Nét đặc thù ghê rợn của “Tư tưởng Hồ Chí Minh” trong cái gọi là Báo chí Cách mạng - Dân Làm Báo

Nét đặc thù ghê rợn của “Tư tưởng Hồ Chí Minh” trong cái gọi là Báo chí Cách mạng

Le Nguyen (Danlambao) - Đọc các bài luận văn bình giảng các câu nói, các bài phát biểu được tuyển chọn từ các tác phẩm hư cấu, bịa đặt trong các tác phẩm “Hồ Chí Minh Toàn Tập”, “Văn Kiện Đảng Toàn Tập”, “Văn Kiện Đại Hội Đại Biểu” của các ông bà giáo sư, tiến sĩ của cái gọi là học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ông bà lý luận gia kiêm văn nô, bồi bút của cái gọi là hội đồng lý luận trung ương đảng, Chúng ta sẽ thấy những đoạn văn nâng bi, le liếm làm thành “tư tưởng Hồ Chí Minh” có nội dung “đồng phục” đại loại gần giống nhau như sau: 

“Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng. Từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân dân ngày 25-8-1969. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời, để lại hơn 2. 000 bài báo các loại… về nhiều đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong cũng như hình thức thể hiện, với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.” 

Từ những đoạn văn ca ngợi cuộc đời hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh mang tính “thiên tài” có một không hai trong nền báo chí cách mạng Việt Nam và Hồ được các ông bà trí nô xã nghĩa tuyển lựa nêu ra những điểm nổi bật chuyên chở tư tưởng “xuất sắc” về báo chí gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh cho các cán bộ, đảng viên học tập làm theo. Để rõ thực hư và để có cái nhìn trung thực đánh giá khách quan, chúng ta cùng nhau đọc trích đoạn những lời bình giảng của các tên trí thức xã nghĩa viết về tài làm báo của Hồ, xem các nhận xét ấy có đúng tài năng của Hồ Chí Minh được tâng bốc lơ lửng đến tận đỉnh trời hay không? 

Viết về “tư tưởng Hồ Chí Minh” trong báo chí cách mạng có những đoạn như sau: 

“Có thể nói, văn hóa báo chí trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cái hay, cái đẹp, và là các giá trị bền vững của báo chí cách mạng: 

Thứ nhất, mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. 

“Cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do... Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... 

Thứ hai, báo chí góp phần nâng cao dân trí nhằm hướng tới phát triển con người toàn diện. 

“Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất... Trong báo Đảng có những mục giải thích về: Lý luận Mác - Lênin. Tình hình thế giới và trong nước. Đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và của Chính phủ. Chương trình và kế hoạch của những công tác cấp thiết. Đời sống và ý nguyện của nhân dân. Những kinh nghiệm tốt và xấu của các ngành, các địa phương. Cách học tập, công tác, tự phê bình và phê bình…” 

Thứ ba, xây dựng một nền báo chí cách mạng mang tính nhân dân và tính quần chúng. 

“Ta là cán bộ cách mạng, ta viết và nói cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được... Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân... Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc... Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng” 

Thứ tư, bảo đảm tính trung thực, khoa học nhằm định hướng dư luận vì sự tiến bộ của xã hội. 

“Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ v.v... nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán... Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe... Sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”. 

Thứ năm, quyền tự do báo chí như là một bộ phận của quyền con người. 

“Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận… chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt và tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập... Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng”. 

Thứ sáu, đề cao đạo đức người làm báo. 

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. 

Đọc dàn bài bình giảng có lớp lang thứ tự “tương đối khoa học” của các ông bà lý luận gia tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp, có học hàm giáo sư, tiến, sĩ, thạc sĩ vừa trích dẫn ở trên hay đọc mười bài, trăm bài thì cũng không có nhiều khác biệt... Nói thật đừng buồn, các bài viết bình giảng của các ông bà này chỉ nhiều chữ chứ nội dung không khá hơn các bài luận văn của các em học sinh trung học phổ thông. 

Không chỉ giới thiệu Hồ là bậc thầy viết báo cách mạng, các ông bà lý luận gia, lý thuyết gia kiêm nghề bồi bút bưng bô bằng mồm của tuyên giáo trung ương đảng còn giới thiệu ông Hồ là ông tổ sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam với các tờ báo cụ thể như sau: 

“Le Paria là tờ báo cách mạng đầu tiên do Người sáng lập. Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Sau báo Thanh niên, Người còn sáng lập ra các tờ báo khác như tờ Công Nông ở Trung Quốc, Thân Ái ở Thái Lan, và Người trực tiếp chỉ đạo tờ báo Đỏ, cơ quan của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại Trung Quốc...” 

Thú thật các ông bà tuyên láo giới thiệu “thiên tài” báo chí Hồ Chí Minh như thế là thiếu khách quan chưa đầy đủ, là ém tài Hồ Chí Minh đấy! Các ông bà kể đủ thứ tài viết báo trên trời dưới biển của Hồ Chí Minh, sao không kể chuyện bác lấy bút hiệu Trần Dân Tiên viết “Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch” và lấy bút hiệu T. Lan viết “Vừa Đi Đường vừa Kể Chuyện” để khen Hồ Chủ Tịch khiêm nhường, không muốn nói về mình? 

Cũng như các ông bà quên hay không biết tài bịa đặt, tố điêu của bác qua bài “Địa Chủ Ác Ghê” với bút danh C. B và bài “Giấc Ngũ Mười Năm” với bút danh Trần Lực. Ấn tượng hơn nữa là bác Hồ dạy nhà báo cách mạng viết láo đăng trên tờ báo Cứu Quốc như sau: 

“...Mỗi ngày nên đăng một cái“ bảng vàng, kể một việc oanh liệt trong cuộc kháng chiến. 

Nói vắn tắt, nhưng rõ và ít theo lối tiểu thuyết, chừng 15 đến 20 dòng. Mục đích cốt để nâng cao chí khí kháng chiến của dân, tuy dùng cách... sùng bái anh hùng... Chớ nói tếu quá. Tên người và địa điểm không nói rõ v.v... Thí dụ: 

BẢNG VÀNG 

Những người dũng cảm phi thường
Anh hùng kháng chiến bảng vàng thơm danh. 

Anh L. V. tiểu đội trưởng VQĐ số X, được mệnh lệnh cùng đồng chí K., đi dọ thám mặt trận địch. Tuy giờ tối đêm, hai anh phải cẩn thận bò gần 1 cây số đến gần, địch bắn ra. Anh L. V. bị thương ở gần cánh tay. Anh vẫn cố gắng bò gần nữa, liệng một quả lựu đạn chùy, năm tên địch ngã ra. Anh L. V. mới bò về. Vết thương khá nặng, nhưng anh L. V. nhất định không chịu đi nhà thương. Anh nói rằng: “...Tay trái bị thương, nhưng tay phải của tôi vẫn bắn được... Như anh L. V. thật là một chiến sĩ xứng đáng.” 

Đặc biệt là ngoài tài dạy viết báo láo, Hồ còn có biệt tài phân thân, nghĩa là từ năm 1941-1945 lúc sống ở hang Pác Pó Hồ sáng lập ra và làm tổng biên tập báo Việt Nam Độc Lập. Vậy mà năm 1942-1943 vẫn có một Hồ khác như tề thiên đại thánh phân thân đi tù ở bên Tàu, viết tập thơ Ngục Trung Nhật Ký bằng tiếng Tàu? 

Độc đáo nhất của Hồ Chí Minh, là với tài làm thơ, viết văn sáng lập báo, viết báo làm tổng biên tập báo cả đời với các ngôn ngữ Pháp, Tàu, Thái, Việt... và biết đến 29 thứ tiếng. Vậy mà Hồ phải mất 5 năm để viết di chúc có mấy trang giấy mà cạo sửa, bôi xóa như tờ giấy nháp của em bé tập làm văn với đầy lỗi chính tả... 

Bấy nhiêu đó đủ cơ sở để đánh giá “thiên tài” báo chí cách mạng của Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được mùa nở rộ trong trường phái văn chương minh họa của nước CHXHCNVN. Nhất là, ngày nay người dân Việt Nam có được quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng hay còn tồi tệ hơn thời thực dân, đế quốc? Ngày nay tư tưởng, đạo đức của các ông bà làm báo cách mạng được Hồ dạy dỗ như thế nào rồi?... Có làm báo trung thực đạo đức, vì mục tiêu giải phóng con người và vì tiến bộ xã hội hay chỉ rặt ròng một thứ bưng bô bằng mồm? 

18.09.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo