Người Nha Trang có thể làm gì với những tập đoàn phá hoại môi trường? - Dân Làm Báo

Người Nha Trang có thể làm gì với những tập đoàn phá hoại môi trường?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Từ năm 2016 đến năm 2018, Nha Trang (Khánh Hoà) liên tục hứng chịu lũ lụt. Thành phố ven biển vốn yên ả, hiền hoà nay chìm ngập trong nước chỉ sau vài trận mưa to. Đã có người chết vì sai phạm từ các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép vô tội vạ. Lụt ngay trên đảo, giữa biển là hậu quả tất yếu do xẻ núi, bạt đồi, phá rừng, san lấp biển. Họ - những người có quyền chức, có tiền của đã phá hoại môi trường tự nhiên ra sao?

Xét về vị trí địa lý Nha Trang vốn được các dãy đồi, núi bao bọc vòng quanh thành phố. Đây được xem là một trong những yếu tố chắn gió, tạo sự yên bình cho thành phố biển hàng chục năm qua. Nhưng hiện nay, với sự cấp phép vô tội vạ các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp đã phá nát sự bảo bọc của thiên nhiên.

Dự án biệt thự đồi Marina Hill (thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) gây sạt lở uy hiếp tính mạng của người dân (1).

Dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú bị vỡ hồ chứa nước trên núi khiến 4 người trong một gia đình tử vong (2). Và còn gần chục dự án khác đã và đang báo chí nhắc đến.

Phía Bắc thành phố, khu vực Hòn Rùa với dự án “nghiên cứu trồng rừng” đang róc sạch cây xanh để xây resort. Bờ biển Hòn Chồng đang bị bồi lấp không thương tiếc bởi dự án Công viên văn hoá giải trí Nha Trang Sao. Hòn Đỏ - vốn được xem là cù lao xanh với ngôi chùa Từ Tôn nằm ven bờ nay cũng lọt vào tầm ngắm của các doanh nhân chuyên làm giàu từ resort (3).

Đáng kể  tên nhất trong số những chủ đầu tư huỷ hoại cảnh quan Nha Trang là tập đoàn VinGroup - chủ đầu tư Vinpear Land. Đây là tập đoàn nhận được nhiều ưu ái nhất tỉnh Khánh Hoà trong việc đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Với chỉ đạo từ Bộ Chính trị, cộng với sự tham lam, ngu dốt của nhiều lãnh đạo tỉnh, khu vực đảo Hòn Tre gần như trở thành cứ địa bất khả xâm phạm của VinGroup. 

Từ trước đến giờ, khó có thể tìm thấy các thông tin tiêu cực về VinGroup trên báo đảng, bởi đội ngũ truyền thông của tập đoàn này làm việc rất hiệu quả bằng các hợp đồng quảng cáo khổng lồ được ký kết với hầu hết các báo từ trung ương đến địa phương. Đơn cử như đài Truyền hình Quốc gia VTV, báo Tài Nguyên Môi Trường - cơ quan ngôn luận của Bộ TNMT đến báo Khánh Hoà... tất cả đều im lặng.

Tháng 11/2018 sau một đợt mưa kéo dài, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp VinPearl chìm trong mưa lũ. Trên trang Du lịch Nha Trang có chia sẻ một số hình ảnh lũ lụt tại Vinpearl Nha Trang.

Nguồn hình : Page Du lịch Nha Trang 
Nguồn hình : Page Du lịch Nha Trang 
Nguồn hình : Page Du lịch Nha Trang 
Nguồn hình : Page Du lịch Nha Trang 
Nguồn hình : Page Du lịch Nha Trang 
Vốn quen với việc bịt miệng truyền thông, VinGroup đã cử người liên hệ “nhờ vả”, “nhắc nhở” admin Page Du lịch Nha Trang hạ hình, gỡ bài. Trong quá khứ, đã từng xảy ra việc VinGroup nhờ công an “làm việc” để một Facebooker phải hạ bài đăng của mình về việc thú chết ở Safari Phú Quốc.
 Ảnh chụp màn hình Facebook Page Du lịch Nha Trang

VinGroup đã sử dụng đồng tiền để mua sự im lặng, để sai khiến những người có quyền lực bảo kê cho mình. Cứ như vậy, họ nghiễm nhiên tàn phá môi trường, làm giàu từ cảnh quan thiên nhiên vốn là của chung của mọi người dân.

Là người Nha Trang chúng ta nên làm gì với các tập đoàn như VinGroup?

Tôi nghĩ, đã đến lúc hãy mở chiến dịch, kêu gọi sự đoàn kết và chung tay điểm mặt những thủ phạm phá hoại môi trường để không chỉ người dân Việt Nam biết đến sự xấu xa của các tập đoàn và cả thế giới cũng cần phải biết để quay lưng với các dịch vụ của họ.

08.01.2019


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo