ xưa và hiện nay và kết tinh trong thể chế Đảng “cộng sản” trị. Ở đây một nền kinh tế dựa trên sở hữu công-sở hữu nhà nước là một thứ sở hữu trá hình, về thực chất Đảng “cộng sản” là kẻ sở hữu tối cao duy nhất (“Luật đầu tư” Bộ chính trị đã quyết rồi, chỉ bàn để ra luật thôi” v.v...). Bởi vậy, có một câu hỏi rất hay, thâm sâu đã được nêu trong một livestream: “Tại sao Đảng có đất để bán mà người dân chúng tôi không có?”. 

Trong chế độ này các dự án, công trình, các công ty, xí nghiệp phần lớn là quốc doanh dựa chủ yếu vào nguồn vốn-đầu tư của “nhà nước”, nhất là khi chúng hoạt động vì những mục tiêu và động cơ chính trị (bảo vệ chế độ hoặc thực hiện âm mưu xâm chiếm, đồng hóa, như các công ty Tàu Cộng) thì Đảng-Nhà nước “không tiếc” vốn. Đây là một chế độ kinh tế trái với những quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Cho nên, chế độ này khuyến khích, sùng bái những giá trị vật chất trần trụi. Theo Montesquieu trong cuốn sách “Tinh thần pháp luật” nổi tiếng của ông, trong chế độ quân chủ (và đương nhiên cả quân chủ-chuyên chế mới, bệnh hoạn như hiện nay) “không cần có đạo đức nó vẫn tồn tại được”. Sách Tứ Thư – Cuốn sách kinh điển của Nho giáo cho thấy rõ sự vô nghĩa của những nỗ lực rao giảng đạo đức, điều thiện của các “quân sư”, kể cả các “đế sư” nhà Nho đối với các bậc vua chúa trong chế độ quân chủ-chuyên chế ở Trung Quốc. Trong các chế độ quân chủ-chuyên chế và độc tài, việc rao giảng, cả chủ trương giáo dục đạo đức, điều thiện, chỉ là hoặc giả tạo, bịp bợm nhằm bảo vệ chế độ đã quá lỗi thời, để che đậy sự tham lam-sùng bái những giá trị vật chất trần trụi gắn với sự tham lam-sùng bái địa vị và quyền lực, hoặc là việc làm của những kẻ lú lẫn, lầm thời, không biết rõ bản chất chế độ mà mình đang cố “xây dựng” và phục vụ là gì, đặc biệt không biết mình là ai và tất nhiên, đó là những việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Nói ngắn, những kẻ chủ trương như thế là những kẻ hoặc vô cùng gian manh, cực kỳ thâm hiểm, hoặc làm trò bịp bợm một cách lú lẫn, ngây thơ và đáng thương đối với người dân và cộng đồng. 

Do đó, đương nhiên, trong chế độ như thế sự “phát triển” của xã hội về mọi mặt là không thể, hoặc nếu có thì đó là sự phát triển lệch lạc, què quặt, thậm chí trở nên quái dị vô phương, vô pháp, vô đạo, khiến những hạn chế, căn bệnh của xã hội cũ như sự hám danh, hám thành tích, sự vô cảm, ích kỷ, chủ nghĩa sô-vanh nước lớn (chủ nghĩa bành trướng ở Trung Quốc), đặc biệt là sự tham lam-sùng bái những giá trị vật chất trần trụi gắn chặt với sự tham lam-sùng bái địa vị, quyền lực không ngừng sinh sôi, hoành hành, thấm sâu vào máu của từng con người, kể cả thể chế, cơ thể xã hội, dẫn đến khinh thường, thậm chí chà đạp lên các giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình hoặc của dân tộc khác, làm cho hệ thống giá trị đảo lộn, định hướng giá trị khủng hoảng. Không có đạo đức, con người càng tăm tối hơn và càng sợ hãi hơn. Sự liều lĩnh có thể ở nơi này nơi kia, nhưng chúng quyết không thể, không bao giờ là sự dũng cảm.

Một nhà tư tưởng Nga trong thế kỷ XX từng nhận xét, đại ý: cuộc cách mạng bạo lực (chỉ cách mạng “vô sản” Nga) không những không triệt tiêu được những căn bệnh của xã hội cũ mà còn làm cho nó lan ngấm sâu vào lục phủ ngũ tạng. Quả vậy, ở Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ căn bệnh nói trên còn nặng nề, hiểm nguy hơn khi nhân dân Việt Nam bị “quái thú-mọi rợ” “cộng sản” ở Việt Nam cầm tù, giam hãm bao năm, nhất là khi “quái thú” này kết hợp, thậm chí làm tôi đòi cho “quái thú-mọi rợ” Trung Cộng. Ở đây sự sợ hãi của nhân dân càng được duy trì với một mức độ khủng khiếp. Sự thờ ơ, im lặng-vô cảm thấm sâu, đè nặng trong tâm hồn của con người, khiến họ khó, thậm chí không thể ngẩng đầu đứng dậy, thay vào đó là sự im lặng, cúi đầu nhẫn nhục, cam chịu và khuất phục, hơn thế còn tìm cách ngụy biện, ngụy tạo, tự lừa dối mình. 

Vậy là khi đã nắm được cái nguyên nhân bên trong, bản chất của nỗi sợ hãi ở con người, người dân, chế độ quân chủ, đặc biệt là chế độ độc tài-toàn trị “cộng sản”, đã nắm ngay lấy cái “điều kiện” mà nó có được để duy trì sự sợ hãi này, đó là việc dựa vào-lợi dụng chế độ sở hữu “chung” (hay sở hữu “công”) bằng cách trở thành kẻ “nhân danh”, “đại diện” chế độ ấy. Những bằng chứng thực tế đã cho thấy một cách sinh động-hùng hồn rằng chế độ độc tài-toàn trị, tức chế độ Đảng “cộng sản” trị ở Trung Quốc và Việt Nam hiện nay là hết sức tiêu biểu cho việc duy trì nỗi khiếp sợ của người dân. Ở Trung Quốc “cộng sản” đã làm “cách mạng văn hóa”, cho xe tăng đàn áp biểu tình, tàn sát hàng trăm ngàn người, nhất là thanh niên-sinh viên, ở Việt Nam công an “nhân dân” có những thủ đoạn giết người thậm chí còn tinh vi, man rợ hơn. Nhưng đáng nói nhất là ở Việt Nam việc duy trì nỗi khiếp sợ-vô cảm của người dân đã “mở cửa” cho Tàu Cộng từng bước xâm chiếm Việt Nam bằng “phương thức xâm lược mềm” khi nó đánh vào tâm lý hám lợi-hám quyền không chỉ của người dân mà cả bộ máy quan chức cai trị.

Liên quan đến điều này, cần thấy rõ Tàu Cộng cũng đã thực hiện việc duy trì nỗi khiếp sợ-sự hèn nhát đối với chính những kẻ cầm quyền “cộng sản”, thể chế “cộng sản” trị ở Việt Nam. Rõ ràng, chính sự dối trá, bịp bợm mang danh sở hữu chung đã đứng trên đầu nhân dân, con người Việt Nam để chi phối tất cả. Nó chính là cái điều kiện căn bản để duy trì sự sợ hãi, vì chính chúng làm cơ sở cho kẻ cầm quyền có thể thỏa mãn lòng tham vô độ của chúng, cho phép chúng khống chế nhân dân bằng những lợi ích mà chúng cho rằng chúng được quyền ban phát cho dân. Nó cũng chính là cái cơ sở cho tất cả những kẻ tham lam muốn trở nên “giàu có” (các đại gia-tỷ phú) lại có cả quyền lực, đã ôm chân-hối lộ quyền lực. Cho nên, không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, không có tự do tư tưởng nói chung, về thực chất là để che đậy và là phương tiện tối quan trọng, có tính tiên quyết để bảo vệ sự dối trá, bịp bợm này. Chế độ này-kẻ thù của nhân dân hiểu rất rõ: trong bóng tối của sự không hiểu biết, con người, người dân càng sợ hãi. Đồng thời, kèm theo đó là bộ máy bạo lực công an “nhân dân” “chỉ biết còn Đảng còn mình”, thậm chí quân đội “nhân dân” chỉ biết “trung với Đảng” thì làm sao còn “hiếu với dân”, đã và đang trở thành thứ công cụ khủng khiếp, sẵn sàng dùng cả những phương tiện thô sơ như “liềm-búa” để dọa nạt, răn đe và trấn áp dã man người dân, làm tăng nỗi sợ hãi ở họ. 

Như vậy, có thể thấy rõ chính việc người ta quá yêu cái thân xác của mình, cho nên sùng bái những giá trị vật chất trần trụi, chính sự sợ hãi trước những mất mát cái “quý giá” duy nhất lớn lao ấy do việc không có chế độ sở hữu tư nhân sinh ra, cùng với sự xuất hiện của chế độ độc tài-toàn trị, chế độ Đảng “cộng sản” trị quyết duy trì sự sợ hãi ở mức độ cao nhất, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiểm độc nhất, nhằm đạt hiệu quả cai trị cao nhất, khiến cho nhân dân hết sức khó khăn để có thể mở mắt ra-thức tỉnh được. Đó cũng là cái cơ sở để cho kẻ cai trị có thể yên tâm đặt ách thống trị của chúng lên đầu nhân dân, tha hồ thực hiện các mưu đồ ăn cướp-ăn cắp, thỏa mãn những nhu cầu nhục dục, sự hám danh-hám quyền và thực hiện vô vàn các mưu đồ khác của chúng trong bao nhiêu năm nay, đặc biệt làm cho kẻ thù xâm lược lặng lẽ từng bước thực hiện âm mưu xâm lược đất nước, đồng hóa-tiêu diệt giống nòi Việt Nam ta, làm cho đất nước Việt Nam ra nông nỗi “đã bao giờ như thế này chưa”! Trong chế độ này mọi lời nói “vì dân, vì nước” phát ra từ cửa miệng của kẻ cai trị chỉ là sự dối trá, bịp bợm, chỉ là một hình thức, phương thức cai trị của chúng. Ở đây nhân dân mất tất cả, chẳng có quyền gì, có chăng chỉ là những quyền hoàn toàn hình thức, thậm chí là giả tạo, không có nội dung và ý nghĩa thực tế. Tuy vậy, nhân dân ta, tuổi trẻ, sinh viên cũng đã từng dũng cảm đứng lên ở nhiều nơi, nhiều lúc, dưới hình thức này hay khác, rất sinh động, sáng tạo, đặc biệt trong cuộc biểu tình-xuống đường rầm rộ trong tháng 6 vừa qua, đã cho thấy họ từng bước hiểu ra sự thật của sự sợ hãi của mình. Nhưng hơn lúc nào hết, chúng ta cần hiểu rõ hơn nữa bản chất, nguyên nhân sâu xa của sự sợ hãi trước hết nằm ngay trong chính con người mình, những cái khiến cho con người trở nên yếu đuối, khiếp nhược, im lặng, vô cảm, làm cho kẻ thù của nhân dân hiện đang lợi dụng chúng một cách ghê gớm, đê tiện nhất, để đứng lên hùng mạnh hơn, quyết liệt hơn trong cuộc đấu tranh giành quyền làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. 

Lưu ý: Nếu không có gì thay đổi, bài viết tiếp theo của tác giả sẽ có nội dung: “Quyền biểu tình - bước qua sự sợ hãi”.

Ngày 17 tháng 7 năm 2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo