Bán đảo Sơn Trà - tham vọng của tập đoàn Sun Group và hiểm hoạ môi trường - Dân Làm Báo

Bán đảo Sơn Trà - tham vọng của tập đoàn Sun Group và hiểm hoạ môi trường

Tháng Chín (Danlambao) - Tập đoàn Sun Group (Công ty cổ phần Mặt Trời) trong vài năm trở lại đây là một hiện tượng đình đám trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và bất động sản cao cấp. Với quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, các dự án của Sun Group thu hút nhiều sự chú ý của giới thượng lưu. Tuy nhiên, tại các địa phương mà công ty này xây dựng những quần thể du lịch nghỉ dưỡng, nhiều người lo lắng và phản đối mạnh mẽ vì nguy cơ gây ra thảm hoạ môi trường do việc xây dựng các dự án du lịch sinh thái sẽ phá nát cảnh quan thiên nhiên. Điển hình như tại Đà Nẵng, hai địa điểm khiến những người yêu thiên nhiên, quan tâm đến môi trường lo ngại sẽ bị huỷ hoại bởi Sun Group là bán đảo Sơn Trà và Bà Nà.

Quần thể du lịch Bà Nà Hills đã từng gây tranh cãi trong dư luận về việc dự án này được nhận sự ưu ái đặc biệt từ lãnh đạo trung ương và Đà Nẵng bất chấp những cảnh báo nguy hại về môi trường. Tập đoàn Sun Group đã rất khôn khéo trong việc bỏ tiền ra mua toàn bộ quảng cáo của hệ thống thông tin báo chí tại Việt Nam. Cùng với các bản hợp đồng lên tới hàng chục tỷ đồng, điều kiện đi kèm là thoả thuận rút tin, gỡ bài, giữ im lặng trước những nỗ lực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của những người yêu Đà Nẵng. 

Gần đây nhất, Công viên Đại Dương Sơn Trà (Son Tra Ocean Park), một dự án lớn được phê duyệt tổng mặt bằng từ năm 2013 do Tập đoàn Mặt trời làm chủ đầu tư, sẽ sử dụng 100ha mặt đất và mặt nước nằm trọn trong khu vực mặt biển phía Nam bán đảo Sơn Trà lại được tiếp tục khởi công dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. 

Trong công văn gửi đi ngày 25/10 năm 2018, UBND quận Sơn Trà đã thông báo với Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời về việc "thống nhất chủ trương về việc thi công công trình tạm phục vụ thi công công trình chính" cho thấy khả năng tái khởi động dự án là chuyện đương nhiên.


Tiếp sau động thái này là việc báo chí đưa tin Ban thường vụ Quận ủy Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã họp và thống nhất xóa tên đảng viên đối với ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. 

Ông Huỳnh Tấn Vinh là người đã nhiều lần lên tiếng công khai phản đối những vi phạm trong quy hoạch sẽ tàn phá bán đảo Sơn Trà. Trước đó, Tổng cục du lịch và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có yêu cầu ông thôi chức Chủ tịch Hiệp hội du lịch vì những kiến nghị vượt cấp. 

Những ai yêu Sơn Trà, lá phổi xanh của thành phố Đà Nẵng hẳn còn nhớ nội dung dự án này trùng với một hợp phần của dự án đầu tư phát triển tổ hợp du lịch Nam Hải Vân (thuộc quyền sở hữu của một nhà đầu tư khác). "Việc tiếp tục triển khai dự án này là không phù hợp đối với cả tính chất du lịch sinh thái của khu du lịch quốc gia Sơn Trà, cũng như nguy cơ hình thành 2 sản phẩm tương đồng tại một địa phương dẫn tới việc giảm hiệu quả của hoạt động du lịch” - trích ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong Quy hoạch Sơn Trà. 

Tại sao sau khi nhìn thấy sự bất hợp lý trong quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng và sự không phù hợp của dự án đối với một khu bảo tồn thiên nhiên như Sơn Trà, các quan chức lãnh đạo Đà Nẵng lại tiếp tục khởi động dự án? 

Câu hỏi này cần có sự trả lời của những người có trách nhiệm trong việc quy hoạch và cấp phép cho những dự án du lịch bất chấp hậu quả tàn phá thiên nhiên thật khủng khiếp đã được cảnh báo trước. 

Đà Nẵng đã từng mất Bà Nà, hy vọng trong tương lai sẽ không bị mất luôn lá phổi Sơn Trà, nơi mà loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm trong sách đỏ, nổi tiếng vì vẻ đẹp và sự đáng yêu của chúng đang sinh sống. 

Hãy dừng ngay những hoạt động xâm phạm đến ngôi nhà thiên nhiên bằng hàng chục những dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Đừng để những người như ông Huỳnh Tấn Vinh phải cô đơn khi bảo vệ màu xanh cho thế hệ tương lai. 

25.112018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo