Trí thức nhân dân (Phần 2) - Dân Làm Báo

Trí thức nhân dân (Phần 2)


1. Dấn thân và dũng cảm (can đảm) 

Trong những cuộc biểu tình-xuống đường vừa qua, có rất nhiều sinh viên, thanh niên đã không sợ cường quyền-bạo lực, dám đứng lên, hiên ngang đấu tranh đòi những quyền chính đáng của con người, của người dân, có bạn đã đổ máu và bị đàn áp-tra tấn tàn nhẫn, nhiều người đang bị giam cầm trong lao tù. Có những người dân không sợ gió to, sóng lớn, không sợ sự đe dọa của Tàu Cộng, vẫn ra khơi bám biển để nuôi sống bản thân và gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Cũng có những người dám lao xuống dòng nước chảy xiết cứu người đang bị đuối nước, hoặc lao vào ngôi nhà đang cháy cứu người bị hỏa hoạn. Đơn giản như có thiếu niên nhặt được một món tiền lớn đã đem trả lại người đánh rơi, đứa trẻ đang chạy bỗng nhiên vấp phải một mô đất ngã dúi dụi, đau điếng, nhưng vẫn cắn răng đứng dậy, không kêu ca một tiếng v.v...

Tất cả những hành động ấy đều là dấn thân-dũng cảm, hay là dấn thân và dũng cảm. Dấn thân và dũng cảm giống nhau ở chỗ chúng đều là những đức tính tích cực, đáng quý ở con người. Lúc đầu chúng có thể là một nét tính cách tốt đẹp (như đứa trẻ bị ngã nén chịu đau), nhưng sự rèn luyện dày công khiến chúng trở thành những phẩm chất ổn định, bền vững cả về tinh thần và thể chất ở con người và dẫn dắt con người hành động, bất chấp những khó khăn, hiểm nguy, kể cả sự hy sinh tính mạng, để bảo vệ, gìn giữ hoặc đạt được những gì tốt đẹp của cuộc đời. Dấn thân và dũng cảm là tinh thần-ý chí dám vượt lên, vượt qua để chiến thắng những gian khổ, hiểm nguy, chúng cũng có nghĩa là sự vượt lên để chiến thắng những sự sợ hãi, yếu hèn, những ý nghĩ lùi bước, quay đầu lại ngay trong con người. Chúng chứng tỏ sức mạnh trước hết bên trong tinh thần con người. 

Dấn thân và dũng cảm khác với sự liều lĩnh. Liều lĩnh cũng có thể bất chấp khó khăn, nguy hiểm và cả sự đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể là một hành động chốc lát do những xúc cảm, sự phẫn uất trực tiếp chi phối, nhưng cũng có thể có tính toán lâu dài nhằm mục đích nào đó, như sự trả thù chẳng hạn. Khác biệt căn bản giữa chúng là ở chỗ, dấn thân và dũng cảm hướng đến những chuẩn mực, quy tắc, giá trị, mục tiêu tích cực, tốt đẹp, do những cái đó yêu cầu, thúc đẩy từ bên trong, còn liều lĩnh thì hoặc không có điều đó, hoặc do người khác xúi bẩy, hoặc có thể vì một mục đích tốt đẹp nào đó, nhưng không có khả năng kiềm chế hành động, do không ý thức được giá trị, ý nghĩa tích cực của hành động tại thời điểm hành động, trong khi người dấn thân và dũng cảm tỏ ra có khả năng kiềm chế, điều tiết được hành động, khi ý thức được giá trị, ý nghĩa của hành động của mình, người dấn thân và dũng cảm có thể không làm hoặc sẵn sàng lao vào hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, vì họ biết điều đó là không vô ích. Xin được dẫn ra đây một đoạn thơ của một nhà thơ Nga N.A. Nêcraxốp:

“Đã làm con lòng thản nhiên sao được
Trước nỗi đau, nỗi khổ của mẹ hiền
Tâm hồn người công dân xứng đáng
Sẽ không lạnh lùng với Tổ Quốc, nhân dân. 
Còn tội lỗi nào xấu xa hơn thế nữa…
Vì danh dự Tổ Quốc hãy xông lên
Vì tình yêu, vì niềm tin sáng chói
Tiến lên đi và dũng cảm hy sinh
Cái chết của bạn đâu phải là vô ích”.

Nhưng giữa dấn thân và dũng cảm có sự khác biệt nhất định. [Lưu ý rằng, không cần nói “dám dấn thân”, vì trong “dấn thân” đã có “dám” rồi]. Người dũng cảm dám xông pha vào nơi khó khăn, gian khổ, có thể hy sinh những quyền lợi, điều kiện cá nhân, thậm chí hy sinh cả tính mệnh để bảo vệ tài sản của người khác, của xã hội hoặc vì cuộc sống của người khác, của cộng đồng. Nhưng hành động của người dũng cảm có thể là là một hành động tức thời, diễn ra rất nhanh, không có sự lựa chọn, tính toán, chuẩn bị nào từ trước. Trong một khoảnh khắc của thời gian, nghĩa là rất nhanh, họ chỉ biết cần phải làm việc đó và họ làm. Họ làm theo tiếng gọi, sự thúc bách trực tiếp của con tim, lương tâm. Nhưng dấn thân là hành động có sự lựa chọn, chuẩn bị từ trước, có thể ở trong, liên quan đến một công việc, một kế hoạch, chương trình, một con đường, thậm chí một sự nghiệp và tất nhiên, đó là công việc, chương trình, con đường, sự nghiệp gian nan, đầy gian nan, nguy hiểm, nhưng đồng thời cũng vinh quang, cao quý, rất vinh quang, cao quý. Nếu dũng cảm là một hành động đơn nhất ở thời điểm riêng biệt nào đó, thì dấn thân là quá trình của những sự dũng cảm ấy. Thí dụ ở trên về những sinh viên, thanh niên dám đi đầu, hiên ngang xuống đường biểu tình-đấu tranh, chính là về sự dấn thân. Họ đã lựa chọn và rất có ý thức về những việc mà mình làm và chắc chắn rằng trước sự bức cung và những đòn tra trấn của công an “cộng sản”, họ vẫn không nhận mình có tội, trái lại, vẫn khẳng định việc mình làm là đúng đắn, không hề làm họ hổ thẹn với lương tâm. Tất nhiên, chế độ “cộng sản” vô lương tâm, thiếu tính người tìm cách bưng bít, không dám công khai sự thật này. 

Người dấn thân và dũng cảm đều là những người tự do. Họ dám làm là vì họ biết việc mình cần phải làm, biết việc làm đó là đúng, là tốt và họ tự lựa chọn, tự thực hiện việc làm ấy. Người dấn thân và dũng cảm hiểu được giá trị, ý nghĩa của việc mình làm, họ làm việc theo những mệnh lệnh đạo đức bên trong, theo tiếng gọi của lương tâm, vì nghĩa lớn mà đi vào nơi khó khăn, nguy hiểm để tìm ra, chứng minh và bảo vệ lẽ phải, sự thật hay chân lý, bảo vệ cái thiện, cái đẹp, dám đương đầu chống lại cái ác, sẵn sàng chịu đựng và chịu đựng những thiệt thòi, mất mát và thậm chí hy sinh cả mạng sống. Họ không hành động theo sự áp đặt từ bên ngoài, không theo lệnh hoặc yêu cầu của ai cả. 

Đương nhiên, dấn thân không tách rời dũng cảm, nó là dấn thân-dũng cảm. Người dấn thân nhất định là người dũng cảm. Dấn thân là sự dũng cảm được nhận thức, được ý thức, là một quá trình của dũng cảm, bao gồm những sự dũng cảm. Ngay từ đầu nó đã là dũng cảm, bởi vì việc quyết định lựa chọn, xác định cho mình một công việc, một sự nghiệp gian nan, thì đó đã là dũng cảm. Rồi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tiến hành sự nghiệp, để đi trọn một con đường, người dấn thân còn phải vượt qua biết bao khó khăn, thử thách nữa, nghĩa là phải luôn dũng cảm. Hơn thế, cái dũng của người dấn thân ở ngay cả trong sự chuẩn bị, chờ đợi những thành công, chịu đựng những đau khổ, và cả thất bại. Với một con đường, sự nghiệp dài lâu, lớn lao, người dấn thân cần có sự chuẩn bị về tinh thần và cả những điều kiện vật chất, có khi là rất lớn cho hành trình. Cho nên, dấn thân là một chuỗi của những sự dũng cảm, can trường, là sự dũng cảm không bao giờ được phép ngừng nghỉ hoặc lụi tàn.

2. Trí thức nhân dân là gì?

Cũng có thể nói trí thức nhân dân là “trí thức của nhân dân”, nhưng theo tôi tên gọi này không ổn, vì nó có thể làm ta hiểu dường như trí thức là thành phần chưa thật gắn chặt với nhân dân về nguồn gốc, vẫn như một bộ phận ở đâu đó đứng trên, đứng ngoài nhân dân, mà nhân dân đã phải bằng cách nào đó mới kéo được họ về cho mình, thành “của mình”. Vậy, ở đây cái quan trọng là phải hiểu trí thức nhân dân như một bộ phận hữu cơ của chính cái cơ thể nhân dân lớn lao và nó cần được hiểu là bộ phận đầu não của nhân dân, chứ không phải như một vật sở hữu của nhân dân. Vì thế, từ nay ta không gọi “trí thức của nhân dân” mà là “trí thức nhân dân”. Đương nhiên, ở đây ta nói về trí thức nhân dân Việt Nam chứ không phải là về trí thức nhân dân nói chung.

Khi nhân dân bị lừa dối, còn bị lừa dối, vẫn là một đối tượng mà đảng “cộng sản” và chế độ đảng “cộng sản” trị nghiệm nhiên cho rằng họ là của nhân dân, nhưng là để che dấu sự thật là họ coi nhân dân là vật sở hữu của mình, thì trí thức nhân dân nếu có cũng chỉ là những cá nhân đơn lẻ. Đó là những con người tiền phong như Trần Độ, Hà Sĩ Phu, Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang và nhiều người khác nữa. Họ đơn lẻ nhưng họ không đơn độc. Họ đơn lẻ, vì họ là những người mở đường, vì thế họ phải chịu những đau đớn, mất mát cả về thể chất và tinh thần, nhiều người phải ra vào nhà tù “cộng sản” nhiều lần. Họ đơn lẻ, vì họ chưa thành một lực lượng, nhưng họ chuẩn bị cho sự ra đời của trí thức nhân dân như một lực lượng với những hội đoàn khác nhau đã xuất hiện. Nhưng khi nhân dân đã vượt ra khỏi vòng tay “ôm bế” của đảng, đối lập với đảng như nước với lửa, sẽ không có chuyện dung hòa giữa nước và lửa, cũng là lúc trí thức nhân dân xuất hiện như một lực lượng và trực tiếp đối lập với lực lượng trí thức đảng. 

Phải nói rằng chính cuộc nổi dậy, biểu tình-xuống đường của nhân dân trong những ngày tháng 6, nhất là ngày 10 tháng 6 vừa qua đã cho phép ta có một hiểu biết mới về trí thức ở Việt Nam và khái niệm trí thức nhân dân ra đời. Khái niệm này cho ta hiểu trí thức nhân dân trước hết là một lực lượng nằm trong khối nhân dân vĩ đại (tôi không muốn dùng từ “đội ngũ” vì nó đã đưa đến sự phản cảm không thể xóa bỏ trong tâm trí). Bởi vì, nhân dân vốn bao gồm nhiều bộ phận, thành phần. Khi tách rời nhau, những bộ phận, thành phần này dường như chẳng có giá trị, vai trò gì, thậm chí có thể bị phân biệt đối xử, có thể bị khinh thường. Nhưng khi ở trong sự liên kết, chúng không thể bị coi thường, chúng làm nên sức mạnh cho toàn khối nhân dân căn cứ vào chức năng của mỗi thành phần, bộ phận hợp thành. Ta không thể coi thường những người dân mà trong điều kiện bình thường có thể xem họ là người ít học, chẳng qua là do hoàn cảnh và điều kiện riêng họ ít học thật, nhưng khi họ đã đứng lên cùng khối nhân dân đông đảo, họ có đầy đủ bản lĩnh và lòng can đảm, họ xung phong đi đầu đoàn biểu tình, dương cao cờ, biểu ngữ đấu tranh, bất chấp bạo quyền hung hãn. Chính trong sự liên kết thành khối nhân dân vĩ đại, họ đã trở nên có tri thức và sức mạnh, và tri thức-sức mạnh của họ càng tăng lên khi biết rằng trong họ là tri thức-sức mạnh của cả cộng đồng, dân tộc đã được kết lại, thúc đẩy họ, khi họ hiểu xung quanh mình là những người đang cùng mình gánh vác sứ mệnh thiêng liêng giải phóng bản thân, gia đình, toàn thể xã hội, cộng đồng khỏi tà quyền cộng sản, khỏi nguy cơ bị Tàu Cộng xâm chiếm đồng hóa-tiêu diệt giống nòi Việt Nam thân thương của mình. 

Chính vì lẽ ấy, nhân dân nói chung không hề thấp về mặt tri thức-sức mạnh, khi họ đã đứng trong hàng ngũ, khối nhân dân để tiến hành cuộc đấu tranh chung chính nghĩa, trong đó có bộ phận quan trọng của họ là lực lượng trí thức dẫn đường. Nhân đây cần trả lời một cách rõ ràng, dứt khoát cho những kẻ nói “dân trí còn thấp, nên chưa thể thực hiện chế độ dân chủ-đa nguyên, đa đảng được”, rằng khi nhân dân đã đứng dậy thành một khối thống nhất đấu tranh chống lại chế độ đảng “cộng sản” trị vì những quyền con người chính đáng của mình, thì trình độ hiểu biết, cũng như nhân cách của người dân không còn thấp nữa. Thước đo trình độ dân trí là tính tổ chức của họ, ở chỗ họ không còn chịu sự chi phối của đảng, trái lại đã công khai đứng đối diện-đấu tranh với đảng tà quyền bán nước, là ở chỗ họ có lực lượng trí thức riêng của mình. Vì thế, luận điểm trên kia về thực chất chỉ nhằm bảo vệ chế độ cộng sản-tà quyền. 

Như thế, giờ đây ta quan niệm, ta hiểu (định nghĩa) về trí thức nói chung và trí thức nhân dân không phải bằng lối đóng cửa lại để tự suy diễn, cũng không còn ai được phép bắt ta phải lệ thuộc vào những quan niệm, những quy tắc cũ kỹ, sai lầm, vào những yêu cầu chủ quan, áp đặt nào nữa. Trái lại, ta hiểu được, hiểu ra thế nào là trí thức nói chung, là trí thức nhân dân, khi phân biệt-đối lập trí thức nhân dân một cách rạch ròi, rõ ràng với trí thức đảng, khi ta thấy được trí thức nhân dân hiện diện trong một khối thống nhất đầy sức mạnh đang chuyển động của nhân dân, như bão tố có thể xô đẩy, nhấn chìm tất cả những gì là cũ nát, đớn hèn. Hơn thế, ta còn hiểu, tiếp tục hiểu trí thức nhân dân trong những cuộc đấu tranh không khoan nhượng sắp tới vì một nền Tự do-Dân chủ đang đến gần. 

Trí thức nhân dân cũng đồng thời là trí thức của dân tộc-giống nòi Việt Nam, của non sông-biển trời gấm vóc Việt Nam. Chúng ta không có cái thói “cầm nhầm, nhận nhầm” hoặc “vơ quàng vơ xiên” như những kẻ quái dị đang ngày càng xa rời-đi ngược lại với nhân dân, dân tộc-giống nòi Việt Nam, chỉ là một con số hàng vạn, hoặc mấy triệu lẻ, nhưng cứ cố tự nhận mình đại diện cho dân, là con dân Việt. Trong thế cùn-cùng đường chúng liều mạng nói rằng những người biểu tình toàn là những phần tử bất hảo, hòng đánh lạc hướng dư luận, tiếp tục lừa dối nhân dân. Bọn chúng thật không còn biết xấu hổ và quá trơ trẽn. Nhưng đối với trí thức nhân dân chúng ta, tính nhân dân và tính Việt tộc của chúng ta cơ bản hoặc không hoàn toàn nằm ở trong số đông, mặc dù số đông cũng là cái rất đáng tự hào của chúng ta, mà ở chỗ chúng ta là tiêu biểu cho tương lai của nhân dân, dân tộc-giống nòi, đất nước Việt Nam. Nhân dân, dân tộc-giống nòi, đất nước trao cho chúng ta là người phát ngôn, đại diện cho họ về những giá trị, tư tưởng đúng đắn, chân chính. Chúng ta vinh dự nhận lấy trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang này. 

Bởi vì, trí thức nhân dân có những giá trị, hệ giá trị, phẩm chất và tư tưởng hoàn toàn khác, đối lập với trí thức đảng và một số thành phần trí thức khác. Phẩm chất, giá trị, tư tưởng cơ bản của trí thức nhân dân là TỰ DO. Trí thức nhân dân không cần ai chỉ đạo, yêu cầu, không cho ai được phép bắt mình phải muốn gì, nghĩ gì, làm gì. Có thể người không có tự do hoặc có chút ít tự do, do đó có chút ít lòng tự trọng không để ý, không cho là quan trọng, hoặc gạt đi, hoặc không có phản ứng đáng kể khi bị ai đó khuyên “phải làm” điều này điều kia, “phải làm” như thế này chứ “không nên” làm như vậy. Nhưng trí thức nhân dân có tự do, do đó có lòng tự trọng, sẽ coi đó là những điều sỉ nhục, là sự xúc phạm tình cảm, lương tri của họ. Trí thức nhân dân tự do, nghĩa là tự biết, tự ý thức được những gì là đúng-sai, tốt-dở, đẹp-xấu, do đó tự lựa chọn và tự quyết định hành động của mình. Trí thức nhân dân là trí thức tự do và vì tự do, cho nên họ DẤN THÂN. Đây là điều rất quan trọng, ta sẽ dành riêng một mục nói về điều này.

Có thể chia trí thức nhân dân hiện nay thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất đã ở ngoài sự kiểm soát của chế độ độc tài đảng trị, đứng đối lập với chế độ này và với đội ngũ trí thức đảng về nhân cách-phẩm giá, mục tiêu và đường lối hoạt động. Đây là bộ phận có lực lượng khá đông đảo, bao gồm cả những người ở trong nước và hải ngoại. Bộ phận này không ngừng lớn lên hàng ngày. Còn một bộ phận khác, có thể xem là vẫn còn trong sự kiềm tỏa của chế độ “cộng sản” trị, họ trực tiếp bị những trí thức đảng giam hãm. Đây là bộ phận những người hoạt động trong các ngành nghề cụ thể, đó là những chuyên gia, kỹ sư trong những lĩnh vực công việc khác nhau. Số này không nhỏ. Kẻ trực tiếp cai trị-giam hãm họ chính là những trí thức quan chức-cán bộ các cấp trong lĩnh vực hoạt động của họ. Nói chung bộ phận trí thức nhân dân bị giam hãm này nhận thấy rõ bộ mặt thật của tổ chức lãnh đạo-tham nhũng, đu dây trong lĩnh vực của họ và cả bên ngoài, bên trên, họ không chấp nhận tư cách, năng lực chuyên môn của những người trực tiếp “phụ trách” họ, nhưng họ bị cô lập, chia cắt không có khả năng tập hợp thành một lực lượng. Họ có tâm nguyện khác với trí thức đảng, nhưng do bị kìm kẹp họ không dám nói ra, không có khả năng phản kháng. Mặc dù vậy, trong hệ thống ấy họ vẫn là trí thức nhân dân, vì họ vẫn dấn thân trong việc cải tiến, sáng tạo công cụ, cách thức, tổ chức lao động, sản xuất, khoa học, giáo dục, kể cả trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng như cải tiến, chế tạo vũ khí, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học-công nghệ quốc phòng, an ninh v.v.. Tuy nhiên, khả năng, năng lực của họ nói chung bị hạn chế, không thực sự được phát huy, những đóng góp của họ không đáng kể so với khả năng, tiềm năng của họ. Ta không nên gộp họ vào “đội ngũ” trí thức đảng. Họ cần được giải phóng. 

3. Trí thức nhân dân là dấn thân

Với phẩm chất, giá trị, tư tưởng cơ bản là TỰ DO, trí thức nhân dân đương nhiên là người DẤN THÂN, đây cũng là phẩm chất rất quý giá, đặc trưng của họ. Ở trí thức nhân dân tự do và dấn thân là hai giá trị, hai phẩm chất không tách rời nhau. Tuy hai mà là một: TỰ DO-DẤN THÂN. Tự do phải dấn thân và dấn thân là tự do. Hai giá trị-phẩm chất này của trí thức nhân dân hội đủ, kết tinh tất cả những phẩm chất-giá trị khác như trung thực, yêu chuộng chân lý, yêu thương con người, giàu cảm xúc và trí tuệ, trách nhiệm, khiêm nhường, bao dung v.v... Đặc biệt, trong những phẩm chất-giá trị này ta thấy nổi lên là TRÁCH NHIỆM. Thật khó có thể mô tả mối liên hệ mật thiết giữa tự do, dấn thân và trách nhiệm. Có thể viết là TỰ DO-TRÁCH NHIỆM-DẤN THÂN được không? Có thể, nhưng chỉ nói được mối liên hệ bề ngoài của những phẩm chất, giá trị cơ bản này. 

Thực ra trong hai chữ, hai phẩm chất-giá trị tự do và dấn thân đã bao gồm trách nhiệm (nghĩa vụ) rồi. Ở trí thức nhân dân tự do mà không có, không nhằm thực hiện một trách nhiệm nào, thì tự do ấy chẳng có ý nghĩa gì cả, còn trách nhiệm mà không có, không cần dấn thân, thì trách nhiệm ấy chắn hẳn chẳng đáng kể gì. Nhưng thực ra, vì vốn là những người được học hành, đào tạo có bài bản, có lý tưởng, trí thức nhân dân hơn ai hết, biết rõ hệ thống các giá trị và biết lựa chọn ra những giá trị cao quý để theo đuổi, phụng sự, như thế, điều đó cũng có nghĩa là họ hiểu rõ về tương lai, tiền đồ của nhân dân, dân tộc, đất nước. Vì vậy, trí thức nhân dân tự mình hiểu được, tự mình nhận lấy và gách vác trách nhiệm trước nhân dân, dân tộc, đất nước và xa hơn, cả nhân loại. Trách nhiệm ấy rõ ràng là lớn lao và đương nhiên, phải dấn thân và sự dấn thân này cũng rất cao cả. 

Có thể dễ thấy sự dấn thân của trí thức nhân dân là phải chịu những thiệt thòi, có thể thậm chí mất đi cái tương lai, là việc họ sẵn sàng đặt cái tương lai, mà nói chung người ta có thể hiểu về hình thức rằng do được học hành, được đào tạo cao, cho nên trí thức nhân dân hứa hẹn sẽ có một tương lai sán lạn phía trước cho bản thân, vợ con và gia đình họ, sang một bên, để phấn đấu cho những gì còn cao quý hơn, tốt đẹp hơn nữa. Nhưng cái căn bản ở sự dấn thân của trí thức nhân dân không phải thế, mà là ở chỗ họ gánh trách nhiệm lớn lao, nặng nề trước nhân dân, đất nước, giống nòi Việt Nam. Cho nên, họ sẽ phải lao động, đấu tranh rất vất vả để hoàn thành, làm tròn trách nhiệm và do đó, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, con người Việt Nam, cho chính mình. Ở đây có thể có những người phải hy sinh cuộc sống cá nhân, nhưng có những người chưa hẳn đã mất đi điều ấy, trái lại có thể nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc cá nhân. 

Nhưng có vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm và dấn thân có mối liên hệ như thế nào, tại sao ta lại nói chủ yếu về dấn thân? Có một danh ngôn: “Dũng cảm là trách nhiệm được ý thức đến cùng”. Vì như đã nói về dấn thân và dũng cảm ở trên kia, cho nên ở đây “dũng cảm” được hiểu là dấn thân. Nhưng cần hiểu rõ như thế nào là “trách nhiệm được ý thức đến cùng”? Ở đây có thể hiểu theo hai khía cạnh: thứ nhất, nó có nghĩa là một trách nhiệm cụ thể nào đó được hiểu đến nơi đến chốn, biết rõ hệ quả, ý nghĩa của nó, biết rõ tại sao phải làm điều ấy, không thể chối bỏ; thứ hai, nó có nghĩa là khi ý thức đến cùng về trách nhiệm thì phải thấy được trách nhiệm lớn lao, nặng nề của đời mình. Trong cả hai trường hợp ấy người mang trách nhiệm phải dấn thân. Vậy, phải chăng là có trách nhiệm rồi mới dấn thân, hay cụ thể là, nếu như trí thức nhân dân không ý thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình thì liệu họ có thể dấn thân không? Thực ra, vấn đề trở nên khó khăn chính là ở chỗ người ta đã tách trách nhiệm và dấn thân ra khỏi nhau để xem xét, còn trong thực tế chúng không tách rời nhau, chúng là một ở trí thức nhân dân. Vì nếu thiếu những khả năng, sức mạnh bên trong với nghĩa là khả năng dấn thân-dũng cảm, thì người ta không thể hiểu được, chứ chưa nói gì đến sự nhận lãnh trách nhiệm lớn lao. Mặt khác, sau khi trách nhiệm đã được ý thức, được nhận lãnh về mặt ý thức, tư tưởng thì phải có sự thực hiện trong thực tế và chính ở đây dấn thân-dũng cảm là một yếu tố không thể thiếu của việc thực hiện trách nhiệm, nó là cái xuyên suốt toàn bộ sự thực hiện trách nhiệm lớn lao. Như thế, lãnh trách nhiệm có nghĩa là dấn thân và dấn thân có nghĩa là lãnh trách nhiệm. 

Do đó, cần phải hiểu dấn thân của trí thức nhân dân trước hết là trong hoạt động khoa học, lao động-sản xuất. Với tư cách nhà chuyên môn, họ phải đem hết nghị lực để lao động, nghiên cứu khoa học, để có những sáng tạo, phát minh phục vụ lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh, quốc phòng. Trí thức nhân dân hiểu rằng không có dấn thân-dũng cảm thì không thể tiến lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học. Sự dấn thân của họ còn góp phần nâng cao tri thức cho nhân dân về mọi phương diện, nhất là tri thức khoa học. Đặc biệt, về phương diện này cái quan trọng đối với trí thức nhân dân là vươn tới tạo dựng một hệ thống quan niệm, tư tưởng mới, trong đó có những quan niệm, tư tưởng mang tính nền tảng là triết học. Trí thức nhân dân Việt Nam phải có hệ thống tri thức triết học của riêng mình, không thể vay mượn, hoặc bê nguyên si, sao chép, vận dụng sống sượng tư tưởng, lý thuyết nào đó. Đây là nhiệm vụ (trách nhiệm) quan trọng, lớn lao nằm trong một nhiệm vụ lớn lao hơn là đem lại sự giàu có, phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, làm cho đất nước Việt Nam thực sự hùng cường và nó cần phải được chuẩn bị ngay từ giờ và sẽ được thực hiện một cách hoàn toàn tự do sau khi chế độ đảng trị-độc tài bị xóa bỏ, chế độ Tự do-Dân chủ được thiết lập. Rõ ràng, điều này cần sự dấn thân lớn lao của trí thức nhân dân. 

Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, sự dấn thân của trí thức nhân dân còn có một nội dung lớn trực tiếp, đó là dấn thân vì cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ đảng “cộng sản” trị để thiết lập chế độ Tự do-Dân chủ. Tất nhiên, nhiệm vụ này không thể tách rời nhiệm vụ lớn lao lâu dài nói trên. Chính vì ý thức rõ nhiệm vụ gắn với tương lai sán lạn lâu dài của nhân dân, đất nước, mà sự thực hiện nhiệm vụ trực tiếp, sự dấn thân này càng có động lực và sức mạnh lớn lao hơn. Giờ đây sự dấn thân của trí thức nhân dân trước hết là về hiểu biết, để vạch ra những sai lầm, lỗi thời, cả sự thối nát, tàn bạo của chế độ đảng trị, giúp cho nhân dân hiểu rõ điều này, đồng thời giúp họ hiểu được mục tiêu, con đường của họ, hiểu được những quyền con người của họ, giúp cho họ dấn thân-dũng cảm đấu tranh. Mặt khác, trí thức nhân dân sẵn sàng cùng với nhân dân xuống đường đấu tranh, tổ chức cuộc đấu tranh của họ. Trong trường hợp này trí thức nhân dân phải trực tiếp đương đầu với cường quyền bạo lực và vì vậy, họ cần có một nghị lực, ý chí kiên cường khác với nghị lực, ý chí kiên cường trong lao động, nghiên cứu. Chắc chắn với việc bao gồm cả phương diện thứ hai này của sự dấn thân, con người, phẩm giá của trí thức nhân dân mới thực sự hoàn thiện. Ở đây trách nhiệm lớn lao của trí thức được khẳng định rõ ràng, đầy đủ hơn và nó cũng cho phép thực hiện phép so sánh-phân biệt một cách rõ ràng sinh động trí thức nhân dân với tất cả các loại trí thức hiện thời.

Đã có biết bao tấm gương kiên trung, ngoan cường của những trí thức nhân dân trong những cuộc đấu tranh-biểu tình trước đây. Họ không sợ tù đầy, giam cầm tra trấn, họ không sợ đổ máu, hy sinh, luôn là người đi đầu trong những cuộc biểu tình-xuống đường, đấu tranh của nhân dân. Họ là những kỹ sư, chuyên gia, là luật sư, nhà khoa học tự nhiên và các khoa học xã hội, trong các vực kinh tế, xã hội học, văn học-nghệ thuật, quân sự, an ninh, tôn giáo v.v.. Họ là những người, trong đó có những người đi tiên phong, như Trần Độ, Bùi Tín, Hà Sĩ Phu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Việt Khang, Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim, Võ An Đôn, Nguyễn Quốc Quân v.v., trong số họ có những người vẫn đang bị giam cầm trong các nhà tù, bị đối xử rất tàn nhẫn. Họ bị tù đầy chẳng khác gì đầu óc, trái tim của nhân dân bị cầm tù, bị đối xử tàn nhẫn. Đây là âm mưu, kế sách rất thâm độc của chế độ đảng-công an trị. Nhân dân phải tiến hành cuộc biểu tình-đấu tranh mạnh mẽ để giải thoát cho họ khỏi sự giam cầm của chế độ cầm thú, để những trái tim,dòng máu, đầu não ấy được trở về với chính cơ thể nhân dân, dân tộc, để họ có thể giúp nhân dân tiếp tục tổ chức cuộc đấu tranh-xây dựng cho đến thắng lợi cuối cùng. 

Đáng nói là trong số những trí thức nhân dân dấn thân cho cuộc đấu tranh của nhân dân, có cả những người kế cận họ, đó là những thanh niên-sinh viên, thậm chí có cả những thiếu niên-học sinh, với những khuôn mặt trẻ trung, tràn đầy lòng yêu đời và quả cảm. Họ biết noi theo những bậc cha chú, đàn anh, hơn thế, biết tự mình lớn lên. Họ là những người dấn thân có xu hướng trở thành trí thức, thì nhất định sẽ trở thành trí thức nhân dân. Họ trực tiếp báo hiệu, khẳng định rõ ràng tương lai, tiền đồ tươi sáng của nhân dân, dân tộc, giống nòi Việt Nam.

Nếu so sánh với trí thức đảng, lực lượng trí thức nhân dân có lẽ còn nhỏ hơn, mỏng manh hơn về số lượng, nhưng họ không hề yếu, trái lại họ có sức mạnh lớn lao, vì chính nghĩa, lẽ phải, chân lý thuộc về họ. Hơn thế, họ là những người có nhân phẩm-giá trị, tư tưởng đúng đắn, chân chính và cao cả là TỰ DO. Họ không lựa chọn nhân dân, đi theo nhân dân, cũng không phải nhân dân lựa chọn họ, mà họ là bộ phận hợp thành của nhân dân, là bản thân nhân dân, là máu thịt, đầu óc của nhân dân. Đã đến lúc trí thức nhân dân công khai, rõ ràng về mục tiêu, nhiệm vụ trực tiếp của mình là cùng nhân dân xóa bỏ chế độ đảng “cộng sản” trị đối lập, phản bội lại nhân dân, đất nước, giống nòi Việt Nam, nhằm xây dựng chế độ Tự do-Dân chủ, không cần phải úp mở gì nữa, không có nhân nhượng nào nữa. Hiện giờ, lực lượng trí thức nhân dân đang ngày càng trở nên có sức mạnh cả về chất và lượng, đang trở nên có sứ mạnh lớn lao không gì có thể cản nổi. Cụ thể, họ đang làm chủ các phương tiện truyền thông, họ nói lên sự thật, làm chủ sự thật, vạch trần tất cả những gì mà báo chí của đảng tìm mọi cách che đậy như là hành động “tự bịt mồm mình” lại. Vì làm chủ sự thật, phát ngôn cho sự thật, cho nên truyền thông trí thức nhân dân đang thu hút rất nhiều các tầng lớp nhân dân quan tâm hơn bất cứ một tờ báo, phương tiện nào của đảng và vì thế góp phần to lớn nâng cao hiểu biết của nhân dân, chỉ rõ sứ mạng của họ, thúc đẩy họ, đã và sẵn sàng cùng với họ đứng dậy đấu tranh và tin tưởng chắc chắn rằng cuộc đấu tranh của nhân dân sẽ giành thắng lợi. 

Trí thức nhân dân (Phần 1)

Ngày 15 tháng 8 năm 2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo