ĐCS kỷ luật nhà khoa học Chu Hảo: Thiếu trí tuệ - sự diệt vong tất yếu của ĐCS (Kỳ cuối) - Dân Làm Báo

ĐCS kỷ luật nhà khoa học Chu Hảo: Thiếu trí tuệ - sự diệt vong tất yếu của ĐCS (Kỳ cuối)

Kỳ cuối: Lịch sử ĐCS là lịch sử loại bỏ tinh hoa, tiêu diệt trí tuệ, nô lệ hoá trí thứ văn nghệ sĩ thành những trí nô, văn nô

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Thời phong kiến, kinh tế Việt Nam hoàn toàn là kinh tế nông nghiệp. Công và thương chỉ có vài phường dệt vải với những khung cửi thủ công. Ở những vùng có núi đá vôi, lác đác vài lò vôi gia đình, nung đá lấy vôi xây nhà. Buôn bán là những gánh hàng xén, vài con thuyền nan chở nông sản của đồng bằng, chở lâm sản của miền núi, chở cá, mắm của miền biển đến phiên chợ quê, đến chốn kẻ chợ. 99% dân số sống bằng nghề nông và nông nghiệp nuôi sống cả nước. Nông nghiệp ở vị trí hàng đầu trong đời sống kinh tế của xã hội phong kiến nhưng bảng giá trị xã hội lúc đó vẫn đưa kẻ sĩ, đưa trí thức lên cao nhất: Sĩ – Nông – Công – Thương.

Bảng giá trị này bất di bất dịch trong hàng ngàn năm. Mấy ông đồ, mấy thầy giáo làng, vì có chữ cũng được dân hết mực trọng vọng, tôn kính. Dẫn con đến nhà thầy xin học, người dân nói với thầy: Cháu xin đến ăn mày chữ thầy để cháu thành người. Phải có chữ, có trí tuệ mới thành người. Bảng giá trị của xã hội nào trước cộng sản cũng đưa kẻ sĩ lên cao nhất. Chỉ đến thời cộng sản, bảng giá trị này mới bị đảo lộn thành: Công – Nông – Binh – Trí. Trí tuệ đứng sau cùng, đứng sau cả người lính công cụ bạo lực. Còn thương nghiệp bị coi là buôn gian bán lận, kinh tế tư bản, chỉ chạy theo lợi nhuận, bị xóa sổ, loại khỏi đời sống xã hội!

Đảng cộng sản Đông Dương ra đời tháng 2 năm 1930. Chỉ bảy tháng sau, tháng chín, năm 1930 những người cộng sản đã làm cuộc bạo loạn Xô Viết Nghệ Tĩnh đẫm máu để xóa sổ bảng giá trị Sĩ – Nông – Công – Thương khi những người cộng sản kích động, tập hợp những người nông dân, tay cầm gậy gộc giáo mác, miệng gào thét: Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ, tràn vào huyện đường, tỉnh đường, tràn vào nhà giàu, xông cả vào nhà thầy giáo, đập phá tài sản, lùng bắt trí, phú, địa, hào lôi ra giết.

Quân bạo loạn kéo đến huyện đường Nghi Lộc, Nghệ An. Trong huyện đường có một đội lính lệ hơn ba mươi quân bảo vệ an ninh trong huyện nhưng tri huyện Tôn Thất Hoàn không đưa quân ra đối đầu với những người nổi dậy sẽ gây đổ máu. Ông cùng một viên lục sự tay không ra gặp những người nông dân. Quan huyện Nghi Lộc Tôn Thất Hoàn cùng viên lục sự liền bị những mũi giáo, những lưỡi mác của lòng hận thù mù quáng xả thây, chặt đầu.

Trong cách mạng tháng tám năm 1945 nhiều trí thức hàng đầu của đất nước như Phạm Quỳnh đã bị những người sôi sục hận thù giai cấp, một phẩm chất cộng sản hàng đầu, thủ tiêu vô cùng hèn hạ. Gần hai trăm ngàn người dân miền Bắc Việt Nam bị xử bắn trong cải cách ruộng đất giữa thế kỷ hai mươi, phần lớn là những người ưu tú nhất, tài năng nhất trong sản xuất kinh doanh, làm ra của cải cho xã hội. Nhiều người đã có những đóng góp vô cùng to lớn, đóng góp sức người, đóng góp xương máu, đóng góp tiền bạc và tài sản cho cuộc kháng chiến chống Pháp của đảng cộng sản như bà Nguyễn Thị Năm đã bị xử bắn ngay khi mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, cuộc nhảy múa của bóng đêm, của ác quỉ.

Những người bị nạn trong những vụ án ngụy tạo, Vụ Xét lại chống đảng, vụ Nhân Văn – Giai Phẩm đều là những nhân cách kẻ sĩ, những đảng viên trung thực hiếm hoi của đảng cộng sản như Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Vịnh... Đều là những trí thức lớn không phải chỉ của Việt Nam mà còn của cả loài người như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường. Là những nghệ sĩ tài năng, những tinh hoa quí hiếm của nền Văn hiến Việt Nam như Trương Tửu, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao,...

Hung thần Sáu Búa Lê Đức Thọ ngụy tạo ra vụ án Xét lại chống đảng. Nhà cách mạng chuyên nghiệp Trường Chinh cùng nhà thơ tên Lành mà lòng dạ độc ác cộng sản dàn dựng ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm đều là những lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản. Tội ác của họ không phải chỉ loại bỏ, đày đọa hàng trăm trí thức uyên bác, văn nghệ sĩ có tài đến chết rũ xương trong tù, đến thân tàn ma dại trong đời mà còn giết chết tư duy sáng tạo của cả đội ngũ những người có mặt trong cuộc đời chỉ với sứ mệnh duy nhất là sáng tạo. Đảng cộng sản đã biến những người có sứ mệnh sáng tạo chỉ còn là những trí nô, văn nô, những thư lại nịnh thần, vô liêm sỉ.

Hơn 100 hội viên hội Nhà Văn Việt Nam ở Sài Gòn mỗi kì ra Hà Nội họp đại hội đều được thành ủy miền đất Bến Nghé giàu có cho tiền vé máy bay đi về, lại cho mỗi nhà văn thêm một triệu tiền tiêu vặt. Trước khi các nhà văn bay ra Hà Nội, thành ủy gặp gỡ, chúc tụng và đãi bữa tiệc tiễn lên đường lai kinh. Trong lần phó bí thư thành ủy Nguyễn Văn Đua gặp gỡ, tiễn các nhà văn ra Hà Nội dự đại hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ 8, năm 2010, một ông nhà văn già, nhỏ thó, hom hem và nhợt nhạt như một mẩu củi mục, vốn là giáo sư dạy văn ở trường đại học sư phạm, cũng là người lớn tuổi nhất trong cuộc gặp, đứng lên giọng run run xúc động: “Sự lãnh đạo của đảng chính là sự định hướng của thành ủy. Chúng tôi rất cần có sự định hướng kịp thời, đúng lúc của đảng. Mong thành ủy dành thời gian để mỗi năm cho chúng tôi được gặp thành ủy đôi lần, lắng nghe thành ủy!” Nhà văn đích thực là văn hóa, là kẻ sĩ. Kẻ sĩ là tâm hồn và khí phách của một dân tộc. Khí phách nhà văn Việt Nam sau trận đòn Nhân Văn – Giai Phẩm là như vậy đó, năn nỉ xin được gặp đảng để được đảng dạy bảo. Sau kì đại hội Nhà Văn Việt Nam lần đó, tôi đã từ bỏ mọi sinh hoạt, mọi tiếp xúc với hội nhà văn nài nỉ xin sự dạy bảo của đảng cộng sản. 

Độc quyền lòng yêu nước của người dân. Độc quyền cả chân lý của cuộc sống, đảng cộng sản tự coi nghị quyết xơ cứng, giáo điều của đảng là tuyệt đối đúng. Coi cuộc sống phong phú, sinh động diễn ra không đúng với nghị quyết xơ cứng của đảng là cuộc sống sai trái, vi phạm, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Trong khi sự sống là tự diễn biến, tự phát triển không ngừng. Chỉ những vật trưng bày trong viện bảo tàng không còn sự sống mới không tự diễn biến. Hiền tài và trí tuệ hiếm hoi của đảng không chịu bó mình trong nghị quyết xơ cứng cũng bị đảng trừng trị. Bảy mươi ba năm cầm quyền, ngoài những chiến dịch rầm rộ đấu tố, hãm hại, loại bỏ hàng loạt trí tuệ, tài năng của đất nước như vụ Xét Lại, vụ Nhân Văn còn có hai lần đảng cộng sản ra tay trừng trị, loại bỏ hiền tài của đảng muốn cứu đảng ra khỏi sai lầm về kinh tế, muốn cứu đảng ra khỏi tăm tối, bế tắc về tư tưởng triết học. Hai lần cách nhau 52 năm, năm 1966 và năm 2018 nhưng sự loại bỏ hiền tài thì vẫn độc đoán và hèn hạ như nhau.

Cung cách làm ăn tập thể, làm ăn bầy đàn của hợp tác xã nông nghiệp đã giết chết sự cần cù, sáng tạo, những phẩm chất quí báu nhất làm ra hạt lúa của người nông dân. Thâu tóm tư liệu sản xuất của nông dân, hợp tác xã nông nghiệp biến người nông dân từ người chủ đồng ruộng, thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương với cây lúa thành những viên chức hành chính làm thuê cho hợp tác xã, ngày hai buổi nghe tiếng kẻng cắp nón ra đồng nhởn nhơ đợi tiếng kẻng báo hết giờ làm việc lại cắp nón về. Mặc cây lúa loi thoi, xơ xác giữa đám cỏ xanh tốt bời bời. Cung cách làm ăn đó cũng giết chết luôn cả nền nông nghiệp miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nạn đói khủng khiếp của năm 1945 đã thập thò ló mặt trên khắp nông thôn miền Bắc. Năm đó 1966, cuộc chiến tranh mà đảng cộng sản phát động ở miền Nam đang tới đỉnh điểm, quyết định thắng thua. Nạn đói xảy ra. Hậu phương rối loạn. Người lính ngoài mặt trận cũng không còn sức chiến đấu.

Đúng lúc đó, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc sáng tạo ra hình thức quản lý sản xuất nông nghiệp mới: Khoán hộ. Giao ruộng và khoán sản phẩm cho từng hộ nông dân. Nhà nước vẫn quản lý được con người, tư liệu sản xuất và sản phẩm nông nghiệp mà sức sản xuất được giải phóng. Người nông dân lại được làm chủ mảnh ruộng nuôi sống mình, lại thức khuya dậy sớm, lại một nắng hai sương, vắt mồ hôi, dồn tình cảm, chắt chiu sự cần cù và trí sáng tạo vào mảnh ruộng khoán. Cả tỉnh Vĩnh Phú năng suất lúa tăng vọt. Nhà nhà ấm no. Không cần đôn đốc, người dân vui sướng, mau lẹ nộp đủ thóc nghĩa vụ. Cung cách làm ăn mới mang lại sức sống cho cây lúa Vĩnh Phú làm nhiều nơi khác trên miền Bắc như Hải Phòng cũng học theo và cánh đồng lúa Hải Phòng đã bội thu.

Nhưng giao ruộng cho người nông dân là giao tư liệu sản xuất cho tư nhân, là trái với học thuyết Mác, trái với chủ nghĩa xã hội, trái với nghị quyết của đảng. Những cái đầu giáo điều đứng đầu đảng cộng sản coi chủ nghĩa Mác phản tự nhiên, phản con người còn quan trọng hơn, cần thiết hơn sự ấm no của người dân và sự giầu mạnh của đất nước. Với lí luận Mác Lê nin sắt máu, với lập trường giai cấp rạch ròi, nhà cách mạng chuyên nghiệp Trường Chinh đã đánh tan tác đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Nay nhà cách mạng chuyên nghiệp Trường Chinh lẫm liệt trong giáp sắt lí luận Mác Lê, tay cầm lá cờ lệnh đó chói đấu tranh giai cấp lại xuất trận chặn đứng khoán hộ ở Vĩnh Phú. Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc phải làm kiểm điểm và tự nhận "có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ". Đồng đất Vĩnh Phú lại thuộc sở hữu của hợp tác xã. Cây lúa Vĩnh Phú lại xác xơ cùng cây lúa cả miền Bắc. Người dân Vĩnh Phú lại đói deo đói dắt cùng người dân cả miền Bắc.

Mãi đến năm 1988, khi đảng cộng sản phải chấp nhận kinh tế thị trường, chấp nhận kinh tế tư nhân để cứu vãn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ thảm hại, khoán hộ trong nông nghiệp của bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc mới lại được thực hiện ở hình thức triệt để hơn trên cả nước. Từ cảnh phải nhập hạt bo bo, thứ hạt nuôi heo ở xứ người về nuôi dân Việt Nam, khi người nông dân lại được làm chủ mảnh ruộng của mình, Việt Nam lập tức trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Nhưng khi đó hiền tài Kim Ngọc đã chết trong đau buồn 18 năm rồi!

Chủ thể của nông nghiệp là người nông dân. Người nông dân phải được làm chủ mảnh ruộng của mình, nông nghiệp mới khấm khá. Chủ thể của đất nước Việt Nam là người dân Việt Nam. Người dân phải làm chủ đất nước của mình, đất nước mới giầu mạnh. Độc quyền chính trị, coi đất nước là của riêng đảng, coi dân chỉ là bầy nô lệ, giáo điều và sắt máu, đảng cộng sản đang đưa đất nước đến những thảm họa như thảm họa nông nghiệp thời hợp tác xã lụn bại năm 1966.

Trên con đường chạy đua kinh tế, Việt Nam đang bị các nước bỏ lại phía sau ngày càng xa lắc xa lơ. Đất nước đang ngày càng tan hoang bởi sự xâu xé, vơ vét, tàn phá của các nhóm lợi ích được sự thao túng của đảng cộng sản. Khi đảng cộng sản đã đặt đảng lên trên đất nước, đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc, coi sự sống còn của đảng còn cần thiết hơn sự sống còn của giống nòi thì đảng đã trở thành nhóm lợi ích lớn nhất, nguy hại nhất, mờ ám nhất, quyền uy nhất nên cũng khốn nạn nhất: Nhóm lợi ích làm ra pháp luật, đứng trên pháp luật vơ vét của cải, tài nguyên của nước, mồ hôi, xương máu của dân cho một nhóm người nhân danh đảng. Đất nước đang ngày càng chìm sâu vào đêm tối của bất công, bạo lực và tham nhũng. Người dân ngày càng bị áp bức về tinh thần, bóc lột về vật chất và thân phận nô lệ ngày càng bị trói chặt bởi chằng chịt những bộ luật tước đoạt quyền con người, quyền công dân của người dân mà bộ luật cướp đoạt man rợ nhất quyền con người của người dân là luật An Ninh Mạng.

Như bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc nhận ra làng quê Vĩnh Phú của ông xác xơ nghèo đói là do người nông dân không được làm chủ mảnh ruộng của mình. Trái tim con người Chu Hảo cũng đau thắt khi con mắt nhà khoa học Chu Hảo nhận ra đất nước Việt Nam thân yêu đang tan hoang, đang bị xâm lăng đe dọa, người dân Việt Nam đang chịu bao cay đắng cơ cực, bất công vì người dân không được làm chủ đất nước. Lập nhà xuất bản Tri Thức, xuất bản những cuốn sách mang ánh sáng dân chủ, dân quyền, nhà khoa học Chu Hảo không phải chỉ nhằm thức tỉnh người dân về quyền con người, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh, thịnh suy của nước. Là đảng viên cộng sản, nhà khoa học Chu Hảo chủ trương cho Tri Thức xuất bản tủ sách Tinh Hoa còn hướng tới đảng của ông về trách nhiệm lịch sử với dân với nước. Muốn đi tới nền văn minh công nghiệp, nước nào cũng phải đón nhận triết học khai sáng, giải phóng cá nhân, nhìn nhận quyền con người, quyền công dân của người dân, trả lại quyền làm chủ đất nước cho người dân. Triết học ánh sáng ở châu Âu thời phục hưng thế kỷ 17, giải phóng con người, tách cá nhân khỏi bầy đàn dẫn đến cách mạng tư sản dân quyền thế kỷ 18, long trọng khẳng định quyền con người, quyền công dân, quyền tư hữu tài sản, đưa châu Âu vào thời công nghiệp phát triển rực rỡ suốt mấy trăm năm cho đến tận hôm nay.

Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền đang làm điều ngược lại. Đầu thế kỷ 20, nước mất, dân nô lệ nhưng Tự Lực Văn Đoàn và Thơ mới đã ghi nhận một dấu mốc lịch sử: cái Tôi cá nhân không còn lẫn trong đám đông. Cái Tôi cá nhân đã tách ra khỏi bầy đàn, đã có mặt trong cuộc đời và được xã hội nhìn nhận. Một thế kỷ sau, đầu thế kỷ 21, nước độc lập nhưng trong nhà nước cộng sản độc tài với những điều 109, điều 116, điều 331 của bộ luật hình sự và luật An Ninh Mạng, cái Tôi cá nhân đã bị xóa bỏ! Không có cái Tôi cá nhân, cũng không có quyền con người, không có quyền công dân, không có quyền tư hữu. Đó là bước thụt lùi thảm hại, đau đớn, nhục nhã của dân tộc, của lịch sử Việt Nam và đảng cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm.

Xuất bản tủ sách Tinh Hoa, nhà khoa học là đảng viên cộng sản Chu Hảo trước hết đã mang triết học khai sáng đến giúp những người lãnh đạo đảng của ông nhận ra ánh sáng tư tưởng mà dân tộc nào, đất nước nào muốn đi tới văn minh công nghiệp đều phải tiếp nhận. Xuất bản tủ sách Tinh Hoa, nhà khoa học Chu Hảo đã mang ánh sáng văn minh nhân loại cứu đảng của ông đang lạc lõng, bế tắc trong tăm tối triết học Mác Lê nin sai lầm và tội ác. Như hiền tài Kim Ngọc cứu đảng về kinh tế nông nghiệp thời hợp tác xã nông nghiệp lụn bại năm 1966.

Với “Khoán hộ”, hiền tài Kim Ngọc đã cứu đảng cộng sản về kinh tế nhưng Kim Ngọc đã bị đảng kiểm điểm. Phải nhận "có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ" với đảng và xin rút khỏi chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú nhưng với những người thân cận chí cốt bên ông, người cộng sản hiếm hoi thực sự vì dân Kim Ngọc vẫn tha thiết nhắc nhở: Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình. Không thể bỏ khoán hộ. Bỏ khoán hộ là đói. Phải tìm mọi cách duy trì dưới mọi hình thức khác nhau. Nhà khoa học Chu Hảo xuất bản tủ sách Tinh Hoa đã cứu đảng của ông về tư tưởng. Nhưng ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đã luận tội và đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật ông. Không thể để những rô bốt không tim, không óc xúc phạm danh dự con người, nhà khoa học Chu Hảo tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản. Hai tuần sau khi nhà khoa học Chu Hảo đã ra khỏi đảng, đảng cộng sản vẫn cố làm việc hèn hạ là khai trừ ông và dùng truyền thông, dùng những rô bốt đấu tố ông.

Từ nửa sau thế kỷ 20, loài người đang liên tiếp tiến những bước thần kì trong những cuộc cách mạng của trí tuệ. Bắt bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc phải nhận “sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ" cũng như kỷ luật khai trừ đảng nhà khoa học Chu Hảo vì xuất bản những cuốn sách mang trí tuệ khai sáng, đảng cộng sản đang dấn sâu vào tội ác với nhân dân, với lịch sử Việt Nam, tội ác chống lại văn minh nhân loại. Bền bỉ và quyết liệt loại bỏ hiền tài và trí tuệ trong đảng, đảng cộng sản đang tự diệt vong trước khi bị nhân dân và thời đại ném vào sọt rác lịch sử.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo