Chiến thắng Đống Đa - Dân Làm Báo

Chiến thắng Đống Đa


Đinh Yên Thảo (Danlambao) - Tết năm nay, không chỉ những người con dân Bình Định sẽ tổ chức kỷ niệm 230 năm Chiến Thắng Kỷ Dậu 1789, tức chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào ngày Mồng Năm Tết hàng năm, mà những người con Việt khắp mọi nơi cũng cùng nhau ôn lại trang sử cũ của cha ông để nhắc nhở tinh thần bất khuất của dòng giống Tiên Rồng trước giặc ngoại xâm từ bao đời.

Sử xưa viết lại rằng, 230 năm trước, đời vua Càn Long hưng thịnh nên lại lăm le xâm chiếm Đại Việt. Nương theo lời cầu viện của vua Lê bấy giờ là Lê Chiêu Thống muốn dẹp nhà Tây Sơn đang trấn giữ phía Nam, quân Mãn Thanh do Tổng Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn binh sang nước ta. Trước thế giặc mạnh, quân Tây Sơn rút quân về lập hàng phòng ngự tại núi Tam Điệp chờ lịnh.
Nghe tin cấp báo, từ Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lập đàn tế lễ lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung để có thể hiệu triệu muôn dân cùng đồng lòng tiến quân ra Bắc diệt giặc ngoại xâm. Trong chiếu lên ngôi vua có đoạn:

"Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần gầy dựng cho đến ngày nay, thánh minh dấy lên không phải là một họ, nhưng thịnh suy, dài ngắn, vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được. Trước đây Nhà Lê mất triều chính, họ Trịnh và cựu Nguyễn chia bờ cõi. Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giềng mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này vậy. Vả lại mấy năm gần dây, Nam Bắc gây việc binh đao, người dân rơi vào chốn bùn than. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm, về phần đại huynh (Nguyễn Nhạc) có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương, mấy nghìn dặm đất về phương Nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ tài đức không bằng người xưa, mà đất đai thì rộng, người dân thì nhiều, ngẫm nghĩ cách thống trị, lo ngay ngáy như dây cương mục chỉ huy sáu ngựa. Nay xem khí thần rất hệ trọng, ngôi trời thật khó khăn, trẫm chỉ lo không kham nổi, nhưng ức triệu người trong bốn bể đều xúm quanh cả vào thân trẫm, đó là ý trời đã định, không phải do người làm ra. Trẫm nay ứng mệnh trời, thuận lòng người không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường. Trẫm chọn ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung năm đầu, truyền bảo cho trăm họ muôn dân phải tuân theo giáo lệnh của nhà vua. Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người, trẫm nay cùng dân đổi mới, vâng theo mưu mô sáng suốt của vua thánh đời trước, lấy giáo hóa trị thiên hạ" (Hàn Các Anh Hoa - Ngô Thì Nhậm). 

Chiêu mộ binh sĩ, tích trữ quân lương, cắt đặt các đạo binh, vua Quang Trung xuống lịnh tiến quân thần tốc ra Bắc. Đêm 30 Tết từ Tam Điệp, sau khi đã cho quân lính ăn Tết sớm, vua Quang Trung truyền lịnh tấn công và hẹn cùng ba quân sẽ ca khúc khải hoàn tại Thăng Long thành vào mồng Bảy Tết. 

Câu chuyện còn lại theo sử sách là đại binh Tây Sơn lần lượt giành những chiến thắng liệt oanh, từ trận diệt đồn Gián Khẩu, Hà Hồi, Ngọc Hồi cho đến Khương Thượng, tức chiến thắng Đống Đa, buộc tướng Sầm Nghi Đống của quân Thanh phải treo cổ tự vẫn vì thất thủ. Đến Mồng Năm Tết, vua Quang Trung đã vào đến thành Thăng Long, sớm hơn dự định cả hai ngày. Tôn Sĩ Nghị cùng tàn quân phải cuống cuồng, hỗn loạn, cởi bỏ cả ấn tín, tháo chạy về phương Bắc. Vua quan nhà Lê cũng tìm đường bôn tẩu, chạy theo về Tàu. Chiến thắng Đống Đa ghi thêm vào trang sử Việt về ý chí chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi của những bậc tiền nhân. 

Để hiểu hơn về nhà Tây Sơn cùng chiến thắng Đống Đa này, chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh sự ra đời của phong trào Tây Sơn như thế nào. 

Nước Đại Việt ta lúc bấy giờ trên danh nghĩa thuộc về cuối đời triều Hậu Lê nhưng thực chất thì quyền bính và sự thao túng đã nằm trong tay những quyền thần là Chúa Trịnh ngoài Bắc, gọi là Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn cát cứ trong Nam, tức Đàng Trong. Cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn chia đôi đất nước với những cuộc chính chiến đã kéo dài hàng trăm năm trước đó. Đàng Ngoài thì vua Lê nhu nhược, chính sự nằm trong tay chúa Trịnh nên tướng lười quân kiêu, gây nhũng nhiễu, hà sách dân chúng. Đàng trong thì phía Chúa Nguyễn cũng chẳng hơn, triều chính lại rơi vào quyền thần Trương Phúc Loan tham lam vơ vét, ra sưu cao thuế nặng làm bất mãn người dân. Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục có nhận xét về thời kỳ chúa Nguyễn rằng, "từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa - dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lược, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau. Họ coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng..." 

Sau những cuộc khởi nghĩa thất bại ở cả hai đàng, khi anh em nhà Tây Sơn dấy nghĩa tại Tây Sơn, Bình Định thì được người dân ủng hộ nhờ ngọn cờ chính nghĩa và quân pháp nghiêm minh của phong trào. Tây Sơn lần lượt dẹp được chúa Trịnh đàng ngoài và đuổi chúa Nguyễn xuống tận phía Nam. Sử sách còn lưu danh những đại thắng ngoại bang như trận Rạch Gầm đại phá quân Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đã tiến vào nước ta theo lời cầu viện chúa Nguyễn ở trong Nam và chiến thắng Đống Đa quân Mãn Thanh ở phía Bắc như nói trên. Chỉ tiếc rằng triều đại Tây Sơn kết thúc năm 1802, sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, triều chính bị chia rẽ và Quang Toản kế vị khi còn quá nhỏ, bị Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long tiêu diệt, mở ra một trang sử mới của nước Việt. 

Công trạng vua Quang Trung và nhà Tây Sơn được nhắc lại khác nhau, tùy theo từng góc nhìn và giai đoạn lịch sử. Dù triều Nguyễn xem nhà Tây Sơn như quân phản loạn, hệt như từng xem những cuộc khởi nghĩa của người dân từ thời Trịnh-Nguyễn nhưng người dân vẫn xem anh em ông cùng những tướng tài Tây Sơn như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Đô Đốc Tuyết, Đô Đốc Lộc hay các danh sĩ Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp... là những người có công với dân tộc và là triều đại bảo quốc an dân nên lập bia tượng, miếu thờ và tưởng niệm cho đến nay. Dựa theo chiếu chỉ lên ngôi đã trích dẫn bên trên thì hiệu Quang Trung có thể hiểu theo ý nghĩa là “ánh sáng của trung chính, nhân nghĩa”. 

Quả thật, cuộc dấy binh nhà Tây Sơn có thành công vì cũng đã hợp lòng dân giữa lúc những kẻ nắm quyền nhũng nhiễu người dân, tham lam vơ vét và trông cậy ngoại bang. Nó thành công vì quy tụ được tinh thần yêu nước của người dân trước sự lâm nguy của sơn hà xã tắc. Ngày Tết cùng ôn lại trang sử cũ để hỏi nhau rằng, câu chuyện về nhà Tây Sơn dấy nghĩa có còn giá trị thời cuộc? 

Giới trẻ nghĩ gì, khi người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ xưng vua cứu nước cũng chỉ vừa tuổi 35? Há không phải đất nước Venezuela xa xôi hiện nay đang lặp lại trang sử nước Nam ta? 

08.02.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo