“Chỗ này đời sống của đồng bào mình thê thảm nhất!” - Dân Làm Báo

“Chỗ này đời sống của đồng bào mình thê thảm nhất!”

Nguyễn Công Bằng (VDF) - “Chỗ này đời sống của đồng bào mình thê thảm nhất!” là lời kết của anh Tưởng Năng Tiến trong thư tường trình chuyến thăm viếng, trợ giúp giáo dục cho mấy trăm trẻ Việt kém may mắn ở tỉnh Pursat, Cambodia - nơi mà ViDan Foundation (VDF) tập trung phần lớn sự trợ giúp từ thiện và giáo dục từ mấy năm qua.

Hành trình chia sẻ tình thương bắt đầu từ làng nổi Kor K’ek thuộc tỉnh Pursat, cách bến đò Kampong Luong khoảng gần 2 giờ đường thuỷ. Đây là chốn tạm dung không thời hạn của hàng ngàn đồng bào có cùng chung hoàn cảnh: Sinh ra trên đất Cambodia nhưng không được cấp giấy khai sinh, không được phép đi học trường công lập, và các thế hệ con cháu cũng phải chịu cùng chung số phận như Ông Cha...

Tại bốn làng này, bên cạnh việc thăm viếng công trình xây dựng trường Việt ngữ An Hoà ở làng Bến Ván, thăm lại ngôi trường nổi Kor K’Ek đã được VDF sửa chữa cùng số bàn ghế học sinh được cung cấp, và thẩm xét nhu cầu xây dựng trường Việt ngữ ở làng Anlung Raing, anh Tưởng Năng Tiến (TNT) đã thay mặt Hiệp hội thăm viếng và tặng tập vở, quà bánh cho học sinh, trẻ thơ hiện diện ở mỗi nơi. 

- Thăm viếng đồng bào và trường Việt ngữ, Miên ngữ ở hai làng Kok K’Ek và Anlung Raing, uỷ lạo quý Thầy Giáo, tặng tập vở, quà bánh cho 161 trẻ. 

- Thăm viếng đồng bào và trường Việt ngữ An Hoà ở làng Bến Ván, Kampong Chhnang, uỷ lạo quý Sư Thầy, tặng tập vở, quà bánh cho 115 trẻ. 

- Thăm viếng đồng bào và trường Việt ngữ Ấp Sáu ở Neak Loeung, uỷ lạo quý Thầy Cô, tặng tập vở, quà bánh cho 150 trẻ. 

Thầy Tâm và anh TNT thăm hỏi, phát quà cho 120 cháu ở làng nổi Kor K’Ek. 

Anh TNT và Sư Minh Trung phát quà cho 115 học sinh làng Bến Ván 

Phát quà cho 150 trẻ ở khu vực trường Ấp 6 Neak Loeung 
(trường do VDF xây dựng năm 2014) 

Bên cạnh việc thăm viếng, tặng quà, anh TNT đồng thời đã thay mặt Hiệp Hội đến thăm hai trường nổi ở Kor K’Ek: Trường Việt ngữ dạy cho hơn 100 trẻ, và trường dạy tiếng Khmer cho hơn 40 trẻ. Đây là địa điểm VDF đã giúp sửa chữa một trường nổi, trang bị 25 bộ bàn ghế mới cho học sinh; và tổ chức phát gạo từ thiện nhiều lần cho hàng ngàn gia đình nghèo. Tương tự như các trường ở Neak Loeung, VDF bảo trợ thù lao hàng tháng cho các Giáo viên, để gia đình các cháu không phải lo lắng tìm tiền trả học phí. 

Với lớp tiếng Khmer vừa được thành lập năm 2018, Thầy Kiên và người con trai đã hết lòng dạy cho hơn 40 cháu học tiếng Khmer --ngôn ngữ người bản xứ. Đây là chủ trương trợ giúp của VDF, muốn giúp cho các cháu có được trình độ căn bản tiếng địa phương để có thể giao dịch mưu sinh trong cuộc sống sau này, tránh bị khinh thường là “đồ dốt chữ”, bị lợi dụng công sức… 

Thầy Kiên và một số học sinh lớp Khmer 
(VDF đã giúp sửa chữa trường này và trang bị bàn ghế) 

Anh TNT và Thầy giáo Kiên (Lớp tiếng Khmer) 

Theo lời anh TNT, “Thầy Kiên rất khiêm nhường, không xin Hội gì ngoài cái bảng đen mới để thay thế cho cái bảng cũ đã bị hư hoại.” Dù vậy, VDF sẽ đáp ứng lời đề nghị của anh TNT về những nhu cầu chính đáng khác ở trường này. 

Tại làng Anlung Raing, anh TNT đã thay mặt Hiệp Hội viếng thăm lớp học của Thầy Trần Đông Xuân, nơi có 41 cháu học sinh đang theo học lớp Việt ngữ. 

Thầy Trần Đông Xuân dạy Việt ngữ từ năm 2008, 
hiện nay lớp có hơn 40 cháu. 

Anh TNT cùng Thầy giáo Xuân và một số cháu học sinh. 

Đến nay, lớp học là ngôi nhà bè của Thầy Xuân. Là người biết chữ Việt và cũng là người thương trẻ, Thầy đã nhận lời mở lớp theo yêu cầu khẩn khoản của 49 gia đình từ năm 2008. Hiện nay lớp Việt ngữ có 41 cháu học sinh ở nhiều lớp tuổi khác nhau; và mỗi ngày Thầy, trò đều phải khòm lưng viết vì chưa có bàn ghế. Theo dự liệu, VDF sẽ cố gắng sắp xếp ngân khoản $5,500 USD để xây dựng một trường dạng nhà bè và trang bị 12 bộ bàn ghế cho học sinh (để Thầy và trò không bị còng lưng, như sự lo lắng của anh TNT). 

Đồng thời Hiệp Hội sẽ cố gắng hỗ trợ hằng tháng cho nỗ lực rất đáng trân trọng của Thầy Xuân, đáp ứng mong đợi lớn lao của số đồng bào đang lưu lạc ở đây: Con cháu được đi học biết chữ, thoát dốt. 

Kết thúc chuyến đi tỉnh Pursat, anh Tưởng Năng Tiến đã kết thúc bản tường trình với nhận định rằng:“Nhìn chung, công việc rất tốt. Anh Ngô Ly và mọi thầy giáo đều hết lòng. Các em đều ngoan cả. Ngoài chuyện hiếu học, tụi nhỏ còn ham đến trường vì có bạn để chơi. Có điều khó là tất cả đều kỳ vọng quá nhiều vào ViDan Foundation… vì ngoài chúng ta thì gần như họ không còn ai khác để mà trông mong nữa!” 

Sau khi hoàn thành chuyến thăm viếng ở tỉnh Pursat, anh Tưởng Năng Tiến đã lên đường đến làng Bến Ván, tỉnh Kampong Chhnang. 

Tại làng Bến Ván, ngôi trường & Chùa An Hoà đã được xây dựng gần xong. Đây là một công trình được khởi xướng bởi nữ Cư Sĩ Diệu Huệ -- một người luôn nhiệt thành không mệt mỏi với những việc giúp Chùa, giúp người nghèo, và đặc biệt là trẻ thơ. 

Đầu tiên là dự án xây dựng một ngôi trường nhỏ tương đối kiên cố để thay thế cho “ngôi trường” vốn là một căn nhà sàn ọp ẹp, khởi sự với một ngân khoản khiêm nhường $7,500 USD, và sau đó là sự hợp sức của ViDan Foundation (từ sự hỗ trợ $10,000 của chị Kim Bintliff). Khi bắt đầu xây dựng, một số Phật tử khác phát tâm đóng góp để xây thêm một tầng nữa làm nơi thờ phượng. 

Trường Việt ngữ An Hoà (cũ) ở làng Bến Ván 
(ngày được hội từ thiện đến phát quần áo, nón…) 

Trường Việt ngữ & Chùa An Hoà (mới) 
đang được xây dựng giai đoạn cuối. 

Công trình nay đã gần hoàn thành song lớp học đã được bắt đầu từ hơn tháng trước. Điều vui khác là theo anh TNT: “Sư Minh Trung rất giỏi trong chuyện giáo dục nên đám trẻ ngoan ngoài sức tưởng tượng.” 

Với sự chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình, đều đặn của nhiều đồng hương đầy lòng nhân ái, Hiệp Hội đã đem đến niềm vui cho hàng ngàn đồng bào đang từng ngày vật lộn vất vả với cuộc sống khốn khổ, đặc biệt là hơn 500 đứa trẻ gần chắc là không có tương lai, tương tự như cuộc đời thấp kém, vất vả triền miên của ông bà, cha mẹ chúng. 

Chuyến đi kết thúc trong sự an lành, và nhà văn Tưởng Năng Tiến đã lên đường tiếp tục hành trình phiêu bạt, chia sẻ tình thương và hy vọng với những đồng bào đang tha phương lạc xứ, trong đó có nhiều bạn trẻ vừa rời đất nước vì không thể ở lại quê nhà. 

Cảm ơn anh TNT đã luôn hết lòng chia sẻ trách nhiệm với anh chị em ViDan Foundation, từ mặt thời gian, công sức đến tài chánh. 

Xin cảm ơn những “email tường trình” và xin ghi nhận những nhận xét, đề nghị của anh, kế cả kết luận cuối cùng: 

“Kết luận của riêng tôi: Trong hoàn cảnh và khả năng hiện tại của Vidan, chỉ cần dồn hết nỗ lực cho làng nổi ở Pursat - với hai cái trường đang có, và một cái sẽ có (chỗ thầy Xuân) là được rồi. Chỗ này đời sống của đồng bào mình thê thảm nhất, cần giúp nhất!” 

Đồng hương muốn xem thêm thông tin về ViDan Foundation xin thăm mạng: www.hoamai.us haywww.vidan.us

Thư từ liên lạc hay chi phiếu ủng hộ cho Hội xin gửi đến: 

ViDan Foundation: PO Box 152486, Austin, TX 78715-2486 

Đồng Hương muốn đóng góp qua hệ thống chuyển ngân PayPal có thể ủng hộ Hội qua địa chỉ email: paypal@vidan.us

Mọi thắc mắc hay hay cần trao đổi, xin vui lòng liên lạc cô Anh Trinh ở số điện thoại: 713-391-9843 hoặc địa chỉ email: lienlac@vidan.us

...Viết theo tường trình công tác của Nhà văn TNT. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo